Tại buổi họp báo về việc thực hiện Đề án giãn dân phố cổ Hà Nội ngày
16/1, lãnh đạo Ủy ban Nhân dân quận Hoàn Kiếm cho biết dự án đầu tư xây
dựng khu nhà ở giãn dân phố cổ quận Hoàn Kiếm tại khu đô thị mới Việt
Hưng, quận Long Biên, sẽ được triển khai từ tháng 3.
Dự án này gồm 4 dự án cấu phần. Thứ nhất, dự án xây dựng hệ thống giao
thông và hạ tầng kỹ thuật đô thị khu nhà ở giãn dân phố cổ, dự kiến tổ
chức khởi công xây dựng vào tháng Ba và hoàn thành vào quý III năm 2017.
Thứ hai, dự án xây dựng hạ tầng xã hội khu nhà ở giãn dân dự kiến khởi
công xây dựng vào tháng 3/2015 và hoàn thành vào quý IV năm 2015.
Thứ ba, dự án xây dựng công trình hỗn hợp (trung tâm thương mại, văn
phòng, nhà ở, dịch vụ khác) dự kiến triển khai đấu giá vào quý II năm
2015 và bàn giao cho nhà đầu tư trúng giá tổ chức thực hiện dự án. Thứ
tư, dự án xây dựng nhà ở giãn dân thực hiện từ đầu quý III năm 2015 và
hoàn thành vào quý IV năm 2017.
Riêng dự án xây dựng nhà ở giãn dân gồm 16 tòa nhà cao 8-9 tầng và các
tuyến đường giao thông nội bộ khu nhà ở, đáp ứng cho 1.530 hộ dân phố cổ
di dời sang. Nguồn vốn đầu tư của dự án này lên đến 5.000 tỷ đồng, sử
dụng vốn ngoài ngân sách.
Trong quý 2 năm 2015, quận Hoàn Kiếm sẽ tiến hành các thủ tục lựa chọn
nhà đầu tư tham gia thực hiện dự án, trình Ủy ban Nhân dân thành phố Hà
Nội quyết định. Sau khi ứng vốn xây dựng dự án, nhà đầu tư sẽ bán nhà
cho người dân để thu hồi vốn.
Dự án đầu tư xây dựng khu nhà ở giãn dân phố cổ tại khu đô thị mới Việt
Hưng được thiết kế khác với các khu đô thị khác để phù hợp với cuộc sống
người dân phố cổ. Cụ thể, toàn bộ tầng 1 sẽ dành cho người dân làm chỗ
kinh doanh, đảm bảo cho 39% hộ dân có chỗ bán hàng tiếp tục duy trì cuộc
sống. Ngoài ra, dự án quy hoạch thêm một số tuyến phố chuyên kinh
doanh, không gian sinh hoạt cộng đồng, không gian xanh theo thiết kế
thân thiện môi trường.
Theo ông Dương Đức Tuấn, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân quận Hoàn Kiếm, đề án
giãn dân phố cổ là một chủ trương lớn của Hà Nội để giảm mật độ dân cư
khu vực phố cổ từ 832 người/ha xuống còn 500 người/ha đến năm 2020. Đề
án góp phần cải thiện môi trường đô thị, cải thiện đời sống người dân
phố cổ, bảo tồn các di tích và kiến trúc có giá trị trong khu phố cổ Hà
Nội.
Theo số liệu khảo sát của Ủy ban Nhân dân quận Hoàn Kiếm, hiện có 533 hộ
dân với 1.856 nhân khẩu sống tại 131 điểm thuộc các di tích, công sở,
trường học. Đây là nhóm đối tượng giãn dân bắt buộc, giải phóng mặt bằng
theo cơ chế chính sách của thành phố. Ngoài ra, có 3.720 hộ với 5.963
nhân khẩu sống tại 790 biển số nhà là các nhà ở có giá trị cần được bảo
tồn, tôn tạo, nhà đông hộ, nhà nguy hiểm, chung cư cũ cần được di
chuyển.
Ông Lâm Quốc Hùng, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân quận Hoàn Kiếm cho biết,
Quận đã xây dựng cơ chế đảm bảo quyền lợi cho người dân khi di chuyển
sang nơi ở mới. Nếu hộ nào không đủ điều kiện tài chính có thể thuê nhà,
hoặc di chuyển đến nơi khác và sẽ được quận hỗ trợ và quản lý chặt chẽ
tránh trường hợp quay trở lại nơi ở cũ.
Cũng theo ông Lâm Quốc Hùng, hiện rất nhiều người dân tại phố cổ đang trông chờ dự án này để có cuộc sống mới tốt hơn./.
Theo TTXVN