Thứ Bảy, 28/9/2024
Đời sống
Thứ Bảy, 28/6/2014 8:57'(GMT+7)

Hà Nội tôn vinh 137 gia đình văn hóa tiêu biểu đồng bào dân tộc thiểu số

Các gia đình này thuộc dân tộc Mường, Tày, Dao, Mông, Nùng, Cao Lan, Giáy, Chăm, Hoa… có đóng góp tích cực trong việc xây dựng gia đình văn hóa, phát triển kinh tế, ổn định chính trị và trật tự xã hội tại địa phương. Cụ thể, các gia đình đoàn kết giúp đỡ nhau phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, giữ vững an ninh trật tự, an toàn xã hội, tạo sự tin tưởng cho nhân dân. Đặc biệt, các gia đình luôn lưu giữ các giá trị truyền thống của gia đình Việt Nam, sống hòa thuận, con cháu thảo hiền, ông bà cha mẹ mẫu mực.

Điển hình như gia đình anh hùng La Văn Cầu (dân tộc Tày) quận Bắc Từ Liêm là gia đình cách mạng, tích cực tham gia các phơng trào đoàn thể khu vực tổ dân phố. Gia đình ông Sùng Mí Cự (dân tộc M’mông) ở quận Thanh Xuân luôn chấp hành tốt các chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, đoàn kết với mọi người, nhiều năm liền đạt danh hiệu Gia đình văn hóa. Gia đình ông Hoàng Văn Vân (dân tộc Mường) ở huyện Quốc Oai thường xuyên tuyên truyền cho bà con biết cách làm ăn, chấp hành đúng pháp luật, xóa bỏ tệ nạn, vận động các gia đình khá giả hỗ trợ những gia đình nghèo, thắt chặt tình đoàn kết trong dân. Gia đình ông Đặng Ngọc Thanh (dân tộc Dao) ở quận Ba Đình liên tục đạt danh hiệu gia đình văn hóa từ năm 2003 đến nay. Gia đình ông Cao Văn Xoang (dân tộc Mường) ở huyện Mỹ Đức cũng là một gia đình văn hóa tiêu biểu, bởi ông Xoang có hơn 50 tuổi Đảng, là cán bộ hưu trí làm công tác Đảng, công tác mặt trận, gần 20 năm làm Chi hội trưởng Người cao tuổi có uy tín. Gia đình bà Nông Thị Duyên ở quận Ba Đình nhiều năm liền đạt danh hiệu gia đình văn hóa, bản thân bà Duyên được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu Mẹ Việt Nam anh hùng...

Hiện, trên địa bàn Hà Nội có gần 6,8 vạn người dân tộc thiểu số thuộc 37 thành phần dân tộc, cư trú ở tất cả các quận, huyện, thị xã; trong đó đại bộ phận là dân tộc Mường. Đồng bào dân tộc thiểu số sống tập trung ở 14 xã thuộc huyện Ba Vì, Thạch Thất, Quốc Oai, Mỹ Đức và Chương Mỹ. Thành phố Hà Nội luôn xác định việc thực hiện tốt chính sách dân tộc là nhiệm vụ chính trị quan trọng, ban hành nhiều chủ trương, cơ chế chính sách để phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô nói chung và vùng đồng bào dân tộc thiểu số nói riêng. Trong giai đoạn 2013 - 2015, dự tính có khoảng 186 công trình dự án với tổng số vốn trên 2.000 tỷ đồng. Nhiều chương trình, dự án đầu tư và chính sách đặc thù cho các xã vùng dân tộc miền núi, nhất là các xã đặc biệt khó khăn; do đó đời sống kinh tế xã hội và đời sống vật chất, tinh thần của vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi của Hà Nội từng bước được cải thiện rõ rệt./.

Theo TTXVN
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất