Trong buổi sáng, thí sinh tham gia khảo sát môn môn
Ngữ văn, thời gian 120 phút. Buổi chiều, thí sinh thi môn Toán với hình
thức trắc nghiệm trong 90 phút.
Ngày mai (16/3), thí sinh thi bài
thi tổ hợp Khoa học tự nhiên buổi sáng, chiều thi ngoại ngữ. Ngày 17/3,
các em làm bài tổ hợp Khoa học xã hội buổi sáng.
Lãnh đạo Sở GD-ĐT Hà Nội nghiêm túc kiểm tra công tác coi thi.
|
Theo
ông Phạm Quốc Toản, Phó trưởng phòng Quản lý thi - Kiểm định chất lượng
(Sở Giáo dục-Đào tạo Hà Nội), đợt khảo sát này sẽ được tổ chức giống
như kỳ thi THPT Quốc gia để học sinh tập dượt, làm quen.
Việc tổ
chức kiểm tra, chấm bài thi khảo sát sẽ đảm bảo nghiêm túc, theo đúng
quy chế của kỳ thi THPT quốc gia. Sau khi có kết quả kiểm tra của các
cụm thi gửi về, Sở Giáo dục-Đào tạo (GD-ĐT) Hà Nội sẽ tổ chức chấm thẩm
định xem các trường chấm như thế nào.
Năm
2017, trước sự đổi mới phương thức thi THPT quốc gia với phần lớn môn
thi trắc nghiệm, thành phố Hà Nội cũng tổ chức kiểm tra khảo sát, cho
học sinh làm quen dần với cách thi mới. Kết quả, kỳ thi THPT quốc gia
năm trước, học sinh thủ đô chiếm số lượng bài thi đạt điểm 10 nhiều nhất
cả nước, với 621 bài. Hơn 99,3% số học sinh đỗ tốt nghiệp THPT.
|
Ông
Toản cũng cho biết, kết quả khảo sát sẽ có phân tích, đánh giá số liệu
gửi về các trường, là kênh thông tin để các trường, cha mẹ học sinh,
thầy cô giáo thấy được chất lượng đào tạo thực chất.
“Chúng tôi
tổ chức kiểm tra khảo sát cho học sinh lớp 12 trên địa bàn toàn thành
phố, để các em tập dượt về các kỹ năng chuẩn bị thi, đặc biệt là chuẩn
bị cho các em tâm lý thi với các bài thi, cách tổ chức thi giống như
cách thức tổ chức thi sắp tới mà Bộ GD-ĐT tạo quy định. Đây cũng là kênh
thông tin để chúng tôi nắm bắt chất lượng giáo dục của các nhà trường,
để các nhà trường điều chỉnh, bổ sung, hỗ trợ cho các em học sinh. Qua
đó, cha mẹ học sinh cũng nắm được tình hình học tập của con em mình để
có hướng giúp đỡ thêm, quản lý tốt hơn công việc học tập của con em
mình”- ông Toản nói.
Với đợt “tổng duyệt” cho kỳ thi THPT quốc
gia 2018 này, Sở Giáo dục-Đào tạo (GD-ĐT) Hà Nội chịu trách nhiệm ra đề
kiểm tra khảo sát theo nội dung chương trình quy định, bám sát cấu trúc,
mức độ đề thi của kỳ thi THPT quốc gia.
Không
khí làm bài khẩn trương như ở một kỳ thi thật dù theo hướng dẫn của Sở
GD-ĐT Hà Nội không lấy kết quả kỳ khảo sát làm vào điểm kiểm tra định
kỳ.
|
Theo cô Trần Thùy Dương, Phó
hiệu trưởng trường THPT Chu Văn An, thực hiện hướng dẫn chung của Sở
GD-ĐT Hà Nội, điểm thi khảo sát lớp 12 trường Chu Văn An đã chuẩn bị hết
sức nghiêm túc: “Trước khi diễn ra kỳ khảo sát, chúng tôi đã tổ chức
hướng dẫn cho các em học sinh học tập quy chế thi như một kỳ thi thật
đồng thời tổ chức học tập quy chế thi cho các giám thị coi thi. Các em
học sinh đều thấy đây là một kỳ thi cần thiết để rèn luyện kỹ năng làm
bài. Các em không còn bỡ ngỡ, lúng túng và cũng bớt đi áp lực khi bước
vào kỳ thi thật.
Với
trường, khi các em bước vào một đề thi chung của thành phố, chúng tôi
cũng được so sánh tương quan khả năng học sinh của mình với các học sinh
toàn thành phố, từ đó chúng tôi có đích phấn đấu để rèn luyện các thí
sinh làm bài thi chưa được như mong muốn”.
Theo
quan sát của phóng viên, các phòng thi đều được bố trí 2 giám thị cùng 1
giám thị hành lang. Mỗi phòng thi có khoảng từ 20-30 học sinh. Với phạm
vi kiến thức kiểm tra khảo sát gồm nội dung chương trình giáo dục lớp
11 và lớp 12 THPT, trong đó tập trung chủ yếu ở chương trình lớp 12
(theo kế hoạch dạy học tính đến hết ngày 10/3/2018), đây thực sự là một
đợt tập dượt quan trọng của các học sinh lớp 12 tại Hà Nội cho kỳ thi
quan trọng sắp tới.
Nhận xét chung của các em học sinh sau buổi thi Ngữ văn là đề thi vừa sức, có cả phần kiến thức của lớp 11 và 12.
|
Sở
GD-ĐT hướng dẫn các trường không bắt buộc phải lấy điểm khảo sát làm
điểm chính thức của học sinh. Tùy theo điều kiện từng trường, trung tâm,
có thể sử dụng kết quả làm điểm kiểm tra thường xuyên, tuyệt đối không
lấy vào điểm kiểm tra định kỳ.
Theo dự kiến, chậm nhất ngày 31/3, sẽ có kết quả khảo sát từ các trường gửi về Sở GD-ĐT.
Mỗi
học sinh hệ THPT sẽ làm 4 bài kiểm tra, trong đó có 3 bài bắt buộc là
Toán, Ngữ văn, tiếng Anh và 1 bài kiểm tra tự chọn là Khoa học tự nhiên
(tổ hợp các môn Vật lý, Hóa học, Sinh học) hoặc Khoa học xã hội (tổ hợp
các môn Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân). Riêng học viên học chương
trình giáo dục thường xuyên cấp THPT dự thi 3 bài, trong đó có 2 bài bắt
buộc (Toán, Ngữ văn) và một bài tự chọn khoa học tự nhiên (tổ hợp các
môn Vật lý, Hóa học, Sinh học) hoặc khoa học xã hội (tổ hợp các môn Lịch
sử, Địa lý).
|
Lê Sơn/Báo Tin tức