Hà Nội là một trong 12 tỉnh, thành trên cả nước được Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch lựa chọn triển khai thực hiện thí điểm Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình.
Ngày 9/9, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội tổ chức Lễ phát động triển khai thực hiện thí điểm Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình tại xã Phú Cường, huyện Ba Vì.
Chương trình huy động cán bộ, nhân dân xã Phú Cường, huyện Ba Vì phát huy các giá trị văn hóa gia đình truyền thống với xây dựng gia đình trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa; thực hiện mục tiêu xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ hạnh phúc, thực sự là tổ ấm của mỗi người, là tế bào lành mạnh của xã hội.
Hà Nội là một trong 12 tỉnh, thành trên cả nước được Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch lựa chọn triển khai thực hiện thí điểm Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình.
Thành phố đã chọn phường Khương Trung, quận Thanh Xuân và xã Phú Cường, huyện Ba Vì để triển khai thí điểm.
Bà Bùi Thị Thu Hiền, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội cho biết, để thực hiện hiệu quả Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình, các cấp ủy Đảng, chính quyền, nhân dân xã Phú Cường cần tiếp tục phát huy các giá trị văn hóa, truyền thống xứ Đoài, tập trung tuyên truyền bộ tiêu chí với nhiều hình thức phong phú, phù hợp trên hệ thống loa truyền thanh, pano, áp phích, băngrôn...
Xã Phú Cường thường xuyên tổ chức các hoạt động sinh hoạt cộng đồng gắn việc thực hiện bộ tiêu chí với việc bình xét danh hiệu văn hóa và thực hiện hai bộ quy tắc ứng xử của thành phố.
Đồng thời, xã cần nâng cao chất lượng hoạt động của các mô hình Phòng chống bạo lực gia đình, Câu lạc bộ cha mẹ, Câu lạc bộ gia đình phát triển bền vững; nhân rộng các mô hình gia đình phát triển bền vững như gia đình làm kinh tế giỏi; gia đình nhiều thế hệ chung sống mẫu mực; gia đình hiếu học.
Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình với các quy định chung là tôn trọng, bình đẳng, yêu thương, chia sẻ cùng 4 tiêu chí ứng xử cụ thể giữa: vợ với chồng; cha mẹ với con, ông bà với cháu; con với cha mẹ, cháu với ông bà; ứng xử giữa các anh, chị, em.
Các tiêu chí này nhằm góp phần xác định, từng bước đưa vào cuộc sống các chuẩn mực giá trị đạo đức, văn hóa con người Việt Nam trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế; củng cố ý thức pháp luật, đề cao đạo đức, lương tâm, trách nhiệm của mỗi người với bản thân, cộng đồng, xã hội, đất nước, ngăn chặn sự xuống cấp về đạo đức trong gia đình, xã hội.
Đồng thời, các tiêu chí cũng góp phần nâng cao nhận thức về xây dựng, giữ gìn hạnh phúc bền vững của mỗi gia đình, hướng tới sự ổn định, văn minh cho toàn xã hội.
Thực tế cho thấy, gia đình là nơi hiện hữu và hài hòa các mối quan hệ ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu chắt… liên kết với nhau bằng tình cảm và huyết thống. Gia đình tồn tại, phát triển phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó có sự gắn bó các mối quan hệ giữa các thành viên với nhau. Mối quan hệ trong gia đình lại có nền tảng từ sự ứng xử giữa các thành viên trong gia đình.
Dưới tác động của cơ chế thị trường trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế, mối quan hệ giữa các thành viên gia đình có biểu hiện ngày càng lỏng lẻo; một số giá trị đạo đức hiếu nghĩa, thủy chung có biểu hiện xuống cấp đã làm cho nhiều gia đình Việt Nam đứng trước nguy cơ bất ổn, trực tiếp tác động đến hạnh phúc bền vững./.
Theo TTXVN