SƠ LƯỢC LỊCH SỬ PHÁT TRIỂN CỦA BIẾM HỌA
Trên
thế giới, khái niệm “Biếm họa” có nguồn gốc từ tiếng Ý, đó là
“caricare”, được hiểu là một hình ảnh hiển thị cho thấy chủ đề của nó
được tác giả thể hiện bằng phương pháp tối giản hoặc phóng đại hình ảnh
thông qua bút pháp bố cục và tạo hình.
Ở
một khía cạnh khác, biếm họa còn được hiểu, đó là một hình thức minh
họa, hoạt hình điển hình theo phong cách phi thực tế hoặc bán thực tế.
Sự phát triển của biếm họa qua mỗi thời đại thông qua những cách thức
biểu đạt khác nhau, bằng các phương pháp thể hiện thủ công hoặc ứng dụng
các kỹ thuật công nghệ hiện đại. Đề tài mà biếm họa đề cập đến là các
sự kiện, vấn đề nảy sinh hằng ngày trong đời sống xã hội. Hình thức thể
hiện của một tác phẩm biếm họa có thể là một hình ảnh độc lập hoặc một
chuỗi hình ảnh liên hoàn có tính châm biếm, hài hước. Tác giả sáng tạo
biếm họa thường được gọi là họa sĩ biếm.
Biếm
họa có từ thời Trung cổ ở các nước phương Tây. Ban đầu, biếm họa đơn
giản chỉ là một bức họa với những hình ảnh bị bóp méo, trừu tượng, ngộ
nghĩnh, được họa sĩ vẽ trên những tấm thảm che cửa sổ kính của ngôi nhà.
Leonardo
da Vinci là một họa sĩ toàn năng người Ý. Ông được cho là “cha đẻ” của
biếm họa hiện đại ở Phương Tây. Ông có những ý tưởng phát minh vượt
trước thời đại như: máy bay trực thăng, xe tăng, dù nhảy, sử dụng hội tụ
năng lượng mặt trời, máy tính, sơ khảo lý thuyết kiến tạo địa hình, tàu
đánh kép, chế biến kim loại, giải phẫu học, thiên văn học, xây dựng dân
dụng, quang học, nghiên cứu về thủy lực…
Hai
họa sĩ vẽ biếm nổi tiếng ở Anh thế kỷ 18 là Thomas Rowlandson và James
Gillray. Rowlandson là một họa sĩ sáng tạo tác phẩm luôn lấy cảm hứng từ
công chúng, còn Gillray thì lại là họa sĩ quan tâm nhiều đến những tác
phẩm châm biếm các thói hư, tật xấu trong đời sống chính trị, nhất là
các chính trị gia. Năm 1805, tác phẩm biếm họa của James Gillray châm
biếm Pitt và Napoleon đã được bầu chọn là tác phẩm nổi tiếng nhất trong
các biếm họa chính trị ở Anh lúc đó.
Honore
Daumier là một họa sĩ biếm nổi tiếng ở Pháp vào cuối thế kỷ 19. Ông đã
sáng tạo ra hơn 4.000 bức họa in thạch, trong đó hầu hết là biếm họa.
Các tác phẩm của ông chủ yếu đề cập đến các chủ đề về chính trị - xã hội
đương thời và được đăng tải trên các nhật báo của Pháp như: Le Charivari, La Caricature…
Sebastian
Kruger là họa sĩ người Đức. Ông được biết đến với những tác phẩm biếm
họa với bút pháp bóp méo, làm biến dạng khuôn mặt của những người nổi
tiếng, thể hiện bằng chất liệu sơn acrylic. Các tác phẩm của ông được
độc giả tạp chí The Times rất yêu thích, trong đó nổi bật là tác phẩm The Rolling Stones. Các tác phẩm biếm họa của ông được đăng nhiều nhất trên tạp chí Playboy, Stern, Leespresso, Penthouse, Der Spiegel, USA Today…
Ở
Việt Nam, vào thế kỷ 15, thời nhà Lý, những bức tranh có ý nghĩa châm
biếm, đả kích các thói hư, tật xấu của xã hội xuất hiện trong dòng tranh
Đông Hồ. Điển hình của biếm họa dân gian đó là các tác phẩm như: Đánh ghen, Đám cưới chuột…(1).
Đầu
thế kỷ 20, một số họa sĩ nổi tiếng của Việt Nam như Nguyễn Tường Tam,
Lê Minh Đức, Nguyễn Gia Trí đã xây dựng hình ảnh nhân vật Bang Bạnh, Lý
Toét, Xã Xệ đăng trên các báo như: Phụ nữ Thời đàm, Phong hóa, Ngày nay…
Các nhân vật này được các họa sĩ sáng tạo ra với mục đích mượn hình mẫu
đại diện để châm biếm, đả kích xã hội đương thời, không từ bất kỳ đẳng
cấp nào(2).
Chủ
tịch Hồ Chí Minh là nhà báo lớn. Bác là người thầy vĩ đại của nền báo
chí Cách mạng Việt Nam. Trong cuộc đời hoạt động cách mạng của mình,
Người đã sáng tạo rất nhiều tác phẩm báo chí, văn chương, nghệ thuật với
ngôn ngữ viết và họa hình, trong đó có các tác phẩm biếm họa. Điển
hình, có thể kể đến rất nhiều tác phẩm biếm họa nổi tiếng của Người được
đăng tải trên báo Le Paria, Pháp cũng như báo chí xuất bản thời kỳ hoạt
động bí mật trong và ngoài nước.
Một tác phẩm biếm họa của Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh.
Chủ tịch Hồ Chí Minh được xem là “cha
đẻ” của biếm họa trên báo chí Cách mạng Việt Nam. Trong cuốn Bác Hồ một tình yêu bao la
(Nhà xuất bản Kim Đồng, 2010), có chi tiết viết, cụ Vũ Đình Huỳnh kể,
trong dịp Hội nghị Fontainebleau ở Pháp, Bác đến thăm người bạn cũ là
danh họa Picatxo. Hai người trò chuyện, cùng vẽ tranh. Khi chia tay,
Picasso nhận xét tranh của Bác và những bức biếm họa đăng trên tờ Le
Paria, rằng: “Chỉ mấy nét vẽ này ta đã thấy một tư tưởng, một tâm hồn đẹp tàng ẩn bên trong”. Họa sĩ Picatxo nói thêm: “Nếu như anh tiếp tục con đường hội họa thì biết đâu đấy, cũng có thể sẽ có một Nguyễn Ái Quốc họa sĩ”(3).
BIẾM HỌA - SỨC MẠNH VÀ GIỚI HẠN
Biếm
họa là thể loại biểu đạt thông tin trực quan. Nó có khả năng tác động
nhanh đến nhận thức của công chúng qua thị giác, dễ làm cho công chúng
thay đổi nhận thức, thái độ và hành vi. Ví dụ, để phòng chống tệ nạn xã
hội, bên cạnh những bài viết, chương trình phát thanh, cuốn sách, tờ rơi
tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách nhằm giảm các tệ nạn, thì
việc sử dụng những bức biếm họa châm biếm, đả kích các tệ nạn này sẽ
rất hiệu quả, vì nó dễ tác động vào thị giác công chúng.
Trong lĩnh vực tuyên truyền cổ động, biếm họa là một hình thức biểu đạt có sức mạnh riêng có. Trên báo chí, biếm họa được coi là một thể loại tác phẩm “kiệm lời” nhất, nhưng “nói ít, hiểu nhiều”. Nó có sức mạnh đặc biệt trong đấu tranh, phê phán những thói hư tật xấu trong xã hội, nhất là những sự kiện, vấn đề nóng bỏng, dư luận xã hội quan tâm.
|
Biếm
họa trên báo chí là hình thức tác phẩm được họa sĩ sáng tạo dựa trên cơ
sở các phương pháp tạo hình, kết hợp với các nguyên tắc truyền thông.
Biếm họa trên báo chí đã và đang tạo nên phong cách của nhiều tờ báo và
các họa sĩ.
Biếm
họa trên báo chí có sức mạnh là vậy, nhưng nó cũng dễ gặp những phiền
toái, nhất là khi các họa sĩ biếm đi quá giới hạn của sự tự do ngôn luận
để châm biếm, đả kích, gây ra các mâu thuẫn lợi ích, thậm chí là tạo ra
sự thù hận, khủng bố, nhất là những đề tài thể hiện về các vấn đề chính
trị, tôn giáo, dân tộc, văn hóa, đời tư.
Một ví dụ điển hình của sự vượt quá giới hạn trong sáng tạo biếm họa, đó là năm 2006, báo Jyllands Posten
của Đan Mạch bị người theo đạo Hồi phản ứng gay gắt, đe doạ khủng bố,
với lý do đã đăng bức biếm họa xúc phạm đến nhà tiên tri Mohammed. Đỉnh
điểm của sự quá giới hạn này là ngày 7-1-2015, trụ sở tờ tuần báo châm
biếm, trào phúng Charlie Hebdo của Pháp đã bị tấn công khủng bố sau khi Ban Biên tập của tờ báo này đã cho đăng lại bức biếm họa nhà tiên tri Mohammed từ tờ Jyllands Posten
của Đan Mạch đã đăng trước đó. Bức biếm họa trên đã gây nên sự phẫn nộ
của thế giới Hồi giáo. Các tổ chức Hồi giáo đã kiện tờ báo này vì sự xúc
phạm, phỉ báng tôn giáo. Ông Jacques Chirac - Tổng thống Pháp lúc bấy
giờ đã phải yêu cầu các cơ quan báo chí tránh đăng tải các bài viết,
hình ảnh “khiêu khích, đụng chạm” đến người Hồi giáo. Cựu Thủ tướng
Jean-Marc Ayrault cũng kêu gọi tờ tuần báo Charlie Hebdo kiềm chế khi đăng nhiều hình ảnh biếm họa về nhà tiên tri Mohammed. Vụ tấn công khủng bố ngày 7-1-2015 tại tòa soạn tuần báo Charlie Hebdo đã làm 12 người thiệt mạng, trong đó có Tổng biên tập và 3 họa sĩ biếm nổi tiếng của Báo.
CHÚ TRỌNG SỬ DỤNG BIẾM HỌA TRONG TRUYỀN THÔNG
Biếm
họa hiện được sử dụng phổ biến trong hoạt động tư tưởng văn hóa với
chức năng tuyên truyền, cổ động, châm biếm, đả kích các thói hư, tật
xấu, đồng thời nó còn có sức mạnh to lớn góp phần đấu tranh phòng chống
nạn tham nhũng, tiêu cực trong xã hội.
Ở nước ta hiện nay có một số ấn phẩm báo chí chuyên sâu về trào phúng, châm biếm như: Tuổi trẻ Cười (Bán nguyệt san của báo Tuổi trẻ), Học trò Cười (Phụ san của báo Thiếu niên Tiền phong). Trước đây, báo Nông thôn Ngày nay cũng đã xuất bản ấn phẩm Làng Cười…
Những ấn phẩm này được nhiều công chúng yêu thích, đặc biệt là thể loại
biếm họa.
Bên cạnh các ấn phẩm chuyên sâu về châm biếm, trào phúng, các
tờ báo in cũng rất chú trọng xây dựng chuyên mục biếm họa. Ví dụ, báo Tuổi trẻ có chuyên mục Góc biếm họa; báo Sài Gòn Giải phóng có chuyên mục Biếm họa; báo Quân đội nhân dân Cuối tuần duy trì chuyên mục Câu lạc bộ Chiến sĩ, dành góc đăng tải tranh vui, tranh phê bình; báo Lao Động trước đây cũng có chuyên mục tranh liên hoàn với tên gọi là “Liên tu bất tận”, “Góc biếm”; báo Nhân Dân cũng thường xuyên đăng biếm họa trên Nhân Dân Cuối tuần hoặc số Tết…
Trong nhiều năm qua, Thông tấn xã Việt Nam phối hợp với Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức trao Giải Biếm họa Báo chí Việt Nam mang tên Cúp Rồng Tre.
Đây là hoạt động rất ý nghĩa, khuyến khích các cơ quan báo chí, họa sĩ
biếm coi trọng sử dụng thể loại riêng có, đầy sức chiến đấu này. Nhiều
họa sĩ biếm đương đại được độc giả biết đến với bút danh và phong cách
vẽ như: Ớt (Huỳnh Bá Thành), Nguyễn Nghiêm, Mạnh Quỳnh, Văn Thanh, Phạm
Tấn Phú, Trần Quyết Thắng, Phạm Văn Tư, LET (Lê Viết Trí), Choé (Nguyễn
Hải Chí), Lý Trực Dũng, Vĩnh Bò Cạp (Vĩnh Hữu), Còm (Nguyễn Hữu Khoa),
DAD, NOP, LEO, LAP (Lê Anh Phong), Nguyễn Tài, Nhím, Hùng Dingo, Cò Lả
(Đào Thanh Hưng), Cận, Nhím, Đức, Hà Huy Chương, Phượng Ớt (Hà Huy
Phượng)…
Có
thể khẳng định, mỗi bức biếm họa, dù chỉ chiếm một diện tích nhỏ trên
mặt báo, nhưng nó lại tạo ra sức mạnh to lớn về mặt truyền thông. Những
sự kiện, vấn đề thời sự được các họa sĩ biếm chú ý đến nhiều hơn, vẽ
nhanh hơn. Các tòa soạn cũng kịp thời in ấn, đăng tải trên các sản phẩm
báo chí nhanh hơn. Trong thời đại truyền thông thị giác được đề cao,
công chúng có nhu cầu xem hình ảnh hơn là đọc một bài viết dài. Những
tác phẩm biếm họa sẽ càng có chỗ đứng và khẳng định giá trị, sức mạnh
riêng có của nó trong truyền thông.
Tác phẩm "Tìm trách nhiệm" của Hà Xuân Nồng
Ngày
nay, các họa sĩ có nhiều lợi thế về kỹ thuật, công nghệ hỗ trợ để sáng
tạo tác phẩm biếm họa. Kỹ thuật đồ họa máy tính với những phần mềm giúp
họa sĩ thể hiện nhanh các tác phẩm biếm họa với tính thẩm mỹ cao so với
phương pháp thể hiện truyền thống, được tạo ra trên giấy. Thay vì phương
pháp sáng tạo biếm họa đơn giản, thể hiện không gian 2 chiều, các họa
sĩ biếm có thể ứng dụng kỹ thuật đồ họa cao để sáng tạo các tác phẩm
biếm họa với hình ảnh sống động ở không gian 3 chiều hoặc biếm họa động
bằng video.
Tuy
nhiên, để có được những tác phẩm biếm họa phát huy được sức mạnh vốn
có, các họa sĩ biếm không chỉ có tài năng về nghệ thuật tạo hình mà còn
phải có nhãn quan chính trị đúng đắn, nhạy bén với thời cuộc. Các họa sĩ
biếm cũng phải có kiến thức, hiểu biết xã hội sâu rộng, kỹ năng truyền
thông chuyên nghiệp. Đặc biệt, các họa sĩ biếm không được “quên” vấn đề
bản quyền và sở hữu trí tuệ cũng như kiến thức về luật pháp và đạo đức
của người sáng tạo biếm họa./.
_____________________________
(1) Nguyễn Sĩ Toàn: Một cách tiếp cận nội dung bức tranh Đánh ghen, http://vanhien.vn.
(2) Lý Trực Dũng: Lý Toét - Xã Xệ - Hai “siêu sao” của biếm họa Việt Nam, http://thethaovanhoa.vn.
(3) Nguyễn Phong: Nét vẽ biếm của Bác Hồ trên báo, http://qdnd.vn.
PGS. TS. Hà Huy Phượng
Học viện Báo chí và Tuyên truyền
______________________________
(Bài đăng trên Tạp chí Tuyên giáo số 8/2019)