Trong quá trình xây dựng Đề án thí điểm quản lý theo mô hình chính quyền đô thị, việc đổi mới và tăng cường mối quan hệ giữa cấp ủy, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và các cấp chính quyền là nội dung được thành phố Hà Nội đặc biệt quan tâm, nhằm giữ vững vai trò lãnh đạo của Đảng, phát huy quyền làm chủ của nhân dân; nâng cao hiệu lực, hiệu quả của chính quyền đô thị, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong bối cảnh đô thị hóa và quá trình hội nhập quốc tế diễn ra mạnh mẽ.
Đáp ứng đòi hỏi từ thực tiễn
Ở nước ta hiện nay, chính quyền ở các đô thị được tổ chức theo Luật Tổ chức chính quyền địa phương 2015. Trên cơ sở quy định của pháp luật hiện hành, các đô thị ngày càng khẳng định vị trí, vai trò quan trọng trong hệ thống các đơn vị hành chính trên nhiều lĩnh vực. Tỷ trọng đóng góp của các đô thị cho sự tăng trưởng kinh tế của cả nước ngày càng lớn, nhất là hai “đầu tàu kinh tế” là Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.
Thời gian qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô Hà Nội đã nghiêm túc tổ chức thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TW, ngày 06-01-2012 của Bộ Chính trị, đạt nhiều kết quả. Diện mạo thủ đô có nhiều thay đổi, ngày càng khang trang. Tuy nhiên, bên cạnh những tiến bộ đáng ghi nhận, công tác quản lý nhà nước của chính quyền thành phố Hà Nội đang bộc lộ những thiếu sót, yếu kém nhất định, làm hạn chế sự phát triển của thủ đô. Mô hình tổ chức và thực tiễn quản lý, điều hành ngày càng tỏ ra bất cập so với yêu cầu, nhiệm vụ của quản lý nhà nước ở đô thị lớn. Vai trò quyết định và giám sát của hội đồng nhân dân các cấp chưa được phát huy đúng mức. Năng lực quản lý điều hành, tổ chức thực hiện của ủy ban nhân dân các cấp còn nhiều yếu kém. Việc tổ chức cung cấp các dịch vụ công lúng túng, bị động, chất lượng thấp, chi phí cao… Những hạn chế, yếu kém nêu trên bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân, chủ yếu là do những bất hợp lý về mô hình tổ chức và phương thức hoạt động của bộ máy chính quyền ở đô thị của thành phố hiện nay.
Trên thế giới hiện có nhiều đô thị lớn có tốc độ phát triển rất nhanh như Pa-ri (Pháp), Bắc Kinh (Trung Quốc), Tô-ky-ô (Nhật Bản),… Do chính phủ các nước đã lựa chọn đúng đắn mô hình tổ chức chính quyền đô thị phù hợp với hoàn cảnh, tình hình kinh tế - xã hội của đô thị và quốc gia đó nên khai thác được những thế mạnh của đô thị, đưa ra được những chính sách, phương án quy hoạch đô thị hợp lý, góp phần thúc đẩy sự phát triển của đô thị nói riêng cũng như sự phát triển của vùng, quốc gia đó nói chung. Thủ đô Hà Nội với tư cách là một đô thị đặc biệt, trung tâm chính trị - hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, giáo dục, khoa học và công nghệ, kinh tế và giao dịch quốc tế của cả nước, đòi hỏi phải có thể chế tổ chức và hoạt động của chính quyền đô thị phù hợp, nhằm khắc phục những hạn chế, yếu kém nêu trên, bảo đảm hoạt động hiệu quả, đáp ứng yêu cầu của thời kỳ hội nhập.
Đề xuất không tổ chức hội đồng nhân dân ở xã, phường, thị trấn
Thực hiện Kết luận số 22-KL/TW, ngày 07-11-2017 của Bộ Chính trị về “sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2011 - 2020”, từ đầu năm 2018 đến nay, thành phố Hà Nội đã khẩn trương xây dựng Đề án thí điểm quản lý theo mô hình chính quyền đô thị, trong đó tập trung vào quản lý theo mô hình chính quyền tại khu vực đô thị (gồm địa bàn các quận, thị xã, phường) và tiếp tục đổi mới củng cố chính quyền nông thôn (gồm địa bàn các huyện, xã, thị trấn).
Sau khi tiếp thu các ý kiến đóng góp, đến thời điểm này, dự thảo Đề án thí điểm quản lý theo mô hình chính quyền đô thị tại Hà Nội chính thức đề xuất 2 phương án. Trong đó, phương án 1 là xây dựng mô hình tổ chức 2 cấp chính quyền (cấp thành phố và cấp quận, huyện, thị xã); 1 cấp hành chính (tại xã, phường, thị trấn). Theo phương án này, chính quyền thành phố và quận, huyện, thị xã về cơ bản giữ nguyên như hiện nay, gồm có hội đồng nhân dân và ủy ban nhân dân. Còn ở cấp xã, phường, thị trấn sẽ không tổ chức hội đồng nhân dân, mà chỉ tổ chức cơ quan hành chính theo thiết chế ủy ban nhân dân. Phương án 2 là xây dựng mô hình tổ chức 1 cấp chính quyền (cấp thành phố), 1 cấp hành chính (cấp quận, huyện, thị xã) và 1 cơ quan hành chính đại diện (ở xã, phường, thị trấn). Theo phương án này, tổ chức chính quyền thành phố cơ bản thực hiện như phương án 1. Ở quận, huyện, thị xã là một cấp chính quyền không đầy đủ, không tổ chức hội đồng nhân dân quận, huyện, chỉ tổ chức cơ quan hành chính theo thiết chế ủy ban nhân dân. Ở cấp xã, phường, thị trấn cũng chỉ tổ chức cơ quan hành chính đại diện gọi là ban đại diện hành chính, không tổ chức hội đồng nhân dân.
Theo Trưởng Ban Tổ chức Thành ủy Hà Nội Vũ Đức Bảo, cả 2 phương án đều có ưu điểm, nhược điểm riêng, chỉ khác nhau về mức độ cải cách, đổi mới đối với chính quyền các cấp, nhất là ở cấp huyện và cấp xã. “Căn cứ ưu điểm, hạn chế của 2 phương án nêu trên, để phù hợp với việc cải cách, đổi mới đồng bộ, nhưng có bước đi thận trọng, tránh gây xáo trộn, Tổ soạn thảo Đề án đề nghị trong thời điểm hiện nay, việc thực hiện thí điểm mô hình chính quyền đô thị của thành phố Hà Nội thực hiện theo phương án 1”. Trưởng Ban Tổ chức Thành ủy cho biết. Thành ủy dự kiến sẽ báo cáo Đề án với Bộ Chính trị trong tháng 12-2018. Nếu được Bộ Chính trị thông qua, trong quý I-2019, Hà Nội sẽ báo cáo Chính phủ. Đến quý IV-2019 sẽ trình Quốc hội xây dựng và ban hành nghị quyết cho phép làm thí điểm. Nếu được Quốc hội thông qua, Hà Nội sẽ xây dựng lộ trình thực hiện Đề án cụ thể.
Tại các hội nghị lấy ý kiến những chuyên gia, nhà khoa học, cán bộ quản lý, lãnh đạo và người dân thành phố, hầu hết đều thống nhất với đề xuất thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị thành phố Hà Nội theo phương án 1, tức không tổ chức hội đồng nhân dân cấp xã, phường, thị trấn. Một số ý kiến đề xuất, thành phố nên đề ra lộ trình thực hiện phù hợp, trước mắt không tổ chức hội đồng nhân dân cấp phường từ đầu nhiệm kỳ tới (2021-2026), sau đó thực hiện không tổ chức hội đồng nhân dân cấp xã, thị trấn từ đầu nhiệm kỳ 2026-2031. Bên cạnh đó, các đại biểu đề nghị cần làm tốt việc chuẩn bị đội ngũ cán bộ để khi thực hiện theo phương án mới này, bộ máy chính quyền có thể vận hành hiệu quả ngay; đồng thời tăng cường các kênh giám sát để quản lý cán bộ khi không tổ chức hội đồng nhân dân cấp phường, xã, thị trấn.
Giữ vững vai trò lãnh đạo của Đảng, phát huy quyền làm chủ của nhân dân
Trong quá trình xây dựng Đề án thí điểm quản lý theo mô hình chính quyền đô thị, việc đổi mới và tăng cường mối quan hệ giữa cấp ủy đảng, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và các cấp chính quyền là nội dung được thành phố Hà Nội đặc biệt quan tâm nhằm giữ vững vai trò lãnh đạo của Đảng, phát huy quyền làm chủ của nhân dân; nâng cao hiệu lực, hiệu quả của chính quyền đô thị, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong bối cảnh đô thị hóa và quá trình hội nhập quốc tế đang diễn ra mạnh mẽ.
Theo phương án thực hiện thí điểm mô hình tổ chức chính quyền đô thị 2 cấp chính quyền, 1 cấp hành chính (không tổ chức hội đồng nhân dân xã, phường, thị trấn; cơ quan hành chính cấp xã, phường thực hiện theo thiết chế ủy ban nhân dân), mô hình tổ chức đảng, đoàn thể giữ nguyên như hiện nay, nhưng cần bố trí lại bảo đảm tinh gọn theo đúng tinh thần Nghị quyết Trung ương 6. Thực hiện việc hợp nhất một số chức danh kiêm nhiệm, như bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch ủy ban nhân dân, các đồng chí ủy viên ban chấp hành đảm nhiệm một số nhiệm vụ chuyên môn của Đảng ủy, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội. Bố trí một số công chức ủy ban nhân dân phường kiêm nhiệm một số chức danh cấp phó các tổ chức chính trị - xã hội. Nghiên cứu thành lập Khối Dân vận - Tuyên giáo trên cơ sở hợp nhất bộ phận Tuyên giáo và Khối Dân vận hiện nay. Điều chỉnh lại chức năng nhiệm vụ của Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy, tăng thẩm quyền giám sát, kiểm tra đối với cấp trưởng, cấp phó của ủy ban hành chính cùng cấp. Đối với các tổ chức chính trị - xã hội cấp phường, xã, thị trấn, thực hiện kiêm nhiệm một số chức danh của các tổ chức chính trị - xã hội; một số chức danh các tổ chức hội có thể bố trí cán bộ làm công tác chuyên môn của ủy ban nhân dân kiêm nhiệm.
Về mối quan hệ giữa cấp ủy đảng với ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn, khi không tổ chức hội đồng nhân dân, ủy ban nhân dân có nhiệm vụ thực thi các nghị quyết của hội đồng nhân dân, các quyết định, mệnh lệnh của ủy ban nhân dân cấp trên và giải quyết các công việc của địa phương. Như vậy, cấp ủy đảng sẽ lãnh đạo ủy ban nhân dân bằng nghị quyết lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị khi được cấp ủy, hội đồng nhân dân, ủy ban nhân dân cấp trên giao, lãnh đạo thực hiện chức năng quản lý hành chính nhà nước và quản lý đô thị theo phân cấp, ủy quyền trên một số lĩnh vực. Trong kiểm tra, giám sát cấp ủy và Ủy ban Kiểm tra cần phối hợp chặt chẽ với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội cùng cấp, với Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư cộng đồng ở các khu dân cư, tổ dân phố hoặc khu tự quản ở cộng đồng dân cư thôn, tổ dân phố.
Riêng về tổ chức và hoạt động của thôn, tổ dân phố, mô hình mới sẽ thực hiện nhất thể hóa một số chức danh đối với người hoạt động không chuyên trách ở các thôn, tổ dân phố, như: bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố, phó bí thư chi bộ là trưởng ban công tác mặt trận kiêm một số chức danh của tổ chức đoàn thể (Hội Người cao tuổi, Hội Phụ nữ, Hội Chữ thập đỏ...).
Có thể thấy quyết tâm của thành phố Hà Nội nhằm đổi mới, tổ chức lại hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, phát huy hơn nữa quyền làm chủ của nhân dân. Tuy nhiên, xây dựng chính quyền đô thị vẫn là những vấn đề mới và khó. Vì vậy, theo ý kiến của các chuyên gia, ngoài quyết tâm cao, Hà Nội cần có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, bài bản, khoa học và triển khai theo từng lộ trình phù hợp với từng địa bàn./.
Theo TCCS