Chủ Nhật, 8/9/2024
Đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống
Thứ Sáu, 23/11/2018 18:13'(GMT+7)

Thực hiện trách nhiệm nêu gương là thể hiện tính tiên phong, gương mẫu

Đồng chí Phạm Minh Chính phát biểu tại Hội nghị

Đồng chí Phạm Minh Chính phát biểu tại Hội nghị

Tại Hội nghị, đồng chí Phạm Minh Chính đã giới thiệu, quán triệt Quy định số 08-QĐi/TW về “Trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương”.

Quy định số 08 gồm 4 điều, được xây dựng trên cơ sở kế thừa, phát triển Quy định 101 và Quy định 55; có tham chiếu các tiêu chuẩn, tiêu chí cán bộ được đề cập trong các văn kiện, nghị quyết của Đảng, đặc biệt là Quy định số 90-QĐ/TW, ngày 04/8/2017 của Bộ Chính trị về tiêu chuẩn chức danh, tiêu chí đánh giá cán bộ thuộc diện Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý. 

Nội dung nêu gương được khái quát thành 8 điểm “xây” và 8 điểm “chống”, được phản ánh trên các mặt tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tác phong; tự phê bình và phê bình; quan hệ với nhân dân; trách nhiệm trong công tác; ý thức tổ chức kỷ luật và đoàn kết nội bộ.

Điều 1 quy định trách nhiệm nêu gương của tất cả cán bộ, đảng viên, trong đó có các đồng chí Uỷ viên Bộ Chính trị, Uỷ viên Ban Bí thư, Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương. 
Điều 2 và Điều 3 xác định rõ trách nhiệm nêu gương của các đồng chí Uỷ viên Bộ Chính trị, Uỷ viên Ban Bí thư, Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương. 
Điều 4 quy định phân công trách nhiệm của các cơ quan, cá nhân liên quan trong việc triển khai thực hiện Quy định. 

Điều 2 quy định 8 điểm “xây” và bố cục theo các mối quan hệ: (1) Đối với Đảng, Tổ quốc và nhân dân; (2) Đối với việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ; (3) Đối với bản thân.

Về nội dung nêu gương này, đồng chí Phạm Minh Chính nêu rõ, trải qua hai cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc, đã có nhiều tấm gương tiêu biểu, hy sinh, cống hiến hết mình vì Đảng, vì dân như đồng chí Trần Phú, Ngô Gia Tự, Lê Hồng Phong, Hoàng Văn Thụ, Nguyễn Thị Minh Khai, Phạm Ngọc Thạch... Trong giai đoạn hiện nay, nhiều đồng chí đã nêu cao tấm gương về bản lĩnh chính trị, có ý thức rèn luyện, giữ gìn phẩm chất đạo đức, lối sống, hết lòng, hết sức tận tụy với công việc, được quần chúng yêu mến, tín nhiệm. 

Tuy nhiên, một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trong đó có những đảng viên giữ vị trí lãnh đạo cấp cao do thiếu tu dưỡng, rèn luyện và trước sự chống phá quyết liệt của các thế lực thù địch, tổ chức phản động đã suy thoái về tư tưởng chính trị, phai nhạt lý tưởng, "tự diễn biến”, "tự chuyển hóa”. 

Chính vì vậy, những yêu cầu nêu gương về tư tưởng chính trị, lý tưởng cách mạng đối với Uỷ viên Bộ Chính trị, Uỷ viên Ban Bí thư, Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương cần phải được đề cao, ngang tầm với vai trò, vị trí và trách nhiệm chính trị của các đồng chí. 

Việc tự soi, tự sửa, nhất là về đạo đức, phong cách, tác phong, hành động để có được hình ảnh chuẩn mực trong mắt người dân là yêu cầu trước hết đối với người cán bộ cấp cao. Do vậy, đòi hỏi mỗi cán bộ, đảng viên phải tích cực học tập, học trong sách vở, học ngoài thực tiễn, học ở nhân dân; phải luôn có ý thức trau dồi đạo đức cách mạng, thực hành cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư. Từng đồng chí phải thật sự mẫu mực về đạo đức, lối sống, thẳng thắn, chân thành để cán bộ, đảng viên noi theo. Như Hồ Chủ tịch đã căn dặn các đồng chí cán bộ cấp cao tại phiên họp cuối năm của Hội đồng Chính phủ năm 1963: “Nếu chúng ta làm gương mẫu và biết lãnh đạo thì bất cứ công việc gì khó khăn đến đâu cũng nhất định làm được”.

Điều 3 quy định 8 điểm “chống”, được thể hiện theo các nội dung: (1) Trước hết phải nghiêm khắc đối với bản thân và kiên quyết chống các biểu hiện suy thoái về đạo đức; (2) Kiểm soát bản thân và kiên quyết chống các biểu hiện tiêu cực trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành; (3) Kiểm soát đối với gia đình và người thân. 

Về nội dung trước hết phải nghiêm khắc đối với bản thân và kiên quyết chống các biểu hiện suy thoái về đạo đức, từng đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương phải thật sự nghiêm khắc với chính mình, nêu gương và đi đầu trong cuộc đấu tranh chống các biểu hiện chủ nghĩa cá nhân, cục bộ, bản vị và độc đoán, chuyên quyền, quan liêu, xa dân, thờ ơ, vô cảm trước những khó khăn, bức xúc của nhân dân.

Về nội dung kiên quyết chống các biểu hiện tiêu cực trong lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, điều hành, các nội dung này tập trung vào trách nhiệm nêu gương của các đồng chí lãnh đạo cấp cao trong việc nghiêm khắc với bản thân và kiên quyết chống các biểu hiện tiêu cực trong lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, điều hành, cụ thể: chống tham nhũng, lãng phí; chống lạm dụng quyền lực, lợi dụng chức vụ, quyền hạn; chống chạy chức, chạy quyền.

Về chống tham nhũng, lãng phí. Đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của công tác xây dựng Đảng, là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Trách nhiệm của người lãnh đạo cấp cao là phải tích cực lãnh đạo, chỉ đạo đưa ra các nhiệm vụ, giải pháp phù hợp, kịp thời, khả thi, sát với thực tế để phòng, chống tham nhũng, lãng phí có hiệu quả. 

Vì vậy, Trung ương yêu cầu các đồng chí phải thống nhất cao về ý chí và hành động, nêu cao trách nhiệm, nghiêm khắc với bản thân, nêu gương trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành và thực hiện việc phòng, chống tham nhũng, lãng phí có hiệu quả, tạo sức lan tỏa tại địa phương, cơ quan, đơn vị mình phụ trách và sớm khắc phục tình trạng “trên nóng, dưới lạnh”.

Về chống lạm dụng quyền lực, lợi dụng chức vụ, quyền hạn, đòi hỏi các đồng chí Trung ương phải tích cực triển khai thực hiện nghiêm cơ chế kiểm soát quyền lực, ngăn ngừa sự lạm quyền, vi phạm kỷ luật, kỷ cương theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XII của Đảng. Từng đồng chí phải đi đầu trong việc thiết lập và thực hiện cơ chế kiểm soát quyền lực, tích cực chống việc lạm dụng, lợi dụng quyền lực, nhất là trong công tác cán bộ, trong quản lý kinh tế xã hội. 

Về chống chạy chức, chạy quyền, Quy định yêu cầu mỗi đồng chí lãnh đạo cấp cao của Đảng cần phải gương mẫu, nêu cao tinh thần trách nhiệm, chủ động, sáng tạo để tìm ra các giải pháp hiệu quả trong đấu tranh, ngăn chặn mọi hành vi chạy chức, chạy quyền. 

Theo đồng chí Phạm Minh Chính, thực hiện trách nhiệm nêu gương là thể hiện tính tiên phong, gương mẫu, là cam kết chính trị của các đồng chí Ủy viên Trung ương đối với chính mình và đối với toàn Đảng, toàn dân. Cần đồng thời thực hiện tốt các quy định về trách nhiệm nêu gương; đưa việc nêu gương trở thành việc làm tự giác, thường xuyên và nếp văn hóa của mỗi cán bộ, đảng viên. Cán bộ, đảng viên giữ chức vụ càng cao càng phải gương mẫu nêu gương, tạo sự lan tỏa mạnh mẽ từ trên xuống dưới trong toàn hệ thống chính trị, củng cố lòng tin của nhân dân đối với Đảng. Như lời Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh trong diễn văn bế mạc Hội nghị Trung ương 8, khóa XII:“Nếu gần 200 Ủy viên Trung ương khóa XII, từng đồng chí thật sự soi vào bản thân mình, đề cao trách nhiệm nêu gương và gương mẫu đi đầu thực hiện thì sẽ có sức lan tỏa rất lớn, sẽ tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ trong toàn Đảng, toàn hệ thống chính trị, góp phần củng cố, tăng cường niềm tin của cán bộ, đảng viên, nhân dân vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị và Ban Bí thư”.

Có thể khẳng định, trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên được cụ thể hóa, nâng tầm thành Quy định của Ban Chấp hành Trung ương là bước tiến quan trọng, đột phá trong nhận thức về đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng. 

Thu Hằng (lược ghi)

 
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất