Hà Tĩnh là một trong những tỉnh được dự báo sẽ chịu ảnh hưởng lớn bởi biến đổi khí hậu (BĐKH). Giải pháp nào để chủ động ứng phó với BĐKH, đảm bảo cuộc sống cho người dân là câu hỏi lớn đang được các cấp, ngành trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh hết sức quan tâm...
Tác động của biến đổi khí hậu
Theo dự báo của các nhà chuyên môn, đến năm 2100, mực nước biển có thể dâng cao khoảng 1m, mưa bão lớn hơn cùng với triều cường sẽ khiến Hà Tĩnh bị ngập khoảng 114 km2, trở thành tỉnh có diện tích bị ngập xếp thứ 4 trong cả nước. BĐKH còn làm gia tăng các hiện tượng thời tiết cực đoan như bão, lũ lụt, hạn hán, rét đậm, rét hại… ảnh hưởng trực tiếp, mạnh mẽ tới sản xuất nông nghiệp. Thực tế cho thấy, mùa màng tại nhiều địa phương ở Hà Tĩnh trong thời gian qua đã bị mất trắng cũng do lũ lụt, hạn hán. Năm 2007, 2008, nắng nóng kéo dài đã làm cho nhiều cánh đồng, nhiều diện tích ở các huyện: Thạch Hà, Hương Khê, Hương Sơn, Đức Thọ bị thiếu nước nghiêm trọng. Năm 2010, toàn tỉnh có hơn 5.000 ha lúa vụ hè thu bị hạn nặng không có thu hoạch... Trận lũ tháng 10/2010 đến nay vẫn còn nguyên những ký ức kinh hoàng. Đợt lũ kép lịch sử này đã làm ngập chìm trong biển nước 183 xã của tất cả 12 huyện, thành phố, thị xã, trong đó có 105 xã bị cô lập hoàn toàn, có nơi ngập sâu từ 3-5m với thời gian từ 7-10 ngày, gây thiệt hại lớn về người và tài sản: làm chết 51 người, 175 người bị thương...; thiệt hại ước tính 6.374 tỷ đồng. Các chuyên gia còn khẳng định, nước biển dâng tạo ra tình trạng nhiễm mặn nguồn nước, gây khó khăn cho việc xử lý, cung cấp nước sạch cho nhân dân, nguồn nước bị ô nhiễm nặng gây bùng phát các dịch bệnh đường ruột và các bệnh truyền nhiễm...
Chủ động những giải pháp ứng phó
Trước những thách thức của BĐKH, những năm qua, Hà Tĩnh đã phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị và mọi người dân, tập trung cao độ cho công tác phòng, chống, giảm nhẹ thiên tai, chủ động ứng phó với BĐKH. Cấp ủy, chính quyền các cấp, ngành thường xuyên tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ, người dân về BĐKH và tác động toàn diện của nó đến điều kiện tự nhiên, KT-XH... Để đảm bảo tính thống nhất trong chỉ đạo, tổ chức thực hiện, ngày 14/7/2011, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch hành động nhằm ứng phó với BĐKH đến năm 2020 với những mục tiêu rất cụ thể, trên nhiều lĩnh vực. Theo đó, 41 công trình, dự án ưu tiên ứng phó BĐKH đã được phê duyệt với tổng kinh phí 6.557 tỷ đồng.
Nhiều công trình, dự án nhằm ứng phó với BĐKH trên địa bàn tỉnh đã được xây dựng, như: hệ thống đê kè ngăn mặn, chống xói lở. Các chương trình đầu tư nâng cấp đê biển, đê sông; xử lý sạt lở bờ sông; nâng cấp an toàn hồ chứa lớn; xây dựng âu tránh trú bão cho tàu cá ở Cửa Nhượng, Cửa Sót, Cửa Khẩu; di dân khỏi vùng sạt lở, chương trình trồng rừng… được tập trung thực hiện. Công tác quản lý nhà nước về tài nguyên, khoáng sản được triển khai theo hướng tập trung xây dựng, nghiên cứu, điều tra cơ bản, rà soát điều chỉnh, lập các quy hoạch, đồng thời chấn chỉnh việc cấp phép, khai thác nhằm sử dụng hợp lý tài nguyên khoáng sản, gắn với tiết kiệm, chống lãng phí và bảo vệ môi trường cũng đã được tỉnh chú trọng thực hiện.
Để Nghị quyết 24-NQ/TW trở thành sức mạnh thực tiễn
Ngày 3/6/2013, Hội nghị BCH T.Ư Đảng lần thứ 7 (khóa XI) đã ban hành Nghị quyết số 24-NQ/TW về “Chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường”. Để thực hiện thắng lợi nghị quyết này, Hà Tĩnh đã xác định rõ những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phù hợp với điều kiện tự nhiên, KT-XH của địa phương, trọng tâm là đổi mới công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức, hình thành ý thức chủ động ứng phó với BĐKH, sử dụng tiết kiệm tài nguyên và bảo vệ môi trường…
Theo ông Võ Tá Đinh - Giám đốc Sở TN&MT tỉnh, để ứng phó với BĐKH, trong thời gian tới, tỉnh ta xác định tập trung xây dựng, phát triển năng lực giám sát, cảnh báo khí hậu, thiên tai; đẩy mạnh các biện pháp phòng, chống, hạn chế tác động của triều cường, xâm nhập mặn do nước biển dâng; giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, bảo vệ phát triển các hệ sinh thái tự nhiên...
Về quản lý tài nguyên, tỉnh đã và sẽ tiếp tục điều tra, đánh giá tiềm năng, trữ lượng, giá trị kinh tế, thực trạng và xu hướng diễn biến của các nguồn tài nguyên quốc gia; quy hoạch, quản lý và khai thác, sử dụng hợp lý hiệu quả và bền vững các nguồn tài nguyên; thúc đẩy phát triển sử dụng năng lượng mới, năng lượng tái tạo, các nguyên, nhiên, vật liệu mới thay thế các nguồn tài nguyên truyền thống. Về bảo vệ môi trường, tỉnh tập trung khắc phục ô nhiễm, cải thiện chất lượng môi trường và điều kiện sống của người dân; bảo vệ phát triển rừng, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học…
Trọng Tuệ (Hatinh online)