Đồng chí Nguyễn Thanh Long, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương và đồng chí Lê Đình Sơn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh chủ trì buổi làm việc.
TRÁNH TÌNH TRẠNG NGHỊ QUYẾT CHỒNG NGHỊ QUYẾT
Báo cáo về tình hình triển khai thực hiện các nghị quyết, chỉ thị của Đảng 6 tháng đầu năm 2019 tại Hà Tĩnh, đồng chí Võ Hồng Hải, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Hà Tĩnh cho biết, việc tổ chức học tập nghị quyết được triển khai nghiêm túc, đảm bảo mục đích, yêu cầu. Tỉnh đã cử các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ phụ trách địa bàn trực tiếp dự và chỉ đạo các hội nghị học tập, quán triệt ở cấp huyện và tương đương. Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã cử đội ngũ báo cáo viên tham gia hỗ trợ một số địa phương, đơn vị trong việc quán triệt nghị quyết, chỉ thị khi có yêu cầu.
Bên cạnh việc tổ chức hội nghị học tập, quán triệt, các địa phương, đơn vị trong tỉnh đã đẩy mạnh tuyên truyền, tổ chức lồng ghép nội dung các văn bản mới của Đảng bằng nhiều hình thức như thông qua các Hội nghị, sinh hoạt chào cờ đầu tháng, sinh hoạt chi bộ, qua hệ thống báo, đài, hệ thống truyền thanh cơ sở, trang thông tin điện tử, bản tin nội bộ...
Chỉ tính riêng về học tập, quán triệt, tuyên truyền, triển khai thực hiện các nội dung Hội nghị lần thứ 10, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII; Nghị quyết số 35-NQ/TW, Chỉ thị số 35-CT/TW, Chỉ thị số 32-CT/TW của Bộ Chính trị, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Hà Tĩnh đã tham mưu tổ chức Hội nghị học tập, quán triệt cho đội ngũ cán bộ cốt cán toàn tỉnh ngày 7/6/2019 với tỷ lệ tham gia học tập đạt 97,6%. Từ ngày 8-13/6/2019, 17/17 đảng bộ hoàn thành việc tổ chức học tập, quán triệt. Toàn tỉnh đã tổ chức được 17 lớp cấp huyện và tương đương với 5.407/5.669 lượt cán bộ cốt cán tham gia (đạt 95%). |
|
Hà Tĩnh cũng định kỳ tham mưu đánh giá kết quả thực hiện các chỉ thị, nghị quyết trên lĩnh vực khoa giáo, văn hóa, văn nghệ, tuyên truyền, lý luận chính trị. Qua đó, đánh giá khách quan thực trạng, xác định nguyên nhân những tồn tại, hạn chế, đề xuất giải pháp nhằm từng bước đưa các chủ trương của Đảng vào cuộc sống.
Thảo luận tại buổi làm việc, các đại biểu đã thống nhất 6 bài học kinh nghiệm trong triển khai thực hiện các nghị quyết, chỉ thị của Đảng. Đó là:
Thứ nhất, cần nghiên cứu, khảo sát thực tế, đánh giá thực trạng tình hình một cách đầy đủ, khách quan, khoa học để đề xuất những nội dung, giải pháp phù hợp, thiết thực. Đây là nhiệm vụ quan trọng để nghị quyết, chỉ thị của Đảng sớm đi vào cuộc sống.
Thứ hai, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy phải phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành liên quan, duy trì chế độ báo cáo, thường xuyên cung cấp thông tin hai chiều, từ đó phối hợp tham mưu hiệu quả triển khai thực hiện các nghị quyết, chỉ thị của Đảng.
Thứ ba, phát huy vai trò, trách nhiệm của Ban Tuyên giáo các cấp trong việc tham mưu cấp ủy tổ chức tuyên truyền, triển khai thực hiện các nghị quyết, chỉ thị. Tăng cường công tác kiểm tra, đánh giá công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện nghị quyết, chỉ thị, định kỳ chủ động hướng dẫn các ngành, địa phương sơ kết, tổ chức sơ kết, tổng kết rút kinh nghiệm.
Thứ tư, để nghị quyết sớm đi vào cuộc sống, song song với việc ban hành nghị quyết cần ban hành đồng bộ các chính sách, đầu tư nguồn lực để triển khai thực hiện.
Thứ năm, cần nắm chắc đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trên lĩnh vực tuyên giáo; thường xuyên cập nhật thông tin, nắm chắc tình hình thực tiễn để tham mưu đúng, trúng và kịp thời. Cán bộ làm công tác tuyên giáo phải thường xuyên học tập, nâng cao trình độ lý luận và thực tiễn, chủ động, sáng tạo trong tham mưu.
Thứ sáu, trong công tác tham mưu, phải luôn quán triệt tư tưởng chỉ đạo của Trung ương, của Tỉnh ủy, cần tập trung giải quyết hiệu quả những vấn đề bức xúc mà thực tiễn đang đặt ra, lựa chọn một số nhiệm vụ trọng tâm đề xuất ban hành các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo.
Từ đó, Hà Tĩnh kiến nghị, đề xuất với Bộ Chính trị, Ban Bí thư xem xét lựa chọn các vấn đề cấp bách, cần thiết để ban hành chỉ thị, nghị quyết, tránh tình trạng nghị quyết ban hành nhiều gây khó khăn cho cơ sở trong quán triệt, học tập, triển khai thực hiện.
Ban Tuyên giáo Trung ương cần quan tâm hơn nữa công tác tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng, cung cấp thông tin kịp thời cho đội ngũ báo cáo viên Trung ương; hướng dẫn kịp thời, cụ thể cho các địa phương, đơn vị về mục đích, yêu cầu, nội dung, phương thức tổ chức triển khai, sơ kết, tổng kết các nghị quyết, chỉ thị sau sơ kết, tổng kết sớm ban hành các chính sách, văn bản chỉ đạo phù hợp với bối cảnh và yêu cầu của tỉnh hình mới để nghị quyết tiếp tục được triển khai hiệu quả; tăng cường tổ chức hội nghị trực tuyến triển khai học tập, quán triệt nghị quyết, chỉ thị.
XÁC ĐỊNH TRÁCH NHIỆM TRONG CÔNG TÁC TUYÊN TRUYỀN, CHỈ ĐẠO THỰC HIỆN CHỈ THỊ 38
Sau 10 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 38-CT/TW, số lượng người tham gia bảo hiểm y tế, tỷ lệ bao phủ ở Hà Tĩnh được nâng lên, chi thanh toán khám chữa bệnh bảo hiểm y tế tăng.
Tổng số người dân tham gia bảo hiểm y tế năm 2009 là 704.823 người; năm 2018 là 1.114.067 người, tăng 409.224 người, tương đương 58,06%; tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế năm 2009 đạt 57%, năm 2018 đạt 88%, tăng 31%. |
Theo đồng chí Võ Hồng Hải, nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền, cán bộ, đảng viên và nhân dân về chính sách bảo hiểm y tế được nâng lên. Các cấp ủy, chính quyền xác định được trách nhiệm của mình trong công tác tuyên truyền, chỉ đạo thực hiện Chỉ thị số 38-CT/TW, Luật Bảo hiểm y tế và các văn bản liên quan.
Đặc biệt, nhận thức của nhân dân, người lao động, học sinh, sinh viên về quyền và trách nhiệm tham gia bảo hiểm y tế đã chuyển biến tích cực; người lao động thấy rõ trách nhiệm và đòi hỏi người sử dụng lao động thực hiện quyền lợi được tham gia bảo hiểm y tế, nhân dân tích cực tham gia bảo hiểm y tế để phòng bệnh, chữa bệnh và chia sẻ với cộng đồng.
Đẩy mạnh cải cách hành chính và hiện đại hóa công tác quản lý quỹ bảo hiểm y tế, đặc biệt chú trọng rà soát, cắt giảm các thủ tục hành chính từ 118 thủ tục (năm 2012) xuống còn 28 thủ tục năm 2018. 100% các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 đã được tiếp nhận, xử lý trên môi trường điện tử, với số lượt hồ sơ được xử lý lên đến hàng ngàn hồ sơ mỗi tháng.
Các cơ sở y tế đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý khám, chữa bệnh và thanh quyết toán bảo hiểm y tế.
Tính đến hết năm 2018, toàn tỉnh đã có 283/283 cơ sở khám chữa bệnh bảo hiểm y tế triển khai phần mềm quản lý khám chữa bệnh, kết nối liên thông dữ liệu khám chữa bệnh bảo hiểm y tế với Hệ thống thông tin giám định bảo hiểm y tế, đảm bảo việc kiểm soát chi phí và thanh quyết toán nhanh chóng, chính xác, hàng ngày đưa dữ liệu thông tin khám chữa bệnh lên hệ thống một cách công khai, minh bạch.
Chất lượng khám chữa bệnh ngày càng được nâng lên, đáp ứng cơ bản nhu cầu của nhân dân. Nhiều dịch vụ kỹ thuật mới, kỹ thuật cao, kỹ thuật chuyên sâu từng bước mở rộng, triển khai tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh và hệ thống bệnh viện tuyến huyện.
Chất lượng bệnh viện đánh giá theo Bộ tiêu chí chất lượng bệnh viện trên địa bàn được cải thiện qua từng năm: năm 2017, điểm trung bình của các bệnh viện đạt 2,71 điểm; năm 2018 điểm trung bình của các bệnh viện đạt 2,93 điểm, tăng 2,2 điểm so với năm 2017. |
Thẳng thắn nhìn nhận những hạn chế còn tồn tại, vướng mắc trong việc thực hiện Chỉ thị 38, các đại biểu kiến nghị Bộ Chính trị, Ban Bí thư tiếp tục quan tâm và chỉ đạo đẩy mạnh công tác bảo hiểm y tế trong tình hình mới nhằm thực hiện lộ trình bảo hiểm y tế toàn dân.
Đối với Quốc hội, nghiên cứu sửa đổi Luật Bảo hiểm y tế phù hợp với thực tiễn hiện nay.
Đối với Chính phủ, từng bước điều chỉnh mức đóng bảo hiểm y tế phù hợp với lộ trình, tính đúng, tính đủ cơ cấu giá dịch vụ khám chữa bệnh, đảm bảo cân đối thu chi Quỹ khám chữa bệnh bảo hiểm y tế. Với các đối tượng do ngân sách nhà nước đóng (không phải bỏ tiền ra mua bảo hiểm y tế) song đang được hưởng 100% quyền lợi khi đi khám chữa bệnh, cần thực hiện việc cùng chi trả (tỷ lệ cùng chi trả thấp hơn các đối tượng khác) để người dân cùng tham gia giám sát, kiểm tra quyền lợi được hưởng của mình từ đó nâng cao trách nhiệm trong việc quản lý Quỹ khám chữa bệnh bảo hiểm y tế.
Chỉ đạo các bộ, ngành liên quan giải quyết kịp thời các khó khăn, vướng mắc trong thanh toán chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế. Sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế Nghị định số 85/2012/NĐ-CP ngày 15/10/2012 của Chính phủ về cơ chế hoạt động, cơ chế tài chính đối với các đơn vị sự nghiệp y tế công lập và giá dịch vụ khám chữa bệnh của các cơ sở khám chữa bệnh công lập phù hợp với các quy định hiện hành.
Sớm ban hành các định mức giá thuê dịch vụ cho các hoạt động công nghệ thông tin trong công tác khám chữa bệnh và thanh toán chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế.
Đối với Bộ Y tế, tiếp tục điều chỉnh giá dịch vụ y tế theo hướng tính đúng, tính đủ các yếu tố cấu thành giá dịch vụ y tế theo đúng lộ trình. Sửa đổi, thay thế một số văn bản quy phạm pháp luật cho phù hợp với việc thực hiện nhiệm vụ trong giai đoạn hiện nay.
Xây dựng giá dịch vụ y tế cần đảm bảo định mức kinh tế kỹ thuật phù hợp với thực tế sử dụng. Phối hợp với các bộ, ngành liên quan giải quyết kịp thời các vướng mắc trong khám chữa bệnh và thanh toán bảo hiểm y tế. Ban hành kịp thời các hướng dẫn thực hiện quy định tại Nghị định số 146/2018/NĐ-CP.
Chỉ đạo các bệnh viện tuyến Trung ương tiếp tục hỗ trợ, chuyển giao kỹ thuật cao cho các bệnh viện của tỉnh Hà Tĩnh. Ưu tiên đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị và đào tạo nguồn nhân lực cho Hà Tĩnh.
ĐẶT NGƯỜI DÂN VÀO VỊ TRÍ TRUNG TÂM ĐỂ PHỤC VỤ TỐT HƠN
Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Lê Đình Sơn, Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh khẳng định, Hà Tĩnh luôn tổ chức học tập, quán triệt, triển khai thực hiện các chỉ thị, nghị quyết của Đảng nghiêm túc, sâu rộng từ tỉnh đến cơ sở; công tác sơ kết, tổng kết kịp thời, chất lượng, đảm bảo kế hoạch Trung ương đề ra.
« Khi triển khai, quán triệt các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, bí thư cấp ủy, người đứng đầu là báo cáo viên trực tiếp. Việc học tập, quán triệt gắn liền với thảo luận chương trình hành động, viết bản thu hoạch. Bản thu hoạch đó được chấm điểm, gửi về các tổ chức đảng, các cơ quan quản lý đảng viên. Việc học và trả bài đã trở thành nguyên tắc ở Hà Tĩnh». – Đồng chí Lê Đình Sơn cho biết.
Hà Tĩnh cũng tổ chức học tập các nghị quyết, chỉ thị theo các chuyên đề, nhóm nội dung; có sự đổi mới hình thức quán triệt, triển khai thực hiện các nghị quyết, chỉ thị góp phần nâng cao nhận thức, tạo sự phấn khởi, đồng thuận trong cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân. Trong quá trình thực hiện các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, có kiểm tra, đánh giá, sơ kết, tổng kết. Công tác này được thực hiện thường xuyên, liên tục, tạo sự đồng thuận trong việc đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống.
Tuy nhiên, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy cũng lưu ý, cần phải có sự đổi mới mạnh mẽ phương thức trong học tập và triển khai, thực hiện các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, phù hợp với tình hình hiện nay. Khắc phục tình trạng việc kiểm tra, giám sát thực hiện nghị quyết, chỉ thị của Đảng có lúc, có nơi còn mang tính hình thức, chưa gắn trách nhiệm của người đứng đầu.
Về việc thực hiện Chỉ thị 38 trên địa bàn Hà Tĩnh, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đề nghị, cần phải tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền để người dân tự giác tham gia bảo hiểm xã hội. Xoay quanh các nội dung về công tác khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe của nhân dân và bảo hiểm y tế, đồng chí Lê Đình Sơn yêu cầu, cần đặt người dân vào vị trí trung tâm để phục vụ tốt hơn.
Phát biểu kết luận buổi làm việc, đồng chí Nguyễn Thanh Long, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương đánh giá cao những nỗ lực và kết quả triển khai thực hiện các nghị quyết, chỉ thị của Đảng trong 6 tháng đầu năm 2019 của Tỉnh ủy Hà Tĩnh.
«Có thể khẳng định, Hà Tĩnh là một trong những điểm sáng trong việc tổ chức học tập, quán triệt, triển khai thực hiện nghị quyết, chỉ thị của Đảng. Ngay khi Nghị quyết số 35-NQ/TW của Bộ Chính trị về tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới ra đời và các nghị quyết vừa được ban hành trong 6 tháng đầu năm 2019, các đồng chí đã tổ chức được 18 hội nghị học tập, quán triệt các văn mới của Đảng cho cán bộ cốt cán cấp tỉnh, cấp huyện và tương đương, tỷ lệ tham gia học tập đạt trên 94,2%.
Song song với đó, Hà Tĩnh cũng triển khai rất tốt và có rất nhiều bài học kinh nghiệm sâu sắc, quý báu trong việc thực hiện các nghị quyết, chỉ thị của Đảng cho cả Trung ương và các tỉnh, thành trong cả nước như: Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; Nghị quyết số 33-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương (khóa XI) về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước; Quyết định số 221-QĐ/TW của Ban Bí thư khóa X về ban hành Quy chế phối hợp giữa Ban Tuyên giáo các cấp với cơ quan quản lý nhà nước cùng cấp trong việc triển khai kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, giải quyết các vấn đề bức xúc của nhân dân...
Việc thực hiện các chỉ thị, nghị quyết của Đảng ở Hà Tĩnh đã tạo động lực, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, chăm lo nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân trong tỉnh» - Đồng chí Nguyễn Thanh Long khẳng định.
Phân tích những kết quả tích cực đã đạt được và những vấn đề tồn tại trong việc thực hiện Chỉ thị 38 ở Hà Tĩnh, đồng chí Nguyễn Thanh Long lưu ý, Hà Tĩnh cần tiếp tục phát triển bảo hiểm y tế một cách bền vững. Cần tăng cường công tác tuyên truyền giáo dục để người dân tham gia bảo hiểm tự nguyện nhiều hơn và có trách nhiệm trong việc sử dụng bảo hiểm y tế.
«Đối với bệnh viện đa khoa tuyến tỉnh, cần phải làm tốt hơn để có sự phát triển mạnh mẽ như tăng cường chất lượng khám chữa bệnh ở các tuyến; tuyên truyền, quảng bá về chất lượng các dịch vụ của bệnh viện; có sự hỗ trợ của các bệnh viện tuyến trên để người dân tin tưởng, khám chữa bệnh ở tuyến tỉnh» - Đồng chí Nguyễn Thanh Long đề nghị.
Đồng chí Nguyễn Thanh Long cũng cho rằng, cần nâng cao chất lượng y tế cơ sở, từ tuyến huyện trở xuống. Không nên gò ép bệnh viện tuyến huyện đi vào tự chủ quá sớm, dễ dẫn đến tình trạng chảy máu chất xám về nhân lực. Việc điều hòa, điều phối nhân lực từ huyện xuống xã, từ xã lên huyện cần giao cho cho Sở Y tế, không nên giao cho tuyến huyện, tránh tình trạng cát cứ.
«Hà Tĩnh cũng cần tiếp tục quan tâm đến vấn đề kiểm soát chi, ứng dụng triệt để công nghệ thông tin trong việc khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe nhân dân. Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Hà Tĩnh chủ trì, Sở Y tế, Bảo hiểm xã hội tỉnh tăng cường phối hợp, thường xuyên thông tin, trao đổi để kịp báo cáo Tỉnh ủy, HĐND, UBND những nảy sinh, bất cập nhằm báo cáo với cấp trên» -Đồng chí Nguyễn Thanh Long nêu rõ.
* Chiều cùng ngày, đoàn công tác khảo sát việc thực hiện các nghị quyết, chỉ thị của Đảng tại Bệnh viện Đa khoa thành phố Hà Tĩnh, Trạm Y tế xã Tượng Sơn, huyện Thạch Hà.
TG