Đồng chí Lê Mạnh Hùng, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương, Trưởng đoàn công tác; đồng chí Thào Hồng Sơn, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân Tỉnh uỷ Hà Giang chủ trì buổi làm việc.
THƯỜNG XUYÊN, CHỦ ĐỘNG, KỊP THỜI TRAO ĐỔI THÔNG TIN GIỮA BAN TUYÊN GIÁO CÁC CẤP VÀ CƠ QUAN QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC CÙNG CẤP
Báo cáo kết quả tổng kết 10 năm thực hiện, triển khai Quyết định số 221 của Tỉnh uỷ Hà Giang có nêu rõ: Sau 10 năm triển khai thực hiện Quyết định số 221-QĐ/TW, cấp ủy, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở đã nhận thức rõ vai trò, tầm quan trọng của công tác tư tưởng trong triển khai kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, giải quyết các vấn đề bức xúc của Nhân dân; ban tuyên giáo các cấp và cơ quan quản lý nhà nước cùng cấp căn cứ vào tình hình thực tiễn của địa phương, đơn vị xây dựng và thực hiện ký kết chương trình phối hợp hàng năm, tổ chức tuyên truyền, nắm, phản ánh dư luận xã hội thông qua nhiều hình thức đa dạng phong phú.
Do đó, các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, của tỉnh đã đi vào cuộc sống, nhận được sự đồng tình cao của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân; cấp ủy, chính quyền các cấp trong tỉnh đã quan tâm, kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc của Nhân dân; tình trạng đơn thư khiếu nại, khiếu kiện vượt cấp đã được hạn chế, tạo môi trường ổn định trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Thực hiện Quyết định số 221-QĐ/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa X; Hướng dẫn số 87-HD/BTGTW ngày 09/10/2009 của Ban Tuyên giáo Trung ương,Tỉnh ủy Hà Giang đã kịp thời tổ chức Hội nghị học tập, quán triệt triển khai Quyết định số 221-QĐ/TWvới gần 400 đại biểu tham dự; đồng thời chỉ đạo các cấp ủy trong tỉnh tổ chức hội nghị hoặc lồng ghép tại hội nghị quán triệt, học tập chỉ thị, nghị quyết cho cán bộ chủ chốt của địa phương, đơn vị;ban hành Kế hoạch số 99-KH/TU, ngày 22/4/2010 về việc triển khai Quy chế phối hợp giữa Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy với Ủy ban nhân dân tỉnh về thực hiện công tác tư tưởng trong việc triển khai kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giải quyết các vấn đề bức xúc của nhân dân, trong đó chỉ rõ các nội dung cần phối hợp thực hiện.
Ban tuyên giáo các cấp đã chủ động xây dựng và ký kết chương trình phối hợp hàng năm với cơ quan quản lý nhà nước cùng cấp. Trong 10 năm qua, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã thực hiện ký kết chương trình phối hợp với 34 lượt đơn vị, ban, sở, ngành về triển khai kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, giải quyết các vấn đề bức xúc củaNhân dân.Trong đó, giai đoạn 2011-2015 có 16 sở, ngành, cơ quan, đơn vị thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh ký kết phối hợp tuyên truyền với Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy; giai đoạn 2016 - 2020, tính đến năm 2019 có 18 sở, ngành, đơn vị trên địa bàn tỉnh tham gia ký kết phối hợp tuyên truyền với Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy.
Đối với các huyện, thành phố cũng đã quan tâm triển khai thực hiện ký kết chương trình phối hợp giữa ban tuyên giáo huyện ủy, thành ủy với các đơn vị trực thuộc Ủy ban nhân dân huyện. Điển hình làm tốt, thường xuyên như: huyện Quang Bình, thành phố Hà Giang, huyện Mèo Vạc, huyện Quản Bạ…
Hà Giang là tỉnh miền núi, biên giới, nằm ở cực Bắc của Tổ quốc, có diện tích tự nhiên 7.914,9 km2; địa hình núi cao, chia cắt mạnh, giao thông đi lại khó khăn. Dân số trên 83 vạn người (trong đó 85% dân số và 86% lao động ở khu vực nông thôn) với 19 dân tộc (Trong đó, dân tộc Mông chiếm 32,77%; dân tộc Tày 23,19%; dân tộc Dao 14,89%, dân tộc Kinh 12,83%; dân tộc Nùng 9,75%, còn lại các dân tộc khác). Tỉnh có 10 huyện, 01 thành phố với 195 xã, phường, thị trấn/2.071 thôn, tổ dân phố; có 7 huyện/34 xã, thị trấn biên giới tiếp giáp với 2 tỉnh Vân Nam và Quảng Tây (Trung Quốc) với chiều dài đường biên giới trên 277,556 km; trên tuyến biên giới có 01 cặp cửa khẩu quốc tế, 01 cặp cửa khẩu song phương, 04 cặp cửa khẩu tiểu ngạch; có 07 huyện nghèo thuộc Chương trình 30acủa Chính phủ.
Đảng bộ tỉnh có 15 đảng bộ trực thuộc, 866 tổ chức cơ sở đảng (trong đó, đảng bộ cơ sở 315; chi bộ cơ sở 551; chỉ bộ trực thuộc đảng bộ cơ sở 3.819), với tổng số 67.142 đảng viên.
|
Trên cơ sở các chương trình phối hợp đã được ký kết, ban tuyên giáo các cấp và cơ quan quản lý nhà nước cùng cấp thường xuyên, chủ động, kịp thời trao đổi thông tin để chỉ đạo, hướng dẫn tuyên truyền nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội thông qua các hình thức như: Ban hành văn bản chỉ đạo, định hướng tuyên truyền; tổ chức hội nghị báo cáo viên, hội nghị giao ban báo chí; biên tập, biên soạn, phát hành tài liệu tuyên truyền…
Nội dung trọng tâm là tuyên truyền việc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XV, XVI; Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới; chính sách, pháp luật thuế, chiến lược cải cách hệ thống thuế giai đoạn 2011-2020; chương trình xóa đói giảm nghèo; chương trình, chính sách tín dụng của Chính phủ và của tỉnh; công tác dân số và sức khỏe sinh sản; bình đẳng giới; tuyên truyền giáo dục nâng cao nhận thức cộng đồng về Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn; các chương trình thực hiện chính sách an sinh xã hội, giải quyết việc làm, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế; bảo vệ môi trường; phòng, chống tham ô, tham nhũng, lãng phí; các văn kiện về phân giới cắm mốc và quản lý biên giới trên đất liền Việt Nam - Trung Quốc…
Trong 10 năm, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã phối hợp với các ban, sở, ngành tỉnh nắm tổng hợp được hơn 400 luồng dư luận xã hội; ban tuyên giáo các huyện, thành phố đã nắm tổng hợp được trên 2.400 luồng dư luận xã hội có liên quan đến quy hoạch, xây dựng, triển khai các đề án, dự án, chương trình... Đây là những thông tin tham khảo quan trọng để các cấp ủy, chính quyền, sở, ngành tổ chức tuyên truyền, đối thoại, trao đổi nhằm góp phần tháo gỡ những vướng mắc của người dân.
Ước tính trong 10 năm cấp ủy, chính quyền cấp tỉnh, huyện, thành phố đã tổ chức được hơn 3.000 cuộc đối thoại, tiếp xúc với Nhân dân. Qua đó, đã tham mưu giúp cấp ủy và trực tiếp tham gia giải quyết một số vấn đề bức xúc của Nhân dân như: khó khăn trong tiếp cận với nguồn vốn vay theo Nghị quyết số 209/2015/NQ-HĐND, ngày 10/12/2015 của Hội đồng nhân dân tỉnh; một số khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện Nghị quyết số 60/NQ-HĐND, ngày 11/12/2016 của Hội đồng nhân dân tỉnh; về các dư án di giãn dân cư ra khỏi vùng xung yếu xã Thông Nguyên, huyện Hoàng Su Phì; Phương án quy tụ các hộ dân cư sống rải rác trên các triền núi cao, vùng thiên tai, vùng đặc biệt khó khăn về sống tập trung về tại các thôn, bản thuộc các xã trên địa bàn huyện Hoàng Su Phì; việc đền bù giải phóng mặt bằng xây dựng thủy điện Sông Lô 4, huyện Vị Xuyên … |
Định kỳ hàng năm, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, ban tuyên giáo các huyện, thành phố đều tham mưu giúp cấp ủy chủ trì tổ chức giao ban thực hiện Quy chế phối hợp trong triển khai kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội, giải quyết các vấn đề bức xúc của Nhân dân, qua đó đánh giá những kết quả đạt được, chỉ rõ những khó khăn, hạn chế trong công tác phối hợp để tháo gỡ được những khó khăn, đề ra phương hướng, nhiệm vụ tiếp tục triển khai thực hiện trong thời gian tới. Đối với những vấn đề dư luận xã hội quan tâm, bức xúc hai bên đã quan tâm thực hiện tốt chế độ trao đổi thông tin thông qua điện thoại, trao đổi trực tiếp và báo cáo. Qua đó đã kịp thời báo cáo, tham mưu cho cấp ủy, chính quyền cùng cấp phương hướng giải quyết, góp phần định hướng dư luận xã hội theo chiều hướng tích cực.
Ban tuyên giáo các cấp đã chú trọng ký kết chương trình phối hợp với Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật cùng cấp trong tuyên truyền triển khai thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội, an ninh - quốc phòng và đối ngoại, giải quyết các vấn đề bức xúc của Nhân dân. Hàng năm, ban tuyên giáo, sở Tư pháp tỉnh, phòng Tư pháp huyện, thành phố và một số đơn vị liên quan đã chủ động trao đổi thông tin, xây dựng kế hoạch, lựa chọn nội dung và duy trì thực hiện tốt công tác phối hợp tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật trên địa bàn tỉnh.
Thông qua công tác phối hợp tuyên truyền, kiểm tra, giám sát, sơ kết, tổng kết đã kịp thời phát hiện những nhân tố mới, điển hình tiên tiến ở cơ sở trong triển khai thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh, từ đó tập trung đẩy mạnh tuyên truyền, nhân rộng. Điển hình như: Nhóm cùng sở thích trồng và sản xuất chè san tuyết của người dân thôn Bó Đướt, Đán Khao của xã Thượng Sơn, huyện Vị Xuyên; mô hình kinh tế tổng hợp trồng cây ăn quả, trồng thảo quả, trồng cỏ, chăn nuôi bò ở huyện Hoàng Su Phì; mô hình sản xuất rau an toàn của xã Quyết Tiến, huyện Quản Bạ; mô hình trồng cây dược liệu ở huyện Quản Bạ, Hoàng Su Phì; mô hình trồng cam theo tiêu chuẩn VietGap của huyện Bắc Quang, Quang Bình, Vị Xuyên; mô hình hợp tác xã toàn thôn ở các huyện Yên Minh, Bắc Quang, Quản Bạ, Vị Xuyên; mô hình phát triển du lịch cộng đồng của huyện Đồng Văn, Yên Minh, thành phố Hà Giang; mô hình đưa giáo dục văn hóa truyền thống vào trường học…
Bên cạnh đó, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đẩy mạnh công tác phối hợp với Ban thi đua khen thưởng tỉnh và các cơ quan, đơn vị lựa chọn tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến thực hiện tốt các phong trào thi đua yêu nước, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, gắn với Tám lời Bác Hồ căn dặn Đảng bộ, Nhân dân các dân tộc Hà Giang, đề nghị Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh khen thưởng; tổ chức biên tập 09 cuốn sách viết về gương người tốt việc tốt với số lượng phát hành 13.000 cuốn.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được qua việc triển khai Quyết định 221, tỉnh Hà Giang còn bộc lộ một số mặt hạn chế như: Công tác phối hợp tuyên truyền, việc tổ chức kiểm tra, đánh giá hiệu quả sau các đợt tuyên truyền có lúc, có nơi còn hình thức, hiệu quả chưa cao; một số sở, ngành của tỉnh chưa chủ động đề xuất nội dung phối hợp tuyên truyền với Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy.
Việc cung cấp cho ban tuyên giáo những nội dung chính của một số dự án, đề án, chương trình có tác động trực tiếp đến tư tưởng, đời sống của đông đảo Nhân dân để ban tuyên giáo chỉ đạo, định hướng tuyên truyền còn hạn chế. Việc phối hợp tổ chức họp báo để thông báo tình hình, chủ trương, biện pháp và kết quả giải quyết các bức xúc của Nhân dân chưa được thường xuyên.
Công tác nắm dư luận xã hội, định hướng tư tưởng trong các hoạt động văn hóa, văn nghệ, môi trường, quản lý đất đai, giải phóng mặt bằng... chưa được quan tâm thường xuyên, việc trao đổi thông tin và phối hợp giải quyết chưa kịp thời. Kinh phí phục vụ cho công tác tuyên truyền chưa đáp ứng được yêu cầu trong tình hình hiện nay.
VIỆC TRIỂN KHAI QUYẾT ĐỊNH 221 GÓP PHẦN TẠO CHUYỂN BIẾN TÍCH CỰC TRÊN NHIỀU LĨNH VỰC
Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Thào Hồng Sơn, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân Tỉnh uỷ Hà Giang cho biết: Tỉnh Hà Giang qua 10 năm thực hiện Quyết định 221, đã có nhiều chuyển biến tích cực về kinh tế, chính trị, xã hội, an ninh, quốc phòng trên địa bàn tỉnh.Ban tuyên giáo các cấp thường xuyên tham mưu giúp cấp ủy đảng, chính quyền cùng cấp tiếp tục chỉ đạo triển khai thực hiện có hiệu quả Quyết định số 221-QĐ/TW, ngày 27/4/2009 của Ban Bí thư ban hành Quy chế phối hợp giữa ban tuyên giáo các cấp với cơ quan quản lý nhà nước cùng cấptrong việc triển khai kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, giải quyết các vấn đề bức xúc của nhân dân.
Các cấp chính quyền đôn đốc chỉ đạo đẩy mạnh tuyên truyền các văn bản pháp luật mới ban hành và các chương trình, đề án, dự án lớn của trung ương, của tỉnh về phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội; phối hợp giải quyết các vấn đề bức xúc của Nhân dân nảy sinh trong quá trình thực hiện các đề án phát triển kinh tế - xã hội. Tuyên truyền có hiệu quả việc thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, gắn với phong trào thi đua thực hiện 8 lời Bác Hồ căn dặn Đảng bộ và Nhân dân các dân tộc Hà Giang; Chỉ thị số 03-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về "Nói đi đôi với làm".
Phối hợp với các ngành xây dựng kế hoạch kiểm tra, đánh giá công tác tuyên truyền theo từng ngành, đơn vị ký kết chương trình phối hợp theo từng năm. Hàng năm tổ chức sơkết chương trình phối hợpgiữa ban tuyên giáo với ủy ban nhân dân cùng cấp, ban tuyên giáo với cơ quan quản lý nhà nước cùng cấp.
Thời gian qua, Tỉnh Hà Giang đã đầu tư trang thiết bị truyền thanh tuyên truyền tới 195 xã trên địa bàn tỉnh, có chính sách quảng bá văn hoá du lịch tới du khách cả trong và ngoài nước, giới thiệu những sản phẩm nông sản của tỉnh Hà Giang với khách du lịch.
Đề xuất, kiến nghị của địa phương với Ban Tuyên giáo Trung ương, đồng chí Thào Hồng Sơn cho biết, hiện nay, việc tạo nguồn vốn với chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững còn ít, cơ chế lồng ghép giữa các chương trình gặp khó khăn đối với tình hình ngân sách eo hẹp của tỉnh nhà; việc quy tập mộ liệt sỹ, rà phá bom mìn ở trên địa bàn tỉnh còn gặp nhiều khó khăn; đặc thù địa bàn hiểm trở,
TĂNG CƯỜNG ĐỐI THOẠI VỚI NHÂN DÂN, GIẢI QUYẾT CÁC VẤN ĐỀ BỨC XÚC
Phát biểu kết luận buổi làm việc, đồng chí Lê Mạnh Hùng biểu dương những kết quả đã đạt được của tỉnh Hà Giang với quyết tâm của cả hệ thống chính quyền trong thời gian qua.
Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương cho biết: Nhìn lại trước đây 10 năm trước khi Quyết định 221-NQ/TW ra đời, tỉnh Hà Giang đã có nhiều đổi thay bộ mặt về đời sống, kinh tế - xã hội toàn diện.
Qua việc khảo sát tại tỉnh Hà Giang và đi thực tế ở huyện Quản Bạ, đồng chí Lê Mạnh Hùng nhận thấy các cấp chính quyền rất quan tâm tới công tác tuyên truyền, triển khai Quyết định 221 nghiêm túc, có chương trình, chỉ thị, chỉ đạo giám sát, phối hợp các cấp, các ngành trên địa bàn địa phương.
Nhấn mạnh vai trò của công tác tuyên truyền trong tình hình hiện nay, đồng chí Lê Mạnh Hùng nhấn mạnh,các cấp chính quyền cần có cơ chế đối thoại, lắng nghe, giải quyết kịp thời những vấn đề gây bức xúc cho người dân như đất đai, tài nguyên khoán sản, môi trường, triển khai các dự án xung đột giữa lợi ích doanh nghiệp với người dân, điều hành của cán bộ công chức thực hành công vụ, thực hiện chính sách an sinh xã hội ...
Đồng chí Lê Mạnh Hùng yêu cầu ban tuyên giáo các cấp ở Hà Giang, cần phối hợp với cơ quan nhà nước cùng cấp chủ động, kịp thời định hướng thông tin, chỉ đạo sát sao, góp phần ổn định tư tưởng nhân dân các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh. Trước hết cần tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân, có những biện pháp giải quyết các vấn đề cấp bách, khiếu kiện của nhân dân.
Trong thời gian tới, đồng chí Lê Mạnh Hùng lưu ý địa phương cần quan tâm lắng nghe, chủ động tuyên truyền cho người dân hiểu các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và đồng hành triển khai những chính sách, nghị quyết mới đi vào cuộc sống. Bên cạnh đó, các cấp chính quyền cũng cần đầu tư trang thiết bị, ứng dụng công nghệ thông tin vào phát triển kinh tế - xã hội, tuyên truyền, đối thoại trực tuyến với nhân dân thường xuyên. Tăng cường sự chỉ đạo của cấp uỷ, Ban tuyên giáo, tham mưu cho cấp uỷ, chính quyền, tuyên truyền cho người dân hiểu cùng tham gia, cùng đồng hành với chính quyền địa phương.
Thường xuyên nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người dân, có cơ chế đối thoại dễ dàng để người dân có thể bày tỏ suy nghĩ, giải đáp kịp thời tạo sự đồng thuận trong nhân dân.
Bên cạnh đó, đồng chí Lê Mạnh Hùng cũng nhận định, tỉnh Hà Giang là mảnh đất giàu truyền thống văn hoá, cách mạng, nơi địa đầu của Tổ quốc, có Cao nguyên đá Đồng Văn được UNESCO công nhận là Công viên địa chất toàn cầu, giới thiệu con người, văn hoá, phát triển du lịch địa phương tới bạn bè quốc tế như: Mùa hoa Tam giác mạch, Chợ tình Khâu Vai... tạo dấu ấn đẹp về văn hoá du lịch Việt Nam ở cả trong và ngoài nước.
*Trước đó, sáng 6/6, tại huyện uỷ Quản Bạ (Hà Giang), Đoàn khảo sát của Ban Chỉ đạo Trung ương tổng kết 10 năm thực hiện Quyết định số 221-QĐ/TW ngày 27/4/2009 của Ban Bí thư (khoá X) về ban hành Quy chế phối hợp giữa ban tuyên giáo các cấp với cơ quan quản lý nhà nước cùng cấp trong việc triển khai kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, giải quyết các vấn đề bức xúc của nhân dân (gọi tắt là Quyết định 221) đã làm việc với huyện uỷ Quản Bạ.
Quản Bạ là huyện vùng cao biên giới phía Bắc của tỉnh Hà Giang, là một trong 63 huyện nghèo cả nước, có tổng diện tích đất tự nhiên trên 540 km2. Huyện có 12 xã và 1 thị trấn (5 xã biên giới, 19 thôn bản giáp biên, với 54,32 km đường biên); huyện có 107 thôn, tổ dân phố (trong đó có 66 thôn đặc biệt khó khăn) với 18 dân tộc cùng sinh sống, trong đó, dân tộc Mông chiếm trên 60%; dân tộc Dao chiếm 14%; dân tộc Tày chiếm 9%, còn lại là các dân tộc khác; toàn huyện có 11.739 hộ với 53.331 nhân khẩu; 55 chi, đảng bộ trực thuộc, 175 chi bộ trực thuộc Đảng uỷ với tổng số 3.907 đảng viên (đảng viên chính thức 3.602 đồng chí, đảng viên dự bị 305 đồng chí).
|
Tại đây, Đoàn khảo sát liên ngành đã có cơ hội tìm hiểu sâu thêm về đời sống, văn hoá, xã hội, tâm tư, tình cảm của nhân dân trên địa bàn huyện Quản Bạ (Hà Giang); đánh giá về kết quả 10 năm thực hiện, triển khai Quyết định 221 tại địa phương.
Bài, ảnh: Nhật Minh