Tham dự chương trình giao lưu có các đồng chí: Võ Văn Thưởng, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; Nguyễn Thế Kỷ, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam; Trần Đức Quận, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh Lâm Đồng; đồng chí Trần Văn Hiệp, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Lâm Đồng; đại diện lãnh đạo các địa phương Quảng Nam, Kom Tum, Ninh Thuận, Quảng Trị, Lâm Đồng và các cá nhân điển hình tiêu biểu trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh ở nhiều lĩnh vực thuộc khu vực miền Trung và Tây Nguyên.
Sinh thời Bác Hồ luôn dành tình cảm sâu sắc, niềm thương, nỗi nhớ đối với đồng bào các dân tộc Tây Nguyên. Dù Bác chưa một lần được vào thăm Tây Nguyên và nhiều người dân Tây Nguyên cũng chưa một lần được gặp Bác, nhưng tình cảm yêu kính, nhớ thương luôn canh cánh trong lòng. Tình Bác luôn tỏa sáng và đồng bào các dân tộc Tây Nguyên luôn hướng về Bác, về Đảng, về cách mạng.
Chủ tịch Hồ Chí Minh là người thầy vĩ đại của cách mạng Việt Nam, lãnh tụ kính yêu của nhân dân Việt Nam, một chiến sĩ xuất sắc của phong trào cộng sản quốc tế. Tư tưởng, đạo đức và phong cách của Người đã đạt tới một sự thống nhất chặt chẽ và cao độ giữa nói và làm, giữa đời công và đời tư, độc lập dân tộc luôn gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh là mong muốn, là trách nhiệm và tình cảm của mỗi người, mỗi nhà, mỗi cơ quan, địa phương, đơn vị. Thực hiện việc học tập và làm theo theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Bác luôn là lời nguyện ước, là niềm vinh dự và trách nhiệm vẻ vang của mỗi cán bộ, đảng viên và mỗi người dân Việt Nam nói chung và mỗi người dân khu vực miền Trung và Tây Nguyên nói riêng.
Tại buổi giao lưu, các gương điển hình đã chia sẻ nhiều câu chuyện, cách làm gắn liền với thực tế cuộc sống và công việc hằng ngày ở địa phương mình trong học và làm theo Bác.
Sơ Nguyễn Thị Hường ở Mái ấm Tín Thác (Bảo Lộc) được biết đến với một tấm lòng nhân hậu và tình yêu thương vô bờ bến dành cho những đứa trẻ mồ côi bị vứt bỏ từ khi mới lọt lòng. Câu chuyện học Bác về tình yêu thương con người “thương người như thể thương thân” của Sơ Hường đã làm lay động biết bao người và sẽ truyền đi ngọn lửa yêu thương và lòng nhân ái như ở Mái ấm Tín Thác. Hơn thế nữa, Sơ Hường cũng là một trong những giáo dân sống tốt đời đẹp đạo như Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: “Dân tộc ta là một dân tộc giàu lòng bác ái” và Người cũng kêu gọi các dân tộc, các tôn giáo cùng đoàn kết, sống tốt đời, đẹp đạo, yêu thương nhau.
Học và làm theo lời Bác dạy: “Quân đội là trường học lớn của thanh niên Việt Nam”, Trung uý A Hí - bộ đội biên phòng tỉnh Kom Tum luôn nỗ lực phấn đấu đạt nhiều thành tích trong huấn luyện sẵn sàng chiến đấu. Với Trung uý A Hí, khi đơn vị triển khai học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và Cuộc vận động “Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ”, anh đã hiểu nhiều hơn về cuộc đời, sự nghiệp, tư tưởng, đạo đức, phong cách của Bác Hồ. Từ đó, anh càng nỗ lực phấn đấu học tập và rèn luyện, hoàn thành nhiệm vụ được giao; anh tự đề ra cho mình mục tiêu “mỗi ngày làm một việc tốt”.
“Học Bác không phải ở đâu xa mà học từ những điều giản dị nhất. Tôi luôn nhớ, tại buổi lễ thành lập lực lượng Công an nhân dân vũ trang, nay là Bộ đội Biên phòng, ngày 3-3-1959, Bác Hồ đến dự, động viên và giao nhiệm vụ cho lực lượng. Bác căn dặn: Công an và Quân đội phải luôn đoàn kết, hợp tác, sát cánh bên nhau; phải cảnh giác, kiên quyết trấn áp kẻ địch bên trong và kẻ địch bên ngoài. Phải dựa vào nhân dân mới hoàn thành được tốt nhiệm vụ. Đó cũng là hành trang mà mỗi chiến sỹ chúng tôi luôn mang theo để hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình.”- Trung úy A Hí chia sẻ.
Khán giả cũng không khỏi xúc động khi trò chuyện với chị Nguyễn Thị Hồng Hải - nhân viên Trường Mầm non Tây Hồ (xã Tam Lộc, Phú Ninh, Quảng Nam), người không ngại khó, ngại khổ tình nguyện làm xe ôm đưa đón miễn phí các cháu học sinh có hoàn cảnh khó khăn đến trường đi học. Với tấm lòng của một người mẹ, tình yêu thương sâu sắc và trách nhiệm lớn lao, chị Hải đã tự nguyện làm “xe ôm” suốt mấy năm ròng rã, cho nhiều em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn. Có những việc làm tưởng chừng rất đời thường, giản đơn, nhưng để lại ấn tượng khó phai mờ trong lòng người, đặc biệt là trong ký ức của tuổi thơ của các em học sinh.
Làm việc thiện xuất phát từ chính tấm lòng chân thành, trong sáng. Những việc làm thầm lặng của chị Hải đã và đang cho thấy rằng cuộc sống dù nơi này, nơi kia còn những bon chen, còn những điều chưa đẹp, thì ở cạnh ta, xung quanh ta vẫn còn rất nhiều người tốt, việc tốt, trong đó có những con người được truyền cảm hứng, tiếp thêm động lực từ tấm gương ngời sáng của Bác Hồ, luôn tự giác học và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người.
Cựu chiến binh Kator Văn (xã Phước Trung, huyện Bác Ái, Ninh Thuận) mang đến buổi giao lưu những câu chuyện, những hoạt động, phong trào về kinh tế, xoá đói giảm nghèo, xây dựng khu dân cư văn hoá ở Ninh Thuận nói chung và đồng bào Raglai, huyện miền núi Bác Ái nói riêng. Ông Kator Văn học Bác nêu cao tinh thần trách nhiệm của người đảng viên, nói đi đôi với làm, phát huy truyền thống Bộ đội Cụ Hồ, tích cực tham gia xây dựng đảng bộ, chính quyền trong sạch, vững mạnh. Là cán bộ đã trải qua nhiều chức vụ ở xã Phước Trung, nhưng điều mà người dân trong xã cảm nhận về ông Kator Văn là “người cán bộ gần dân, bám sát cơ sở, nắm chặt địa bàn”. Ông cũng chính là một trong những nhân tố cần được nhân rộng trong phong trào xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Thể hiện những tình cảm kính yêu, học và làm theo Bác, Công an huyện Triệu Phong, Quảng Trị đã tạo sự đồng thuận trong nhận thức và hành động để xây dựng và nhân rộng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc. Lời dạy của Bác về chính sách đại đoàn kết dân tộc, gần dân, nói cho dân nghe, làm cho dân hiểu, chỉ lối cho dân theo và làm gương cho dân tin là kim chỉ nam trong mọi hành động của Công an huyện Triệu Phong trong những năm qua. Nhờ đó, Công an huyện Triệu Phong đã góp phần tạo sự gắn kết, gần gũi giữa các chức sắc tôn giáo với bà con giáo dân.
Với mô hình “Giáo xứ đoàn kết bảo vệ an ninh Tổ quốc” không có tội phạm và tệ nạn xã hội, Công an huyện Triệu Phong đã phối hợp các chức sắc tôn giáo tại một số giáo xứ nhằm phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Từ mô hình này, đã thúc đẩy các phong trào thi đua yêu nước góp phần chuyển hoá nhiều địa bàn từng là điểm nóng phức tạp về an ninh trật tự. Đây cũng là một trong nhiều cách làm sáng tạo trong vận động bà con vùng đồng bào có đạo tham gia vào phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc...
Năm 2019, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta kỷ niệm 50 năm ngày Bác kính yêu đi xa, nhìn lại 50 năm đoàn kết, nỗ lực phấn đấu thực hiện Di chúc thiêng liêng của Bác. Đây là đợt sinh hoạt chính trị lớn và cần thiết để mỗi địa phương, cơ quan, đơn vị, mỗi cán bộ, đảng viên, mỗi người dân tự soi rọi lại mình, phấn đấu học Bác, làm theo Bác xây dựng quê hương, đất nước giàu mạnh, phồn vinh.
Có thể khẳng định, việc học và làm theo Bác đã và đang trở thành hành động tự giác, thành mệnh lệnh từ trái tim của mỗi cán bộ, đảng viên, mỗi người dân Việt Nam trong mỗi công việc, mỗi suy nghĩ và hành động. Nhiều năm qua, việc học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đã trở thành biểu hiện sinh động của sự kính yêu Bác, niềm tin vào con đường và sự nghiệp cách mạng để mỗi người làm việc và sống tốt đẹp hơn.
Thu Hằng