Thứ Bảy, 21/9/2024
Đời sống
Thứ Bảy, 10/9/2016 13:39'(GMT+7)

Hài hòa lợi ích doanh nghiệp và người lao động

Ảnh minh họa. Nguồn: news.zdn.vn

Ảnh minh họa. Nguồn: news.zdn.vn

Nên giảm mức đóng cho doanh nghiệp?

Theo quy định của Luật BHXH năm 2014, mức đóng BHXH thay đổi từ đầu năm 2016. Cụ thể, từ 1.1.2016 đến hết năm 2017 đóng BHXH dựa trên mức lương và phụ cấp ghi trong hợp đồng. Từ 1.1.2018 trở đi, người lao động đóng BHXH dựa trên mức lương, phụ cấp và nhiều khoản bổ sung khác ghi trong hợp đồng lao động.

Thứ trưởng Bộ LĐ, TB - XH Phạm Minh Huân cho biết, 2016 là năm đầu tiên thực hiện Luật BHXH 2014. Tỷ lệ đóng BHXH của Việt Nam là 32,5%, ở mức cao. Trong đó, người lao động đóng 10,5% và người sử dụng lao động đóng 22%. Mới đây, Hội đồng Tiền lương Quốc gia đã rà soát các quỹ bảo hiểm ngắn hạn như thất nghiệp, tai nạn lao động để giảm tỷ lệ đóng góp cho doanh nghiệp. Trước thực tế đó, nhiều doanh nghiệp đang kiến nghị giảm mức đóng BHXH từ 22% xuống còn 18%. Mức tăng trung bình 7,3% của lương tối thiểu vùng cho người lao động trong doanh nghiệp vào năm 2017, đã được sự đồng thuận của các bên cao nhất từ trước tới nay.

Chia sẻ về giải pháp tháo gỡ khó khăn này cho doanh nghiệp, ông Trần Hải Nam - Phó Vụ trưởng Vụ BHXH, Bộ LĐ, TB - XH nói: Trên cơ sở việc triển khai thực hiện các chương trình mới về đóng BHXH trong một năm qua, Bộ sẽ có một bản báo cáo tổng hợp dựa trên những khó khăn của doanh nghiệp để đưa ra các giải pháp kịp thời. Hiện, doanh nghiệp đang chịu mức đóng BHXH cao gấp đôi người lao động. Điều này dẫn đến phí bảo hiểm và các loại phí tăng đánh vào sản phẩm của doanh nghiệp, khiến giá hàng hóa mất tính cạnh tranh so với các sản phẩm nước ngoài. Một trong số những giải pháp đang nhận được sự ủng hộ của nhiều người, đó là giảm mức đóng BHXH của doanh nghiệp và tăng mức đóng BHXH của người lao động.

Được biết, quy định về tỷ lệ đóng, nhiều nước đã thực hiện quy định đóng 50:50, tức là người lao động và người sử dụng lao động đóng một nửa. Còn về khả năng áp dụng tại Việt Nam, “chúng tôi cho rằng khi triển khai Luật BHXH 2014 với mức nền tiền lương làm căn cứ đóng được điều chỉnh tiệm cận dần với mức thu nhập thực tế của người lao động, việc xem xét giảm mức đóng BHXH đối với doanh nghiệp và người lao động là có thể xảy ra”, ông Nam nói.

Chưa đồng thuận về mức đóng

Ông Lê Đình Quảng, Phó ban Quan hệ lao động, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết, tỷ lệ đóng BHXH của người lao động và cả chủ sử dụng đang ở mức cao. Hiện nay, người lao động phải đóng là 10% và chủ sử dụng lao động phải đóng 22% trên mức lương. Cộng thêm bảo hiểm y tế thì tổng số phải đóng lên tới 32,5% mức lương.

Theo khảo sát của Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, với mức lương hiện tại, còn hơn 20% người lao động có mức thu nhập không đủ sống. Chỉ có 8% người lao động có tích lũy. Còn lại là số lao động có mức thu nhập phải chi tiêu rất dè sẻn. Trong điều kiện tiền lương thấp, mức thu nhập của người lao động chưa bảo đảm cho đời sống trước mắt nên cả doanh nghiệp và người lao động đều có nhiều ý kiến chưa đồng thuận về mức đóng BHXH.

Từ 1.1 năm nay, tiền đóng BHXH được tính trên tiền lương, cấp bậc, chức vụ và phụ cấp lương. Điều đó dẫn đến việc người lao động và chủ sử dụng lao động đều muốn đóng mức thấp, bởi họ vừa phải lo cho sự tồn tại của doanh nghiệp, lại vừa phải tăng mức đóng BHXH. Việc này ảnh hưởng xấu tới mục tiêu mở rộng đối tượng tham gia BHXH, ông Quảng nói.

Thứ trưởng Huân cho biết, nếu áp dụng giải pháp trên, các quỹ BHXH ngắn hạn có nguồn thu lớn hơn chi có thể giảm mức đóng cho doanh nghiệp và người lao động. Trước mắt, có thể nhìn thấy tỷ lệ đóng về bảo hiểm thất nghiệp, tai nạn lao động có thể giảm chút ít, nhưng cần có tính toán cụ thể. Vừa qua, đoàn giám sát về BHXH ở các đơn vị đã ghi nhận nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là lĩnh vực chế biến thủy sản, dệt may đang gặp nhiều khó khăn. Ông Huân cho rằng cần tiếp tục theo dõi tình hình “sức khỏe” của các doanh nghiệp để áp dụng tăng mức đóng BHXH trên toàn bộ thu nhập thực tế của người lao động. Theo kế hoạch, đến 2020 phải có 50% người trong độ tuổi lao động tham gia BHXH, nhưng thực hiện khó khăn vì đến nay mới đạt 23%, với số lượng khoảng 12,5 triệu người.

Ghi nhận các ý kiến tại phiên họp, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ giao Bộ LĐ, TB - XH cùng với các bộ, ngành liên quan cần đánh giá mức đóng, hưởng BHXH cho phù hợp, bảo đảm lợi ích hài hòa giữa người sử dụng lao động với người lao động. Bộ LĐ, TB - XH cũng được yêu cầu hoàn tất lấy ý kiến về mức tăng lương tối thiểu vùng năm 2017, trình Thủ tướng ký ban hành trong tháng 9. Nếu áp dụng mức tăng 7,3% nêu trên, mức tăng đối với lao động ở các địa phương thuộc vùng I là 250.000 đồng, vùng II tăng 220.000 đồng, vùng III tăng 200.000 đồng và vùng IV là 180.000 đồng.

Minh Anh (Theo Daibieunhandan.vn)




Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất