Thông tin từ Kiên Giang cho thấy, tỉnh
này có kế hoạch từ nay đến năm 2020, tập trung phát triển du lịch thành
ngành kinh tế mũi nhọn với tốc độ tăng trưởng nhanh và bền vững, có
thương hiệu, hấp dẫn du khách. Trong đó, tỉnh chú trọng đào tạo nguồn
nhân lực cho ngành du lịch và xác định đây là nhân tố có tính quyết
định.
Kiên Giang phát triển, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch trên cơ sở tập trung đào tạo đội ngũ quản lý nhà nước, giáo viên chuyên ngành du lịch, lao động của các doanh nghiệp kinh doanh du lịch và cộng đồng dân cư sinh sống trong và ngoài các khu, điểm du lịch. Tỉnh phấn đấu đến năm 2020, có từ 22.000 - 25.000 người làm việc lĩnh vực du lịch, với tỷ lệ lao động qua đào tạo chuyên ngành đạt khoảng 50 - 55%; các đơn vị quản lý nhà nước về du lịch có ít nhất 6 cán bộ trình độ thạc sĩ và 60 cử nhân đại học; đơn vị sự nghiệp có thu nâng lên số lượng cán bộ trình độ đại học và trung cấp chuyên ngành đáp ứng nhu cầu phát triển du lịch trước mắt và những năm sắp tới; lao động lĩnh vực lưu trú đạt khoảng 12.000 nhân viên phục vụ khối kinh doanh khách sạn, nhà hàng cho các vị trí công việc như: quản lý, lễ tân, kỹ thuật, buồng, bàn, đầu bếp…; lĩnh vực kinh doanh lữ hành có hơn 870 nhân viên; nâng cao tính chuyên nghiệp của đội ngũ hướng dẫn viên du lịch, nhất là hướng dẫn viên du lịch phục vụ du khách quốc tế.
Ông Trần Chí Dũng - Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Kiên Giang cho biết: Tỉnh khuyến khích, hỗ trợ đào tạo lực lượng lao động của các cơ sở kinh doanh du lịch; quan tâm đầu tư nâng cao chất lượng các trường, cơ sở đào tạo về du lịch của tỉnh; liên kết chặt chẽ chương trình đào tạo với nhu cầu sử dụng lao động, chú trọng nâng cao trình độ quản lý, tay nghề, kỹ năng, tính chuyên nghiệp trong hoạt động kinh doanh du lịch. Ba nhóm giải pháp trọng yếu phát triển nguồn nhân lực du lịch sẽ được tỉnh triển khai, đ ó là nhóm giải pháp nâng cao chất lượng cán bộ công chức, viên chức ngành du lịch, chú trọng tuyển chọn, quy hoạch, đào tạo cán bộ trẻ có năng lực quản lý và chuyên môn hóa sâu; tổ chức thi tuyển để tuyển chọn được những người giỏi; bồi dưỡng, nâng cao trình độ cán bộ công chức, viên chức và sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực hiện có; hoàn thiện cơ chế chính sách thu hút cán bộ trình độ chuyên môn cao và sinh viên giỏi về địa phương công tác.
H ệ thống đào tạo cũng được tỉnh kiện toàn, nâng cao chất lượng chuyên ngành du lịch ở các trường cao đẳng, trung cấp nghề. Trong đó, giảng viên đảm bảo năng lực giảng dạy theo tiêu chuẩn kỹ năng nghề Du lịch Việt Nam, đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, kinh phí hoạt động, tuyển dụng học viên, liên kết với các trường trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và phối hợp với Trường Đại học Kiên Giang đào tạo nguồn nhân lực du lịch cho tỉnh.
Đối với nhóm giải pháp nâng cao chất lượng đội ngũ nhân viên tại các đơn vị kinh doanh du lịch, tỉnh hỗ trợ đào tạo các lĩnh vực chuyên môn, phục vụ chuyên nghiệp, nhất là ngoại ngữ giao tiếp, thu hút nhân lực và duy trì nguồn nhân lực; kêu gọi các nhà đầu tư, cơ sở đào tạo, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh tham gia đào tạo, tái đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch. Cùng với đó chú trọng bồi dưỡng, tập huấn nhân lực du lịch trong cộng đồng tại các vùng du lịch trọng điểm của tỉnh; khai thác hợp lý, hiệu quả gắn với bảo tồn tài nguyên du lịch./.
TTX