Thứ Ba, 8/10/2024
Kinh tế
Chủ Nhật, 26/12/2010 20:44'(GMT+7)

Hai mặt của đồng tiền

Dự thảo ngân sách mới sẽ giúp nền kinh tế Nhật Bản duy trì đà tăng trưởng.

Dự thảo ngân sách mới sẽ giúp nền kinh tế Nhật Bản duy trì đà tăng trưởng.

Được bắt đầu từ tháng 4-2011 - ngay sau khi Quốc hội thông qua trong kỳ họp vào đầu năm tới - dự thảo ngân sách mới được kỳ vọng sẽ tạo cú huých cho nền kinh tế đất nước Mặt trời mọc trong bối cảnh tăng trưởng chưa thực sự bền vững hiện nay. 
 
Khoản ngân sách vừa được nội các Nhật Bản thông qua - vượt mức 92.300 tỷ yen của tài khóa 2010 - được đưa ra trong bối cảnh bức tranh kinh tế Nhật Bản trong năm 2011 vẫn còn nhiều khoảng tối. Số liệu mới nhất từ Văn phòng nội các Nhật Bản cho thấy, trong tài khóa 2011 nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này có thể chỉ đạt tốc độ tăng trưởng thực tế 1,5%, giảm mạnh so với con số 3,1% dự báo cho tài khóa 2010. Nguyên nhân chính khiến tốc độ tăng trưởng kinh tế của nước này giảm là do nhu cầu tiêu dùng cá nhân yếu, ảnh hưởng từ các biện pháp kích thích tài chính đang giảm dần. Mặc dù xu hướng chỉ số giá tiêu dùng giảm ở xứ Phù tang được dự báo sẽ tạm ngừng vào giữa năm 2011, song như vậy không có nghĩa kinh tế Nhật Bản đã thoát khỏi cơn thiểu phát kinh niên.

Bên cạnh đó, nội các của Thủ tướng N.Kan đang hết sức lo ngại các biện pháp kích cầu khẩn cấp trong năm tới sẽ ngày càng bị thu hẹp khi một số gói tài chính cho biện pháp này chấm dứt. Các chỉ số cuối năm cho thấy, sự suy giảm trong sản lượng công nghiệp, đặc biệt là ngành chế tạo xe hơi ngày càng tăng. Niềm tin của người tiêu dùng có dấu hiệu lung lay khi thời hạn của chương trình trợ cấp mua hàng gia dụng sử dụng hiệu quả năng lượng của Chính phủ sẽ chấm dứt vào tháng 3-2011 đang đến gần. Thêm vào đó, chỉ số tiêu dùng được dự báo chỉ tăng trưởng với tốc độ 0,6% trong năm tới, giảm 0,9% so với hiện nay khi kim ngạch xuất khẩu tiếp tục suy yếu và có thể chỉ đạt tỷ lệ tăng trưởng 6,2% so với con số 15,8% trong tài khóa hiện nay. Trong bối cảnh như vậy, ngân sách kỷ lục cho tài khóa 2011 có ý nghĩa quan trọng nhằm duy trì đà tăng trưởng kinh tế của Nhật Bản.

Khoản ngân sách khổng lồ cho tài khóa 2011 đang khiến không ít người dân Nhật Bản lo ngại "túi nợ công" của quốc gia sẽ ngày càng phình to. Điều này trái với cam kết trước đó của Thủ tướng N.Kan khi khẳng định sẽ vực dậy tình trạng tài chính - được cho là tồi tệ nhất trong số các nền kinh tế phát triển - là ưu tiên hàng đầu để giảm thiểu nguy cơ nợ công. Đây chính là nguy cơ hai mặt của đồng tiền trong khoản dự chi ngân sách 2011 mà nội các Nhật Bản thông qua. Theo Quỹ tiền tệ thế giới (IMF), tỷ lệ nợ công/tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của các nước phát triển vào năm 2015 có thể tăng lên 110%, so với mức khoảng 75% của năm 2007. Trong đó, Nhật Bản là một trong những con nợ lớn nhất thế giới, với khoản nợ công lên tới 10.710 tỷ USD, tương đương với số nợ bình quân đầu người là 84.435 USD. Mức nợ công của Nhật Bản hiện lên tới 200% GDP, so với mức 60% của 20 năm trước. Tuy nhiên, chủ nợ của Nhật Bản lại chính là những người gửi tiết kiệm của nước này chứ không phải nước ngoài.

Dẫu vậy, quyết định tung ra dự thảo ngân sách cực lớn cho tài khóa 2011 một lần nữa thể hiện quyết tâm của nội các đất nước Mặt trời mọc nhằm vực dậy nền kinh tế từng được xem là kỳ tích từ đống tro tàn của chiến tranh. Nội các Nhật Bản đang hướng đến mục tiêu tăng trưởng GDP bình quân 2%/năm trong thập kỷ tới và tạo ra 5 triệu việc làm trong các lĩnh vực tiềm năng. Do đó, dù có mạo hiểm, dự thảo ngân sách kỷ lục mới của nội các Nhật Bản không chỉ được kỳ vọng sẽ "lên dây cót" cho đà tăng trưởng, mà thành công của nó còn góp phần giúp Thủ tướng N.Kan cũng như đảng Dân chủ cầm quyền giành lại uy tín đang bị giảm mạnh nơi cử tri./.

(Đình Hiệp/HNM) 


 

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất