Có mặt tại Hàn Quốc trong những ngày này, có thể cảm nhận một bầu không
khí tích cực khởi nguồn từ thỏa thuận hòa giải mang tính phá băng giữa
hai miền Triều Tiên mới đây.
Tin vui từ chuyến đi Bình Nhưỡng của các đặc phái viên Hàn Quốc
Tin vui đầu tiên mà các đặc phái viên mang về sau 2 ngày đến Bình Nhưỡng
là cuộc gặp thượng đỉnh giữa hai miền Triều Tiên sẽ được nối lại trong
tháng Tư tới. Cùng với việc nhất trí về thời điểm tổ chức cuộc gặp
thượng đỉnh, hai miền Triều Tiên cũng nhất trí thiết lập đường dây nóng
để tăng cường tham vấn cấp cao và giảm thiểu căng thẳng về quân sự.
Hai bên cũng nhất trí tiến hành cuộc điện đàm trực tiếp đầu tiên giữa 2 nhà lãnh đạo cao nhất trước cuộc gặp thượng đỉnh.
Nếu được tổ chức, đây sẽ là lần thứ 3 lãnh đạo cao nhất của hai miền gặp
nhau và lần đầu tiên được tổ chức trên đất Hàn Quốc. Hai cuộc gặp
trước, diễn ra năm 2000 và năm 2007, đều tổ chức tại Bình Nhưỡng.
Như vậy, phải mất 11 năm, hai miền Triều Tiên mới đạt được sự thống nhất
trong việc nối lại tiến trình hòa giải dân tộc. Hơn một thập kỷ qua,
cũng là giai đoạn quan hệ giữa hai miền Triều Tiên tuột dốc với việc
toàn bộ tiến trình hòa giải, hòa hợp dân tộc bị đình chỉ. Quan hệ giữa
hai miền trở nên căng thẳng cực điểm và nhiều lúc tưởng chừng như hai
miền đang bên bờ vực của một cuộc chiến.
Cùng với việc cắt đứt mọi quan hệ đối thoại với Hàn Quốc, Cộng hòa Dân
chủ Nhân dân Triều Tiên đẩy mạnh việc phát triển chương trình hạt nhân
và tên lửa bất chấp lệnh trừng phạt của Liên hợp quốc.
Các động thái hòa giải chính thức được khởi xướng với việc Triều Tiên cử
phái đoàn đông đảo tham gia thế vận hội mùa Đông PyongChang tổ chức tại
Hàn Quốc hồi tháng Hai vừa qua. Cũng trong khuôn khổ Thế vận hội
Pyongchang, phái đoàn cấp cao của Triều Tiên đã có nhiều hoạt động ngoại
giao song phương với giới chức cấp cao nhất của Hàn Quốc thể hiện thiện
chí đối thoại.
Tuy nhiên, nếu theo dõi kỹ, có thể thấy tiến trình hòa giải giữa hai
miền đã bắt đầu từ khi Tổng thống đương nhiệm của Hàn Quốc - ông Moon
Jae-in - nhậm chức tháng 5/2017 với chính sách thúc đẩy hòa giải bền
vững giữa hai miền Triều Tiên.
Các yếu tố ảnh hưởng đến tiến trình đối thoại liên Triều
Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in tỏ ra rất thận trọng khi nói rằng sự
thúc đẩy quan hệ giữa hai miền Triều Tiên phụ thuộc nhiều vào việc nối
lại tiến trình đàm phán song phương Mỹ-Triều Tiên nhằm thiết lập hòa
bình và phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên.
Mặc dù, báo cáo của đặc phái viên cho biết Triều Tiên sẵn sàng tổ chức
các cuộc hội đàm song phương với Mỹ về chương trình hạt nhân của Bình
Nhưỡng và đây cũng là lần đầu tiên Triều Tiên hé lộ khả năng đình chỉ
chương trình hạt nhân nếu an ninh của quốc gia này được đảm bảo và tiến
trình đàm phán với Mỹ đạt được tiến triển thực sự, nhưng Tổng thống Moon
vẫn nói rằng “còn quá sớm để lạc quan về tiến trình này".
Tại cuộc gặp các nhà báo quốc tế tham dự Diễn đàn báo chí thế giới tổ
chức tại Seoul từ ngày 4 đến 11/3, Thị trưởng thành phố Sejong, thủ đô
hành chính mới của Hàn Quốc - ông Lee Choon-hee - nói rằng các động thái
hòa giải giữa hai miền Triều Tiên là một tín hiệu đáng mừng. Hàn Quốc
tin tưởng chắc chắn vào tiến trình thống nhất giữa hai miền Triều Tiên.
"Giờ đây, chúng tôi chỉ quan tâm đến tiến trình này sẽ diễn ra nhanh hay
chậm bởi lẽ điều này còn phụ thuộc rất nhiều vào lập trường và tác động
của nhiều bên. Tuy nhiên, trong việc thúc đẩy quan hệ hòa giải giữa hai
miền Triều Tiên, rất cần thái độ chân thành, gây dựng niềm tin từ lãnh
đạo hai miền", ông Lee Choon-hee nói.
Nhà
lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un (thứ 3, trái) tiếp đoàn đặc phái viên
Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in, do Chánh Văn phòng an ninh quốc gia Phủ
Tổng thống Chung Eui-yong (thứ 2, trái) dẫn đầu, tại Bình Nhưỡng ngày
5/3. (Nguồn: Yonhap/TTXVN)
Nhiều nhà phân tích của cả Hàn Quốc và thế giới cho rằng chưa thể tin
tưởng vào lập trường của Triều Tiên, cần thêm những bằng chứng để chứng
tỏ sự nghiêm túc của nước này đối với lập trường phi hạt nhân hóa bán
đảo Triều Tiên. Tuy nhiên, sau hơn một thập kỷ quan hệ hợp tác liên
Triều căng thẳng, đình trệ, có một mong muốn không thể phủ nhận của
người dân cả hai miền về sự cần thiết phải thiết lập hòa bình, ổn định,
hợp tác bền vững và cùng phát triển trên bán đảo Triều Tiên.
Tiến trình hòa giải và hòa hợp dân tộc, được khởi xướng trong quá khứ,
đã giúp cả hai miền có một giai đoạn phát triển ổn định, mang lại nhiều
lợi ích cho nhân dân cả hai miền Triều Tiên./.
Khánh Vân (Vietnam+)