Thứ Sáu, 20/9/2024
Thế giới
Thứ Ba, 7/7/2015 21:30'(GMT+7)

Hai mươi năm một chặng đường

Chiều 2-7 Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tiếp Cựu Tổng thống Hợp chúng quốc Hoa Kỳ nhân dịp ông sang thăm Việt Nam và dự lễ kỷ niệm 20 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Hoa Kỳ (12/7/1995-12/7/2015). (Ảnh: Nguyễn Khang/TTXVN)

Chiều 2-7 Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tiếp Cựu Tổng thống Hợp chúng quốc Hoa Kỳ nhân dịp ông sang thăm Việt Nam và dự lễ kỷ niệm 20 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Hoa Kỳ (12/7/1995-12/7/2015). (Ảnh: Nguyễn Khang/TTXVN)

  Vượt trùng dương bao la đi tìm bạn    

Từ giữa thế kỷ XIX, Việt Nam lâm vào tình thế tuyệt vọng. Năm 1858 liên quân PhápTây Ban Nha đánh chiếm bán đảo Sơn Trà (Đà Nẵng). Năm 1859 thành Gia Định bị chiếm. Năm 1861 lần lượt mất các tỉnh Định Tường, Biên Hòa, đảo CônLôn (Phú quốc). Với Hòa ước 1862, triều đình Huế phải cắt đứt cho Pháp ba tỉnh miền Đông. Đến tháng 6-1867, Việt Nam bị mất toàn bộ 6 tỉnh Nam Kỳ vào tay thực dân Pháp. Ngày 15-3-1874, Việt Nam lại bị ép buộc phải ký hiệp ước Giáp Tuất, nhượng bộ nhiều yêu sách ngang ngược của thực dân Pháp. Triều đình Huế càng nhân nhượng, Pháp càng lấn tới. Vua Tự Đức chủ trương tìm kiếm ngoại viện chống lại quân Pháp. Bùi Viện (1) lãnh nhận sứ mạng sang Mỹ. Bùi Viện được vua Tự Đức cử đi với hai trọng trách: Đề nghị đặt quan hệ ngoại giao và xin được viện trợ chống thực dân Pháp.

Đương thời, việc xuất dương sang Mỹ là việc mạo hiểm, thiên nan, vạn nan. Vua quan nhà Nguyễn chỉ biết có Trung quốc và một số nước quanh vùng Đông Nam Á. Với Ấn Độ, vẫn là miền đất xa xôi. Tìm đường sang Mỹ, đối với vua quan nhà Nguyễn chẳng khác gì Đường Tăng sang Thiên Trúc thỉnh kinh trong truyện Tây du ký. Họ không biết phải bắt đầu từ đâu và làm như thế nào. Thế mà Bùi Viện, không chút đắn đo, dũng cảm nhận lãnh sứ mạng của nhà vua giao cho. Từ cửa biển Thuận An, Huế, Bùi Viện xuống thuyền ngược ra Bắc vào tháng 7 năm Quý Dậu (tháng 8-1873). Phải hai tháng sau Bùi Viện mới đến được Hương Cảng (Hồng Kông), lúc đó đã là nhượng địa của nước Anh và là đầu mối giao thông nối châu Á với thế giới phương Tây. Tại đây, Bùi Viện đã kết giao được với viên lãnh sự Mỹ. Biết được ý đồ của Bùi Viện, viên lãnh sự đã viết thư giới thiệu với một nguời ở Mỹ có khả năng giúp ông tiếp cận với nguyên thủ của quốc gia này. Sau đó, Bùi Viện đã vượt biển đi qua Yôkôhama, Nhật. Từ Nhật, ông vượt Thái Bình dương mênh mông sang đến Nữu Ước rồi đến Hoa Thịnh Đốn, thủ đô nước Mỹ. Phải lưu lại trên đất Mỹ mất một năm để kiên trì vận động, ông mới được Tổng thống thứ 18 của nước Mỹ Ulítxít Gơrant (1822-1885) tiếp. Thời gian này giữa Pháp và Mỹ đang có xung đột về quân sự ở Mếcxicô. Chính quyền  Mỹ tỏ ý muốn giúp Việt Nam đang bị Pháp uy hiếp. Nhưng Bùi Viện không mang theo quốc thư nên hai bên không thể có một cam kết chính thức. Vì vậy, ông phải quay về Việt Nam. Năm 1875, Tự Đức phong cho Bùi Viện chức Khâm sai đại thần, dẫn đầu một đoàn sứ giả mang quốc thư sang Mỹ. Có được quốc thư, Bùi Viện lại xuất dương một lần nữa. Năm 1875, ông lại có mặt tại Hoa Kỳ. Có trong tay quốc thư nhưng lại gặp lúc Mỹ, Pháp hết thù địch nhau. Tổng thống Ulítxít Gơrant tuy tiếp đón trịnh trọng nhưng lại khước từ sự cam kết giúp Việt Nam đánh Pháp. Công lao vượt trùng dương bao la đi tìm bạn, tiếc thay không thành.

Tình bạn lại chớm nở

Chiến tranh thế giới lần thứ hai (1939-1945) bùng nổ. Việt Nam đứng về phía Đồng minh chống phát xít. Ở mặt trận phía Đông bán cầu, quân đội Nhật chiếm đóng Mông Cổ, Triều Tiên, Trung quốc, các nước Đông Nam Á. Phát xít Nhật uy hiếp mạnh quyền lợi của Anh, Mỹ tại bờ tây Thái bình dương. Ngày 22-9-1940, Nhật xua quân tiến vào Đông dương nhằm cắt đứt một trong những tuyến đường viện trợ chính của Hoa Kỳ cho Trung quốc Quốc dân đảng qua cảng Hải Phòng và qua tuyến đường sắt Hải Phòng – Vân Nam,.  Pháp dâng Đông dương cho Nhật. Pháp đầu hàng Nhật. Nhưng người Việt Nam tiến hành chiến tranh chống phát xít Nhật. Vào năm 1942, Cụ Hồ Chí Minh đã gửi thư cho Đại sứ Mỹ ở Trùng Khánh yêu cầu Đồng minh giúp Việt Nam chống Nhật. Vào thời gian này có một số phi công người Mỹ bị quân đội Nhật bắn hạ và nhảy dù xuống Việt Bắc. Các phi công Mỹ đã được Việt Minh cứu thoát khỏi sự truy lùng của quân đội Nhật. Họ được chăm sóc, cứu chữa và trao trả lại cho phía Mỹ. Ngày 29-3-1945, cụ Hồ Chí Minh hội kiến với tướng Sennôn, chỉ huy quân đoàn không quân số 14 của Mỹ ở Côn Minh, Trung quốc. Sự hợp tác giữa Việt Minh với Mỹ được định hình. Việt Minh đã cung cấp cho phía Mỹ nhiều tin tức có giá trị chiến lược về hoạt động của quân  Nhật tại Việt Nam và tại một số nước ở vùng Đông Nam Á. Vào tháng 4-1945, Mỹ thả dù toán đặc nhiệm của cơ quan tình báo chiến lược (OSS), được đặt tên là “Đội con Nai” xuống vùng chiến khu do Việt Minh kiểm soát để phối hợp hoạt động. Phía Mỹ đã cung cấp điện đài, một số vũ khí bộ binh và cử người đến huấn luyện quân sự cho Việt Minh. Trong các đơn vị quân khởi nghĩa xuất hiện một số người Mỹ cùng tham gia hoạt động. Người dân gọi họ là “bộ đội Việt - Mỹ”. Người Mỹ xuất hiện ở đâu, họ đều được dân chúng hoan hô và nhiệt liệt chào mừng. Những người Mỹ trong toán Con Nai là những sứ giả đầu tiên kiến tạo mối tình hữu nghị giữa hai nước Việt Nam - Mỹ.

Cuộc khởi nghĩa giành chính quyền của Việt Minh vào Tháng Tám năm1945 thành công trong cả nước. Chính phủ Cách mạng được thành lập. Với tư cách Chủ tịch lâm thời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, ngày 1-11-1945, tức sau khi trở về thủ đô Hà Nội hai tháng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi cho Ngài Giêm Biếcnơ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Mỹ bức thư với nội dung: «Thưa Ngài, Nhân danh Hội Văn hóa Việt Nam, tôi xin được bày tỏ nguyện vọng của Hội, được gửi một phái đoàn khoảng năm mươi thanh niên Việt Nam sang Mỹ với ý định một mặt thiết lập những mối quan hệ văn hóa thân thiết với thanh niên Mỹ và mặt khác để xúc tiến việc tiếp tục nghiên cứu về kỷ thuật, nông nghiệp cũng như các lĩnh vực chuyên môn khác. Nguyện vọng mà tôi đang chuyển tới Ngài là nguyện vọng của tất cả các kỹ sư, luật sư, giáo sư Việt Nam, cũng như những đại biểu trí thức khác của chúng tôi mà tôi đã gặp. Trong suốt nhiều năm nay họ quan tâm sâu sắc đến các vấn đề của nước Mỹ và tha thiết mong muốn tạo được mối quan hệ với nhân dân Mỹ là những người mà lập trường cao quý đối với những ý tưởng cao thượng về công lý và nhân bản quốc tế, và những thành tựu kỹ thuật hiện đại của họ đã có sức hấp dẫn mạnh mẽ đối với giới trí thức Việt Nam.

Tôi thành thực hy vọng kế hoạch này sẽ được thuận lợi nhờ sự chấp nhận và giúp đỡ của Ngài, và nhân dịp này tôi xin gửi tới Ngài những lời chúc tốt đẹp nhất ». (2) Tiếp đến, ngày 16-2-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh lại gửi thư cho Tổng thống Truman nhiều bức thư với nội dung bày tỏ Việt Nam mong muốn được thiết lập quan hệ hợp tác đầy đủ với Mỹ. Rất tiếc là các bức thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh được gửi đi mà không được phúc đáp.

Trải qua bảy mươi hai năm, kể từ 1873 đến 1945, năm Bùi Viện sứ giả đầu tiên của Việt Nam đến Mỹ, quan hệ Việt - Mỹ, một lần nửa được phía Việt Nam nhen nhúm trở lại. Tình bạn lại chớm nở nhưng đã sớm lụi tàn do quan điểm thiển cận của của những chính khách diều hâu Mỹ mà nhân dân hai nước phải gánh chịu nhiều thảm họa đáng ra có thể tránh được.

Những dịp may lại bị bỏ nhỡ       

Vào một buổi sáng tháng 8-1945, Ácsimét Pátti, Trưởng toán Con Nai được Chủ tịch Hồ Chí Minh mời đến tiếp kiến. Đến nơi, Pátti được giới thiệu văn bản Tuyên ngôn Độc lập của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa mà Chủ tịch Hồ Chí Minh dự định đọc trong ngày 2-9-1945. Khi nghe người phiên dịch đọc câu mở đầu: “ Hỡi đồng bào cả nước! Mọi người đều sinh ra bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được, trong những quyền ấy có quyền sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc…” Pátti rất đỗi sửng sốt vì nó giống hệt câu mở đầu trong Tuyên ngôn Độc lập nước Mỹ năm 1776. Pátti hỏi Chủ tịch Hồ Chí Minh rằng có sự nhầm lẫn nào ở đây chăng?. Chủ tịch Hồ Chí Minh đáp: “Câu này chép đúng nguyên văn câu mở đầu Tuyên ngôn Độc lập của nước Mỹ”. Nghe câu trả lời, Patti càng khẳng định được mục đích, động cơ của cuộc đấu tranh của người Việt Nam mà ông đã được tận mắt chứng kiến trong những ngày tháng cùng Đội Con Nai sống và hoạt động bên cạnh Cụ Hồ Chí Minh tại Việt Bác. Pátti khẳng định Hồ Chí Minh, Võ Nguyên Giáp và Mặt trận Việt Minh chỉ có mong muốn duy nhất là Độc lập và Tự do cho nước họ. Vì vậy, ông bỏ qua lệnh cấp trên cấm Đội Con Nai thiết lập hoặc can thiệp vào những vấn đề chính trị với Việt Minh.

Quốc dân Đảng Trung Quốc, thực dân Pháp và đế quốc Anh không muốn Mỹ có mối quan hệ với các lực luợng đấu tranh giành Độc lập. Người Pháp chỉ theo đuổi một mục đích là nhanh chóng lập lại nền cai trị của họ ở Đông Dương. Tướng Mỹ Philíp D, Galagơ, Trưởng phái bộ Mỹ tại Tây Thái bình dương gửi tường trình về Mỹ khẳng định rằng Nguyễn Ái Quốc là Cộng sản, người của Đệ tam quốc tế. Bởi vậy, cho dù Việt Nam đã chủ động và tìm mọi cách để thiết lập các mối quan hệ bình thường với nước Mỹ, nhưng đã bị phá hỏng bởi tư tưởng chống cộng điên cuồng dưới thời 9 đời Tổng thống (TT): Truman, Aixenhaoơ, Kennơdy, Níchson, Giônson, Ford, Cáctơ, Rigân, GiócBút. Thời kỳ thù địch này kéo dài trong suốt 50 năm, kể từ ngày 12-4-1945 ngày Truman bước chân vào Nhà Trắng đến ngày 3-2-1994 ngày TT Bin Clintơn tuyên bố bãi bỏ một phần cấm vận đối với Việt Nam.

Từ 1945 đến năm 1954, giới cầm quyền Mỹ đã đứng về phía Pháp, viện trợ vũ khí, tiền bạc cho Pháp để chống lại cuộc kháng chiến giành độc lập, tự do của nhân dân Việt Nam. Tiếp đến, Mỹ lại tiếp sức cho các thế lực chống đối lại việc thống nhất Việt Nam bằng phương pháp hòa bình theo Hiệp định Genève năm 1954 về Đông Dương. Từ vai trò người viện trợ, cố vấn, can thiệp trong những năm 1945-1960, đến năm 1961 Mỹ thay Pháp, đưa quân trực tiếp tiến hành cuộc chiến tranh dài nhất, với tổn thất sinh mạng, tiền của nhiều nhất trong lịch sử các cuộc chiến tranh của Mỹ để chống lại cuộc đấu tranh giành độc lập, tự do của nhân dân Việt Nam. Trong chiến tranh Việt Nam, đã có 58.000 binh sĩ Mỹ chết và nhiều trăm ngàn người bị thương. Số binh sĩ và dân thường của Việt Nam chết và bị thương lên đến nhiều triệu người. Cái giá quá đắt về sinh mạng đối với cả hai bên. Mỹ và Việt Nam đáng ra có thể tránh được nhiều tổn thất nếu các TT của Mỹ không mắc sai lầm.

Chiến tranh Mỹ - Việt được chấm dứt bằng Hiệp định đình chỉ chiến sự lập lại hòa bình ở ba nước Đông dương được ký kết tại Paris vào ngày 27-1-1973 tại Paris. Tại điều 21 Hiệp định Paris có nêu rõ: “Hoa Kỳ mong rằng Hiệp định này sẽ mang lại một thời kỳ hòa giải với Việt Nam Dân chủ Cộng hòa cũng như với tất cả các dân tộc Đông Dương. Theo chính sách truyền thống của mình, Hoa Kỳ sẽ đóng góp vào việc hàn gắn vết thương chiến tranh và công cuộc xây dựng sau chiến tranh ở Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và toàn Đông Dương”. Nhưng giới cầm quyền Mỹ đã không tôn trọng những gì họ đã cam kết. Sau Hiệp định Paris, Mỹ vẫn giữ mãi thái độ thù địch với Việt Nam. Bị buộc phải rút khỏi Việt Nam, chấm dứt đối đầu quân sự trên chiến trường, Mỹ tiếp tục ngay cuộc chiến tranh về kinh tế với Việt Nam bằng cách tuyên bố cấm vận đối với Việt Nam. Thái độ thù địch này kéo dài trong khoảng thời gian dài đến 31 năm (1973-2004), dài hơn bất cứ thời gian nào với các cựu thù trong các cuộc chiến tranh trước đây của Mỹ.          

Lương tri thức tỉnh

Giới diều hâu Mỹ không ngờ rằng cuộc chiến tranh tàn bạo của Mỹ chống lại Việt Nam qua 9 đời TT, đã làm nẩy sinh ngay trong lòng nước Mỹ một phong trào chống chiến tranh ngày càng rộng lớn, ngày càng quyết liệt. Nó thức tỉnh lương tri nhân dân Mỹ. Phong trào phản đối chiến tranh Việt Nam thu hút đông đảo giới khoa học, trong số có cả những người đã được giải thưởng Noben, các chính khách, giới văn nghệ sĩ, thanh niên, sinh viên và đông đảo nhân dân lao động Mỹ.

Ngày 2-11-1965, để phản đối chiến tranh Việt Nam, Nócman Morison, người cha của ba đứa con nhỏ đã tự thiêu tại nơi cách chỗ làm việc của Mắc Namara – Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ vài chục bước chân. Râugiơ Lapóctơ, một công dân Mỹ 22 tuổi, tự thiêu trước trụ sở Liên hiệp quốc để phản đối chiến tranh Việt Nam. Các vụ tự thiêu của Nócman Morison và Râugiơ Lapóctơ là cú sốc gây chấn động lớn trong xã hội Mỹ. Võ sĩ nổi danh thế giới Môhamét Ali đã thẳng thừng từ chối lệnh gọi nhập ngũ. Ông nói: “Tôi không có gì để chống lại Việt Nam. Tôi không cãi nhau với Việt Nam. Không người Việt Nam nào gọi tôi là mọi đen cả”. Toà án Mỹ đã tuyên phạt Ali 5 năm tù giam, 100.000 USD, tước đai vô địch, thu hồi giấy phép thi đấu và mọi danh hiệu. Nhưng Ali không nao núng.

Càng leo thang chiến tranh, phong trào phản đối chiến tranh càng lan rộng. Hàng trăm sinh viên trường Đại học Ken bang Ohaiô bãi khóa, xuống đường biểu tình. Vệ binh quốc gia được điều đến đàn áp. Bốn sinh viên bị bắn chết, 9 sinh viên bị thương. Vụ đàn áp đã gây phẫn nộ trong nhân dân Mỹ. Các trường đại học Mỹ bị tê liệt. Hàng ngàn sinh viên từ chối quân dịch và lánh ra nước ngoài. Chàng sinh viên Bin Clintơn, về sau trở thành TT Mỹ, là một trong số đó. Hàng ngàn cựu chiến binh đã ném trả lên thềm nhà Quốc hội Mỹ những huân chương mà họ đã được ban thưởng. Nhân dân Mỹ đã nhận ra chiến tranh Việt Nam là phi nghĩa.

Điều gì phải đến tất đến.

Ngày 3-2-1994, TT Bin Clinton tuyên bố bãi bỏ một phầm cấm vận với Việt Nam. Ngày 17-1-2000 TT Bill Clinton cùng vợ và con gái đến thăm Việt Nam. Ông là TT Mỹ đầu tiên đến thăm Việt Nam, sau 25 năm, đúng ¼ thế kỷ, kể từ khi chiến tranh Mỹ - Việt chấm dứt từ năm 1975. Trong lần nói chuyện trước sinh viên Việt Nam, ông đã trích dẫn hai câu trong tuyện Kiều Việt Nam:

                            “Sen tàn, cúc lại nở hoa

                         Đêm dài ngày ngắn, đông đà sang xuân”

Dư luận Việt Nam rất hứng thú và không kém phần ngạc nhiên trước hiện tượng một TT Mỹ, một người phương Tây mà am hiểu tường tận truyện Kiều của một nước phương Đông đến thế. Từ trong áng thơ văn nổi tiếng của Việt Nam, ông đã chọn lựa và trích dẫn ra được hai câu thơ hợp cảnh, hợp thời, hợp người để vận dụng vào bối cảnh đương thời của mối quan hệ Mỹ - Việt. Phải chăng qua việc trích dẫn hai câu thơ của truyện Kiều, TT Bin Clintơn muốn đưa ra một thông điệp rằng các cơ hội đã qua đi, những bước đi chậm chạp, những điệu kèn ngập ngừng đã khép lại. Giờ đã đến lúc hai nước Mỹ - Việt hãy chung sức xây dựng mùa xuân hữu nghị. Không thể không đồng ý với ẩn ý nhưng rất rõ ràng của ngài TT thứ 42 của nước Mỹ. Tiếp đến, TT Bin Clintơn đã tuyên bố: “Chúng tôi vinh dự được cùng các ngài viết nên một chương mới trong quan hệ giữa hai nước Mỹ và Việt Nam và chúng tôi biết ơn vì chương sử mới này đã có một khởi đầu tốt đẹp. Quả thực lịch sử mà chúng ta để lại sau mình rất đau buồn và nặng nề. Chúng ta không được quên nó. Nhưng chúng ta không được để nó chi phối chúng ta. Quá khứ chỉ là cái đến trước tương lai. Quá khứ không phải là cái quyết định tương lai”.

Quả thật, chiều hướng diễn biến của quan hệ Việt Nam - Mỹ ngày càng được tốt hơn. Không có mưu toan nào có thể ngăn cản nổi. Nhân dân hai nước Việt - Mỹ hân hoan vui mừng và hoàn toàn tin tưởng vào những cơ hội mới, vận hội mới đang đến với nhân dân hai nước./.

  Luật sư Lê Đức Tiết

  1. Bùi Viện (18391878) sinh ra ở làng Trình Phố, tổng An Bồi, huyện Trực Định phủ Kiến Xương, tỉnh Nam Định nay là làng Trình Nhi huyện Tiền Hải tỉnh Thái Bình, đổ Tú tài năm 25 tuổi, giữ chức Chánh quản đốc Nha tuần tải, cơ quan  đảm nhận công việc canh phòng tuần tiểu vùng biển. Ông được vua Tự Đức phong chức Khâm sai đại thần để qua Mỹ cầu viện. 

(2) Xem HCM toàn tập, NXBCTQG HN 1995, Tập 4, tr: 8081

  1. Đông dương, tiếng Pháp Indochine, là vùng đất nằm giửa hai nước ẤnĐộ (Inde) và Trung Quốc (China) gồm: Việt Nam, Lào, Cămpuchia.

 

       

         

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất