Hải Phòng có khoảng 3.500 lao động mất việc làm trong 9 tháng qua, đó là con số được Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Hải Phòng đưa ra trong cuộc làm việc với Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Hải Phòng mới đây.
Trong đó, số lao động mất việc tại ngành sản xuất dệt may, da giày chiếm phần lớn với hơn 1.400 người; tiếp đến là ngành đóng tàu với gần 870 người; còn lại là các ngành sản xuất thép, cơ khí, xây dựng, dịch vụ.
Nguyên nhân là do tình hình kinh tế thế giới và trong nước từ năm 2008 trở lại đây gặp nhiều khó khăn, tác động bất lợi đến các doanh nghiệp, đơn vị sản xuất kinh doanh. Một số doanh nghiệp, đơn vị không bán được hàng hoặc không tìm được đơn hàng mới, vay nợ quá hạn tại các ngân hàng dẫn đến kết quả kinh doanh giảm sút, thậm chí thu hẹp sản xuất hoặc ngừng hoạt động. Đến thời điểm này, Hải Phòng ước có 450 doanh nghiệp, đơn vị kinh doanh ngừng hoạt động do phá sản. Trong đó, 46 doanh nghiệp giải thể, 126 chủ doanh nghiệp bỏ trốn, mất tích, 7 doanh nghiệp chuyển đổi loại hình, tổ chức sắp xếp lại doanh nghiệp và 271 doanh nghiệp khó khăn vì các lý do khác.
Cùng chung cảnh với các doanh nghiệp, ở một số làng nghề trên địa bàn Hải Phòng cũng bị ảnh hưởng bởi suy thoái kinh tế và đã có khoảng 3.180 lao động bị thiếu và mất việc làm. Cụ thể, huyện Thủy Nguyên có 5 làng nghề thủ công, từ năm 2011 đến nay, số lao động giảm tại các làng nghề truyền thống là 2.950 lao động; huyện An Dương có 29 hợp tác xã, làng nghề thủ công, huyện Vĩnh Bảo có làng nghề điêu khắc gỗ, sơn mài, số lao động thiếu việc và mất việc làm ở đây cũng tăng đáng kể...
Dự báo số lao động thiếu và mất việc làm tiếp tục gia tăng tại Hải Phòng trong những tháng cuối năm. Nhưng nhìn vào thực tế ở thành phố này lại đang tồn tại nghịch lý trên thị trường lao động, quan hệ cung-cầu lao động, việc làm dễ biến động, chưa tương xứng. Tình trạng các doanh nghiệp thiếu lao động vẫn diễn ra, thể hiện qua các phiên giao dịch tại Sàn giao dịch việc làm. Trong 6 tháng đầu năm 2012, có khoảng 23.300 lượt người đến Sàn tìm việc, song cũng chỉ trúng tuyển 2.071 người, tỷ lệ lao động trúng tuyển so với nhu cầu cần tuyển của các doanh nghiệp, đơn vị là rất thấp, chỉ đạt gần 10%. Nguyên nhân chính là trình độ chuyên môn, kinh nghiệm, kỹ năng, tay nghề của người lao động chưa đáp ứng được yêu cầu của nhà tuyển dụng. Mặt khác, số lao động phổ thông chưa tự tin đến với Sàn trong khi nhu cầu tuyển dụng ở khu vực này là rất lớn.
Theo Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Hải Phòng Đặng Văn Tâng, để tìm lời giải cho "bài toán" thiếu lao động trong các doanh nghiệp, đơn vị, địa phương, cần phải nâng cao chất lượng đào tạo nguồn lao động, quy hoạch phát triển mạng lưới cơ sở dạy nghề chất lượng cao. Quản lý tốt và nâng cao chất lượng hoạt động của Sàn giao dịch việc làm để làm cầu nối cho người lao động và người sử dụng lao động; sắp xếp lại hệ thống giới thiệu việc làm, đầu tư hiện đại hóa một số Trung tâm giao dịch lao động (sử dụng công nghệ thông tin hiện đại như Internet, Website...) để thực hiện giao dịch mua bán lành mạnh, có hiệu quả, mang tính chuyên nghiệp.
Bên cạnh đó, cần hình thành các cụm công nghiệp tập trung, phát triển các doanh nghiệp vừa và nhỏ để tạo việc làm mới cho lao động trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đó cũng là giải pháp cho thành phố hiện nay. Thêm nữa, phải có chính sách ưu đãi (về thuế, đất đai, cải cách thủ tục hành chính...), nhằm thu hút vốn đầu tư nước ngoài vào các Khu công nghiệp, Khu chế xuất; liên doanh, liên kết tổ chức sản xuất kinh doanh, dịch vụ tạo việc làm; đồng thời tiếp tục chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, phát triển ngành nghề truyền thống, từ đó chuyển dịch cơ cấu lao động.../.
Đoàn Minh Huệ