Thứ Tư, 16/10/2024
Xã hội
Thứ Năm, 18/8/2022 8:37'(GMT+7)

Hải Phòng: Tăng cường công tác tuyên truyền để đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế biển

Cảng Hải Phòng – lợi thế phát triển kinh tế biển, động lực phát triển của vùng.

Cảng Hải Phòng – lợi thế phát triển kinh tế biển, động lực phát triển của vùng.

Trong quá trình thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ Tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020 và Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22/10/2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Thành ủy, Ban Thường vụ Thành ủy và cấp ủy các cấp trên địa bàn thành phố luôn quan tâm công tác lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời, toàn diện; các ban, sở, ngành, các tổ chức chính trị - xã hội đã vào cuộc một cách chủ động, luôn tìm tòi những cách làm mới, sáng tạo, hiệu quả cao. Đồng thời, luôn đặt yêu cầu xác định rõ trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức Đảng và cả hệ thống chính trị của thành phố trong việc tập trung chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện. Phấn đấu đến năm 2030 các ngành kinh tế biển phát triển bền vững, giữ vai trò quan trọng trong cơ cấu tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của thành phố, góp phần đưa tỉ trọng đóng góp vào GDP cả nước đạt 8,2%; đóng góp vào GDP vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ 28,3%; kiểm soát khai thác tài nguyên biển trong khả năng phục hồi của hệ sinh thái biển; sản lượng hàng hoá thông qua các cảng đạt 550 - 580 triệu tấn; là trung tâm du lịch lớn của cả nước; GRDP bình quân đầu người đạt 29.900 USD. Phấn đấu đến năm 2045 Hải Phòng hoàn thành công nghiệp hóa ở trình độ cao, năng suất lao động cao trong nhóm các thành phố hàng đầu Châu Á và thế giới, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng cao tương đương với các thành phố biển lớn trong khu vực Châu Á; trở thành trung tâm dịch vụ, công nghiệp hiện đại lớn của cả nước và khu vực Châu Á, kết nối có hiệu quả với thị trường toàn cầu; trung tâm dịch vụ biển đẳng cấp quốc tế.

Để hiện thực hóa các mục tiêu trên, đòi hỏi phải có hệ thống các giải pháp toàn diện, cụ thể, rõ người, rõ từng nhiệm vụ, trong đó công tác tuyên truyền được đặt ở vị trí quan trọng. Xác định rõ vai trò, ý nghĩa và yêu cầu của công tác tuyên truyền, những năm qua thành phố Hải Phòng đã phát huy sức mạnh tổng hợp trong tuyên truyền để đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững kinh tế biển trên địa bàn thành phố, cụ thể:

Để đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững kinh tế biển trên địa bàn thành phố, Hải Phòng đã tập trung vào một số nội dung tuyên truyền như sau: Tập trung vào phổ biến chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của nhà nước: Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết số 36-NQ/TW; Luật Biển Việt Nam; Hiệp định về phân định lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa trong Vịnh Bắc Bộ giữa Việt Nam và Trung Quốc và Hiệp định hợp tác nghề cá Việt Nam - Trung Quốc; các công ước quốc tế và thoả thuận quốc tế về biển mà Việt Nam tham gia; Nghị quyết Đại hội XVI Đảng bộ thành phố, Chương trình hành động của Ban Thường vụ Thành ủy, Kế hoạch của Ủy ban nhân dân thành phố, Quy hoạch, định hướng phát triển hệ thống Logistics, du lịch, công nghiệp, kinh tế thủy sản…

Hải Phòng cũng tổ chức khóa tập huấn kỹ thuật về Quy hoạch không gian biển do chuyên gia Cơ quan Khí quyển và Đại dương quốc gia Mỹ (NOAA) cho 52 học viên là cán bộ các Sở, Ban, ngành, địa phương trên địa bàn thành phố. Phối hợp với Tổng cục Biển và Hải đảo tổ chực Diễn đàn và trưng bày giới thiệu công nghệ phục vụ phát triển kinh tế biển Việt Nam lần thứ I với sự tham gia của Đại sứ Canada, các tổ chức trong và ngoài nước như Đại học FPT, Viện Hải dương học Canada, Công ty Hydrogensis, Công ty Điện/Cơ khí Newton…

Những cuộc hội thảo, hội nghị tuyên truyền được tổ chức trên địa bàn thành phố như: Hội thảo chủ đề về “Phát triển kinh tế biển, đảo gắn liền với bảo vệ chủ quyền quốc phòng an ninh thành phố Hải Phòng”; Hội nghị tuyên truyền về bảo vệ môi trường trên vịnh Cát Bà; Hội nghị tuyên truyền đến ngư dân về vấn đề khai thác, bảo vệ nguồn lợi thủy sản và an ninh trên biển; Hội nghị báo cáo viên tuyên truyền về biển đảo và phổ biến Luật Biển Việt Nam; Tập huấn về kỹ năng truyền thông cho học viên là cán bộ các Sở, ngành liên quan và các quận, huyện ven biển và hải đảo; khóa huấn luyện về nghiệp vụ ứng phó sự cố tràn dầu cho học viên là cán bộ làm công tác quản lý môi trường và chỉ huy quân sự của 11 quận, huyện và 43 xã, phường, thị trấn có biển trên địa bàn thành phố; Hội nghị tuyên truyền, cảnh báo cho các hoạt động du lịch tắm biển, nuôi trồng thủy sản về tác hại của thủy triều đỏ và các biện pháp khắc phục,...

Các ban, sở, ngành, địa phương, tổ chức chính trị - xã hội của thành phố đã tổ chức nhiều cuộc ra quân vớt rác, làm sạch biển trên các vịnh thuộc quần đảo Cát Bà; làm sạch bãi biển tại khu du lịch Đồ Sơn. Tổ chức hàng chục cuộc tập huấn, phổ biển các quy định của Công ước về Luật biển năm 1982 của Liên Hợp quốc, Luật Biển Việt Nam, Luật Tài nguyên môi trường biển và hải đảo cũng như các văn bản hướng dẫn thi hành luật tới các cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, quân và dân trong toàn thành phố.

Ban Tuyên giáo Thành ủy thường xuyên định hướng thông tin tuyên truyền thông qua các Hội nghị báo cáo viên thành phố; Hội nghị cung cấp thông tin và giao ban báo chí thành phố (Hội nghị này được Hải Phòng tổ chức 2 kỳ/1 tháng); tuyên truyền thông qua Bản tin công tác Tuyên giáo và Bản tin sinh hoạt chi bộ được phát hành đến chi bộ cơ sở, góp phần định hướng và cung cấp thông tin kịp thời. Tổ chức Hội nghị báo cáo viên chuyên đề về biển, đảo, kinh tế biển.

Đặc biệt năm 2022 Ban Tuyên giáo Thành ủy chủ trì, phối hợp tổ chức Cuộc thi trực tuyến “Biển, đảo Việt Nam; Hải Phòng vươn ra biển lớn” tìm hiểu các kiến thức về biển, đảo Việt Nam, chiến lược phát triển kinh tế biển. Qua 3 tháng triển khai (từ ngày 26/3/2022 đến hết tháng 6/2022) với sự phối hợp hiệu quả của các cấp ủy, tổ chức đảng, các đơn vị trên địa bàn thành phố; sự giúp đỡ của ban tuyên giáo các tỉnh ủy, thành ủy, Cuộc thi đã thu hút được 190.018 người tham gia dự thi ở 63 tỉnh, thành phố trên cả nước. Kết thúc cuộc thi, Ban Tổ chức đã trao giải thưởng cho 9 tập thể và 9 cá nhân đạt giải cuộc thi. Ban Tuyên giáo Thành ủy Hải Phòng xác định cuộc thi cũng là cách đổi mới phương thức tuyên truyền, giúp cho công tác tuyên truyền đạt hiệu quả cao hơn, đến được nhiều đối tượng khác nhau với một phạm vi tuyên truyền rộng; góp phần khơi dậy niềm tự hào dân tộc, tình yêu quê hương đất nước của mọi người dân, tạo sức mạnh nội sinh, động lực xây dựng và phát triển đất nước nói chung và thành phố Hải Phòng nói riêng; đấu tranh hiệu quả với các hoạt động của các thế lực thù địch. Năm 2022, công tác phối hợp tuyên truyền biển, đảo giữa Ban Tuyên giáo Thành ủy với Cục Hậu cần Hải quân được triển khai đồng bộ, toàn diện, hiệu quả trên các mặt công tác. Trong đó, hai cơ quan đã phối hợp tổ chức thông tin về biển, đảo tại hội nghị báo cáo viên thành phố và một số địa phương, cơ quan trên địa bàn thành phố; ủng hộ 100 triệu đồng xây nhà tình nghĩa cho người có công với cách mạng (tại phường Hợp Đức, quận Đồ Sơn); tổ chức sơ kết tại Hải Phòng về công tác tuyên truyền biển, đảo năm 2022 giữa Cục Hậu cần Hải quân với Ban Tuyên giáo các Tỉnh ủy, Thành ủy: Hải Phòng, Phú Thọ, Hà Giang, Điện Biên.

Ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn của Thành phố đã phối hợp các quận, huyện có biển tổ chức 42 lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức về biển, đảo cho trên 4.000 lượt người tham dự, với các nội dung chủ yếu: Phổ biến pháp luật về chủ quyền biển, hải đảo, công tác quản lý, bảo vệ và phát triển bền vững tài nguyên biển, đảo; công tác phòng chống bão, lụt, tìm kiếm cứu nạn; bảo vệ môi trường; tình hình Biển Đông. Mở nhiều Hội nghị tập huấn, cuộc thi tìm hiểu về thực hiện Luật Thủy sản và các văn bản qui định của Nhà nước trong lĩnh vực hoạt động thủy sản và chủ quyền biển đảo; in tờ rơi phát cho người dân; phối hợp với đài Thông tin Duyên hải, Đài Phát thanh Truyền hình Hải Phòng, Báo Hải Phòng... xây dựng phóng sự về công tác quản lý tàu cá, chuyên trang về quản lý thủy sản, xây dựng nội dung phát trên loa truyền thanh tại các xã, làng cá; in đĩa VCD phát cho người dân với nội dung tuyên truyền về: Bảo đảm an toàn cho người và tài sản, phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn, bảo vệ nguồn lợi thủy sản, bảo vệ chủ quyền biển và hải đảo; phòng ngừa, ứng phó, kiểm soát và khắc phục hậu quả thiên tai, sự cố môi trường biển. Đặc biệt tuyên truyền thực hiện các Hiệp định: Hiệp định phân định vịnh Bắc Bộ và Hiệp định về hợp tác nghề cá Việt Nam - Trung Quốc; Chỉ thị số 689/CT-TTg ngày 18/5/2010 của Thủ tưởng Chính phủ về ngăn chặn, giảm thiểu tình trạng tàu cá, ngư dân Việt Nam bị nước ngoài bắt giữ, xử lý đã lồng ghép công tác tuyên truyền biển đảo để phổ biến cho ngư dân biết, hiểu và thực hiện theo đúng đường lối, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước.

Ngành Văn hóa, Thể thao - Du lịch: Đã chủ động phối hợp với báo, đài Trung ương và thành phố tuyên truyền, quảng bá về tiềm năng du lịch biển, đảo, phối hợp với Bộ Ch huy Bộ đội biên phòng thành phố xây dựng kế hoạch liên tịch về xây dựng đời sống văn hóa tinh thần cho nhân dân các xã đảo, gắn các hoạt động tuyên truyền biển, đảo thông qua các hoạt động của ngành như tổ chức biểu diễn nghệ thuật, văn nghệ quần chúng, phát huy tốt vai trò của các đội văn nghệ lưu động. Bảo tàng Hải Phòng phối kết hợp với Bảo tàng Hải quân, Bảo tàng Quân khu III tổ chức 2 đợt trưng bày, triển lãm lưu động tại hơn 20 đơn vị (các trường đại  học, trường Trung học phổ thông) để tuyên truyền về chủ đề biển, đảo; tổ chức triển lãm ảnh tư liệu, bản đồ về chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, qua đó thu hút được 38 đoàn với tổng số 2.289 lượt người đến tham quan triển lãm. Đa dạng hóa hình thức tuyên truyền, phối hợp với các Sở, ban, ngành và địa phương thiết kế các Pano, áp phích, các khẩu hiệu hưởng ứng ở các tuyến đường chính, nơi đông người qua lại với các chủ đề về hưởng ứng Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam, ngày môi trường thế giới 05/6, ngày đại dương thế giới 08/6.

Công an thành phố, Bộ Chỉ huy bộ đội biên phòng thành phố, Bộ Tư lệnh Hải quân vùng I, Vùng Cảnh sát biển I, Hải đoàn 38 biên phòng và các Sở, ngành tăng cường công tác tuyên truyền cho ngư dân hiểu rõ các chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước liên quan đến hoạt động nghề cá trên biển nhất là khu vực đường biên giới trên biển với Trung Quốc nhằm nâng cao ý thức của ngư dân trong khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên, bảo vệ môi trường gắn liền với bảo vệ an ninh chủ quyền biển đảo.

Đoàn Thanh niên Thành phố thông qua các hình thức như tổ chức diễn đàn, tọa đàm, giáo dục truyền thống, sinh hoạt chi đoàn, giao lưu văn hóa văn nghệ đã đẩy mạnh triển khai cuộc vận động nghĩa tình biên giới, hải đảo, trong đó tập trung tuyên truyền đến đông đảo cán bộ, đoàn viên thanh niên và nhân dân các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về chủ quyền biên giới, chủ quyền biển đảo, nhiệm vụ quốc phòng, an ninh, giúp đoàn viên thanh niên hiểu biết sâu sắc và tham gia có hiệu quả các hoạt động hướng về đồng bào, chiến sỹ nơi biên giới, hải đảo. Đã tổ chức được 178 chương trình tuyên truyền về chủ quyền biển, đảo, thu hút gần 23.000 lượt thanh thiếu nhi tham gia.

Hội Cựu chiến binh thành phố đã tổ chức được trên 853 buổi nói chuyện chuyên đề về tình hình biển, đảo và phân giới cắm mốc cho khoảng 05 vạn lượt cán bộ, hội viên và nhân dân trên địa bàn thành phố. Hội Nông dân thành phố phối hợp với các quận, huyện và cơ sở tổ chức được 16 buổi tuyên truyền cho 2.200 lượt người về Chỉ thị số 28-CT/TU ngày 10/5/2010 của Ban Thường vụ Thành ủy Hải Phòng, Luật Biển Việt Nam và tình hình biển, đảo của đất nước, chỉ đạo các quận, huyện Hội (nơi có Đồn biên phòng) xây dựng mô hình tại các xã, phường, thị trấn (mỗi huyện, hội chỉ đạo 01 mô hình điểm) về phong trào nông dân tham gia đảm bảo an ninh trật tự trên biển và hải đảo, xây dựng nông thôn mới.

Các quận, huyện nhất là những nơi có biển, đảo đã thực hiện tốt công tác tuyên truyền biển, đảo; phát động phong trào “Xây dựng đảo xa” trong toàn thành phố và tổ chức nhiều buổi biểu diễn nghệ thuật tuyên truyền biển đảo thông qua các buổi lễ phát động hưởng ứng các ngày Quốc tế Đa dạng sinh học (22/5), ngày Môi trường thế giới (05/6), ngày Đại dương Thế giới (08/6), Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam (01-8/6) để tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, trách nhiệm và ý thức tự giác chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường, biển đảo cho tổ chức, cơ quan, cộng đồng; tạo điều kiện và quyền hợp pháp cho mọi người dân tham gia các hoạt động thể hiện trách nhiệm và đóng góp chung vào những nỗ lực quốc gia về bảo vệ môi trường, biển đảo bằng những hành động cụ thể, thiết thực.

Các cơ quan báo chí thành phố đã bám sát định hướng tuyên truyền, chủ động đổi mới nội dung trong các tuyến tin, bài, hình ảnh và các chương trình, chuyên đề, chuyên mục, bằng nhiều thứ tiếng; phát huy hiệu quả phương thức thông tin truyền thống và trên nền tảng số để tổ chức công tác thông tin tuyên truyền phát triển kinh tế biển đảm bảm chính xác, kịp thời, đảm bảo phù hợp với từng đối tượng. Nổi bật như: Đài Phát thanh và Truyền hình Hải Phòng trong 02 năm 2021 và 2022 đã thực hiện hơn 120 tin, phóng sự tuyên truyền trên sóng phát thanh và truyền hình trong các bản tin thời sự và chuyên mục: “Đối thoại kinh tế cuối tuần”, “Hải Phòng - Chuyển động và Kết nối”, “Hải Phòng tăng trưởng”, “Tạp chí Kinh tế”, “Hải Phòng - Điểm đến đầu tư; “Hải Phòng - Hội nhập và phát triển”… với các nội dung: “Cảng biển Hải Phòng: khát vọng vươn ra biển lớn”; “Nhân lực cho kinh tế hàng hải trong bối cảnh hội nhập”; “Ứng dụng chuyển đổi số trong dịch vụ cảng biển”; “Doanh nghiệp cảng biển Hải Phòng đẩy mạnh chuyển đổi số”; “Quy hoạch cảng biển: cơ sở để Hải Phòng phát triển kinh tế hàng hải đúng hướng”; “Xây dựng Hải Phòng trở thành Trung tâm Logistics hiện đại”; “Cảng thông minh – mô hình cảng biển 4.0”; “Mở rộng Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng tại Lạch Huyện: đảm bảo đúng tiến độ và chất lượng”; “Hải Phòng khẳng định vai trò đầu tàu vùng kinh tế động lực khu vực phía Bắc”; Báo Hải Phòng triển khai các trang chuyên đề tuyên truyền về biển, đảo. Trực tiếp là trang “Mạnh về biển, làm giàu từ biển” mỗi tháng một chuyên trang, phát hành vào ngày thứ 4, tuần cuối tháng. Các trang này tuyên truyền về biển, đảo, đánh cá xa bờ, kinh tế cảng biển. Trang Nông nghiệp -Thủy sản mỗi tuần một trang, phát hành vào ngày thứ 6 hằng tuần. Trang Du lịch, mỗi tháng 2 trang, phát hành vào ngày thứ 6 tuyên truyền, quảng bá phát triển du lịch biển, đảo, phát huy lợi thế thành phố. Các trang Địa phương, Kinh tế - xã hội phát hành hằng tuần cũng có các bài viết tuyên truyền về các hoạt động kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh của các địa phương như Cát Hải, Bạch Long Vĩ là 2 quần đảo lớn của Hải Phòng hay quận Đồ Sơn đều là các khu du lịch biển, trung tâm nghề cá nổi tiếng cả nước.

Trước bối cảnh tình hình quốc tế, khu vực và các vấn đề kinh tế - xã hội trong nước có nhiều biến động khó lường, tình hình biển Đông tiềm ẩn nhiều nguy cơ làm ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội của cả nước nói chung cũng như hoạt động của các ngành kinh tế biển thành phố nói riêng, trong thời gian tới Hải Phòng tiếp tục triển khai đồng loạt các giải pháp đã được cụ thể hóa tại Chương trình hành động của Ban Thường vụ Thành ủy thực hiện Nghị quyết số 36 -NQ/TW; Chỉ thị số 03/CT-UBND, ngày 28/01/2022 về đổi mới và tăng cường tổ chức thực hiện Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Hải Phòng đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2045. Trong đó, Ban Tuyên giáo Thành ủy luôn xác định công tác tuyên truyền phục vụ phát triển kinh tế biển là một nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt góp phần thực hiện thực hóa các mục tiêu đã được xác xác định, đồng thời tích cực đấu tranh chống lại các luận điệu xuyên tạc của thế lực thù địch về biển, đảo và chiến lược phát triển kinh tế biển góp phần tạo sự đồng thuận trong toàn xã hội.

TS. Trịnh Thị Thủy

Trường Đại học Y Dược Hải Phòng

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất