Nhận diện khó khăn và tìm lời giải
Sáng 5/8/2022, Bí Thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh đã có buổi gặp gỡ với cán bộ, nhân viên y tế của Thành phố để lắng nghe những chia sẻ về khó khăn, bất cập trong công việc thăm khám, cứu chữa người bệnh. Tại buổi gặp gỡ, Bí thư Nguyễn Văn Nên trăn trở: Khi người thầy thuốc, bác sĩ chọn theo ngành Y thì quan niệm sống của họ là cứu người, không có gì làm thay điều này. Nếu rời bỏ công việc cứu người trong lúc này chắc hẳn họ đau xót. “Chúng ta phải nghĩ như thế để biết trong lúc này cần làm gì?”. Ông cho rằng, điều quan trọng nhất vẫn là tình cảm, môi trường làm việc cho nhân viên y tế để họ an tâm làm việc, cống hiến. Cần có sự thấu cảm, tạo điều kiện cho họ, lãnh đạo phải làm điểm tựa cho nhân viên và đoàn kết thì mới đủ vững để vực dậy trước những khó khăn của ngành Y tế.
Cuộc gặp gỡ, lắng nghe chia sẻ diễn ra trong bối cảnh ngành Y tế cả nước đang chao đảo vì đối diện với những thách thức lớn. Sau hơn 2 năm chống dịch COVID-19, ngành Y tế là lực lượng quan trọng và xung kích tuyến đấu trong phòng, chống dịch. Nhưng những vết thương phơi lộ của ngành cũng đã đã cho thấy một cơ thể đang đối diện với những căn bệnh trầm kha: Khủng hoảng nhân sự do điều kiện đãi ngộ, làm việc; dịch bệnh chồng lên dịch bệnh; thiếu thuốc, vật tư y tế; quản lý, điều hành y tế còn yếu kém, chưa khoa học, hệ thống quy định pháp luật còn chưa hoàn thiện…
Nhức nhối hiện nay đang là câu chuyện thiếu thuốc, vật tư y tế và khủng hoảng nhân lực ngành Y. Theo Báo cáo tổng hợp của Bộ Y tế, giai đoạn 2021 và 6 tháng đầu năm 2022 có tổng số 9.397 viên chức y tế xin thôi việc, bỏ việc. Riêng năm 2021 có 5.284 viên chức y tế xin thôi việc hoặc bỏ việc; 6 tháng đầu năm 2022 có 4.113 viên chức y tế xin thôi việc, bỏ việc. Một số tỉnh, thành phố có số lượng viên chức thôi việc, bỏ việc cao như Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đồng Nai, Bình Dương, An Giang, Đà Nẵng…
Theo thống kê của ngành y tế TP Hồ Chí Minh, năm 2021 đã có gần 1.000 cán bộ y tế xin nghỉ việc và từ đầu năm 2022 đến nay cũng đã có gần 900 viên chức, nhân viên các cơ sở y tế công lập xin nghỉ việc, đồng thời cũng có nhiều nhan viên y tế mới tốt nghiệp xin vào làm việc. Theo thống kê, từ cuối năm 2021 đến nay, số nhân viên y tế tại các cơ sở công lập đã giảm 306 người.
Đây là một thách thức lớn mà ngành Y đang phải đối diện, ảnh hưởng trực tiếp đến việc chăm sóc sức khỏe nhân dân. Điều này đã gây khó khăn không nhỏ cho cơ sở y tế công lập, vì hầu hết người nghỉ việc là người có thâm niên, kinh nghiệm, tay nghề cao, trong khi những người mới tuyển cần có thời gian đào tạo và thực hành.
Trước khủng hoảng này, Công đoàn Y tế Việt Nam đã báo cáo gửi Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam về tình hình nhân viên y tế nghỉ việc, thôi việc, bỏ việc và tình trạng thiếu thuốc, vật tư. Tại báo cáo này, Công đoàn Y tế Việt Nam đã chỉ ra các nguyên nhân dẫn đến gần 9.400 viên chức y tế xin thôi việc, bỏ việc từ đầu năm 2021 đến 6 tháng đầu năm 2022.
Thứ nhất, do thu nhập thấp: Lương và chế độ phụ cấp đối với viên chức y tế trong hệ thống y tế công lập thấp, nhất là tại các cơ sở y tế dự phòng và y tế cơ sở. Theo quy định về chế độ tiền lương và phụ cấp hiện nay (với mức lương cơ sở là 1.490.000 đồng) thì bác sĩ sau khi học 6 năm và sau 18 tháng thực hành để được cấp chứng chỉ hành nghề, nếu tuyển dụng vào đơn vị sự nghiệp công lập thì hưởng lương là 2,34 x 1.490.000 đồng = 3.486.000 đồng. Với phụ cấp ưu đãi nghề là 40% thì mức thu nhập 4.881.240 đồng (chưa trừ nộp bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế). Lương này chỉ bảo đảm một phần nhu cầu của cuộc sống, vì vậy rất khó giữ chân cán bộ, viên chức y tế làm việc trong cơ sở y tế công lập trong khi mức thu nhập tại các cơ sở y tế ngoài công lập cao hơn gấp 3 đến 4 lần, thậm chí có nơi cao gấp 5 đến 6 lần thu nhập của nhân viên y tế tại cơ sở y tế công lập.
Tại một số đơn vị sự nghiệp y tế được giao tự chủ kinh phí chi thường xuyên (nguồn chi trả lương và phụ cấp cho viên chức y tế được trích từ nguồn thu sự nghiệp của đơn vị thông qua giá dịch vụ y tế). Do giá dịch vụ y tế cho người có thẻ Bảo hiểm y tế thấp vì chưa tính đủ các yếu tố cấu thành giá dịch vụ y tế, nên nguồn thu sự nghiệp của các đơn vị thấp.
Mặt khác trong các năm gần đây do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 và giãn cách xã hội nên số lượng bệnh nhân đến khám chữa bệnh giảm, dẫn đến nguồn thu của đơn vị sự nghiệp y tế cũng bị giảm đi, dẫn đến thu nhập nhân viên y tế giảm mạnh, thậm chí nhiều đơn vị chậm chi trả lương cho nhân viên y tế, đây cũng là nguyên nhân lớn dẫn đến việc nhân viên y tế xin nghỉ việc hoặc bỏ việc tìm cơ hội việc làm với mức thu nhập cao hơn.
Thứ hai, chính sách thu hút nhân viên y tế chưa đủ mạnh, chưa thực sự tạo được động lực để giữ chân cán bộ y tế và tạo sức hút để đội ngũ cán bộ viên chức y tế trẻ, có trình độ và năng lực đăng ký tuyển dụng tham gia làm việc tại địa phương vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế. Cán bộ viên chức y tế, cũng như những người lao động khác đều có nỗi lo về bảo đảm cuộc sống gia đình, bảo đảm điều kiện sống tối thiểu về ăn, mặc, ở... lo lắng các chi phí về điện, nước, học hành ngày càng cao trong khi mức thu nhập đối với nhân viên y tế công lập thấp mà công việc lại quá tải, cường độ và thời gian lao động tăng; chế độ thu hút, đãi ngộ hạn chế hoặc không có nên dẫn đến tình trạng cán bộ y tế xin thôi việc, nghỉ việc tăng.
Thứ ba, sự phát triển mạnh mẽ của hệ thống các bệnh viện tư nhân, phòng khám đa khoa tư nhân tại các địa phương ngày càng phát triển, môi trường làm việc thuận lợi, hiện đại, thân thiện có nhu cầu tuyển bác sĩ, điều dưỡng, kỹ thuật y, nhất là cán bộ nhân viên y tế có trình độ cao, chuyên môn sâu và những viên chức y tế đã có chứng chỉ hành nghề khám chữa bệnh. Các cơ sở y tế tư nhân sẵn sàng đưa ra mức thu nhập cao để thu hút nhân viên y tế, trong khi các cơ sở y tế công lập lại không có cơ chế để giữ.
Thứ tư, do áp lực công việc cao: Từ khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát đến nay, cán bộ, viên chức y tế là lực lượng đi đầu trong công tác phòng, chống dịch bệnh. Cường độ làm việc của nhân viên y tế rất lớn khi số lượng ca mắc mới tăng, số người phải cách ly, xét nghiệm, điều trị tăng cao, nhân viên y tế hầu như không có ngày nghỉ, làm việc với cường độ cao trong thời gian kéo dài, đặc biệt là đối với nhân viên y tế ở những địa phương có dân số lớn như TP Hồ Chí Minh và một số tỉnh phía nam.
Mặt khác, do phải làm việc trong môi trường làm việc nguy hiểm, có nguy cơ mắc bệnh cao, thậm chí có thể ảnh hưởng tính mạng đã ảnh hưởng sâu sắc đến tâm lý, động lực làm việc của viên chức ngành y tế.
Thứ năm, do ảnh hưởng của các vụ việc vi phạm quy định của pháp luật trong đấu thầu mua sắm thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế trong thời gian qua, dẫn đến điều kiện môi trường làm việc của viên chức y tế bị ảnh hưởng: thiếu thiết bị hiện đại để triển khai các kỹ thuật cao, thiếu thuốc, thậm chí thiếu cả các vật tư tiêu hao, các dụng cụ, trang thiết bị thông thường kể cả thiếu thiết bị bảo hộ cần thiết đã làm hạn chế việc phát huy trình độ, năng lực chuyên môn của cán bộ, viên chức y tế nên viên chức y tế có xu hướng dịch chuyển sang các cơ sở y tế tư nhân có điều kiện, môi trường làm việc tốt hơn.
Thứ sáu, do môi trường làm việc đặc thù của ngành y tế, cán bộ viên chức y tế phải thường xuyên chứng kiến sự ốm yếu, đau đớn của người bệnh, đặc biệt là bệnh nhân tử vong mà mình không thể cứu chữa được, đồng thời chịu áp lực rất lớn từ người nhà bệnh nhân, thậm chí một số nhân viên y tế còn chịu những hành động đe doạ, bạo lực cả về thể chất và tinh thần của người nhà người bệnh gây tâm lý hoang mang, lo sợ khi hành nghề, giảm sự nhiệt tình trong hoạt động nghề nghiệp.
Ngoài ra còn các nguyên nhân khác: Viên chức y tế xin nghỉ việc vì lý do gia đình, do công tác xa nhà, hoàn cảnh gia đình khó khăn, thu nhập thấp nên xin thôi việc để về chăm sóc gia đình. Mặt khác, một số cán bộ, viên chức y tế do sức khỏe không bảo đảm nên tự nguyện viết đơn xin nghỉ việc để chữa bệnh.
Chưa kể, một số nơi thực hiện chính sách hỗ trợ cho đội ngũ y, bác sĩ chưa kịp thời, tạo nên những tâm tư buồn không đáng có.
Giải quyết phải từ “gốc”
Trên thế giới, tình trạng thiếu nhân lực chăm sóc y tế thời kỳ hậu khủng hoảng COVID-19 cũng đã diễn ra ở nhiều nước. Theo ICN – Hội đồng điều dưỡng quốc tế, đại dịch khiến hàng triệu điều dưỡng, hộ lý nghỉ việc. Xu hướng này bắt đầu từ tháng 6/2021 và dự báo thế giới có thể thiếu khoảng 13 triệu y tế, trong khi cần đến 3-4 năm để đào tạo. Làn sóng rời bỏ công việc” của các y tá và điều dưỡng viên … dẫn đến vòng tròn luẩn quẩn là hàng loạt nhân lực bỏ việc, các bệnh viện tái cơ cấu, tiết kiệm, đóng cửa giường bệnh… áp lực ngày càng tăng, tỷ l ệ y tá/bệnh nhân ngày càng giảm và lại dẫn đến những làn sóng mới. Theo các phân tích quốc tế thì môi trường và điều kiện làm việc trong bệnh viện khu vực công ngày càng kém hấp dẫn, người lao động thích môi trường tự do hơn.
Cũng có nhận định cho rằng việc dịch chuyển nhân lực từ khu vực công sang khu vực tư đang diễn ra ở Việt Nam cũng không đi đâu mà thiệt, do đều là chăm sóc sức khỏe nhân dân trong bối cảnh y tế tư nhân ngày càng được khẳng định có vai trò quan trọng trong hệ thống y tế nước ta, là một động lực quan trọng của nền kinh tế. Tuy nhiên, sự dịch chuyển này cũng vẫn là một khủng hoảng, tạo ra ảnh hưởng không nhỏ đến an sinh xã hội, nhất là đối với những người có thu nhập thấp, người dân chưa có điều kiện tiếp cận các phòng khám của bệnh viện tư, ảnh hưởng đến các mục tiêu phát triển bền vững.
Ở chiều tích cực, sự khủng hoảng này cũng sẽ tạo ra sức ép để y tế công phải thay đổi.
Trước mắt, ngành Y tế cần tập trung giải bài toán thiếu thuốc, trang thiết bị vật tư tiêu hao và nâng cao thu nhập, tạo môi trường hấp dẫn trở lại đối với nhân viên y tế. Cán bộ không thể yên tâm công tác trong những môi trường có nhiều phiền hà, thiếu minh bạch, nhiều áp lực tâm lý… Cũng cần chú trọng kịp thời biểu dương, khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích tiêu biểu trong công tác y tế; huy động nguồn lực xã hội để hỗ trợ, giảm bớt khó khăn, kịp thời động viên cán bộ y tế...
Về lâu dài, phải xây dựng môi trường pháp lý khoa học và an toàn, hoàn thiện về mặt luật pháp để giải quyết căn bản những vấn đề bất cập của ngành Y tế. Trong đó, cải cách và đổi mới cơ chế tài chính y tế phải được xem là mũi nhọn. Theo ông Bùi Sĩ Lợi, tại buổi toạ đàm “Đại dịch COVID-19 và chính sách đối với nhân viên y tế” diễn ra cách đây không lâu: "Tiền lương phải đúng chính sách và giá trị lao động. Đối với ngành Y tế, tiền lương không phải tiền nâng năng suất hiệu quả mà còn là giá trị nhân văn, tinh thần trách nhiệm đối với nhân dân”.
Trong báo cáo, Công đoàn Y tế Việt Nam đề xuất sớm nâng mức hưởng phụ cấp ưu đãi theo nghề đối với viên chức làm chuyên môn y tế dự phòng và y tế cơ sở từ mức 40%-70% lên mức 100% để thu hút nhân lực y tế công tác trong lĩnh vực y tế dự phòng và y tế cơ sở. Đồng thời đề xuất Đảng, Chính phủ cho phép Bộ Y tế tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế kể cả giá dịch vụ khám chữa bệnh bảo hiểm y tế làm cơ sở để động viên khuyến khích các đơn vị sự nghiệp y tế tăng cường cung ứng dịch vụ có chất lượng, tăng nguồn thu sự nghiệp của đơn vị, góp phần tăng thu nhập cho cán bộ, viên chức y tế. Người bệnh tham gia bảo hiểm y tế sẽ được cung cấp đầy đủ thuốc trang thiết bị để nâng cao chất lượng. Bệnh viện được tính đủ sẽ có kinh phí bảo đảm an toàn vệ sinh lao động cho thầy thuốc để yên tâm công tác. Ngoài ra, để khắc phục những ảnh hưởng của dịch Covid-19 và kịp thời động viên khích lệ cán bộ y tế, Công đoàn đề nghị Chính phủ cấp kinh phí để hỗ trợ cho cán bộ, viên chức ngành y tế. Cụ thể, mỗi người 1 tháng lương hiện hưởng theo ngạch bậc hiện nay, hoặc hỗ trợ với mức 1- 2 lần mức lương cơ sở hiện nay. Đồng thời, xem xét nâng lương khởi điểm bậc 2 đối với bác sĩ mới ra trường để thu hút nguồn đầu vào, xem xét chế độ thâm niên nghề của ngành y tế như đối với ngành giáo dục.
Những khó khăn, khủng hoảng ngành Y tế đang đối mặt có thể chỉ là tạm thời. Nhưng để giải quyết được gốc rễ, cần nhận diện đầy đủ các khó khăn và có cơ chế điều hành khoa học, giải quyết căn cơ từng nguyên nhân. Cả trong ngắn hạn và dài hạn, quản trị nhân lực ngành Y là phải là một trọng tâm trong chiến lược phát triển ngành./.
Cao Nguyên