Thứ Bảy, 23/11/2024
Thời sự - Chính trị
Thứ Bảy, 19/12/2009 21:46'(GMT+7)

Hai thành công lớn trong một chuyến đi

Sáng nay (19/12), Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và đoàn công tác Chính phủ đã về tới Hà Nội, kết thúc tốt đẹp chuyến thăm làm việc tại Liên bang Nga và tham dự Hội nghị Thế giới về Biến đổi khí hậu tại Copenhagen, vương quốc Đan Mạch. Chuyến thăm làm việc tại Liên bang Nga của Thủ tướng lần này đã góp phần thắt chặt tình đồng chí, anh em, thúc đẩy hợp tác Việt-Nga tương xứng với quan  hệ đối tác chiến lược và hợp tác toàn diện giữa hai nước. Còn tại Hội nghị thế giới về biến đổi khí hậu, cùng với đưa ra nhiều đề xuất tích cực bảo vệ hệ thống khí hậu trái đất, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định cam kết mạnh mẽ của Việt Nam nỗ lực thực hiện trách nhiệm trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu toàn cầu.

Nền tảng vững chắc phát triển quan hệ đối tác chiến lược  

Đến Moscow dịp này, chúng tôi mới trực tiếp cảm nhận thế nào là mùa Đông nước Nga. Lạnh, cóng và tê cứng mỗi khi bước ra đường dưới mưa tuyết trong nhiệt độ luôn -20 độ C.  Những khắc nghiệt thời tiết này dường như tan biến hay nói cách khác là chúng tôi được sưởi ấm bởi sự nồng nhiệt, chân tình, thắm tình đồng chí, anh em của các bạn Nga.

Ngay từ khi chuyên cơ hạ cánh xuống sân bay Vnukovo 2, các bạn Nga đón Thủ tướng và đoàn với nghi thức lễ tân vượt ra khỏi quy định của một chuyến thăm làm việc. Gần 2 ngày thăm làm việc tại LB Nga, hai từ “đồng chí”, “anh em” được nhắc đến nhiều nhất trong các cuộc trò chuyện bên lề giữa cánh phóng viên, các cuộc trao đổi giữa doanh nghiệp hai nước đến các cuộc gặp cấp cao song phương.

Trong cuộc hội đàm kéo dài hơn dự kiến gần 2 giờ đồng hồ, Thủ tướng V.Putin không giấu nổi tình cảm đối với nhân dân Việt Nam bằng nụ cười và câu nói “đồng chí Thủ tướng” khi nói chuyện với Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Thủ tướng V.Putin nhấn mạnh nhiều lần “Quan hệ Nga-Việt có sự tin cậy rất cao. Hai dân tộc từ lâu đã có tình cảm rất đặc biệt và gần gũi trong những năm tháng gian khổ đấu tranh giành độc lập dân tộc cũng như trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước. Chúng ta tự hào đây là tài sản quý giá mà các thế hệ hai nước đã vun đắp, làm nền tảng bền vững để chúng ta tiếp tục xây dựng và phát triển quan hệ hợp tác giữa hai nước ngày càng gắn bó, thiết thực và hiệu quả hơn”.

Minh chứng sinh động cho tình hữu nghị, đoàn kết và gắn bó đặc biệt Việt-Nga, người đứng đầu Chính phủ hai nước quyết tâm đẩy mạnh quan hệ đối tác chiến lược và hợp tác toàn diện bằng việc khởi động xúc tiến đàm phán để sớm ký Hiệp định về khu vực thương mại tự do song phương, tạo điều kiện nâng kim ngạch thương mại hai chiều lên 10 tỷ USD trong thời gian tới. Hai bên cũng sẽ xúc tiến lập Đại học quốc tế Việt - Nga tại Việt Nam. Bắt đầu từ năm học tới, Chính phủ Nga dành cho Việt Nam 300 suất học bổng đào tạo ở Nga mỗi năm. Doanh nghiệp hai nước cũng đã ký kết nhiều thoả thuận, hợp đồng mở rộng hợp tác trong các lĩnh vực truyền thống như dầu khí, khai khoáng, phát triển điện năng, khoa học - kỹ thuật...

Ông  Annanhekov Alexander Geogevic, Phó Chủ tịch Tập đoàn Gazprom khẳng định: “Chúng tôi sẵn sàng cho một gia đoạn phát triển mới. Không chỉ ký thoả thuận hợp tác chiến lược với Tập đoàn dầu khí Quốc gia Việt Nam trong hoạt động thăm dò, khai thác dầu khí, Gazprom còn mở rộng hợp tác trong lĩnh vực chế biến, nghiên cứu khoa học và đào tạo nguồn nhân lực....”.

Trên tinh thần tin cậy, hỗ trợ và giúp đỡ lẫn nhau, Việt Nam và LB Nga sẽ tập trung thúc đẩy hợp tác mang tính chiến lược giữa hai nước trong lĩnh vực năng lượng bao gồm cả năng lượng nguyên tử, dầu khí và kỹ thuật quân sự. Ngay trong chuyến thăm, nước ta đã thoả thuận mua tàu ngầm, máy bay và thiết bị kỹ thuật quân sự với sự trợ giúp phù hợp của Nga, đồng thời chính thức mời Nga hợp tác và giúp đỡ Việt Nam xây dựng nhà máy điện hạt nhân đầu tiên với các điều kiện bảo đảm cần thiết.

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Thanh Sơn khẳng định: “Chuyến thăm làm việc tại LB Nga của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thành công vượt ngoài dự kiến. Tất cả những điều mà chúng ta mong muốn đàm phán với LB Nga khẳng định sự hợp tác chiến lược thực sự trong giai đoạn mới đã được khẳng định bằng thực tế. Đây là bước ngoặt là đỉnh cao mới trong quan hệ giữa Việt Nam-LB Nga, đánh dấu dấu mốc rất quan trọng mà Đảng, Nhà nước, Chính phủ chúng ta đã khẳng định đó là quan hệ tin cậy, cởi mở trên cơ sở của tình hữu nghị lâu đời giữa hai dân tộc, hai đất nước anh em”.

Chung tay trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu

Sau khi thăm làm việc tại LB Nga, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và đoàn công tác Chính phủ đã tham dự Hội nghị Thế giới về biến đổi khí hậu diễn ra ở Thủ đô Copenhagen, Vương quốc Đan Mạch với gần 120 nhà lãnh đạo các nước trên thế giới tham dự hội nghị đặc biệt này.

Tham dự hội nghị Thế giới về biến đổi khí hậu, Việt Nam được biết đến là một trong số ít quốc gia chịu tác động nặng nề nhất của biến đổi khí hậu và là quốc gia cung cấp tới 1/5 lượng gạo xuất khẩu trên thế giới. Biến đổi khí hậu, nước biển dâng không chỉ đe dọa đến người dân Việt Nam ở các vùng bị ảnh hưởng mà còn gây ảnh hưởng trực tiếp đến an ninh lương thực của thế giới. Đây cũng là lý do Ban tổ chức sắp xếp Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng là một trong 10 nhà lãnh đạo phát biểu đầu tiên trong phiên Thảo luận tại hội nghị lần này.

Bài phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhận được sự đồng tình, ủng hộ và đánh giá cao của cộng đồng quốc tế. Bởi trong bối cảnh các nước phát triển với các nước đang phát triển và các quốc đảo đang rất căng thẳng trong đàm phán về cắt giảm khí thải, thậm chí ngay cả trong các nước đang phát triển cũng rất gay gắt thảo luận về vấn đề này thì Việt Nam, một trong 5 nước chịu nhiều ảnh hưởng nhất của biến đổi khí hậu bày tỏ quan điểm chia sẻ cả thế giới cùng có trách nhiệm đối với biến đổi khí hậu, các quốc gia phát triển phải có trách nhiệm hơn hết đối với các quốc gia nghèo và quốc gia đang phát triển để bảo đảm sự phát triển bền vững của toàn thế giới.

Một lý do nữa mà các nhà lãnh đạo các nước tham dự hội nghị rất quan tâm lắng nghe Thủ tướng Việt Nam phát biểu là vì Việt Nam là 1 trong 50 quốc gia đã chủ động xây dựng Chương trình quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu và nước biển dâng nên nhiều nước mong muốn Việt Nam làm cầu nối giữa các nước đang phát triển và các nước phát triển trong nỗ lực thống nhất các quan điểm hợp tác dài hạn trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu.

Đáng chú ý tại Hội nghị thế giới về biến đổi khí hậu lần này đó là Sự kiện bên lề Việt Nam với sự tham dự hơn 100 tổ chức quốc tế và các nhà tài trợ. Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Phạm Khôi Nguyên cho biết: Qua sự kiện này, các tổ chức quốc tế, nhà tài trợ nắm bắt đầy đủ các dự án cụ thể trong Chương trình quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu và nước biển dâng để nghiên cứu hỗ trợ, giúp đỡ Việt Nam.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và lãnh đạo các Bộ, ngành nước ta cũng đã tiến hành hơn 30 cuộc tiếp xúc song phương với các nhà lãnh đạo, các Bộ, ngành các quốc gia tham dự hội nghị.  Lãnh đạo các quốc gia và các tổ chức quốc tế đều khẳng định: cho dù kết quả chung hội nghị Thế giới về biến đổi khí hậu lần này như thế nào đi chăng nữa thì Việt Nam vẫn là ưu tiên hỗ trợ số 1 trong lĩnh vực ứng phó với biến đổi khí hậu và nước biển dâng./.

Thành Chung - VOVnews
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất