Sau 5 ngày làm việc, sáng nay (19/12), Uỷ ban thường vụ Quốc hội khoá XII đã kết thúc phiên họp lần thứ 26. Trước khi bế mạc phiên họp, Uỷ ban thường vụ Quốc hội nghe và cho ý kiến vào Tờ trình của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Uỷ ban Tài chính và ngân sách của Quốc hội về phương án phân bổ vốn trái phiếu Chính phủ năm 2010.
Uỷ ban Tài chính và Ngân sách của Quốc hội cơ bản nhất trí với các nguyên tắc phân bổ vốn trái phiếu năm 2010 như trong Tờ trình của Chính phủ.
Theo đó, việc phân bổ phải bám sát các Nghị quyết của Quốc hội là chỉ bố trí vốn cho các danh mục dự án đã được quyết định. Tập trung bố trí tăng vốn cho các dự án, công trình cấp bách hiện đang triển khai nhanh và có khối lượng hoàn thành, sớm phát huy hiệu quả ngay trong năm 2010- 2011, trong đó cần ưu tiên tập trung cho những dự án giáo dục, y tế, nông nghiệp nông thôn và 62 huyện nghèo. Kiên quyết loại bỏ những dự án, công trình kéo dài trong 2- 3 năm chưa hoàn thành thủ tục đầu tư, ngừng bố trí vốn cho những dự án kéo dài nhiều năm không triển khai, kém hiệu quả. Bố trí vốn theo tiến độ giải ngân, điều chuyển vốn linh hoạt, không để tình trạng tồn ngân.
Uỷ ban Tài chính và Ngân sách nhất trí với phương án dự kiến của Chính phủ phân bổ 16.300 tỷ đồng cho các dự án giao thông, thuỷ lợi do Trung ương quản lý. Tuy nhiên, Chính phủ cần xác định tích cấp bách và khả năng giải ngân của từng dự án để xác định trật tự ưu tiên bố trí vốn cho phù hợp. Theo báo cáo thẩm tra, việc bố trí 22.000 tỷ đồng cho các dự án giao thông, thuỷ lợi do địa phương quản lý là chưa hợp lý giữa các địa phương vùng, miền, một số địa phương được phân bổ thấp hơn năm 2009.
Với các dự án y tế, dự kiến bố trí 5.000 tỷ đồng là hợp lý, tuy nhiên Chính phủ cần chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân với bệnh viện tuyến huyện, nhất là với các huyện vùng núi cao, vùng sâu, vùng xa và 62 huyện nghèo. Năm 2010, Chính phủ bố trí 4.500 tỷ đồng cho các dự án kiên cố hoá trường lớp học và nhà công vụ giáo viên; phân bổ 2.000 tỷ đồng trong năm 2010 để xây dựng ký túc xá cho sinh viên.
Về điều chỉnh tổng mức đầu tư, nếu theo dự kiến của Chính phủ sẽ tăng khoảng 28.000 tỷ đồng, nếu tính cả số vốn trái phiếu Chính phủ đang thực hiện 110.000 tỷ đồng thì tổng mức đầu tư mới khoảng 390.000 tỷ đồng. Đây là số vốn rất lớn so với khả năng ngân sách hiện nay của đất nước.
Trong phiên làm việc, Uỷ ban thường vụ Quốc hội nhấn mạnh việc triển khai các giải pháp thực hiện vốn trái phiếu Chính phủ năm 2010, trong đó cần quy định rõ trách nhiệm người đứng đầu các Bộ, ngành, địa phương trong việc quyết định triển khai các dự án, công trình. Các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ cần tăng cường kiểm tra, giám sát tiến độ thi công và giải ngân vốn đầu tư trái phiếu Chính phủ. Với các địa phương nghèo, phải nhận trợ cấp từ ngân sách Trung ương, nên bố trí đủ 100% vốn trái phiếu Chính phủ để thực hiện dự án, công trình./.