(TG) - Ngày 31/7/2019, nhân kỷ niệm 89 năm Ngày truyền thống ngành Tuyên giáo (01/8/1930-01/8/2019), Ban Tuyên giáo Trung ương đã tổ chức về nguồn, thăm và tặng quà tại thôn Thia, xã Tân Trào, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang, nơi Ban Tuyên huấn Trung ương làm việc trong những năm kháng chiến chống Pháp. Đồng chí Võ Văn Phuông, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương làm Trưởng Đoàn.
Cùng tham gia có đồng chí Nguyễn Thanh Long, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương và lãnh đạo một số đơn vị trong Ban Tuyên giáo Trung ương.
Trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, Tân Trào - “quê hương của cách mạng” là “Thủ đô khu giải phóng”, "Thủ đô kháng chiến" của cả nước. Trong những năm qua, Tân Trào đã đạt nhiều thành tựu trong phát triển kinh tế xã hội, đời sống của đồng bào các dân tộc được cải thiện.
Thay mặt Lãnh đạo Ban Tuyên giáo Trung ương, đồng chí Võ Văn Phuông bày tỏ niềm vui mừng và phấn khởi trước những thành tựu, thay đổi tích cực của thôn Thia và xã Tân Trào.
Tân Trào là xã đầu tiên của tỉnh Tuyên Quang được công nhận là xã đạt chuẩn nông thôn mới từ cuối năm 2014. Từ 575 hộ nghèo chiếm 58% số hộ dân toàn xã vào năm 2010, đến cuối năm 2018 Tân Trào chỉ còn 46 hộ nghèo.
Đến nay, xã không còn nhà tạm, nhà dột nát, 100% trường học đạt chuẩn Quốc gia; tất cả các thôn trên địa bàn xã đều có nhà văn hóa, sân thể thao đạt chuẩn; 100% đường liên xã được nhựa hóa; tất cả đường nội thôn, liên thôn và hơn 50% đường nội đồng được bê tông hóa; hơn 97% hộ dân được sử dụng điện; hơn 90% số người trong độ tuổi lao động có việc làm thường xuyên; thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn xã đạt hơn 30 triệu đồng/năm; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn luôn giữ vững, ổn định; công tác xây dựng hệ thống chính trị tiếp tục được củng cố và tăng cường. Xã Tân Trào đang đẩy mạnh thực hiện các giải pháp để phát triển kinh tế, đặc biệt là khai thác, phát triển ngành du lịch, khai thác tiềm năng sẵn có của Khu di tích quốc gia đặc biệt Tân Trào.
Phát biểu tại thôn Thia, đồng chí Võ Văn Phuông cảm ơn các đồng chí, đồng bào, bà con nhân dân xã Tân Trào đã giúp đỡ Ban Tuyên giáo Trung ương bảo quản, giữ gìn, chăm sóc khu di tích lịch sử luôn được uy nghiêm, khang trang, sạch đẹp.
Đồng chí Võ Văn Phuông nhấn mạnh: “Trong sự nghiệp cách mạng hôm nay, chúng ta không bao giờ quên sự trưởng thành lớn mạnh của đội ngũ cán bộ Tuyên giáo được khởi đầu từ sự dìu dắt chăm lo của Đảng và Bác Hồ; có sự phối hợp, giúp đỡ của các ban, bộ, ngành Trung ương và các địa phương, có sự đồng hành, đồng thuận, đùm bọc của nhân dân cả nước, trong đó, có đồng bào thôn Thia và xã Tân Trào, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang".
Đồng chí bày tỏ: “Chúng tôi, những người làm công tác tuyên giáo của Đảng biết ơn sâu sắc về những tiền đề quý báu đó và nguyện sẽ tiếp bước quá khứ, vững vàng trong hiện tại, vun đắp, xây dựng và bảo vệ đất nước, không ngừng nỗ lực phấn đấu hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao, đáp ứng kỳ vọng của Đảng, Nhà nước và Nhân dân giao phó”.
Tại buổi gặp gỡ, đồng chí Võ Văn Phuông, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương; đồng chí Nguyễn Thanh Long, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương đã tặng quà cho các gia đình chính sách, Đảng uỷ xã Tân Trào và nhà văn hóa thôn Thia.
Đồng hành với hoạt động của Ban Tuyên giáo Trung ương, Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn- Hà Nội (SHB) chi nhánh Tuyên Quang đã hỗ trợ trao tặng những phần quà cho xã Tân Trào và đại diện gia đình có công xây dựng Nhà văn hoá thôn Thia.
Thay mặt Đảng uỷ và bà con thôn Thia, đồng chí Viên Tiến Thăng, Bí thư Đảng uỷ xã Tân Trào phát biểu bày tỏ sự vui mừng và cảm ơn sự quan tâm của Ban Tuyên giáo Trung ương và hứa sẽ đoàn kết, phát huy truyền thống trong xây dựng địa phương, giữ gìn khu di tích cách mạng.
* Trong chuỗi các hoạt động Kỷ niệm ngày truyền thống ngành năm nay, cùng với hành trình về nguồn tại Tân Trào, Tuyên Quang, ngày 27/7/2019, Đoàn Ban Tuyên giáo Trung ương cũng đã thực hiện hành trình thăm Bia di tích lịch sử Ban Tuyên huấn Trung ương Cục miền Nam tại huyện Tân Biên, tỉnh Tây Ninh, nơi ghi lại 548 cán bộ tuyên giáo đã anh dũng hy sinh trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.
Cao Nguyên