Sau hơn 25 năm đổi mới, nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử. Kinh tế phát triển, đời sống người dân được nâng lên, lĩnh vực văn hóa có nhiều bước tiến, các giá trị nhân văn ngày càng được đề cao. Mặc dầu vậy, vẫn tồn tại những hiện tượng tiêu cực, nhất là trong văn hóa ứng xử, gây ra những hệ lụy đáng tiếc và tiềm ẩn bất ổn về trật tự trị an trong xã hội.
Lỗ hổng kỹ năng sống
Không ít ý kiến cho rằng, sự gia tăng tội phạm do nguyên nhân xã hội là mặt trái của nền kinh tế thị trường. Cách nhìn nhận này dễ nảy sinh tâm lý chấp nhận ở một mức độ nào đó những hiện tượng tiêu cực trong xã hội hiện nay và khó tìm được giải pháp khả thi để khắc phục. Thật ra nền kinh tế thị trường không trực tiếp tạo ra tội phạm, mà chính những người sống trong môi trường đó, khi không được rèn luyện để có kỹ năng ứng phó hiệu quả với những tình huống phức tạp, dễ gây căng thẳng và nảy sinh hành vi phạm tội.
Theo thống kê của ngành công an, 60 - 70% số vụ án giết người do các nguyên nhân xã hội trong năm 2010 là có tính bột phát, nhất thời; khoảng 20% số vụ do người thân, ruột thịt, họ hàng gây ra. Nguyên nhân chủ yếu bắt nguồn từ mâu thuẫn trong sinh hoạt, đôi khi rất nhỏ nhặt (vụ em rể đặt thuốc nổ vào xe máy khiến chị dâu thiệt mạng ở Bắc Ninh gần đây là một dẫn chứng đau lòng). Con số này cũng chỉ ra những bất cập trong một số kỹ năng sống của người phạm tội, như thiếu tự tin, khả năng kiềm chế, tự chủ kém, trong khi về xúc cảm thường có cường độ mạnh, nhưng dễ thay đổi; tính hay phô trương, bốc đồng nổi trội trong khi nhu cầu nhận thức nghèo nàn...
Tâm lý con người luôn diễn biến tùy vào những tình huống cụ thể mà mỗi cá nhân gặp phải trong cuộc sống. Ðiều quan trọng là mỗi người biết kiềm chế những biểu hiện không lành mạnh để hành động tích cực thắng thế. Nhưng, dường như định hướng giáo dục còn thiếu chú trọng bồi đắp những kỹ năng tự suy xét và đánh giá, cũng như khả năng tự kiềm chế những biểu hiện không mong muốn trong tính cách mỗi người. Trong khi đó, một số nét tính cách được xem là mang tính "truyền thống" như sĩ diện, nhiều khi chỉ là "sĩ diện hão" vẫn còn phổ biến và làm sai lệch đi giá trị đích thực của lòng tự trọng. Sự thiếu hụt những kỹ năng nêu trên và những phẩm chất cần thiết dễ làm cho con người có hành vi bột phát không kiểm soát được khi ở vào tình huống căng thẳng.
Ngoài ra, thiếu hụt ý thức trách nhiệm cũng là tác nhân. Một khiếm khuyết trong giáo dục là không đồng hướng nuôi dưỡng và củng cố phẩm chất quan trọng nói trên. Gia đình và xã hội có vai trò rất lớn trong giáo dục thế hệ trẻ. Vậy mà ở không ít gia đình, cha mẹ thường có tâm lý chăm lo, bao bọc cho con đến mức không ít trẻ không có thói quen suy nghĩ về bản thân như chủ thể cuộc sống chính mình, chịu trách nhiệm về những hành vi của mình. Trong khi đó, không ít bản tin hay bài báo bình luận về một vụ việc nghiêm trọng do thanh thiếu niên gây ra, các tác giả thường có xu hướng phiến diện, nhấn mạnh trách nhiệm của xã hội, gia đình, mà ít đề cập đến trách nhiệm của các em với tư cách là chủ thể của các mối quan hệ xã hội. Cách tiếp cận này nhiều khi đã vô tình ảnh hưởng không mong muốn đến việc hình thành ý thức trách nhiệm của thế hệ trẻ. Nếu trước khi thực hiện hành vi, các em có kỹ năng tự kiềm chế, có khả năng tự suy xét tình huống cùng sự gắn kết với trách nhiệm của bản thân trong các mối quan hệ xã hội thì chưa chắc những vụ việc đau lòng đã xảy ra.
Tác động của môi trường xã hội
Bất kỳ hành vi nào của cá nhân cũng chịu tác động của môi trường bên ngoài và diễn biến tâm lý bên trong. Những tác nhân thuộc môi trường bên ngoài rất đa dạng. Từ toàn bộ bối cảnh xã hội với những hiện tượng xã hội khác nhau, đặc biệt những hiện tượng tiêu cực trong xã hội đó đến những hoàn cảnh cụ thể như một khung cảnh thuận lợi, vắng vẻ, một sự va chạm giao thông không mong muốn, một câu nói không muốn nghe từ người khác...
Trong những tình huống cụ thể, hành vi của cá nhân được thực hiện theo cách nào phụ thuộc rất nhiều vào định hướng giá trị sống của họ. Trong những thời kỳ mà xã hội có nhiều thay đổi thì định hướng giá trị sống của con người cũng có những đổi thay. Từ chỗ thiên về coi trọng giá trị tinh thần, nay chuyển sang giá trị vật chất; từ chỗ những giá trị xã hội được đề cao, nay chuyển sang giá trị cá nhân được coi trọng... Với một xã hội còn tồn tại nhiều hiện tượng tiêu cực như nạn tham nhũng, tham ô khi mà ý thức trách nhiệm của mỗi cá nhân chưa được đề cao cũng như chưa cảm nhận được những triển vọng tích cực trong các phong trào xã hội đấu tranh với các hiện tượng tiêu cực... thì những giá trị vật chất, vì lợi ích cá nhân rất dễ thắng thế những giá trị vì lợi ích xã hội, lợi ích của những người chung quanh và những giá trị tinh thần như tình người, tình ruột thịt, lòng hiếu thảo...
Ðáng báo động, nhiều trường hợp phạm tội chưa hề có tiền án, tiền sự, được nhìn nhận là sống tốt nhưng đã trở thành hung thủ gây án "nhất thời" phạm tội, hành vi diễn ra trong thời gian ngắn, giữa thủ phạm và nạn nhân nhiều khi không quen biết nhau từ trước. Tuy nhiên, tính "nhất thời" đó chỉ là biểu hiện bên ngoài, mà thực chất hành vi phạm tội là hậu quả của những tâm trạng không mong muốn, suy tư không lối thoát được tích tụ trong cả một thời gian dài, nay được bộc lộ ra trong những tình huống có tính chất kích động. Bản thân người phạm tội thiếu các kỹ năng tự kiềm chế, giải tỏa các bức xúc tích tụ trong người; trong khi những người chung quanh thiếu kỹ năng "biết dừng đúng lúc", khiến sự cãi vã, tranh luận đã tạo ra tình huống kích hoạt. Và hành vi phạm tội dễ xảy ra khi có "sự bắt nhịp" của cả hai nhóm nhân tố chủ quan và khách quan.
Nhằm giảm đến mức thấp nhất những hành vi phạm tội do nguyên nhân xã hội, bên cạnh việc xây dựng lối sống với tư duy tích cực, luôn tin tưởng trong bất kỳ hoàn cảnh khó khăn nào cũng sẽ tìm ra lối thoát, thì việc hình thành kỹ năng sống, đặc biệt kỹ năng tự kiểm soát và giải tỏa những bức xúc, kỹ năng suy xét và giải quyết vấn đề cũng như ý thức trách nhiệm cho thế hệ trẻ là rất quan trọng. Cần đưa lối sống với tư duy tích cực và những kỹ năng này trở thành một nét văn hóa sống. Ðể làm được điều này, trách nhiệm không chỉ trên vai nhà trường, công an..., mà cần có sự tham gia của toàn xã hội.
* Theo thống kê của ngành công an, tình trạng phạm tội do nguyên nhân xã hội (trong đó có giết người) thời gian qua có xu hướng gia tăng nhức nhối, tập trung nhiều ở lứa tuổi 18 - 30. Nhiều vụ đặc biệt nghiêm trọng, hành vi rất dã man, tàn bạo, diễn ra bất ngờ không thể dự đoán trước làm cho nhiều người lo lắng, bất an.
* Gia đình và xã hội có vai trò rất lớn trong giáo dục thế hệ trẻ. Vậy mà ở không ít gia đình, cha mẹ thường có tâm lý chăm lo, bao bọc cho con đến mức không ít trẻ không có thói quen suy nghĩ về bản thân như chủ thể cuộc sống chính mình, chịu trách nhiệm về những hành vi của mình. |
Nguồn:
Nhân Dân