Thứ Hai, 23/9/2024
Pháp luật
Thứ Tư, 8/2/2012 10:43'(GMT+7)

Những nội dung cơ bản và những nội dung mới của Luật Tố cáo

Qua tổng kết việc thi hành Luật này cho thấy, công tác giải quyết tố cáo còn nhiều hạn chế, hiệu quả giải quyết các vụ việc tố cáo chưa cao. Thực trạng trên có nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan, trong đó có nguyên nhân là do các quy định của Luật Khiếu nại, tố cáo và các văn bản pháp luật về tố cáo và giải quyết tố cáo còn nhiều hạn chế, bất cập; chưa bao quát hết những tố cáo phát sinh trong thực tiễn cần được điều chỉnh bằng pháp luật. Luật chỉ tập trung quy định về tố cáo và giải quyết tố cáo đối với cán bộ, công chức trong các cơ quan hành chính nhà nước; chưa quy định tố cáo đối với hành vi vi phạm pháp luật về các lĩnh vực quản lý nhà nước. Trong khi đó, nhiều văn bản pháp luật lại quy định việc giải quyết tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong các lĩnh vực quản lý nhà nước, được thực hiện theo Luật Khiếu nại, tố cáo.

Trong Luật Khiếu nại, tố cáo, việc xác định thẩm quyền của các cơ quan, tổ chức trong việc tiếp nhận và xử lý các loại tố cáo mới chỉ mang tính nguyên tắc, chưa quy định cụ thể thẩm quyền, trách nhiệm giải quyết của các cơ quan cũng như trình tự, thủ tục giải quyết tố cáo đối với các hành vi vi phạm xảy ra trong các lĩnh vực quản lý nhà nước. Bên cạnh đó, Luật cũng chưa quy định đầy đủ các quyền và nghĩa vụ của người tố cáo, người bị tố cáo, người giải quyết tố cáo, người được giao nhiệm vụ xác minh, kết luận nội dung tố cáo, xử lý hành vi vi phạm bị tố cáo; chưa quy định về việc công khai các quyết định xử lý hành vi vi phạm bị tố cáo; chưa quy định rõ cơ chế bảo vệ người tố cáo khi họ bị đe dọa, trả thù, trù dập hoặc bị phân biệt đối xử; chưa quy định phạm vi, đối tượng, thời hạn bảo vệ cũng như quyền, nghĩa vụ của người tố cáo được bảo vệ...

Do vậy, việc tách Luật Khiếu nại, tố cáo để ban hành hai đạo luật riêng: Luật Khiếu nại và Luật Tố cáo nhằm thể chế hóa chủ trương, quan điểm của Ðảng về công tác giải quyết tố cáo, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước trong giai đoạn đẩy mạnh CNH, HÐH và hội nhập quốc tế hiện nay là yêu cầu khách quan và cần thiết.

Luật Tố cáo năm 2011 gồm tám chương, 50 điều, quy định về tố cáo và giải quyết tố cáo đối với hành vi vi phạm pháp luật của cán bộ, công chức, viên chức trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ; tố cáo và giải quyết tố cáo đối với hành vi vi phạm pháp luật của cơ quan, tổ chức, cá nhân về quản lý nhà nước trong các lĩnh vực. Trong đó, hành vi vi phạm pháp luật trong các lĩnh vực bao gồm tất cả các hành vi vi phạm pháp luật của bất cứ cơ quan, tổ chức, cá nhân nào trong xã hội, kể cả vi phạm của cán bộ, công chức, viên chức ngoài phạm vi thực hiện nhiệm vụ, công vụ và vi phạm của tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Việt Nam.

Luật Tố cáo năm 2011 quy định cụ thể và đầy đủ hơn về quyền và nghĩa vụ của người tố cáo, người bị tố cáo. Luật Tố cáo đã sửa đổi, bổ sung thêm một số quyền của người tố cáo như: quy định việc giữ bí mật họ, tên, địa chỉ, bút tích và thông tin cá nhân khác là quyền đương nhiên của người tố cáo và các cơ quan nhà nước có trách nhiệm thực hiện các biện pháp để bảo đảm quyền này của người tố cáo. Ngoài quy định người tố cáo được quyền yêu cầu thông báo kết quả giải quyết tố cáo thì người tố cáo còn được yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền thông báo về việc thụ lý giải quyết tố cáo, thông báo chuyển vụ việc tố cáo sang cơ quan có thẩm quyền giải quyết; được quyền tố cáo tiếp; được khen thưởng theo quy định của pháp luật.

Luật đã bổ sung quy định người bị tố cáo có quyền được nhận thông báo kết quả giải quyết tố cáo; yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xử lý người cố ý giải quyết tố cáo trái pháp luật; được xin lỗi, cải chính công khai do việc tố cáo, giải quyết tố cáo không đúng gây ra.

Kế thừa quy định của Luật Khiếu nại, tố cáo năm 1998, nguyên tắc xác định thẩm quyền giải quyết tố cáo đối với hành vi vi phạm pháp luật của cán bộ, công chức, viên chức trong thực hiện nhiệm vụ được Luật Tố cáo quy định cụ thể hơn. Theo đó, tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ của cán bộ, công chức, viên chức do người đứng đầu cơ quan, tổ chức có thẩm quyền quản lý cán bộ, công chức, viên chức đó giải quyết. Tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ của người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan, tổ chức do người đứng đầu cơ quan, tổ chức cấp trên trực tiếp của cơ quan, tổ chức đó giải quyết. Tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ của cán bộ, công chức, viên chức thuộc thẩm quyền quản lý của nhiều cơ quan, tổ chức do người đứng đầu cơ quan, tổ chức trực tiếp quản lý cán bộ, công chức, viên chức bị tố cáo phối hợp với các cơ quan, tổ chức có liên quan giải quyết. Tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ của cán bộ, công chức, viên chức có dấu hiệu tội phạm do cơ quan tiến hành tố tụng giải quyết theo quy định của pháp luật về tố tụng hình sự.

Ngoài việc quy định cụ thể hơn về thẩm quyền giải quyết tố cáo hành vi vi phạm pháp luật của cán bộ, công chức trong thực hiện nhiệm vụ, công vụ của cơ quan hành chính thì Luật Tố cáo năm 2011 còn quy định:

- Thẩm quyền giải quyết tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ của cán bộ, công chức trong cơ quan khác của Nhà nước như Tòa án Nhân dân, Viện Kiểm sát Nhân dân, Kiểm toán Nhà nước, cơ quan khác của Nhà nước, cơ quan có thẩm quyền quản lý đối với cán bộ là đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng Nhân dân các cấp;

- Thẩm quyền giải quyết tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ của viên chức trong đơn vị sự nghiệp công lập;

- Thẩm quyền giải quyết tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ của cán bộ, công chức, viên chức của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội;

- Thẩm quyền giải quyết tố cáo hành vi vi phạm pháp luật của người được giao thực hiện nhiệm vụ, công vụ mà không phải là cán bộ, công chức, viên chức.

Ðây chính là điểm mới cơ bản về thẩm quyền giải quyết tố cáo trong Luật Tố cáo năm 2011.

TG

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất