Suốt 16 năm “đi không dấu, nấu không khói, xoi đường lập trạm, mở tuyến về Nam”, Bộ đội Trường Sơn đã làm nên hào khí một thời
55 năm trước, để chi viện cho chiến
trường miền Nam, Bộ Chính trị quyết định tổ chức tuyến giao liên vận
tải quân sự Trường Sơn. Đúng dịp kỷ niệm 59 năm sinh nhật Bác, Đoàn 559
ra đời làm nhiệm vụ đặc biệt. Suốt 16 năm “đi không dấu, nấu không
khói, soi đường lập trạm, mở tuyến về Nam”, Bộ đội Trường Sơn đã làm nên
hào khí một thời “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”.
Rời binh nghiệp, Trung tá Trần Anh Don,
nguyên Trưởng phòng Hành quân Giao liên của Bộ Tư lệnh Binh đoàn 559 trở
về quê nhà ở xã Vĩnh Long, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị. Ông Don là
người có mặt trong ngày đầu tiên khi cùng với Thiếu tướng Võ Bẩm, Đoàn
Trưởng Đoàn 559 tham gia mở tuyến vận tải Trường Sơn. Bây giờ đã qua
tuổi 85 nhưng ông vẫn nhớ rõ từng gương mặt đồng đội.
Năm 1959, ông là chiến sỹ thuộc Quân khu
4 được nhận lệnh cùng Thiếu tướng Võ Bẩm làm nhiệm vụ mở đường Trường
Sơn, chọn Khe Hó, xã Vĩnh Hà, huyện Vĩnh Linh làm điểm xuất phát. Vì bí
mật tuyệt đối, Đoàn lấy danh nghĩa người của “Công trường khai thác gỗ”
và “Nông trường chăn nuôi bò” để đi khảo sát, cắm mốc, đưa một bộ phận
tiền trạm mở đường vào Nam. Ngày 13/8/1959, chuyến hàng đầu tiên gồm
200kg vũ khí và 300kg hàng hóa được các chiến sĩ Tiểu đoàn 301 gùi cõng,
vượt qua những cánh rừng trùng điệp, núi cao, nước sâu bí mật chuyển
đến Tà Riệp huyện Đakrông, bàn giao cho Khu ủy khu 5. Cựu chiến binh
Trần Anh Don nhớ lại: “Khi đến Khe Hó, ai làm việc gì biết việc đó. Lúc
đầu chúng tôi mặc áo thường dân giả người đi khai thác gỗ. Lúc đó, đi
không đường, ở không nhà, nấu không khói, nói không to”.
Những năm tháng ăn cơm vắt với rau rừng,
chiến sĩ Bộ đội Trường Sơn đối mặt với muôn vàn hiểm nguy. Mỗi chiến sỹ
Bộ đội Trường Sơn quyết “máu có thể đổ nhưng đường không thể tắc”. Một
đường bị chặn lại, hai ba đường mới xuất hiện; địch đánh một, ta làm
mười. Anh chị em ngày ngày "vai trăm cân, chân vạn dặm", vững tay cuốc,
tay xẻng mở đường tải đạn, vận chuyển hàng hóa, thư từ; vừa chăm sóc đưa
thương binh về tuyến sau, vừa bảo vệ tuyến đường thông suốt. Mỗi người
hăng hái cõng trên lưng từ 50 đến 60 kg hàng hóa, có người cõng gấp đôi
trọng lượng cơ thể của mình. Suốt 16 năm, từ chỗ hoạt động bí mật, gùi
thồ, bộ đội Trường Sơn đã hình thành tuyến vận tải lịch sử dài gần
20.000 km dọc ngang, xuyên qua núi rừng Trường Sơn, đi sang các nước bạn
Lào, Campuchia. Từ con đường này, biết bao chuyến hàng vũ khí, lương
thực đã kịp thời chi viện cho chiến trường miền Nam.
Cựu chiến binh Lê Văn Tấn trải qua nhiều
lần sinh tử vì bị địch truy kích, ông nhớ mãi thời khắc cả nước cùng ra
trận. Ngày đó, trên khắp nẻo đường Trường Sơn, rầm rập bước chân người,
nườm nượp xe chở đạn dược, súng ống, kéo pháo, chở hàng, chở quân hối
hả vào Nam. Ông Tấn hiểu rằng, chiến trường đang vẫn gọi mọi người bất
chấp mọi hiểm nguy: “Đường Trường Sơn thực sự là chiến trường nóng bỏng,
nhất từ năm 1965 trở đi đánh phá ác liệt lắm. Lúc cao điểm nhất, báy
bay B52, máy bay C130 của địch trinh sát suốt ngày đêm. Nó ngăn chặn
cách gì mình cũng đi được hết. Lúc đó chúng ta có câu khẩu hiệu “Đánh
địch mà đi, mở đường mà tiến”.
Cuộc kháng chiến chống Mỹ ngày càng
khốc liệt. Bộ đội Trường Sơn luôn được nhân dân đùm bọc, chở che; trong
đó có đồng bào dân tộc Vân Kiều, Pa Cô ở miền Tây tỉnh Quảng Trị. Già
làng Hồ Thanh ở bản Khe Hó, xã Vĩnh Hà, huyện Vĩnh Linh kể: Ngày đó,
người Vân Kiều ở bản Khe Hó nghèo khó lắm, đến hạt muối còn quí hơn
vàng. Bà con phải đốt cây cỏ tranh lấy muội than ăn thay muối. Một hôm,
thấy đoàn người đi vào Khe Hó mở đường, lập trạm, nhưng chẳng ai biết họ
làm gì. Sau này, thấy họ tốt bụng, còn cho bà con muối, gạo để ăn nên
dân nhớ, dân thương. Khi biết họ là bộ đội, bà con Vân Kiều âm thầm tham
gia mở đường, dựng lán, gùi hàng vượt Trường Sơn giúp bộ đội. Trong bom
đạn, hiểm nguy là thế, người Vân Kiều vẫn một lòng theo bộ đội. Già
làng Hồ Thanh ở bản Khe Hó nhớ lại: “Bộ đội với dân như con trong một
gia đình. Thương nhau lắm, đoàn kết để giữ bí mật, để chiến đấu để giải
phóng đất nước, bản làng yên ổn”.
Vượt qua mưa bom bão đạn, người lính
Trường Sơn vẫn vững vàng niềm tin chiến thắng, lạc quan cách mạng. Ngồi
tránh đạn trong hang đá, bên vách núi hay nghỉ ngơi dưới tán cây rừng,
anh em lại ôm đàn hát hò, đọc cho nhau nghe những vần thơ vừa mới viết.
Lần giở từng trang nhật ký đã úa màu, cựu chiến binh Lê Văn Tấn đọc lại
những vần thơ ông làm cách đây mấy chục năm thấy sống lại một thời binh
lửa, hào hùng giữa đại ngàn Trường Sơn: “Khi lên miền Tây, tôi làm trinh
sát và dân vận bên các huyện bạn Lào. “Giữa rừng nước bạn Triệu Voi,
đón xuân bộ đội dân công rộn ràng”- lúc này rộn ràng lắm, Đường vui
nườm nượp chuyển hàng, voi chở trâu kéo người mang xe thồ”.
Con đường Trường Sơn đi vào lịch sử dân
tộc như một dấu son chói lọi. Tuyến đường này ngày đó là trọng điểm địch
ngăn chặn, đánh phá ác liệt. Hơn 4 triệu tấn bom đạn, hóa chất độc hại
của Mỹ thả xuống núi rừng Trường Sơn; hơn 20.000 cán bộ, chiến sĩ đã anh
dũng hi sinh. Mỗi tên đất, tên làng dọc Trường Sơn rực lửa chiến công.
Lực lượng nào, đơn vị nào cũng xứng danh anh hùng. Sự đóng góp của Bộ
đội Trường Sơn, thanh niên xung phong và dân công hỏa tuyến trong công
cuộc chi viện cho chiến trường ngày ấy, mãi mãi chói sáng như một thiên
anh hùng ca bất diệt./.
Theo VOVnews