PV: Là một người làm báo lâu năm, đồng chí đánh giá như thế nào về tính hấp dẫn của báo chí?
Nhà báo Hữu Thọ: Phải nói rằng, thuở làm báo của tôi, đầu tiên và khởi điểm là làm báo chính trị và suốt đời làm báo chính trị. Cho nên ngay từ thuở đầu làm báo, thế hệ chúng tôi rất dị ứng với chuyện hấp dẫn, bởi vì coi sự hấp dẫn là phạm vi hình thức, là “hoa, lá, cành”. Điều đó ảnh hưởng đến cuộc đời làm báo của tôi. Tôi vốn là học sinh trung học ở Hà Nội đi kháng chiến, cũng là người yêu văn, nhưng rồi gò mình vào những vấn đề, khái niệm chính trị nên trở thành một phong cách viết, mà bạn bè cho là khô khan. Đến khi trưởng thành một chút trong nghề báo, mới thấy tính hấp dẫn cực kỳ quan trọng.
Những người làm báo lâu năm, từng trải như Bác Hồ của chúng ta rất coi trọng sự hấp dẫn của báo chí. Chúng ta nhớ lại, trong Bức thư Bác Hồ gửi cho lớp học Huỳnh Thúc Kháng, tức là lớp học tập đầu tiên của báo chí trong kháng chiến chống thực dân Pháp, Bác có viết: “Một tờ báo không được đại đa số nhân dân ham chuộng thì không xứng đáng là một tờ báo”. Tra Từ điển Tiếng Việt thấy chữ “ham chuộng” nghĩa là ưa thích nhất. Sau này, triển khai ý tưởng đối với sự hấp dẫn, đã có lần Bác nói: “Anh có tư tưởng sâu sắc nhưng nếu không hấp dẫn thì người ta không đọc để biết tư tưởng của anh”. Có nghĩa là, những tư tưởng dù có cao xa, sâu sắc đến đâu cũng không truyền đạt được khi người ta không đọc. Năm 1960, tại Hội nghị Chiến sỹ thi đua Toàn quốc, tại Hội trường Trung cấp Nông Lâm ở Chèm, Bác dặn “các nhà văn, nhà báo viết cho hay, cho chân thật, cho hùng hồn”. Lúc bấy giờ, anh Nguyễn Đình Thi cùng dự với tôi, tôi có nói: “Anh Thi ạ, Bác đặt chữ hay lên trên đấy nhé!”. Chân thực, hùng hồn thì rồi sẽ bàn, nhưng Bác đặt chữ hay lên trên.
Bác còn nói về sự hấp dẫn: “Mỗi tư tưởng, mỗi câu nói, mỗi chữ viết phải tỏ rõ tư tưởng và ước ao của nhân dân”. Như thế, sự hấp dẫn chính là những bài báo tỏ rõ những điều đó.
Đó là những phát biểu thể hiện sự coi trọng tính hấp dẫn của báo chí của Bác Hồ - người thầy của báo chí cách mạng Việt Nam. Đó là một người làm báo từng trải mà không dễ có những người làm báo giống như thế. Bác đã từng vừa làm chủ nhiệm, phát hành, biên tập, cộng tác viên tài chính tìm tài trợ cho tờ Le Paria, thủ quỹ, chủ nhiệm,…những công đoạn quan trọng của một tờ báo, tiếp xúc với nhiều người đọc để bán được báo, hiểu được nhu cầu của công chúng.
Khi nói về báo chí, Lênin cũng có một câu: “Tờ báo phải đăng những bài có những vấn đề gay go, phức tạp trong xã hội, dám đấu tranh với những vấn đề sai trái, quan điểm sai trái, bảo vệ những cái đúng, những mong muốn của công chúng”. Như vậy, tôi nhấn mạnh là, nếu lẩn tránh những vấn đề gay go, các tờ báo sẽ trở thành khô khan và đơn điệu, không hấp dẫn, thiếu tính chiến đấu.
Lênin còn nói thêm: “Một cơ quan ngôn luận xã hội chủ nghĩa phải tiến hành bút chiến”. Tức là phải có những cuộc thảo luận trên báo chứ không phải chỉ nói một chiều. Báo chí chúng ta gần đây ít, thậm chí không có những cuộc bút chiến.
Như thế, chúng ta khẳng định, không phải chúng ta, mà những người thầy của báo chí cách mạng thế giới cũng như của báo chí cách mạng Việt Nam đều nhấn mạnh tính hấp dẫn của báo chí. Lấy thước đo là “sự ham chuộng của người đọc”; nếu không coi trọng tính hấp dẫn, bỏ qua tính hấp dẫn là làm trái những quy luật của báo chí, trái lại lời dạy của những bậc thầy báo chí cách mạng.
PV: Theo đồng chí, điều gì làm nên sự hấp dẫn của báo chí?
Nhà báo Hữu Thọ: Sự hấp dẫn của báo chí không phải đơn thuần chỉ là vấn đề hình thức. Riêng tôi, tôi thấy ít nhất có 3 vấn đề hết sức quan trọng.
Thứ nhất, báo chí phải nêu trúng những vấn đề bức xúc của xã hội mà nhân dân hết sức quan tâm.
Tôi nói ví dụ, xung quanh vụ đánh bạc của cán bộ ở Sóc Trăng. Tội đánh bạc ai cũng thấy rõ, nhưng bức xúc của xã hội không chỉ là chuyện đánh bạc, mà là ở chỗ vì sao những loại cán bộ như thế lại được đề bạt, trở thành cán bộ lãnh đạo và anh ta lấy tiền đánh bạc ở đâu? Nếu chúng ta không trả lời những vấn đề đó thì chưa đi đến cùng bức xúc của xã hội, mới chỉ đi nửa vời. Nói trúng vấn đề và nói đến nơi của vấn đề mới làm cho tờ báo hấp dẫn. Trong vụ đánh bạc này, tờ báo nào dám đi đến tận cùng của vấn đề, là tờ báo mà nhân dân tìm đọc, quan tâm.
Thứ hai, là báo chí phải nói đúng sự thật nhưng phải đi đến bản chất sự thật, nếu không làm sao mà hấp dẫn được người đọc. Đề bạt một cán bộ “theo quy trình” là hiện thực khách quan. Nhưng vấn đề là, thực hiện quy trình đó có đúng không, có dân chủ, trong sáng không, đằng sau nó là động cơ gì, là ai, đó mới là bản chất. Nếu không đến được chỗ ấy, cũng không hấp dẫn quần chúng được.
Thứ ba, phải đáp ứng được sự hiểu biết mới qua cách thông tin và bình luận. Nhiều báo thông tin một vấn đề, nhưng thông tin của báo anh có gì mới hơn, bình luận có khía cạnh bình luận gì mới. Đáp ứng được nhu cầu thông tin này là đáp ứng cái bản chất tò mò, muốn biết của con người.
Trong hồi ký của Cờ rúpscaia, có nêu chuyện Lênin khen một nhà báo tên là M, khen 3 điều: Một là, anh này luôn có mặt, sống với những sự kiện bức xúc nhất của xã hội đương thời; hai là, khi đã có mặt, anh ta nhanh chóng nắm được bản chất của sự kiện xảy ra; thứ ba, là anh ta đưa ra lời giải phù hợp với quyền lợi và tâm lý của đa số nhân dân. Theo cách khen của Lênin với M, theo tôi, nên hiểu, sự tu dưỡng để trở thành nhà báo chân chính là ở 3 điểm này.
PV: Thưa đồng chí, để làm một tờ báo hấp dẫn, cần phải có những biện pháp gì?
Nhà báo Hữu Thọ: Bất kỳ tờ báo nào cũng phải coi trọng tính hấp dẫn, nó liên quan đến thương hiệu và số lượng phát hành. Tôi tham khảo những đồng nghiệp, đọc tài liệu, thì thấy để tăng tính hấp dẫn cần chú ý những điểm sau:
Thứ nhất, làm sao trên mặt báo có tiếng nói của những người nổi tiếng ở lĩnh vực mà xã hội quan tâm. Thậm chí người ta còn đặt ra kế hoạch, mỗi số báo có một người nổi tiếng xuất hiện. Người nổi tiếng lên tiếng không chỉ bằng bài viết mà bạn đọc thích người nổi tiếng đối thoại với nhà báo. Tâm sự với đồng nghiệp, họ nói để người nổi tiếng viết bài, họ sẽ viết dài, viết hết kho kiến thức, mà không phải kiến thức nào cũng được xã hội quan tâm. Cho nên làm talk show, làm phỏng vấn, trao đổi, thì sẽ rất cần hướng người nổi tiếng nói vào vấn đề xã hội quan tâm, bài vừa ngắn, vừa rõ. Khi viết bài, còn cân lên đặt xuống từng chữ, từng câu cho nên thường bài chưa đủ chân thật như cuộc sống. Nhưng khi phỏng vấn, trao đổi, là thời cơ để bộc lộ hết, những người nổi tiếng không dám sửa lời mình đã nói, mới bắt được cái hồn, cái thật của người ta.
Nhưng phải nhớ, tiến hành được cuộc phỏng vấn của những người nổi tiếng, về những vấn đề xã hội quan tâm, phải có MC rất giỏi. Người ta nói, dại nhất là tâm tình gan ruột với những người sơ giao. Nếu không có người đối thoại giỏi giang, thân tình thì không tài nào đối thoại được với người nổi tiếng. Cho nên, mới phải rèn luyện một đội ngũ chuyên nghiệp, có khi phải nhờ, phải thuê vì không tòa soạn nào đủ đội ngũ chuyên nghiệp giỏi để nói chuyện với người nổi tiếng. Đi thuê thì phải trả công xứng đáng cho những người này.
Thứ hai, có đội ngũ nhà báo, nhà nghiên cứu có khả năng “chộp”. Tôi dùng từ “chộp” vì trong điện ảnh có quay chộp, trong hội họa có ký họa, tóm được cái thần của người ghi và người hiện diện, quay chộp thì như thật. Tôi nói với anh em truyền hình, cuộc đời phải như thật, chứ cứ sạch sẽ quá thì giống như vào studio. Cuộc đời người ta ai cũng muốn ăn “của thật”, không ai muốn ăn “của giả”. Mới, độc đáo, nhưng phải chính xác. Cho nên ngày xưa có tin bản báo, là những tin rất có giá trị. “Người thông tin ban đầu” rất có giá trị với người làm báo. Khi kết thúc Chiến tranh thế giới thứ hai, trong khi tất cả hướng về Tokyo để nghe Đại tướng Tru man họp báo thì riêng U. Bớcsét hướng về Hirosima. Lúc đó, mọi người mới chỉ biết là có “cái chết lạ” qua bài báo của ông theo đường điện báo. Sau này, người ta thông tin kỹ càng hơn về tác hại của bom nguyên tử, nhưng không ai tranh được vai trò thông tin ban đầu của U. Bớcsét. Cho nên người ta nói, mỗi sợi tóc của người làm báo, mỗi tòa soạn báo, phải là một ăng ten để thu được nhiều nguồn thông tin và luôn luôn có tư liệu.
Thứ ba, là giật tít để hút người đọc. Nhưng không phải là cách giật tít bạo lực, dung tục trên tít như một vài biểu hiện đáng buồn gần đây ở một số tờ báo. Giật tít đúng, hay, không đi vào con đường bạo lực, dung tục. Người ta nói làm tít là công phu một nửa bài báo. Nhưng quan trọng là không xác định được tít thì không viết được bài. Có người viết rồi mới làm tít tức là do chủ đề chưa rõ. Cho nên tít là điều cực kỳ quan trọng.
Tôi thử lấy vài cái tít quen thuộc trong phạm vi hiểu biết của tôi: Trong khi chủ nghĩa cơ hội phát triển, có khi đề bạt chức vụ trong Đảng, chính quyền cao nhưng lợi lộc không cao. Cho nên, nhà báo Lê Huyền Thông có viết một tiểu phẩm như thật: Em lạy anh! Tức là nói về một đồng chí được bầu vào Thường vụ để phân công làm Trưởng ban Tuyên huấn, nhưng đồng chí này đã trình bày với lãnh đạo “em lạy anh” để em thôi Thường vụ chỉ là giám đốc. Bởi vì Thường vụ, Trưởng ban Tuyên huấn thì vừa vất vả vừa không có bổng lộc, nhưng làm giám đốc, chỉ một dự án là có tiền. Đồng chí Nguyễn Văn Linh phải mang bài báo này ra Hội nghị Ban Bí thư khóa VI đọc, tôi có dự thính. Bởi vì bài báo nói về một xu hướng cán bộ đi tìm những nơi có lợi lộc. Một cái tít ghê gớm. Nó cũng là sự tình cờ, nhưng chuyện có thật, có tính điển hình cao. Có những sự thật, hiện thực khách quan bộc lộ ngay bản chất. Tóm được sự thật ấy trong một cái tít, làm cho chất điển hình của bài báo cao đến như thế mới là giỏi.
Một chuyện rất cụ thể, khi tôi đi công tác tôi có quen một người bạn. Thân nhau nhưng ông ấy nhiều tuổi hơn mình. Có hôm tôi đến thăm, ông kể rất nhiều việc tiêu cực xung quanh chuyện cấp phép với tiếp dân. Tôi nói đùa, lúc anh còn làm bí thư tỉnh, anh không sửa, giờ về hưu anh mới nói. Ông bảo: nếu biết thì ai để thế. Tôi mới viết một bài: Biết trên báo Nhân dân năm 1989, kết luận: “Khi đã làm cao, tưởng rằng mình biết nhiều, hóa ra biết rất ít. Có những người vì nịnh mình mà không cho mình biết đầy đủ. Có những người vì nể mình mà không nỡ nói ra những chuyện sợ mình đau lòng”.
Vấn đề là tìm cách giật tít cho thật hấp dẫn nhưng không đi vào con đường bạo lực, dung tục.
Thứ tư, sự phối hợp người viết, người trình bày, người nhiếp ảnh là bộ ba phối hợp tạo nên sự nổi bật của bài báo thu hút bạn đọc.
Ở tòa soạn lớn, họ cho phép thư ký tòa soạn được góp ý về tít của tác giả, dài ngắn, cả nội dung. Trên một trang báo, tít này liên quan đến tít kia về nội dung, số chữ, hài hòa về mỹ thuật.
Bao giờ làm một số báo, trang 1 cũng là quan trọng nhất, nhưng hiện nay, trang 1 toàn lễ tân. Trong khi những bức xúc của dân không dám để trang 1. Họ không hiểu trang 1 là nơi thể hiện sự “ước ao” của dân như Bác Hồ dặn. Nếu không có chuyển biến lớn về vấn đề này thì các tờ báo chính thống sẽ thua hết. Nó chứng tỏ khí tiết của người làm báo cũng không còn nữa chứ không phải chỉ là bộ mặt, hình thức.
PV: Có người cho rằng, làm báo chính trị rất khó hấp dẫn. Theo đồng chí, đánh giá như vậy có đúng không?
Không hấp dẫn bạn đọc vì chúng ta đi vào những vấn đề chính trị chung chung. Làm báo chính trị cũng vẫn hấp dẫn nếu biết chọn vấn đề hấp dẫn. Các vấn đề kinh tế - xã hội, văn hóa,…đều là vấn đề chính trị, thể hiện quan điểm, thái độ của Đảng ta trong chỉ đạo, quản lý động chạm tới hàng triệu người cho nên không thể nói không hấp dẫn. Làm giàu, xóa đói giảm nghèo, tăng sức cạnh tranh, đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực…là những vấn đề chính trị lớn lúc này, là những chủ đề rất hấp dẫn chứ!
Ngoài chủ đề hấp dẫn, bài báo chỉ cần một chi tiết mới, có sức hấp dẫn, người ta gọi là “chi tiết kim cương”.
Chung quanh vấn đề viết của chúng ta hiện nay, thì phải viết thế nào cho gần với suy nghĩ của người đọc. Viết theo ngôn ngữ hàn lâm, thì khó gần độc giả. Chúng ta làm công tác tư tưởng, trung tâm là con người, mỗi người một tâm lý. Trong cơ chế thị trường, đang có sự biến đổi, có nhiều sự biến động, công nhân có người làm cho nhà nước, tư nhân, công ty nước ngoài; nông dân có anh là chủ trang trại, đồn điền, chủ hộ….Tâm lý khác nhau xa rồi, không còn giống nhau nữa. Quan trọng là làm sao mà ngôn ngữ bắt kịp tư duy và quy luật của tình cảm. Ngôn ngữ càng gần đời thường về hình thức thì càng dễ đi vào lòng người, càng gần gũi.
Văn khác báo, nhưng báo phải có chất văn. Cần tránh ngôn ngữ kinh viện, ngôn ngữ nhà trường, giảng giải, làm cho người đọc và người viết không còn sự giao lưu. Về tư tưởng, tránh giải thích hay truyền đạt theo kiểu đứng trên bục, nói theo ngôn ngữ của người thầy, không có ngôn ngữ của người bạn. Người ta nói người làm báo giỏi là một người bạn đường, dẫn đường như một người bạn. Tôi dẫn anh đi mà anh có cảm giác anh chính là người tìm ra lối đi, thì tự nhiên, anh đạt được mục tiêu. Thế mới là sự giao lưu bình đẳng giữa người viết và người đọc. Dân trí càng cao, tính tự chủ càng cao thì càng không thể áp đặt. Bác đã phê phán trong tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” rồi, cứ “tích cực”, “đẩy mạnh”, “tăng cường” thì khó vào.
Tìm đọc lại Huỳnh Thúc Kháng, Nguyễn An Ninh sẽ thấy Thời đàm, Xã luận viết lúc bấy giờ với văn chương rất hấp dẫn.
Tại sao Cụ Hồ làm báo bao giờ cũng có tranh biếm họa, thơ châm. Thế mới là làm báo. Làm báo của ta nghiêm chỉnh quá, lúc nào cũng “thắt cổ cồn”, “ca ra vát”. Cho nên, người giỏi là người nói một cách dễ hiểu những vấn đề phức tạp, nói theo ngôn ngữ đời thường về những vấn đề trừu tượng, có thể tạo ra sự giao lưu, đọc anh là đang giao lưu với anh.
Tôi bây giờ mà thay đổi thì rất khó, vì mấy chục năm đã quen rồi. Nhưng thế hệ trẻ bây giờ phải thay đổi, nhưng nếu thay đổi mà trở thành thành buông tuồng, nói theo ngôn ngữ “chát” trên báo thì lại không được, làm hỏng tiếng Việt.
PV: Xin cảm ơn đồng chí!
Tiến Dũng - Thu Thanh thực hiện