Thứ Tư, 9/10/2024
Tin hoạt động
Thứ Năm, 27/8/2009 6:10'(GMT+7)

Hát Then, đàn Tính và cách riêng để "sống" trong thời hiện đại

Lời của núi rừng, của tâm hồn

Những giai điệu của ngân nga của lời hát Then và âm thanh du dương của cây đàn Tính - những âm thanh của đất, của trời, của rừng núi, của sông suối, của cỏ cây, hoa lá, của lòng người hoà quyện đã vang lên, thúc giục mọi người nhanh chân đến với ngày hội. Hơn 300 nghệ nhân, diễn viên của 11 tỉnh, thành phố trong cả nước cùng tụ hội về với đất và người Bắc Kạn để cùng nhau tôn vinh các giá trị của nghệ thuật hát Then, đàn Tính.

Liên hoan nghệ thuật hát Then, đàn Tính toàn quốc định kỳ tổ chức 2 năm một lần kể từ năm 2005 đến nay đã minh chứng được sức sống mãnh liệt của loại hình nghệ thuật này trong sinh hoạt cộng đồng các dân tộc Tày, Nùng, Thái và một số dân tộc khác qua các nghi lễ văn hoá tín ngưỡng và hình thức văn nghệ quần chúng.

Then là một loại hình nghệ thuật dân gian diễn xướng nguyên hợp, vừa bao gồm nhiều yếu tố văn hoá- nghệ thuật, vừa đậm đặc yếu tố tâm linh. Then gắn bó khá sâu sắc với đời sống tinh thần và tâm linh của đồng bào các dân tộc Tày, Nùng, Thái và một số dân tộc khác. Trong liên hoan lần này, lần đầu tiên công chúng được thưởng thức nghệ thuật hát Then của đồng bào dân tộc Giáy ở tỉnh Lào Cai, do Nghệ nhân Phan Thị Phỏ và những người dân ở xã Quang Kim (huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai) biểu diễn.

Xuất xứ nguồn gốc của Then là từ tín ngưỡng của đồng bào về một thế giới thần bí, nơi đó có những nhân vật và sức mạnh diệu kỳ như: Bụt, Giàng, Then, mà chỉ có Bà Then, Ông Then mới có đủ bản lĩnh và khả năng đến được thế giới đó. Khi các Bà Then, ông Then này dâng lên Mường Trời những sản vật của con người thì họ hát. Chính lời bài hát Then, hoà trong nhịp đàn tính dìu dặt, cùng tiếng xóc lúc khoan nhịp, lúc dồn dập sẽ đưa Bà Then, Ông Then đến với Mường Trời để cầu xin các vị thần linh cứu giúp con người. Hát Then, đàn Tính không chỉ phục vụ đời sống tâm linh mà còn là nhu cầu văn hoá tinh thần của người dân ở các bản, làng...

Nghệ thuật kết nối những tâm hồn

Trong nhịp sống hiện đại ngày nay, nghệ thuật hát Then, đàn Tính đang bị mai một dần. Nhưng đến với liên hoan lần này, những người yêu nghệ thuật hát Then, đàn Tính được thoả sức hoà mình trong không gian, trong âm thanh và sắc màu của Then. Sau những lời khai mạc đầy tâm huyết: "Hát Then, đàn Tính là loại hình nghệ thuật độc đáo của các dân tộc Tày, Nùng, Thái và một số dân tộc khác, góp phần làm nên tính đa dạng trong văn hoá của cộng đồng các dân tộc Việt Nam, luôn gắn liền với đời sống xã hội của đồng bào từ bao đời nay, là sự kết hợp vẻ đẹp con người với thiên nhiên, giữa giá trị nghệ thuật sâu sắc với yếu tố tinh thần và tâm linh, bày tỏ khát vọng về cuộc sống bình yên, khát vọng vươn tới ấm no, hạnh phúc", Thứ trưởng Bộ Văn hoá- Thể thao và Du lịch Huỳnh Vĩnh Ái - Trưởng Ban chỉ đạo cuộc liên hoan đã đánh đàn then khai mạc liên hoan và cùng hoà lời ca, tiếng đàn của tập thể nghệ sĩ, diễn viên Đoàn nghệ thuật dân tộc tỉnh Bắc Kạn và các em trường Cao đẳng sư phạm nhạc hoạ tỉnh Bắc Kạn trong ca khúc "Bắc Kạn mình đây", một sáng tác mới của Nhạc sĩ Lương Nguyên.

Thứ trưởng Bộ Văn hoá- Thể thao và Du lịch Huỳnh Vĩnh Ái -
Trưởng Ban chỉ đạo cuộc liên hoan đánh đàn then khai mạc liên hoan

Trong đêm khai mạc, các nghệ nhân đã biểu diễn 13 tiết mục then độc đáo, trong đó có bài then "Hát tiếp câu then của bà" do nghệ nhân Nông Thị Sấm và cháu ngoại Chu Văn Minh ở Lạng Sơn biểu diễn, tiết mục hát then trong lễ Lẩu then (cấp sắc) do các nghệ nhân dân tộc Giáy ở tỉnh Lào Cai biểu diễn; trích đoạn "Lẩu Then Phò Mã- Thái Tử con Ngọc Hoàng xuống ban hạ sắc cho đệ tử tại lễ lẩu then", do các nghệ nhân ở bản Tinh, xã Yên Hân, huyện Chợ Mới, tỉnh Bắc Kạn thể hiện; bài then "Sài Gòn vang tiếng hát then", do các nghệ sĩ, diễn viên ở các câu lạc bộ ở Thành phố Hồ Chí Minh biểu diễn... Chương trình khai mạc khép lại với màn hát múa "Huyền thoại then"... do 60 nghệ sĩ, diễn viên đoàn Nghệ thuật dân tộc tỉnh Bắc Kạn, học sinh trường cao đẳng sư phạm tỉnh và các cháu thiếu nhi trường tiểu học Đức Xuân trình bày.

Một chương trình đậm sắc màu văn hoá dân gian đó đã chinh phục các vị đại sứ, đại biện của các nước: Bỉ, Brazin, Canađa, Trung Quốc, Lào, Philipin, Vênêxuêla, Italia, Panama. Sau buổi biểu diễn, mỗi người ôm một chiếc đàn tính trong tay, cùng bước lên sân khấu, giao lưu cùng các nghệ sĩ. Sợi dây nghệ thuật đã kết nối những tâm hồn con người của các quốc gia lại với nhau.

Và sức sống mãnh liệt của hát Then, đàn Tính

Trong 3 diễn ra liên hoan, 300 nghệ nhân, diễn viên của 11 tỉnh, thành phố trong cả nước đã trải hồn mình với nghệ thuật hát Then, đàn Tính, đem đến cho công chúng những lời ca, tiếng đàn cất lên từ chính tiếng lòng của mình. Những người yêu hát Then, đàn Tính không khỏi cảm động vì có nhiều nghệ nhân, dù ở tuổi 70-80, nhưng không quản đường xa đến với liên hoan và giọng hát vẫn vang, tay đàn vẫn dẻo. Và vui vì thấy có nhiều lớp trẻ vẫn nối nghiệp ông, cha học và yêu hát Then, đàn Tính. Hình ảnh của nhiều cặp ông- cháu, bà- cháu, mẹ chồng- nàng dâu, thậm chí có những gia đình 4 thế hệ tham gia liên hoan đã làm nên nét độc đáo của ngày hội. Chu Văn Minh, cùng bà ngoại là nghệ nhân Nông Thị Sấm (ở thành phố Lạng Sơn) biểu diễn tiết mục "Hát tiếp câu then của bà" để lại ấn tượng khó quên với người xem. Hai cháu Hà Thị Chắc và Ma Thị Chiển cháu của nghệ nhân Hà Thuấn (ở Tuyên Quang) ở độ tuổi 9-10 đã nhiều lần đi biểu diễn và rất vui khi tham gia liên hoan lần này. Các em cho biết: các em thường xuyên luyện tập và ở trường các em cũng thành lập các câu lạc bộ hát Then, đàn Tính.

Các đại sứ nước ngoài chụp ảnh lưu niệm cùng diễn viên

Lần thứ hai đến với Liên hoan hát Then, đàn Tính, 38 nghệ nhân, diễn viên của thành phố Hồ Chí Minh , người đã ở tuổi "thất thập cổ lai hy", người ở độ tuổi 30 vượt hàng nghìn cây số, đem tiếng đàn, lời ca đến với ngày hội cho thấy sức lan toả mạnh mẽ của nghệ thuật hát Then, đàn Tính và nét độc đáo của nghệ thuật này. Theo bà Trịnh Thị Kim Dung- Phó Giám đốc Trung tâm Văn hoá Thành phố Hồ Chí Minh, nghệ thuật hát Then, đàn Tính được lãnh đạo thành phố rất quan tâm và tạo điều kiện để phát triển.

Cùng với việc thưởng thức lời then sâu sắc, âm nhạc độc đáo của cây đàn tính, đến với liên hoan, du khách còn được xem những hiện vật liên quan đến nghệ thuật Hát then, đàn Tính như: trang phục, nhạc cụ.v.v.... Tất cả đem đến cho những người tham gia liên hoan niềm hạnh phúc khi được hoà mình trong không gian lung linh sắc màu, dìu dặt âm thanh đậm đà hồn dân tộc và sự ấm áp của tình người…

- Mai Hồng -

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất