(TG)- Đại hội Đảng bộ tỉnh Hậu Giang nhiệm kỳ 2015-2020 xác định mục tiêu thực hiện tốt các chính sách an sinh, phúc lợi xã hội, bảo vệ môi trường
và ứng phó với biến đổi khí hậu; giữ vững ổn định chính trị-xã hội;
nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân; phấn đấu
đến năm 2020 trở thành tỉnh khá của vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Sau ba ngày làm việc khẩn trương, nghiêm túc với phương châm đoàn kết,
dân chủ, kỷ cương, phát triển, ngày 16/10, Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh
Hậu Giang lần thứ XIII, nhiệm kỳ 2015-2020 đã thành công tốt đẹp.
Đại hội đã bầu Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2015-2020 gồm 52
người; bầu đoàn đại biểu dự Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII gồm 16
đại biểu chính thức và hai đại biểu dự khuyết.
Tại hội nghị lần thứ nhất Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Hậu Giang, đồng chí Trần
Công Chánh được bầu tái cử Bí thư Tỉnh ủy nhiệm kỳ 2015-2020; các đồng chí
Lữ Văn Hùng, Huỳnh Thanh Tạo và Đặng Thế Vinh được bầu là Phó Bí thư
Tỉnh ủy; đồng chí Cam Quang Vinh được bầu là Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra.
Đại hội Đảng bộ tỉnh Hậu Giang nhiệm kỳ 2015-2020 xác định mục tiêu tiếp
tục tập trung xây dựng Đảng trong sạch vững mạnh; nâng cao năng lực
lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức Đảng và đảng viên; phát huy dân
chủ và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân; xây dựng hệ thống chính trị vững
mạnh; phát triển kinh tế với tốc độ hợp lý, bền vững.
Cùng với đó, tỉnh tiếp tục xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội; thực
hiện tốt các chính sách an sinh, phúc lợi xã hội, bảo vệ môi trường và
ứng phó với biến đổi khí hậu; giữ vững ổn định chính trị-xã hội; nâng
cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân. Hậu Giang phấn đấu đến
năm 2020 trở thành tỉnh khá của vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Đại hội xác định đến năm 2020, GRDP bình quân tăng trên 7%/năm, GRDP
bình quân đầu người đạt 55 triệu đồng/người; tổng vốn đầu tư toàn xã hội
trên địa bàn từ 90.000-95.000 tỷ đồng; thu ngân sách Nhà nước trên địa
bàn từ 28.000-30.000 tỷ đồng, trong đó thu nội địa từ 5.500-6.000 tỷ
đồng; kim ngạch xuất khẩu và dịch vụ thu ngoại tệ đến năm 2020 đạt 920
triệu USD; tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân hàng năm trên 2%...
Để đạt được các chỉ tiêu này, Đại hội nhất trí đề ra bốn chương trình
trọng tâm là đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội, công nghiệp hóa
nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới; đào tạo nguồn nhân lực, phát
triển khoa học công nghệ và giáo dục đào tạo; an sinh xã hội, phúc lợi
xã hội, giải quyết việc làm và giảm nghèo bền vững; cải cách hành chính,
xây dựng hệ thống chính quyền và phòng chống tham nhũng, lãng
phí...
Nhiệm vụ đột phá trong nhiệm kỳ tới được Đại hội xác định là tập trung
phát triển nông nghiệp toàn diện, đẩy mạnh ứng dụng các tiến bộ khoa học
kỹ thuật trên cơ sở tổ chức có hiệu quả các hình thức kinh tế tập thể,
khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ phát triển gắn với xây dựng
nông thôn mới; tiếp tục đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội
quan trọng, trong đó tập trung cho hạ tầng giao thông, thủy lợi, khai
thác hiệu quả tiềm năng và lợi thế để phát triển mạnh thương mại, dịch
vụ, du lịch; tăng cường cải cách hành chính, đẩy mạnh xúc tiến đầu tư,
lấp đầy các khu, cụm công nghiệp và trong lĩnh vực nông nghiệp, nông
thôn. Cùng với đó, tỉnh tập trung quy hoạch, đào tạo nguồn nhân lực,
trong đó tập trung nguồn cán bộ nữ, trẻ, dân tộc./.
KT