Thứ Hai, 16/9/2024
Xã hội
Thứ Năm, 25/8/2022 9:0'(GMT+7)

Hậu Giang triển khai hiệu quả công tác phối hợp liên ngành trong thực hiện quyền trẻ em

Đồng chí Đoàn Quốc Thật, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; đồng chí Hồ Thu Ánh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang trao quà cho các trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, khó khăn

Đồng chí Đoàn Quốc Thật, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; đồng chí Hồ Thu Ánh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang trao quà cho các trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, khó khăn

LIÊN NGÀNH CHỦ ĐỘNG PHỐI HỢP CHẶT CHẼ TRONG TRIỂN KHAI CHÍNH SÁCH, PHÁP LUẬT LIÊN QUAN TỚI TRẺ EM

Các cấp ủy đảng, chính quyền ở Hậu Giang đã chỉ đạo các ngành chức năng theo dõi sát tình hình, nắm thông tin, cung cấp thông tin cho báo chí; tích cực tham gia phỏng vấn, tọa đàm trên các kênh thông tin đại chúng để định hướng dư luận xã hội, kịp thời chỉ đạo và kiến nghị giải quyết các vấn đề về thực hiện quyền trẻ em và các vụ việc xâm hại trẻ em; chủ động, tích cực phối hợp triển khai các biện pháp giải quyết các vấn đề về trẻ em; tiếp nhận và giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo liên quan đến trẻ em… Theo đó, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội là cơ quan thường trực Ban điều hành hệ thống bảo vệ trẻ em, Trưởng Ban điều hành là lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh và các thành viên là lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể có liên quan; 8/8 huyện, thị, thành phố thành lập Ban điều hành hệ thống bảo vệ trẻ em và 75/75 xã, phường, thị trấn thành lập Ban Bảo vệ trẻ em hoặc Nhóm Thường trực Bảo vệ trẻ em.

Các sở, ban, ngành, đoàn thể, các địa phương phối hợp chặt chẽ trong việc triển khai thực hiện các chính sách, pháp luật liên quan đến trẻ em, nhất là thực hiện quyền trẻ em, Chương trình hành động vì trẻ em. Nhiều chính sách đối với trẻ em được thực hiện kịp thời, nhất là chính sách trợ giúp xã hội, chính sách y tế, giáo dục; đặc biệt là có sự phối hợp trong việc chủ động phối hợp để xác minh, điều tra, xử lý các vụ việc trẻ em bị xâm hại, trong đó quy định rõ các thủ tục, quy trình và trách nhiệm phòng ngừa, phát hiện, tố giác, trợ giúp và giải quyết các trường hợp trẻ em bị xâm hại của các cơ quan nhà nước, các tổ chức xã hội, nhà trường, gia đình, cá nhân và trẻ em. Quyền hưởng thụ, vui chơi, giải trí của trẻ em cũng được các cấp, các ngành và địa phương quan tâm, tổ chức các hoạt động vui chơi, giải trí cho các em, đặc biệt là trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, trẻ em nghèo như: tổ chức họp mặt Nụ cười xuân Tháng hành động vì trẻ em, Ngày Quốc tế thiếu nhi 1/6, Tết Trung thu... Toàn Tỉnh có 2 Nhà thiếu nhi dành cho trẻ em, có 33/75 xã, phường, thị trấn có điểm vui chơi dành cho trẻ em, chiếm tỷ lệ 44%. Qua 10 năm, toàn Tỉnh tổ chức họp mặt, thăm, tặng quà cho 468.680 lượt trẻ em có hoàn cảnh khó khăn với tổng số tiền trên 32 tỷ đồng. Từ năm 2013 đến năm 2022 đã tổ chức được 02 Diễn đàn trẻ em cấp Tỉnh, 08 Diễn đàn trẻ em cấp huyện, 60 Diễn đàn trẻ em cấp xã thu hút gần 4.200 trẻ em tham gia. Toàn Tỉnh có 129 Câu lạc bộ trẻ em đang hoạt động thu hút trên 4.212 trẻ em tham gia.

Công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các chủ trương, chính sách, pháp luật liên quan đến trẻ em và thực hiện các quyền trẻ em được Sở Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với các ngành liên quan thực hiện thường xuyên, nghiêm túc để chấn chỉnh kịp thời những sai sót, tháo gỡ khó khăn, rút ra bài học kinh nghiệm, khen thưởng, biểu dương những tập thể, cá nhân đạt thành tích trong công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em.

Lãnh đạo tỉnh tặng quà cho 100 học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn

Lãnh đạo tỉnh tặng quà cho 100 học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn


ĐẢM BẢO QUYỀN TRẺ EM TRONG THIÊN TAI, DỊCH BỆNH

Quan tâm đảm bảo quyền trẻ em trong thiên tai, dịch bệnh, Hậu Giang đã triển khai nhiều chính sách hỗ trợ cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt phục hồi và hòa nhập cộng đồng. Số trẻ em được hưởng chính sách trợ cấp theo Nghị định số 20/2021/NĐ-CP của Chính phủ là 1.410 em tập trung chủ yếu vào các nhóm đối tượng: Trẻ em mồ côi, không nơi nương tựa, trẻ em bị bỏ rơi, trẻ em khuyết tật, trẻ em bị nhiễm HIV/ADIS. Từ đó, tỷ lệ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt giảm từ 1.660 em (năm 2012, theo Luật bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em năm 2004) xuống còn 1.543 em (năm 2021, Theo Luật Trẻ em năm 2016). Hầu hết trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, nhất là nhóm trẻ em mồ côi, không nơi nương tựa, trẻ em bị nhiễm HIV/AIDS, trẻ em bị xâm hại tình dục, trẻ em khuyết tật đã nhận được sự quan tâm chăm sóc của Nhà nước và xã hội thông qua các chính sách trợ giúp xã hội, trợ giúp tiếp cận y tế, giáo dục, học nghề, phẫu thuật chỉnh hình phục hồ chức năng, trợ giúp cai nghiện ma túy tại cộng đồng, chăm sóc thay thế bởi các gia đình hoặc các cơ sở trợ giúp xã hội.

Hậu Giang đã triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ cho trẻ em bị ảnh hưởng do Covid - 19 theo Nghị quyết số 68/NQ-CP. 

 Đến nay, tổng số trẻ em được hỗ trợ là 1.710 em với số tiền là 1.710.000.000 đồng. Ngoài ra, các mạnh thường quân, nhà hảo tâm trong và ngoài Tỉnh cũng tặng nhiều phần quà, hỗ trợ dinh dưỡng cho các em trong thời gian cách ly tập trung do Covid-19. 

 Vận động các đơn vị, tổ chức, cá nhân đỡ đầu cho 24/24 trẻ em mồ côi do Covid-19 đến 18 tuổi, trung bình mỗi tháng hỗ trợ 2.000.000 đồng. Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh phối hợp với các địa phương rà soát và lập hồ sơ đề nghị Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam hỗ trợ cho 22 trẻ em mồ côi có hoàn cảnh khó khăn, với số tiền là 110 triệu đồng; vận động Quỹ Mái ấm hạnh phúc trao tiền hỗ trợ cho 16 trẻ em mồ côi với số tiền 80 triệu đồng.

 Đặc biệt, trước những tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19 đối với trẻ em, Tỉnh ủy đã chỉ đạo các cấp ủy, chính quyền kịp thời triển khai các giải pháp ứng phó, giảm thiểu tác động của đại dịch đối với trẻ, đặc biệt là trẻ em mồ côi do dịch Covid-19 như: thực hiện chính sách hỗ trợ trẻ em; thực hiện pháp luật, chính sách và các biện pháp hỗ trợ trẻ em mồ côi do dịch; tăng cường công tác truyền thông, hướng dẫn kiến thức, kỹ năng về bảo vệ, chăm sóc trẻ em; triển khai dịch vụ hỗ trợ bảo vệ trẻ em (dịch vụ chăm sóc sức khỏe tâm thần, phòng ngừa sang chấn tâm lý trẻ em); bảo đảm cho các trường hợp trẻ em bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 không được chăm sóc bởi cha, mẹ, người thân thích, được chăm sóc thay thế theo quy định nhằm thực hiện tốt công tác bảo vệ, chăm sóc, phòng, chống dịch bệnh Covid-19 cho trẻ em...

 

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Thu Ánh thăm 3 chị em Danh Thị Phương Thảo, Danh Thị Thu, Danh Thị Xuân, ở khu vực 4, phường III, thành phố Vị Thanh

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Thu Ánh thăm 3 chị em Danh Thị Phương Thảo, Danh Thị Thu, Danh Thị Xuân, ở khu vực 4, phường III, thành phố Vị Thanh

Nhìn lại 10 năm thực hiện Chỉ thị số 20 – CT/TW, có thể thấy rõ sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị Hậu Giang trong việc tổ chức thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp của Chỉ thị số 20-CT/TW và các văn bản khác của Trung ương, của Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh về công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em. Trong thời gian tới, các cấp ủy đảng, chính quyền sẽ tiếp tục quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo các ngành chức năng quan tâm nghiên cứu, đề xuất những chính sách hỗ trợ chăm sóc, phát triển toàn diện trẻ em toàn diện; quan tâm chỉ đạo việc thực hiện pháp luật, chính sách bảo đảm thực hiện quyền trẻ em và giải quyết các vấn đề về trẻ em trên địa bàn quản lý. Quan tâm chỉ đạo phát triển hệ thống dịch vụ đáp ứng thực hiện quyền trẻ em có sự lồng ghép và phối hợp giữa các dịch vụ y tế, giáo dục, tư pháp các dịch vụ an sinh xã hội; ưu tiên hệ thống dịch vụ bảo vệ trẻ em; quan tâm công tác xây dựng các mô hình chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em có hiệu quả./.

 

 Giao Tuyến

 

 

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất