Thứ Bảy, 30/11/2024
Môi trường
Thứ Sáu, 28/2/2014 15:20'(GMT+7)

Hậu quả từ "thói quen" khoan nước ngầm bừa bãi ở Hà Nội

(Ảnh minh họa. Nguồn: TTXVN)

(Ảnh minh họa. Nguồn: TTXVN)


Theo ông Nguyễn Trọng Lễ, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, khoan khai thác nước ngầm phục vụ sinh hoạt, sản xuất từ lâu đã thành “thói quen” phổ biến ở nhiều huyện ngoại thành. Tuy nhiên, do người dân thuê các đội khoan tư nhân không giấy phép hành nghề nên thường để xảy ra những hiện tượng sụt lún nghiêm trọng.

Điển hình như sự cố xảy ra vào sáng ngày 17/2, khi ông Đỗ Văn Giang ở đội 3, thôn Lê Xá, xã Lê Thanh, huyện Mỹ Đức, thành phố Hà Nội thuê đội khoan tư nhân về khoan giếng cho gia đình. Sau khi hoàn thành giếng khoan sâu 40m, chuẩn bị lắp máy bơm vào thì ông Giang phát hiện các vết lún nứt tại sân nhà và tường.

Chưa dừng ở đó, theo ông Lễ, đến trưa ngày 18/2, các vết lún nứt tiếp tục lan rộng sang mặt sân và tường của 12 hộ gia đình xung quanh. Thậm chí, hàng loạt công trình của các hộ liền kề và đường bê tông liên thôn cũng bị ảnh hưởng.

Cũng theo ông Lễ, ngay khi nhận được tin báo, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội đã cử cán bộ chủ động phối hợp với Ủy ban Nhân dân huyện Mỹ Đức, Ủy ban Nhân dân xã Lê Thanh để kiểm tra tại hiện trường đồng thời báo cáo nhanh tới Ủy ban Nhân dân thành phố để xin ý kiến chỉ đạo thực hiện.

Qua kiểm tra tại hiện trường và báo cáo của Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Mỹ Đức, sự cố lún nứt tại thôn Lê Xá là hiện tượng sụt hang karst ngầm do khoan giếng khai thác nước dưới đât (có thể tại khu vực gặp sự cố có hệ thống hang ngầm đá vôi). Các vết rạn, nứt sân và tường nhà các hộ dân có đường kính khoảng 1cm, kéo dài 3-4m.

“Như vậy, việc ông Giang thuê đội khoan tư nhân không có giấy phép hành nghề khoan nước, dẫn tới sự cố sụt lún, rạn nứt, ảnh hưởng đến các hộ dân xung quanh là việc làm trái phép.

Trong khi đó, theo quy định của Ủy ban Nhân dân thành phố, đối với trường hợp khai thác, sử dụng nước dưới đất trong phạm vi hộ gia đình không phải mục đích sản xuất, kinh doanh phải đăng ký tại Ủy ban Nhân dân xã, phường. Và, viêc thi công giếng khoan phải do tổ chức, cá nhân có chức năng hành nghề khoan nước thực hiện,” ông Lễ nhấn mạnh.

Vị Phó Giám đốc Phó Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cũng cho biết, ngay sau khi xảy ra sự cố, Sở đã đề nghị Ủy ban Nhân dân huyện Mỹ Đức khẩn trương chỉ đạo, có phương án di dời các hộ dân nằm trong khu vực bị ảnh hưởng; tiếp tục duy trì việc cảnh báo, không cho người dân và các phương tiện qua lại khu vực xảy ra sự cố…

Bên cạnh đó, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cũng đã chỉ đạo Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Mỹ Đức phối hợp với Ủy ban Nhân dân xã Lê Thanh cử cán bộ có chuyên môn trực 24/24 giờ để kiểm tra, theo dõi vết nứt và diễn biến của sự cố để kịp thời báo cáo xử lý.

"Đặc biệt, để chấn chỉnh tình trạng trên, Sở cũng đã đề nghị công an lập hồ sơ vi phạm đối với hộ dân khoan giếng và chủ đội khoan giếng trái phép để xử lý," ông Lễ nói.

Trước đó, để chấn chỉnh công tác khoan giếng khai thác nước ngầm của các hộ gia đình để phục vụ sinh hoạt đang diễn biến phức tạp, ngày 29/12/2010, Sở Tài nguyên và Môi trường đã có văn bản đề nghị Ủy ban Nhân dân các quận, huyện chỉ đạo, chấn chỉnh công tác quản lý việc khoan giếng khai thác nước dưới đất, đặc biệt là đối với các huyện có nền địa chất phức tạp.

Tuy nhiên, cho đến nay, tình trạng khoan giếng khai thác nước ngầm vẫn còn diễn ra phổ biến tại nhiều huyện như Quốc Oai, Mỹ Đức, Chương Mỹ. Riêng huyện Mỹ Đức, đây là lần thứ 3 huyện này để xảy ra tình trạng các hộ dân khoan giếng khai thác nước gây sụt lún nghiêm trọng./.

(Vietnam+)



Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất