Chúng tôi gặp nhà thơ Giang Nam tại nhà riêng của ông ở số 46 đường Pasteur, TP Nha Trang vào một buổi chiều mưa rơi ầm ào, át cả tiếng người. Giữa chừng câu chuyện, có một phụ nữ quãng ngoài sáu mươi đi ngang qua, ông giới thiệu: "Cháu Trang nhà tôi đấy!". Hóa ra, đây là con gái duy nhất của ông với người vợ - cô bé nhà bên cười khúc khích, nữ du kích có cặp mắt đen tròn thương thương quá đi thôi, đã có lúc tưởng "giặc giết em rồi quăng mất xác", trong bài thơ "Quê hương" nổi tiếng.
Nhà thơ Hữu Việt (HV): Lần đầu "nhà thơ trẻ" Giang Nam đến với thơ như thế nào?
Nhà thơ Giang Nam (GN): Hồi đó Khánh Hòa là tỉnh bị tạm chiếm. Sau khi mặt trận Nha Trang vỡ (1946), chúng tôi bị đánh bật lên núi, anh em đau ốm liên miên, đói, lạt muối, một số cán bộ, du kích dao động. Tỉnh ủy kêu gọi cán bộ, đảng viên phá thế bao vây của địch, "tiến về làng" với dân. Tôi 17 tuổi, đang làm trưởng ban thông tin xã, hiểu sự quan trọng của chủ trương này. Day dứt nhớ người thân sống trong vùng địch hậu, tôi viết mấy câu ca dao, đại ý đừng bỏ lên rừng, hãy trở về với bà con: Khói ai phơ phất bên đèo/Phải người chiến sĩ nấu cơm chiều đó không/Quê làng kẻ đợi người trông/Sao anh chưa xuống núi để em mong ngày ngày...Tôi gửi bài thơ cho báo THẮNG, một trong những tờ báo kháng chiến đầu tiên của Nam Trung Bộ. Bài thơ được đăng và điều bất ngờ là Ty Thông tin Khánh Hòa gửi công văn xin tôi về. Thì ra, tỉnh đang cần những cây bút viết văn, làm thơ khá bổ sung cho tờ báo. Nếu không có cái công văn đó, không biết tôi có đi vào con đường văn học sau này không...
HV: Gặp nhà thơ Giang Nam, đương nhiên phải hỏi chuyện về bài thơ Quê hương, về cô du kích "Hôm gặp tôi vẫn cười khúc khích"...
GN: Nhà tôi mất tính đến nay vừa tròn sáu năm, nhưng lần đầu tiên tôi nhận được tin nhà tôi hy sinh cách đây... gần 60 năm. Đó là một buổi chiều năm 1960, anh Phó Bí thư Tỉnh ủy gọi tôi lên, hỏi thăm với thái độ trìu mến khiến tôi linh cảm chuyện bất thường. Quả nhiên sau đó anh thông báo, cơ sở cho biết vợ và con gái tôi bị địch bắt và đã bị chúng thủ tiêu. Trời như sập xuống đầu tôi. Tối hôm đó, dưới chân núi Hòn Dù, cách thành phố Nha Trang chừng bốn chục cây số, bên ngọn đèn dầu tù mù, trong vòng một tiếng, tôi viết xong bài thơ Quê hương, hầu như không gạch xóa, sửa chữa gì. Những kỷ niệm cũ, tình yêu ban đầu e ấp vụng dại, những giận hờn và buổi chia tay đầy nước mắt, vợ và con tôi đều khóc... hiện ra trên đầu ngọn bút. Vừa viết, nước mắt tôi vừa trào ra. Tôi gửi bài thơ ra Hà Nội cho báo Thống Nhất, hoàn toàn không biết nó sẽ tham dự cuộc thi thơ của Báo Văn Nghệ năm 1960-1961.
HV: Nghe nói trong Ban giám khảo có người đề cử bài thơ này vào giải Nhất, nhưng cũng có ý kiến cho là chỉ nên trao giải Ba...
GN: Chuyện này tôi nghe anh Hoài Thanh (nhà phê bình văn học Hoài Thanh - đồng tác giả Thi nhân Việt Nam) kể lại. Khi thảo luận, có hai luồng ý kiến: một, trao giải Nhất vì đây là bài thơ hay, nói về tình yêu, về sự mất mát mà vẫn tươi tắn, không bi lụy; hai, bài thơ tuy hay nhưng có thể ảnh hưởng không tốt đến tinh thần chiến đấu của đồng bào, chiến sĩ miền nam, chỉ nên trao giải Ba. Anh Hoài Thanh phát biểu, người trong cuộc, đang chiến đấu tại chỗ không ngại nói về tình yêu, đau thương, mất mát, sao chúng ta lại băn khoăn thay họ? Vì ý kiến khác nhau nên cuối cùng Hội đồng giám khảo đi đến "thỏa hiệp" trao cho Quê hương giải Nhì. Năm ấy, trường ca Lửa sáng rừng của Thái Giang giành giải Nhất, đồng giải Nhì có Nhớ mưa quê hương của Ca Lê Hiến...
HV: Giải thưởng chỉ là kết quả của một cuộc thi. Điều quan trọng là bài thơ Quê hương đã sống trong lòng người đọc đến tận hôm nay và chắc còn rất lâu về sau, cùng cái kết bất ngờ có hậu...
GN: Tôi thích chữ "cái kết có hậu" anh nói. Do đường dây bị lộ, vợ tôi bị bắt ở Biên Hòa, địch giam kín trong khám Chí Hòa. Hồi ấy bắt được tù chính trị, chúng giấu kỹ lắm, nhiều người bị thủ tiêu nên tổ chức mới nhầm vợ con tôi đã bị giết hại. Năm 1962, do mình đấu tranh dữ quá, chúng buộc phải đem ra xử công khai. Đó là vụ án chính trị duy nhất ở Sài Gòn bấy giờ. Lúc ra tòa, vợ tôi dắt theo cháu Trang khi ấy đã được 5 tuổi. Chúng hạch, ai cho đem trẻ con vào, đuổi ra. Vợ tôi nói: Nếu thế thì các ông hãy bắn tôi luôn, tôi chỉ có mình nó, thiếu nó làm sao tôi sống nổi! Tụi địch chơi ác lắm, muốn diệt chính trị nên quy nhà tôi án 5 năm, đầy ra Côn Đảo. Luật sư bào chữa: Tòa hãy nhìn lại phạm nhân trước mặt chúng ta là ai, một cô gái và một cháu bé khi bị bắt mới vài tháng tuổi, mẹ ôm theo vào tù. Nếu kết án 5 năm thì về tội gì, vô tù rồi cô ta có hoạt động nữa đâu. Còn vì tội trước đó, 4 năm trong Chí Hòa đã trả đủ nợ chưa? Xử vậy thì càng gây thêm đau khổ cho hai mẹ con, bỏ tù đứa bé và người mẹ thêm một lần nữa. Lời bào chữa đã làm cả phiên tòa xúc động. Sau khi nghị án, chúng tuyên phạt 4 năm, do hai mẹ con đã ở tù đủ thời hạn, nên tha luôn tại tòa.
HV: Lúc ấy ông ở đâu? Ông có đến xem phiên xử không?
GN: Tôi đang ở Củ Chi, căn cứ của Trung ương Cục miền Nam, theo dõi từ xa, chớ đến tòa nó sẽ bắt ngay. Sau đó, vợ chồng tôi mỗi người hoạt động một nơi, đến năm 1973 mới thật sự đoàn tụ.
HV: Vậy là, từ sự nhầm lẫn đau thương đã ra đời một bài thơ tuyệt bút.
GN: Trong hoàn cảnh khó khăn của cách mạng miền nam lúc đó, sự sống và cái chết rất mong manh, tôi không có ý định viết một bài thơ tình mà chỉ bộc bạch tâm trạng đau đớn tột cùng của mình: Giặc bắn em rồi quăng mất xác/Chỉ vì em là du kích em ơi/Đau xé lòng anh, chết nửa con người!
HV: Theo nhà thơ Giang Nam thì vì sao bạn đọc lại thích bài Quê hương đến thế?
GN: Hồi đó có ba bài thơ giống nhau về chủ đề được nhiều người thích: Màu tím hoa sim của Hữu Loan, Núi đôi của Vũ Cao và Quê hương của tôi. Có lẽ người đọc thích Quê hương vì nó mang lại những rung động bất ngờ. Anh chú ý nhé: Ba phần tư bài thơ chỉ nói về tình yêu, hạnh phúc, duy đến mấy câu cuối mới Hôm nay nhận được tin em/ Không tin được dù đó là sự thật... Tuy đau đớn tột cùng nhưng trong bài thơ không chửi bới, đòi nợ máu..., mà nói về tình yêu cá nhân hòa vào tình yêu đất nước: Nay yêu quê hương vì trong từng nắm đất/Có một phần xương thịt của em tôi. Có lần tôi nghe anh Tô Hoài nhận xét: thơ Giang Nam hay, nhưng đấy là nhà thơ của một bài thơ. Tôi chỉ cười, nghĩ, một bài thơ để đời! Sau này tôi viết nhiều thơ, nhưng chưa bài nào vượt được bài đó.
HV: Tôi thì cho rằng hai câu cuối là những câu thơ sâu sắc và hay nhất nói về tội ác chiến tranh và lên án chiến tranh...
GN: Đó, đó. Cuối năm 1964, tôi được gặp anh Nguyễn Chí Thanh tại Tây Ninh, căn cứ của Trung ương Cục bên bờ sông Vàm Cỏ Đông. Sau khi nghe anh Trần Bạch Đằng giới thiệu, anh "à" lên vui vẻ trò chuyện với tôi. Anh nói: Tôi đã đọc thơ Giang Nam từ khi còn ở Hà Nội. Bác Hồ cũng có đọc. Thơ cần chân thật, tự trong lòng mình viết ra. Quê hương là một bài thơ chân thật nên người ta thích.
Sau này gặp nhà thơ Thanh Hải, anh cũng kể, trong một lần được gặp Bác Hồ, Bác hỏi thăm tôi và nhận xét: thơ Giang Nam viết có tình. Bác dạy, làm thơ sao để rung động người đọc, nói được tấm lòng của mình với nhân dân, đất nước. Câu nói đó của Bác tôi coi là phương châm suốt đời cầm bút.
HV: Nếu tự nhận xét về mình thì ông là nhà thơ chính luận hay trữ tình?
GN: Theo tôi, cả hai. Theo yêu cầu của cách mạng, có lúc tôi viết thơ chính luận, nhưng trước hết, tôi là nhà thơ viết về tình yêu. Một lần, anh em ở Khánh Hòa bàn nhau mở cuộc thi sáng tác thơ, bài không được dài và đầu đề cũng phải ngắn. Tôi đã viết bài Đêm: Thời khắc bềnh bồng đêm về đâu/Ai đem kỷ niệm buộc đời nhau/Em đi sương ướt bờ vai nhỏ/Bao dặm đường xanh mấy nhịp cầu/Gần không giữ được người thương lại/Thì xa tim vẫn đập trong nhau/ Bao nhiêu thương nhớ mình anh chịu/Thức trọn đêm nay đủ bạc đầu. Thơ thế là trữ tình hay chính luận?
HV: Là người cả đời gắn bó với thơ, chắc hẳn ông cũng thấy đây là cái nghề khó lắm. Với ông, bí quyết của nghề này là gì?
GN: Tôi không có bí quyết, chỉ có kinh nghiệm sống thôi. Thời chúng tôi viết về chiến tranh, bây giờ hòa bình rồi thì không thể lặp lại những cái đã qua. Nhiệm vụ đã làm tròn, nay chúng tôi xin giao lại cho lớp trẻ. Tóm lại, chú ý ba cái: hãy viết bằng cả tấm lòng mình; chính luận vừa thôi; và phải thay đổi cách viết, ngay bản thân tôi cũng vậy. Nhưng thay gì, viết thế nào vẫn phải đặt Tổ quốc lên trên hết. Học thơ nước ngoài là tốt, nhưng đừng phụ thuộc vào nó, đừng quên âm điệu riêng của dân tộc mình.
HV: Ngoài 90 nhưng ông vẫn làm thơ, giữ được sự minh mẫn và trí nhớ tốt. Ông có tập môn dưỡng sinh nào không?
GN: Sau khi mổ tim, tuy sức khỏe có giảm sút, nhưng ra Hà Nội tôi vẫn tự đi một mình. Tôi không tập thể dục, tôi trồng cây, tất cả cây trong ngôi nhà này đều do tôi trồng. Dưỡng sinh của tôi là làm việc, thế thôi.
Theo Nhân dân