Thứ Bảy, 23/11/2024
Văn hóa
Thứ Tư, 23/10/2019 8:28'(GMT+7)

Khắc phục những bất cập trong thiết chế văn hóa nông thôn

Huyện Thanh Sơn (Phú Thọ) ngày càng nhiều các Câu lạc bộ đâm đuống được thành lập, góp phần giữ gìn và phát triển đời sống văn hóa tinh thần cho đồng bào Mường. (Ảnh: qdnd.vn)

Huyện Thanh Sơn (Phú Thọ) ngày càng nhiều các Câu lạc bộ đâm đuống được thành lập, góp phần giữ gìn và phát triển đời sống văn hóa tinh thần cho đồng bào Mường. (Ảnh: qdnd.vn)

VĂN HÓA GÓP PHẦN THAY ĐỔI DIỆN MẠO ĐỜI SỐNG NÔNG THÔN

Long Phước là xã biên giới có 3 ấp: Phước Đông, Phước Trung và Phước Tây. Xã có đường biên giới giáp Campuchia dài khoảng 9km, với 498 hộ, 1.696 nhân khẩu, diện tích tự nhiên 3.278.75ha (đất nông nghiệp 3.114,35ha, chiếm 95%, đất phi nông nghiệp 164,39ha, chiếm 5%, đường giao thông khoảng 50,39km). Nếu ai từng đến xã Long Phước trước đây, nay có dịp trở lại thì không thể nhận ra diện mạo mới với nhiều thay đổi của một vùng quê được cho là nghèo nhất, nhì tỉnh Tây Ninh.

Năm 2015, Long Phước được công nhận xã NTM và đến nay luôn giữ vững 19/19 tiêu chí. Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM giai đoạn 2016-2020, xã chú trọng đến công tác phát huy và giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống của các dân tộc, đặc biệt là dân tộc Thái chiếm đa số, di cư từ Thanh Hóa vào trong những năm 1993-1994. Hiện nay, địa phương đang tập trung hướng con em dân tộc thiểu số (DTTS) phát huy các giá trị truyền thống thông qua những câu lạc bộ hát, múa; xin chủ trương của cấp trên cho xây dựng nhà văn hóa, phục chế lại điệu múa xòe của dân tộc Thái nhằm quảng bá hình ảnh về con người và những giá trị về phong tục, tập quán của đồng bào dân tộc Thái… Ông Hồ Thanh Hải, Phó chủ tịch UBND xã Long Phước cho biết: "Thông qua các hoạt động văn hóa dân gian, truyền thống nhằm tạo ra môi trường thuận lợi để người dân trong xã có đời sống văn hóa lành mạnh, phong phú".

Bà Đỗ Thị Thanh Trúc, Trưởng phòng Quản lý văn hóa, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) tỉnh Bến Tre cho rằng, Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM trở thành những điều kiện thuận lợi, tạo đà để đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức ngành văn hóa phát huy vai trò, trách nhiệm của mình, đưa những giá trị văn hóa, nghệ thuật (dân gian, truyền thống) đến từng cộng đồng dân cư. Hiện tại, Bến Tre đã có chủ trương sáp nhập, tổ chức lại trung tâm văn hóa-thể thao (VHTT), trung tâm học tập cộng đồng cấp xã thành một thiết chế. Bình quân ngân sách tỉnh hỗ trợ cho hoạt động văn hóa cơ sở hơn 16 tỷ đồng/năm, đã góp phần động viên các địa phương trong xây dựng tiêu chí văn hóa NTM của Bến Tre.

SỚM KHẮC PHỤC NHỮNG BẤT CẬP

Thực hiện hai tiêu chí văn hóa (tiêu chí số 6 về cơ sở vật chất, tiêu chí số 16 về hoạt động văn hóa) trong xây dựng NTM, đến tháng 8-2019, cả nước có 7.035 trong số 8.982 (đạt 78,3%) trung tâm VHTT xã. Về cơ bản, các địa phương đều nỗ lực tổ chức xây dựng, củng cố, kiện toàn các thiết chế văn hóa cũng như tổ chức hoạt động VHTT, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ, vui chơi, giải trí, nâng cao chất lượng đời sống tinh thần của người dân. 

Chương trình NTM được triển khai từ năm 2011 tạo nên diện mạo mới, nhất là hạ tầng, thúc đẩy du lịch ở Lào Cai phát triển. Theo bà Nguyễn Thị Tố Uyên, Phó giám đốc Sở VHTT&DL tỉnh Lào Cai: NTM đã làm thay đổi bộ mặt và cuộc sống của đồng bào DTTS ở miền núi. Tuy nhiên, khó khăn của Lào Cai hiện nay có phần nguyên nhân do một số thiết chế văn hóa xây dựng từ nhiều năm trước, quy mô nhỏ, quỹ đất hạn hẹp, dân cư sống không tập trung nên chưa bảo đảm về diện tích, chưa thật sự đáp ứng nhu cầu hoạt động văn hóa, văn nghệ của người dân. Quy hoạch quỹ đất dành cho xây dựng thiết chế văn hóa chậm, việc quy hoạch xây dựng nhà văn hóa, sân thể thao gặp khó khăn do vùng cao địa hình đồi núi nhỏ hẹp; hệ thống thiết chế văn hóa và phong trào văn hóa, văn nghệ phát triển nhưng hoạt động chưa thường xuyên, không đồng đều giữa các vùng, miền trong tỉnh. Do thiếu thiết chế văn hóa dẫn đến người dân vùng DTTS chưa được tham gia các hoạt động văn hóa.  

Tại hội nghị tổng kết 10 năm triển khai thực hiện hai tiêu chí văn hóa trong Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM, Thứ trưởng Bộ VHTT&DL Trịnh Thị Thủy nhận định: Trong thực tế, đang diễn ra tình trạng hệ thống thiết chế văn hóa ở nông thôn tuy đã đi vào hoạt động nhiều năm nhưng kém hiệu quả, nhiều công trình VHTT thiếu người tham gia, hoạt động cầm chừng, chỉ diễn ra “xuân thu nhị kỳ” vào những dịp lễ, Tết; nhiều nhà văn hóa ít khi hoạt động và thường khóa cửa… Tại nhiều địa phương, việc quy hoạch quỹ đất để xây dựng thiết chế văn hóa còn lúng túng và khó khăn trong các quy định về diện tích đất cho các thiết chế văn hóa, kinh phí xây dựng nhà văn hóa, khu thể thao, kinh phí mua sắm trang thiết bị nhà văn hóa bảo đảm sinh hoạt chung; nhiều nơi còn tình trạng sử dụng đất hoạt động VHTT vào các mục đích khác. Quỹ đất dự trữ trong khu dân cư không đủ để đạt so với tiêu chí. Vì thế, có nơi, đời sống vật chất nâng cao hơn, nhưng đời sống văn hóa tinh thần lại giảm sút, tính cố kết cộng đồng lỏng lẻo, thiếu bền chặt... Như vậy, trong xây dựng NTM vẫn còn nhiều điều cần quan tâm, nhất là về thiết chế cũng như xây dựng đời sống văn hóa.

“Quá trình xây dựng NTM là phải giữ bằng được những di sản, linh hồn của làng quê. Việc bảo tồn và phát huy các giá trị di sản lịch sử và văn hóa chính là làm sao cho bộ mặt NTM hiện đại mà vẫn giữ được bản sắc, giữ được cái hồn cốt của làng quê trong không gian sống và không gian văn hóa. Để công cuộc phát triển NTM bền vững, có chiều sâu thì nhất thiết phải có sự chung tay vào cuộc, đồng bộ của tất cả các cấp chứ không chỉ riêng ngành văn hóa”, bà Trịnh Thị Thủy cho hay.

Vương Hà (qdnd.vn)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất