Nét mới trong hoạt động giám sát của HĐND
thành phố là xác định đúng vấn đề, đúng trọng tâm, nội dung, đối tượng
cần giám sát, không để trùng lắp về nội dung, thời gian, đối tượng, địa
điểm; giám sát, tái giám sát đến cùng, giám sát trực tiếp ngay tại kỳ
họp thông qua hình thức chất vấn; hoạt động giám sát của HĐND thành phố
đã được đông đảo cử tri và nhân dân ghi nhận.
Ngày 14/4, HĐND thành phố Hà Nội khóa XIV tổ chức hội nghị tổng kết hoạt động nhiệm kỳ 2011-2016. Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển dự hội nghị.
Phát biểu tại hội nghị, bà Nguyễn Thị Bích Ngọc, Chủ tịch HĐND thành phố Hà Nội nhấn mạnh, phát huy tinh thần đoàn kết, thống nhất và quyết tâm cao, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô đã nỗ lực giành được nhiều thành tựu. Các hoạt động của HĐND đã đổi mới, vận dụng sáng tạo, tập trung chỉ đạo thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các Nghị quyết của Trung ương, Thành ủy, đạt được nhiều mục tiêu quan trọng của thành phố đề ra. Trong 5 năm qua, với phương châm hoạt động đổi mới - dân chủ - trách nhiệm - hiệu quả - vì dân, HĐND thành phố và các cấp cơ sở tiếp tục có nhiều đổi mới về phương thức hoạt động, chất lượng, hiệu quả từng bước được nâng lên. Hoạt động giám sát có nhiều đổi mới, sâu sát, quyết liệt, tập trung vào những vấn đề trọng tâm, trọng điểm, dân sinh bức xúc; hoạt động tiếp xúc cử tri, giải quyết khiếu nại tố cáo đạt kết quả thiết thực.
Nhiệm kỳ 2011 - 2016, HĐND thành phố Hà Nội đã tổ chức 16 kỳ họp, trong đó, có 10 kỳ họp thường kỳ, 6 kỳ họp bất thường và chuyên đề để thông qua các quy hoạch ngành, lĩnh vực, miễn nhiệm, kiện toàn bầu các chức danh của HĐND và UBND thành phố. Với sự chuẩn bị kỹ lưỡng, bảo đảm đúng quy định của pháp luật, có sự phối hợp chặt chẽ giữa Thường trực HĐND và các cơ quan hữu quan, trong nhiệm kỳ này HĐND thành phố Hà Nội đã ban hành 143 nghị quyết, quyết định nhiều vấn đề quan trọng cho sự phát triển của Thủ đô. Trong đó, nhiều nhất là lĩnh vực kinh tế với 69 nghị quyết; lĩnh vực tư pháp, lĩnh vực xây dựng chính quyền địa phương 40 nghị quyết; giáo dục, y tế, văn hóa xã hội, thông tin, thể dục thể thao 18 nghị quyết…Hà Nội cũng là địa phương đầu tiên trong cả nước ban hành Nghị quyết về xây dựng khu vực phòng thủ được nhiều tỉnh, thành phố học tập kinh nghiệm. Nổi bật nhất trong nhiệm kỳ qua là HĐND thành phố đã ban hành 17 nghị quyết về công tác quy hoạch ngành, lĩnh vực và 13 nghị quyết cụ thể hóa Luật Thủ đô. Các nghị quyết của HĐND thành phố ban hành đã cụ thể hóa những chủ trương, chính sách của Đảng, nhà nước, các cơ chế, chính sách đặc thù được Luật Thủ đô quy định và các biện pháp triển khai thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương theo thẩm quyền, đúng quy định của pháp luật. Đây chính là cơ sở pháp lý quan trọng, điều kiện thuận lợi để các cấp, các ngành tăng cường quản lý đầu tư, mở ra hướng đi mới nhằm khơi dậy, phát huy tiềm năng, thế mạnh, xây dựng, phát triển toàn diện các lĩnh vực công nghiệp, thương mại, nông nghiệp, giáo dục đào tạo, y tế, không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân Thủ đô, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội chung của đất nước.
Nhiệm kỳ 2011 - 2016, HĐND thành phố đã tổ chức 97 cuộc giám sát, trong đó có 23 cuộc giám sát của Thường trực và 74 cuộc giám sát của các Ban của HĐND. Nét mới trong hoạt động giám sát của HĐND thành phố là xác định đúng vấn đề, đúng trọng tâm, nội dung, đối tượng cần giám sát, không để trùng lắp về nội dung, thời gian, đối tượng, địa điểm; giám sát, tái giám sát đến cùng, giám sát trực tiếp ngay tại kỳ họp thông qua hình thức chất vấn; hoạt động giám sát của HĐND thành phố đã được đông đảo cử tri và nhân dân ghi nhận.
HĐND thành phố cũng chỉ rõ những mặt tồn tại hạn chế và rút ra những bài học kinh nghiệm trong tổ chức và hoạt động của HĐND, nhằm tiếp tục nâng cao hoạt động của HĐND thành phố, nhiệm kỳ 2016-2021, đáp ứng yêu cầu trong giai đoạn mới.
Trong nhiệm kỳ 2016- 2021, HĐND thành phố Hà Nội quyết tâm đổi mới trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt chú trọng công tác giám sát đối với các hoạt động của chính quyền các địa phương, từ đó kịp thời đề nghị điều chỉnh, xử lý những vấn đề bất cập, hạn chế và cả những sai phạm ở cơ sở. HĐND thành phố cũng nâng cao khả năng nắm bắt dư luận, những kiến nghị của cử tri để có các quyết sách phù hợp, nhanh chóng giải quyết những bức xúc trong nhân dân./.
PV