Chủ Nhật, 29/9/2024
Cuộc sống số
Thứ Năm, 1/7/2010 18:21'(GMT+7)

Hết thời SIM khuyến mãi “khủng”

Khách hàng trước "rừng" khuyến mãi của nhà mạng. Ảnh: Anh Thư

Khách hàng trước "rừng" khuyến mãi của nhà mạng. Ảnh: Anh Thư

Một trong những thay đổi quan trọng của Thông tư 11 là nếu như trước đây, mỗi gói cước dịch vụ thông tin di động được nhà mạng đưa ra được coi là một nhãn hàng di động thì nay sẽ chỉ còn 4 nhãn hàng di động đó là: dịch vụ thông tin di động mặt đất toàn quốc trả sau; dịch vụ thông tin mặt đất toàn quốc trả sau; dịch vụ thông tin di động mặt đất nội vùng trả sau và dịch vụ thông tin di động mặt đất nội vùng trả trước.

Đối với các dịch vụ này, nhà mạng chỉ được khuyến mãi không quá 90 ngày/năm và mỗi lần khuyến mãi không quá 45 ngày. Như vậy sẽ không cho phép các mạng di động khuyến mãi riêng cho từng gói cước để tính thời gian khuyến mãi như trước đây mà sẽ chỉ tính chung 1 dịch vụ trả trước hoặc trả sau (bao gồm toàn quốc hay nội vùng).

Điểm quan trọng nhất của thông tư là khi khuyến mãi đối với giá bán SIM có chứa số thuê bao di động, giá bán máy điện thoại di động đã được gắn sẵn số thuê bao di động, giá bán thẻ nạp tiền không được vượt quá 50% giá bán hàng hóa chuyên dùng đó ngay trước thời gian khuyến mãi.

Về mức tặng tối đa khi khuyến mãi đối với thẻ nạp tiền không được vượt quá 100% mệnh giá của thẻ nạp tiền được bán. Mức giảm tối đa đối với giá cước hòa mạng, giá cước thuê bao ngày, giá cước thuê bao tháng, giá cước thông tin được khuyến mãi cũng không được vượt quá 50% giá cước đó ngay trước thời gian khuyến mãi...

Theo các chuyên gia, với quy định này sẽ hạn chế được tình trạng người sử dụng mua SIM mới với giá 50.000 đồng, nhưng khi kích hoạt sẽ có hơn 100.000 đồng, thậm chí là 190.000 đồng (gần 400% giá trị SIM). Đây được xem là một trong những biện pháp hữu hiệu để khuyến khích người dân sử dụng số di động đang dùng một cách ổn định, không chạy theo lợi ích sử dụng SIM rác vì được khuyến mãi quá cao như trước đây.

Ngay trong chiều 30-6, mạng VinaPhone đã công bố từ hôm nay 1-7, mỗi thuê bao trả trước trên mạng VinaPhone sẽ có tới 5 tài khoản để sử dụng các dịch vụ chính và gần 50 dịch vụ gia tăng hiện có của mạng này.

Theo ông Phạm Ngọc Tú, Trưởng phòng Kinh doanh VinaPhone, đây là chính sách mới của VinaPhone để có thể thực hiện nhiều hình thức khuyến mãi linh hoạt, bảo đảm quyền lợi cho các khách hàng tối đa trong khuôn khổ các quy định của Nhà nước. Số tiền trong tài khoản chính được sử dụng cho tất cả các dịch vụ cơ bản và gia tăng của mạng VinaPhone, bao gồm cả gọi điện và nhắn tin đến tất cả các mạng viễn thông trong nước và quốc tế, đồng thời sử dụng dịch vụ Mobile Internet.

MobiFone cũng sẽ có biện pháp tương tự. Trong khi đó, một đại diện của Viettel cho biết, với Thông tư 11, điều đáng lo nhất là các đại lý đã “ôm hàng” SIM mới từ trước và tiến hành kích hoạt trước ngày 1-7 để được hưởng khuyến mãi lớn. Tuy nhiên những SIM này đến bao giờ bán đến tay người tiêu dùng thì chưa thể khẳng định được.

Theo đó, cần có thêm thời gian để số SIM đã được kích hoạt tiêu thụ xong trên thị trường, đến lúc đó mới có thể khẳng định là tình trạng SIM rác sẽ hết.

Đại diện cả 3 mạng lớn là VinaPhone, Viettel và MobiFone đều khẳng định hệ thống mạng của họ đã sẵn sàng và từ ngày 1-7, sẽ không có chuyện những SIM mới kích hoạt sẽ được hưởng khuyến mãi quá 50% giá trị thẻ SIM.

Liên quan đến vấn đề khuyến mãi và giá cước di động, trong chiều tối qua 30-6, một nguồn tin từ MobiFone cho hay, mạng này đang đề nghị lên Tập đoàn VNPT xin phép Bộ TT-TT cho giảm cước vào tuần tới, mức giảm có thể từ 20% - 25% so với hiện nay. Nếu MobiFone được giảm cước, điều đó đồng nghĩa VinaPhone cũng sẽ giảm tương đương. Và chắc chắn Viettel sẽ không nằm ngoài cuộc chơi này. Hồi tháng 2 vừa qua, Viettel đã xin được giảm 15% - 20% mức cước hiện hành, nhưng vào thời điểm đó Bộ TT-TT không đồng ý.


SGGP online
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất