Dù là điều đã được dự báo trước, song việc Phần Lan chính thức trở thành thành viên thứ 31 của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) sau một buổi lễ diễn ra ở Brussels (Bỉ) vào ngày 4/4 vừa qua vẫn thu hút sự chú ý đặc biệt của dư luận thế giới.
Sự kiện này không chỉ là bước ngoặt lịch sử đối với một quốc gia từng
trải qua nhiều thập kỷ theo đuổi chính sách “không liên minh” như Phần
Lan mà có thể còn tạo ra những thay đổi mang tính bước ngoặt đối với cấu
trúc an ninh ở châu Âu cũng như cuộc đối đầu dài hơi giữa Nga và NATO.
Gần 12 tháng sau khi cùng Thụy Điển nộp đơn xin gia nhập, cuối cùng
thì Phần Lan đã chính thức trở thành thành viên của NATO nhờ nhận được
cái gật đầu đồng ý từ tất cả 30 thành viên thuộc liên minh quân sự lớn
nhất thế giới. Trên thực tế, rào cản cuối cùng trên hành trình gia nhập
NATO của Phần Lan đã được dỡ bỏ khi Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ phê chuẩn lá đơn của Phần Lan vào ngày 30/3 vừa qua.
Người ta lý giải rằng, việc kết nạp Phần Lan nằm trong chiến lược mở rộng về phía Đông khu vực châu Âu của
NATO - điều mà giới lãnh đạo cấp cao và chuyên gia quân sự Nga luôn cho
rằng đã uy hiếp nghiêm trọng đến an ninh của nước này. Làn sóng mở rộng
lãnh thổ quốc phòng của NATO, hay một sự “bành trướng” về phía Đông theo
cách gọi của người Nga, được minh chứng qua việc liên minh này không
ngừng thu nhận thêm thành viên mới, lần lượt là Hungary, Ba Lan, Cộng
hòa Czech vào năm 1999; tiếp đó hàng loạt quốc gia như Bulgaria,
Estonia, Latvia, Lithuania, Romania, Slovakia, Slovenia, Albania,
Croatia, Bắc Macedonia và mới đây nhất là Phần Lan.
Có nhiều lý do để giới chức NATO tin rằng Phần Lan sẽ trở thành một
“thành viên có giá trị cao của NATO”, giúp liên minh này khuếch trương
thanh thế và sức mạnh răn đe. Trước hết, vị trí địa chiến lược của Phần
Lan sẽ biến nước này thành một pháo đài phòng thủ ở sườn Đông Bắc của
NATO. Thêm vào đó, theo nhật báo La Croix, dù có dân số chỉ vào khoảng
5,5 triệu người nhưng Phần Lan là quốc gia sở hữu lực lượng quân đội
được đào tạo bài bản và trang bị nhiều loại vũ khí tối tân, trong đó
phải kể đến đội pháo binh thuộc hàng lớn nhất châu Âu và dàn tiêm kích
F-35 đặt mua của Mỹ từ hồi tháng 12-2021. Chẳng thế mà sự gia nhập của
Phần Lan được ví như một mảnh ghép quan trọng trong “bản thiết kế quân
sự mới” ở phía Đông mà Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg từng có lần
tung hô.
Thế nhưng, như một chiếc gương phản chiếu bức tranh “Đông tiến” của
NATO, việc Phần Lan gia nhập khối quân sự này cũng làm hé lộ tương lai
không mấy sáng sủa cho mối quan hệ đầy gai góc giữa Nga và NATO, vốn đã
phải chịu va đập liên tiếp bởi những cơn sóng dữ trong những năm gần
đây. Tổng thống Nga Vladimir Putin lâu nay vẫn nói rằng, bất kỳ sự mở
rộng quân sự nào của NATO về phía Đông đều là mối đe dọa trực tiếp cho
chủ quyền và an ninh của Moscow. Người Nga hiểu rằng, lãnh thổ quốc
phòng của NATO phình to cũng đồng nghĩa rằng vòng vây quanh biên giới
nước này do NATO tạo ra ngày càng được siết chặt, lợi ích cả về kinh tế
lẫn an ninh của họ ngày càng bị sứt mẻ. Và, vị thế của một siêu cường
khiến nước Nga không thể ngồi yên nhìn đối thủ đem súng ống, tên lửa đặt
ngay trước cửa ngõ nhà mình. Phản ứng của Moscow mạnh mẽ tới cỡ nào còn
tùy thuộc vào việc liệu NATO có triển khai các khí tài, nhân lực và cơ
sở hạ tầng quân sự đến Phần Lan trong thời gian tới hay không? Song một
quan chức cấp cao của Nga từng tuyên bố rằng, nếu Thụy Điển và Phần Lan
gia nhập NATO, nước này sẽ phải tái bố trí các lực lượng lục quân, không
quân và hải quân dọc theo biên giới Nga - Phần Lan.
Với Phần Lan hay có thể sau này là Thụy Điển, vào NATO để đổi lấy sự
bảo đảm về an ninh cũng có nghĩa là phải chấp nhận sống chung với tên
lửa siêu thanh hay thậm chí là vũ khí hạt nhân ngay sát nhà mình.
Người ta còn tính toán rằng do Phần Lan có tới hơn 1.300km biên giới
đất liền với Nga, nên sau khi quốc gia Bắc Âu này gia nhập NATO, chiều
dài biên giới giữa Nga với NATO vì thế sẽ tăng gấp đôi. Thay đổi đó có
thể sẽ buộc Nga phải đề ra kế hoạch phòng thủ ở biên giới cho phù hợp
với điều kiện mới, trong khi NATO cũng phải nghĩ đến việc tái bố trí lực
lượng và phân công chiến lược mới của mình tại châu Âu, đặc biệt là khu
vực Bắc Âu. Nhưng có một điều chắc chắn, biên giới chung mở rộng sẽ
khiến không gian tiếp xúc, nguy cơ xảy ra va chạm, xung đột bắt nguồn từ
những sai lầm dù là nhỏ nhất giữa các lực lượng của Nga và NATO tăng
lên.
Bởi vậy, việc Phần Lan gia nhập NATO xuất phát từ nhu cầu về mặt an
ninh suy cho cùng lại khiến tất cả các bên liên quan phải đối mặt với áp
lực an ninh cao hơn.
Cuộc dịch chuyển về phía Đông của NATO một lần nữa khiến cỗ máy an
ninh ở châu Âu cũng như ở biên giới Nga-NATO được cài đặt lại, đồng thời
báo hiệu một giai đoạn căng thẳng, đối đầu mới với những hiểm họa tiềm
ẩn./.
ANH VŨ (qdnd.vn)