Để làm rõ hơn việc thẩm định, lập quy
hoạch của các địa phương cũng như những tác động của việc quy hoạch tới
triển vọng phát triển kinh tế năm 2024, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đã có
những chia sẻ với phóng viên TTXVN xung quanh nội dung
này.
PV: Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã hoàn thành việc thẩm định, lập quy hoạch nhiều địa phương, nhiều vùng kinh tế, Quốc hội cũng đã thông qua quy hoạch tổng thể quốc gia…. Bộ trưởng có thể cho biết những kết quả chính đã đạt được và những việc cần phải thực hiện trong thời gian sắp tới?
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: Quy hoạch là công cụ để Nhà nước thực hiện vai trò chủ động kiến tạo phát triển, dẫn dắt phát triển trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, nhằm đạt được các mục tiêu phát triển đất nước mà Đảng, Quốc hội và Chính phủ đề ra.
Việc lập và triển khai quy hoạch thời kỳ 2021 -2030 là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng hàng đầu; là cơ hội quý để tạo ra không gian phát triển mới và động lực phát triển mới trong phát triển đất nước, vùng và địa phương.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư với vai trò là cơ quan tham mưu tổng hợp về quy hoạch đã phối hợp cùng với các Bộ và địa phương nỗ lực triển khai quyết liệt với nhiều kết quả đáng ghi nhận trên 4 lĩnh vực chính. Đó là, hoàn thiện thể chế về quy hoạch; đẩy nhanh tiến độ lập quy hoạch; nâng cao chất lượng lập các quy hoạch thuộc hệ thống quy hoạch quốc gia và tiếp tục nâng cấp xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về quy hoạch dựa trên công nghệ hệ thống thông tin địa lý (GIS) và triển khai thực hiện quy hoạch có hiệu quả trên thực tế. Đặc biệt là đầu tư hệ thống hạ tầng khung quốc gia và tăng cường thu hút đầu tư, bao gồm đầu trực tiếp nước ngoài…
Nhìn chung, chất lượng quy hoạch đã được nâng cao, từng bước phát huy kết quả tích cực trên thực tiễn. Đồng thời, tạo ra các cơ hội phát triển mới, không gian phát triển mới và giá trị mới cho quốc gia, vùng, địa phương trong thời kỳ quy hoạch. Bên cạnh thuận lợi, tôi cho rằng còn có những khó khăn nhất định mà căn cơ nhất chính là lần đầu tiên thực hiện Luật Quy hoạch theo cách tiếp cận, phương pháp mới theo hướng tổng thể, tích hợp đa ngành, đa lĩnh vực. Việc chỉ đạo trong công tác quy hoạch chưa quyết liệt, trong khi các nguồn lực về thể chế, kiến thức và nhân lực chưa đáp ứng được yêu cầu nên quá trình thực hiện ít nhiều còn lúng túng.
Trong thời gian tới, để đẩy nhanh hơn nữa tiến độ lập quy hoạch, Chính phủ tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật về quy hoạch; trong đó, trọng tâm là tổng kết đánh giá việc thi hành Luật Quy hoạch và xây dựng dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch dự kiến trình Quốc hội cho ý kiến trong năm 2025
Bên cạnh đó, các bộ, ngành, địa phương phải tập trung hơn nữa, chỉ đạo sát sao, quyết liệt các cơ quan, đơn vị được phân công giao nhiệm vụ lập quy hoạch; tìm biện pháp vừa đẩy nhanh tiến độ vừa kiểm soát đảm bảo chất lượng quy hoạch.
Trong quá trình tổ chức lập quy hoạch, các bộ, ngành, địa phương phải phối hợp chặt chẽ và thường xuyên trao đổi, chia sẻ thông tin lập quy hoạch để các bên cùng nhau cập nhật, điều chỉnh, bổ sung nhằm đảm bảo các quy hoạch được kết nối, thống nhất, đồng bộ với nhau. Cùng đó, xây dựng, theo dõi, giám sát kế hoạch thực hiện quy hoạch sau khi các quy hoạch được phê duyệt; thanh tra, kiểm tra, ngăn chặn và xử lý kịp thời, nghiêm minh các hành vi vi phạm pháp luật về quy hoạch.
Chính phủ tiếp tục triển khai xây dựng hoàn thiện hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu quốc gia về quy hoạch để đảm bảo cung cấp thông tin, dữ liệu về quy hoạch nhanh chóng, kịp thời, hiệu quả tới người dân, doanh nghiệp, nhà đầu tư; tăng cường công khai, minh bạch trong công tác quy hoạch và đẩy mạnh ứng dụng khoa học – công nghệ trong quản lý nhà nước về quy hoạch.
PV: Với Quy hoạch tổng thể quốc gia, công việc vẫn còn nặng nề, Bộ trưởng có thể chia sẻ về những “công việc” này trong thời gian tới?
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: Quy hoạch tổng thể quốc gia được Quốc hội thông qua tại Nghị quyết số 81/2023/QH15 ngày 09/01/2023 tại Kỳ họp bất thường lần thứ hai. Đây là một nhiệm vụ hoàn toàn mới và rất quan trọng, góp phần cụ thể hóa và triển khai thắng lợi Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã được Đại hội Đảng lần thứ XIII thông qua.
Nghị quyết số 81/2023/QH15 của Quốc hội về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 là văn bản pháp lý quan trọng, đánh dấu thành quả to lớn được tạo nên từ rất nhiều công sức, trí tuệ, quyết tâm của Chính phủ, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự tham gia có hiệu quả của gần 30 cơ sở, viện nghiên cứu, với hơn 100 nhà khoa học, chuyên gia hàng đầu trong nước và quốc tế để xây dựng nên một bản Quy hoạch tổng thể quốc gia đầu tiên của đất nước.
Trong đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã hoàn thành nhiệm vụ được Chính phủ giao là chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương và các cơ quan, tổ chức có liên quan trong suốt quá trình lập, trình các cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định Quy hoạch tổng thể quốc gia.
Quy hoạch tổng thể quốc gia xác định rõ mô hình phát triển theo không gian lãnh thổ của quốc gia, khai thác tối ưu tiềm năng, thế mạnh của các vùng, các ngành, các địa phương để tạo ra các động lực tăng trưởng và giá trị mới cho phát triển nhanh, bền vững đất nước. Khi quy hoạch được thông qua là lúc bắt tay vào những công việc thực tiễn để tái cấu trúc không gian phát triển của đất nước theo “hình hài” đã được định hướng trong quy hoạch.
Tôi cho rằng, xây dựng được quy hoạch tốt đã khó, thực hiện được bản quy hoạch ấy còn khó hơn rất nhiều. Trước tiên, Quy hoạch tổng thể quốc gia là quy hoạch cấp cao nhất trong hệ thống quy hoạch của đất nước, do vậy, còn phải cụ thể hóa các định hướng của Quy hoạch tổng thể quốc gia tại các quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh.
Tính đến cuối năm 2023, có 18/39 quy hoạch ngành quốc gia được phê duyệt, 52/63 quy hoạch tỉnh được phê duyệt; 5 quy hoạch vùng còn lại (ngoài vùng Đồng bằng sông Cửu Long) cũng đã được Hội đồng thẩm định thông qua, đang hoàn thiện trình phê duyệt. Đây là cố gắng lớn khi các quy hoạch, nhất là quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh được lập theo phương pháp tích hợp mới theo quy định của Luật Quy hoạch 2017.
Quy hoạch tổng thể quốc gia xác định nhiệm vụ hình thành cơ bản bộ khung kết cấu hạ tầng quốc gia theo phương châm “hạ tầng đi trước một bước”. Có thể thấy thời gian vừa qua, việc phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đã đạt được những kết quả rất nổi bật.
Không những thế, Quy hoạch tổng thể quốc gia nhấn mạnh vào tạo động lực, không gian phát triển mới và tăng cường liên kết thông qua các vùng động lực và hành lang kinh tế ưu tiên. Việc liên kết trước tiên cần được thể hiện từ trong quy hoạch. Các quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh phải phù hợp và kết nối với các tuyến liên kết này của quốc gia, tạo nên sức mạnh tổng hợp chung. Vừa qua, Bộ Kế hoạch và Đầu tư với vai trò là Cơ quan thường trực của các hội đồng thẩm định quy hoạch vùng và quy hoạch tỉnh đã nỗ lực để bảo đảm sự phù hợp và kết nối này, tạo cơ sở cho triển khai trong thực tiễn thời gian tới.
Để thực hiện được mục tiêu đề ra, Quy hoạch tổng thể quốc gia đưa ra một loạt giải pháp tổng thể về cơ chế, chính sách, huy động vốn đầu tư, phát triển nguồn nhân lực, khoa học công nghệ, bảo vệ môi trường... Mỗi giải pháp yêu cầu cao về thay đổi tư duy, cách làm để đáp ứng những đòi hỏi của bối cảnh phát triển mới.
Với những kết quả đáng khích lệ đã đạt được trong thời gian một năm vừa qua sau khi Quốc hội ban hành Nghị quyết số 81/2023/QH15, tôi tin tưởng rằng, chúng ta sẽ tiếp tục tiến những bước vững chắc trên con đường hiện thực hóa những mục tiêu, tầm nhìn, định hướng phát triển mà Quy hoạch tổng thể quốc gia đã đề ra.
PV: Bước sang năm 2024, cộng đồng doanh nghiệp, người dân đặt nhiều niềm tin vào sự phục hồi và tăng trưởng của nền kinh tế... Xin Bộ trưởng cho biết, công tác quy hoạch này sẽ tác động tích cực tới triển vọng phát triển năm 2024?
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: Việc xây dựng và tổ chức thực hiện các quy hoạch thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Đảng, Nhà nước, Chính phủ rất quan tâm chỉ đạo, xác định rõ đây mới là việc khó nhưng cũng là cơ hội lớn bố trí, sắp xếp lại không gian phát triển của quốc gia để đạt mục tiêu, khát vọng mà Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã xác định, đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao.
Nhìn chung, các quy hoạch thời kỳ 2021-2030 đã thể hiện thể hiện rõ khát vọng phát triển và tính sáng tạo, đổi mới, chú trọng tính liên kết vùng, liên kết ngành, phát triển bền vững, chuyển đổi xanh, chuyển đổi số. Đồng thời, tăng cường áp dụng công nghệ hiện đại như công nghệ thông tin địa lý, chồng lớp bản đồ GIS, cho phép cập nhật kịp thời thông tin quy hoạch, bổ sung vào nguồn dữ liệu hiện trạng phục vụ kịp thời cho công tác quy hoạch.
Nhận thức của các cấp, các ngành, đặc biệt của người đứng đầu, về tầm quan trọng, vị trí, vai trò của của công tác quy hoạch trong phát triển ngành, địa phương và quốc gia ngày càng được nâng cao. Cách tiếp cận, tư duy về quản lý nhà nước của các cấp, các ngành từng bước thay đổi. Công tác chỉ đạo, điều hành phát triển kinh tế - xã hội ở các cấp, các ngành chủ động, linh hoạt, hơn phù hợp với bối cảnh trong nước, quốc tế có nhiều thay đổi và biến động khó lường.
PV: Xin trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!