Đại diện Việt Nam khẳng định chính phủ quản lý toàn diện quá trình sản
xuất, sử dụng và vận chuyển vũ khí theo luật pháp Việt Nam. Các bộ luật
và văn bản quy phạm pháp luật quy định rõ súng nhỏ, vũ khí nhẹ và các
thiết bị liên quan chỉ phục vụ mục tiêu an ninh quốc phòng và việc nhập
khẩu vũ khí, trừ trường hợp được Nhà nước cho phép, đều bị cấm.
Ngày 12/2, tại trụ sở Liên hợp quốc (LHQ) ở New York (Mỹ), Ủy ban trù bị của Hội nghị kiểm điểm lần thứ tư (SALW) đã tiến hành họp với sự tham gia của đại diện các nước thành viên LHQ và nhiều tổ chức quốc tế.
phát biểu tại phiên họp, bà
Izumi Nakamitsu, Phó Tổng thư ký và Đại diện cấp cao của Tổng thư ký LHQ
về giải trừ quân bị, bày tỏ quan ngại trước tình hình an ninh quốc tế
căng thẳng trầm trọng, xung đột vũ trang diễn ra nhiều nơi. Tình trạng
mua bán bất hợp pháp, lạm dụng và sử dụng sai mục đích súng nhỏ, vũ khí
nhẹ, cũng như những phát triển công nghệ đang gây ra những thách thức và
hậu quả không nhỏ đối với sinh mạng con người, cũng như sự sinh kế và
phát triển bền vững tại các khu vực.
Phát biểu tại cuộc họp, Tham tán Công sứ Lê Thị Minh Thoa, Phó Trưởng
Phái đoàn Đại diện thường trực Việt Nam tại LHQ, chia sẻ quan ngại về
hậu quả tiêu cực của nạn buôn bán bất hợp pháp súng nhỏ, vũ khí nhẹ, làm
gia tăng bạo lực và bất ổn, tác động nghiêm trọng đến hòa bình và an
ninh quốc tế. Trong bối cảnh đó, việc đấu tranh với nạn mua bán bất hợp
pháp súng nhỏ và vũ khí nhẹ cần được đặt trong khuôn khổ hành động rộng
hơn nhằm góp phần tăng cường an ninh quốc tế, tìm kiếm giải pháp và ngăn
ngừa xung đột, tội phạm và thúc đẩy phát triển.
Để thực hiện Chương trình hành động SALW một cách hiệu quả, đại diện
Việt Nam nhấn mạnh sự cần thiết phải tuân thủ các nguyên tắc cơ bản của
luật pháp quốc tế và Hiến chương LHQ; đảm bảo quyền được sản xuất, nhập
khẩu và lưu trữ súng nhỏ, vũ khí nhẹ phục vụ nhu cầu an ninh, quốc
phòng. Trong quá trình này, chính phủ có trách nhiệm chính trong việc
ngăn chặn, chống và xoá bỏ việc mua bán trái phép súng nhỏ và vũ khí nhẹ
song song với việc tăng cường hợp tác quốc tế, hỗ trợ kỹ thuật, cung
cấp nguồn lực và chia sẻ thông tin.
Về phần mình, đại diện Việt Nam khẳng định chính phủ quản lý toàn
diện quá trình sản xuất, sử dụng và vận chuyển vũ khí theo luật pháp
Việt Nam. Các bộ luật và văn bản quy phạm pháp luật quy định rõ súng
nhỏ, vũ khí nhẹ và các thiết bị liên quan chỉ phục vụ mục tiêu an ninh
quốc phòng và việc nhập khẩu vũ khí, trừ trường hợp được Nhà nước cho
phép, đều bị cấm. Những hành vi trái phép trong vận chuyển, sử dụng, mua
bán vũ khí và vật liệu nổ cấu thành tội hình sự.
Năm 2019, Quốc hội
Việt Nam đã ban hành Luật sửa đổi, bổ sung Luật quản lý, sử dụng vũ khí,
vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ, trong đó có việc bổ sung và hoàn thiện
định nghĩa về vũ khí để quản lý tốt hơn. Trong quá trình này, việc thực
thi pháp luật và giáo dục liên quan đến súng nhỏ và vũ khí nhẹ là những
yếu tố quan trọng trong chính sách của Việt Nam.
Ở cấp độ khu vực, Việt Nam tích cực tham gia vào các cơ chế khu vực
liên quan, bao gồm các Hội nghị Bộ trưởng ASEAN về tội phạm xuyên quốc
gia và các hội nghị trong khuôn khổ diễn đàn khu vực ASEAN. Việt Nam đã
cùng các nước ASEAN thảo luận và thông qua Tuyên bố ASEAN về chống buôn
lậu vũ khí vào tháng 8/2023.
Nhân dịp này, đại diện Việt Nam tái khẳng định
sự cam kết của Việt Nam trong triển khai các biện pháp và phối hợp với
các đối tác liên quan nhằm đạt được các mục tiêu của chương trình.
Chương trình Hành động về ngăn chặn, chống và xoá bỏ mua bán trái
phép súng nhỏ và vũ khí nhẹ được tất cả các quốc gia thành viên LHQ
thông qua vào năm 2001. Theo đó, các nước nhất trí cải thiện các quy
định về súng nhỏ, tăng cường quản lý kho lưu trữ, bảo đảm vũ khí được
đánh dấu phù hợp, tăng cường hợp tác trong truy vết vũ khí và khuyến
khích tham gia hỗ trợ và hợp tác quốc tế ở cấp độ khu vực và toàn cầu.
Hội nghị kiểm điểm thực hiện Chương trình hành động về ngăn chặn,
chống và xoá bỏ việc mua bán trái phép súng nhỏ và vũ khí nhẹ tổ chức 6
năm/lần, theo sau phiên họp của Ủy ban trù bị. Phiên họp lần này của Ủy
ban trù bị chuẩn bị Hội nghị kiểm điểm lần thứ tư dự kiến kết thúc vào
ngày 16/2/2024./.
TTXVN