Thứ Ba, 26/11/2024
Thế giới
Chủ Nhật, 13/12/2015 14:47'(GMT+7)

Hiệp ước Paris được ví như "cuộc cách mạng về biến đổi khí hậu"

(Từ trái sang, hàng đầu) Tổng thống Pháp, Ngoại trưởng Pháp, Tổng thư ký Liên hợp quốc và Thư ký điều hành Hội nghị COP 21 vui mừng khi Thỏa thuận Paris 2015 về chống biến đổi khí hậu được thông qua, tại Le Bourget ngày 12/12. (Nguồn: AFP/ TTXVN)

(Từ trái sang, hàng đầu) Tổng thống Pháp, Ngoại trưởng Pháp, Tổng thư ký Liên hợp quốc và Thư ký điều hành Hội nghị COP 21 vui mừng khi Thỏa thuận Paris 2015 về chống biến đổi khí hậu được thông qua, tại Le Bourget ngày 12/12. (Nguồn: AFP/ TTXVN)

Một bầu không khí hân hoan đã trào dâng khi đại diện 195 nước thông qua thỏa thuận lịch sử nhằm ngăn chặn tình trạng ấm lên toàn cầu. Các đại biểu đã nhấn mạnh rằng đây không chỉ là một thỏa thuận, mà còn là một dấu mốc mới mở ra hy vọng cho hơn 9 tỷ người dân trên Trái Đất.

Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon tuyên bố: "Hiệp ước Paris về biến đổi khí hậu là một thành công vĩ đại đối với hành tinh và người dân địa cầu. Ngày hôm nay, chúng ta cuối cùng cũng có thể nói với con cháu chúng ta rằng, chúng ta đã chung tay cho việc để lại một thế giới tốt đẹp hơn cho thế hệ mai sau." 

Với tư cách là nước chủ nhà đã có nhiều đóng góp quan trọng cho thành công của COP21, Tổng thống Pháp Francois Hollande đã nhấn mạnh "ngày 12/12/2015 là một ngày tuyệt vời đối với Trái Đất. Trong nhiều thế kỷ, đã có hàng loạt cuộc cách mạng ở Paris, song đây là cuộc cách mạng đẹp và yên bình nhất mà chúng ta có, cuộc cách mạng về biến đổi khí hậu." 

Từ Washington, trong phát biểu vào sáng sớm 13/12 (theo giờ Hà Nội), Tổng thống Mỹ Barack Obama đã ca ngợi thỏa thuận khí hậu đạt được tại COP21 là "mạnh mẽ và mang tính lịch sử," là "cơ hội tốt nhất" để bảo vệ Trái Đất trước những ảnh hưởng của biến đổi khí hậu. Ông cũng nhấn mạnh đây là "một bước ngoặt đối với thế giới," một cơ sở giúp thiết lập khuôn khổ bền vững để đối phó hiệu quả với tình trạng biến đổi khí hậu toàn cầu; đồng thời cho thấy những cơ hội đầu tư, đối mới và sử dụng năng lượng sạch ở quy mô chưa từng thấy. 

Trong khi đó, phát biểu khi kết thúc hội nghị, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry ca ngợi đây là một chiến thẳng lớn dành cho người dân toàn thế giới, chứ không chỉ riêng quốc gia nào. Theo ông Kerry, Hiệp ước Paris về biến đổi khí hậu là một thỏa thuận về chống biến đổi khí hậu toàn cầu có tham vọng mạnh mẽ nhất từng được đàm phán. Không giống các thỏa thuận khác, thỏa thuận Paris có khả năng thực hiện thành công bởi nó có sự tham gia của tất cả các nước.

Ấn Độ và Trung Quốc, hai quốc gia đông dân nhất thế giới và cũng là hai nước phát thải khí nhà kính nhiều nhất trong số sác nước đang phát triển, đều hoan nghênh thỏa thuận lịch sử tại Paris, cho rằng đây là bước tiến đến tương lai tươi sáng hơn. 

Thỏa thuận tại COP21 cũng đã được nhiều nhà khoa học và các nhà hoạt động môi trường hoan nghênh, coi đây là một bước tiến chính trị lớn trong vấn đề chống biến đổi khí hậu. Song một số ý kiến cũng cảnh báo về một lỗ hổng, đó là thiếu một lộ trình chi tiết cắt về giảm khí thải nhà kính. 

Hiệp ước Paris về biến đổi khí hậu đã được đại diện của 195 nước dự COP21 chính thức thông qua vào khoảng 1 giờ 30 sáng 13/12 (giờ Hà Nội) sau 13 ngày đàm phán căng thẳng với nhiều cuộc thương lượng kéo dài suốt đêm. Đây được coi là bước đột phá trong nỗ lực của Liên hợp quốc trong suốt hơn hai thập kỷ qua, nhằm thuyết phục các chính phủ hợp tác để giảm lượng khí thải gây ô nhiễm mà các nhà khoa học cho rằng đang khiến nhiệt độ của Trái Đất tăng lên. 

Hiện tượng băng tan, mực nước biển dâng cao và sa mạc hóa gia tăng đều có liên quan tới tình trạng biến đổi khí hậu với những hệ lụy vô cùng nguy hiểm. Chính vì vậy, biến đổi khí hậu đang được coi là nguy cơ nghiêm trọng hàng đầu, bên cạnh khủng bố, mà thế giới đang phải đối mặt./. 

Theo VN+

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất