Thứ Sáu, 27/9/2024
Sức khỏe
Thứ Ba, 31/5/2011 8:0'(GMT+7)

Hiểu biết + Quyết tâm + Hỗ trợ = Thành công

Người lớn "vô tư" nhả khói thuốc tại phòng khám nơi có đông trẻ em

Người lớn "vô tư" nhả khói thuốc tại phòng khám nơi có đông trẻ em

Người Việt Nam vẫn đang coi thường tác hại của thuốc lá. Bằng chứng của điều này là ở chỗ: Việt Nam hiện là một trong số 15 nước có tỷ lệ sử dụng thuốc lá cao nhất thế giới. Trung bình cứ 2 nam giới ở nước ta thì có một người hút thuốc lá. Số người hút thuốc lá ở Việt Nam vẫn gia tăng, đến nay có gần 20 triệu người đang hút thuốc, 33 triệu người không hút thuốc buộc phải hít khói thuốc thụ động tại các gia đình. Thú vui chết người này đốt đi hơn 20.000 tỷ đồng mỗi năm và cũng tương đương số tiền như vậy phải chi ra để chữa các bệnh liên quan đến thuốc lá. Ước tính mỗi năm ở nước ta có khoảng 40.000 người tử vong do các bệnh liên quan đến thuốc lá - gấp 3 lần số người chết vì tai nạn giao thông. Nếu Việt Nam không có các biện pháp phòng chống tác hại thuốc lá mạnh và hiệu quả thì đến năm 2030 số ca tử vong hằng năm do các bệnh liên quan đến thuốc lá sẽ tăng đến 70.000 người. Đây quả là một thực trạng đáng lo ngại.

Nhưng nói như vậy, không có nghĩa là bức tranh về phòng chống tác hại của thuốc lá toàn màu xám. Việc thực hiện môi trường không khói thuốc lá ở nước ta đã phần nào được cải thiện trong những năm qua, đặc biệt là tại trường học, bệnh viện, cơ quan công sở và trên các phương tiện giao thông công cộng. Hành vi hút thuốc không còn được nhiều người chấp nhận như trước kia. Việt Nam đã có quy định cấm quảng cáo và khuyến mại thuốc lá dưới mọi hình thức. Quy định cấm quảng cáo sản phẩm thuốc lá trên các phương tiện thông tin đại chúng đã được thực hiện... Công tác thông tin, tuyên truyền giáo dục được thực hiện đa dạng dưới nhiều hình thức, nâng tỷ lệ người dân trong cộng đồng nhận biết về tác hại của thuốc lá lên hơn 95%.

Tuy nhiên, tại bệnh viện, công sở, trên xe buýt... người hút thuốc vẫn vô tư nhả khói. Con số mới chỉ có khoảng 10 trường hợp bị xử phạt vì hút thuốc lá nơi công cộng cho thấy chế tài xử phạt chưa đủ mạnh. Trong khi đó, thuốc lá được bán với giá rất thấp và hầu như không đổi trong 10 năm qua. Quy định cấm bán thuốc lá cho người dưới 18 tuổi chưa được thực hiện. Việc hỗ trợ cai nghiện thuốc lá mới dừng lại ở việc xây dựng mô hình thí điểm chứ chưa được nhân rộng. Công tác chống buôn lậu thuốc lá còn gặp nhiều khó khăn. Việc in cảnh báo về tác hại của thuốc lá trên bao bì sản phẩm thuốc lá mới chỉ in cảnh báo sức khỏe bằng chữ chiếm diện tích rất nhỏ của bao thuốc mà chưa có tác động mạnh mẽ bằng hình ảnh. Mức thuế thuốc lá ở Việt Nam hiệm chiếm 45% giá bán lẻ, thấp hơn rất nhiều so với tỷ lệ 65-85% do Ngân hàng Thế giới khuyến cáo và so với mức thuế đã đạt được ở các nước có chính sách kiểm soát hiệu quả.

Để hạn chế số người hút thuốc lá, cùng với việc đẩy mạnh việc tuyên truyền ý thức tự giác nói không với hút thuốc lá, cần xử phạt nặng những người hút thuốc lá ở nơi công cộng. Cần trao quyền xử phạt hành vi hút thuốc lá nơi công cộng cho giám đốc bệnh viện, rạp chiếu phim, rạp hát, nhà văn hóa, hiệu trưởng trường học.

Những căn bệnh nan y không chỉ đe dọa những người hút thuốc và người thân của họ, mà những người trồng thuốc cũng hay mắc Hội chứng nhiễm độc thuốc lá xanh với các triệu chứng hoa mắt, chóng mặt, đau đầu, buồn nôn, khó thở, tiêu chảy, đôi khi có những bất thường về huyết áp hoặc nhịp tim. Chính vì thế, cần có các giải pháp hỗ trợ chuyển đổi cơ cấu cây trồng cho nông dân những vùng trồng thuốc lá để họ có đời sống ổn định hơn.

Sự hiểu biết đầy đủ của cộng đồng về tác hại của thuốc lá, cộng với sự quyết tâm của tất cả mọi người để nói không với thuốc lá, cùng với sự hỗ trợ của những người thân, của các chuyên gia y tế, chắc chắc công tác phòng chống thuốc lá sẽ thành công./.

- Mai Hồng -
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất