(TG) - Trong những bài học vô cùng quý báu của Chủ tịch Hồ Chí Minh về công
tác xây dựng Đảng thì tư tưởng lấy dân làm gốc, gần dân, liên hệ chặt
chẽ với nhân dân, đặt lợi ích của nhân dân lên trên hết đã được cán bộ
công chức, lãnh đạo phường 15, quận Bình Thạnh, Thành phố Hồ Chí
Minh luôn “ghi tâm khắc cốt”. Người dân nơi đây đã dành cho cán bộ
công chức phường rất nhiều lời khen về sự gần gũi, tận tình, trong đó, có
những cảm tình đặc biệt dành cho đồng chí Nguyễn Thị Mỹ Linh, nguyên
Bí thư đồng thời là Chủ tịch UBND phường 15 - người đã truyền cảm
hứng về sự tận tâm và sâu sát với nhân dân.
MÔ HÌNH LÀM VIỆC NGOÀI
GIỜ PHỤC VỤ DÂN
Gần 19 giờ, một ngày cuối
năm, tại UBND phường
15, ông Trần Thanh
Tâm ngụ khu phố 6, phường
15 vừa nhận kết quả sao y, vui
vẻ cho biết: “Tôi đi làm về trễ,
cứ sợ không kịp giờ để chứng
thực mấy giấy tờ gấp, vậy mà
mất chưa tới 15 phút hồ sơ của
tôi đã xong. Ban ngày tôi với
các con đều bận đi làm nên
không có thời gian đến phường
chứng thực giấy tờ. Cũng nhờ
phường có mô hình làm ngoài
giờ thiết thực này mà tôi kịp
hoàn tất hồ sơ”.
Điều ông hài lòng chính là
thời gian hoàn thành hồ sơ rất
nhanh và sự vui vẻ của cán bộ.
Cùng chờ lấy kết quả như ông
Tâm, bà Trần Thị Diễm Hà, ngụ
quận 2 sau khi nhận giấy tờ trao
trả từ cán bộ phường 15 quận
Bình Thạnh chia sẻ, do công việc
bà phải ở văn phòng suốt trong
giờ hành chính, công ty lại gần
UBND phường 15 nên sau giờ
làm việc bà mới ghé qua chứng
thực các giấy tờ cho con trai đi
du học được. Điều bà thấy hay, ý
nghĩa chính là dù giải quyết thủ
tục ngoài giờ hành chính nhưng
lệ phí vẫn không thay đổi.
Là người luôn có mặt vào
các giờ “tăng ca”, công chức văn
phòng thống kê Nguyễn Thị
Trung Tính chia sẻ: Bản thân là
cán bộ trẻ thì phải xung kích đi
đầu trong công việc. Với lại, đây
là việc làm có ý nghĩa giúp người
dân thì bản thân người công
chức phải thực hiện nghiêm
chỉnh. Không chỉ có Trung Tính,
mà hầu hết cán bộ công chức
phường 15 đều xem việc làm
thêm giờ là niềm vui phục vụ
người dân. Những ngày không
phải ca trực ngoài giờ, Trung
Tính vẫn có mặt tại phường
để hoàn thành các hồ sơ còn
tồn đọng. Khi thì nhập vào hệ
thống nhắn tin trả kết quả cho
người dân, khi thì cùng lãnh
đạo phường xuống địa bàn để
trao trả giấy khai sinh, thẻ bảo
hiểm y tế, sổ hộ khẩu, thăm
viếng người dân. “Mình là công
chức, trách nhiệm là phục vụ
người dân nên việc gì có ích cho
dân thì thực hiện. Thấy được
nụ cười, cái gật đầu hài lòng của
người dân cảm thấy trong lòng
rất vui” - Trung Tính bày tỏ.
Chính những việc làm thiết
thực này của công chức phường
15 đã đưa hình ảnh chính quyền
thân thiện, vì dân phục vụ đến
gần dân hơn. Điều đáng quý
trong cách làm này không chỉ
mức thu lệ phí không thay đổi
mà cán bộ công chức tham gia
mô hình cũng không nhận kinh
phí làm thêm giờ.
Theo đồng chí Nguyễn Thị
Bích Ngọc, Phó Chủ tịch UBND
phường 15, hiện phường có
hơn 10 giải pháp, sáng kiến
cải cách hành chính để hỗ trợ
người dân ngày một tốt hơn.
Trong đó mô hình làm thêm
ngoài giờ hành chính đã góp
phần giải quyết nhiều hồ sơ tồn
đọng và gấp của dân. “Để thực
hiện sáng tạo trong cải cách
hành chính, giúp giải quyết các
hồ sơ nhanh, gọn, chúng tôi đã
rút ngắn thời gian giải quyết hồ
sơ đăng ký sửa chữa nhà từ 7
ngày còn 5 ngày. Thời gian tới
chúng tôi đang dự kiến sẽ giảm
thời gian xác nhận tình trạng
hôn nhân từ 3 ngày còn lại 1
ngày. Điều này sẽ giúp giảm các
hồ sơ tồn đọng và công chức sẽ
giảm được thời gian làm ngoài
giờ hành chính” - đồng chí Bích
Ngọc cho biết. Qua hơn 1 năm
triển khai, cán bộ công chức
phường 15 đã đóng góp hơn
540 giờ công/người, tiếp trên
2.300 lượt người dân đến thực
hiện hơn 5.220 hồ sơ.
NGHE DÂN BỨC XÚC -
GIẢI QUYẾT NGAY
Đến các con hẻm, khu phố
trên địa bàn phường 15, quận
Bình Thạnh, hỏi người dân về
thái độ phục vụ của công chức
địa phương, hầu như đều nhận
được lời khen kèm cái gật đầu
ưng ý. Bà con không chỉ khen
công chức chuyên môn nhiệt
tình, gần gũi, giải quyết việc dân
nhanh chóng, mà lời khen còn
dành cho vị nguyên Bí thư đồng
thời là chủ tịch UBND phường
15 - Nguyễn Thị Mỹ Linh (vừa
chuyển công tác về vị trí Chánh
Văn phòng Quận uỷ quận Bình
Thạnh). Đồng chí Mỹ Linh là một
trong số ít cán bộ được UBND
quận Bình Thạnh giao nhiệm vụ thí điểm việc đảm nhận vai trò
“hai trong một”.
Là cán bộ trẻ (sinh năm
1976), trưởng thành từ phong
trào Đoàn, 4 năm trước, khi
nhận nhiệm vụ mới đồng chí Mỹ
Linh luôn dành nhiều thời gian
để xuống dân, lắng nghe tâm tư,
bức xúc của dân để rồi tìm cách
giải quyết cho thấu tình đạt lý.
Cũng nhờ gần gũi người dân, vị
nữ Bí thư ấy biết mình phải làm
gì để đội ngũ cán bộ, công chức
phường phục vụ người dân tốt
hơn. Và thời gian giữ cương vị
đầu tàu tại phường, đồng chí Mỹ
Linh cùng cán bộ, công chức đã
có rất nhiều sáng kiến, giải pháp
hay để phục vụ dân, làm tăng sự
hài lòng của dân.
Nhắc về đồng chí Mỹ Linh,
ông Lê Văn Minh (ngụ khu phố
2) vui vẻ: “Điểm khiến bà con
rất thích ở cô Linh chính là
hễ nghe dân phản ánh là đích
thân Bí thư xuống tận nơi để
giải quyết ngay những bức xúc
của dân”. Nhớ lại nhiều lần gặp
Bí thư phường xuống địa bàn
giải quyết, ông Minh khen ngợi:
“Giải quyết thấu tình, đạt lý, nhờ
đó mà những bức xúc được giải
quyết rốt ráo. Cán bộ cấp dưới
cũng không dám bắt chẹt hay
dây dưa, làm lấy lệ việc của dân”.
Điều người dân nhớ nhất khi
nhắc về đồng chí Mỹ Linh chính
là thấy dân chưa đúng thì nhẹ
nhàng phân giải, cấp dưới sai
thì chấn chỉnh ngay. Nhờ sự gần
dân, hết lòng lo việc của dân nên
hơn 3 năm nay phường 15 ít có
đơn thư khiếu nại, tố cáo.
Nhớ những lần lên phường
gặp Bí thư để nói lên bức xúc và
nhận được sự tiếp đón niềm nở,
thân thiện của đồng chí Mỹ Linh,
bà Trần Thị Lệ Hà (ngụ khu phố
4) nhận xét: “Nếu người đứng
đầu cơ quan ai cũng nhẹ nhàng,
tận tâm lo việc của dân như thế
thì sao dân có thể không tin yêu,
ủng hộ”.
Chia sẻ về những việc mình
đã từng làm, đồng chí Mỹ Linh
cho biết: “Tôi và các anh em tại
đơn vị khi ấy cũng chỉ là noi
gương Bác Hồ để thực hành
phong cách quần chúng, gần
dân, sát dân, lắng nghe dân,
nghĩ đến lợi ích của dân như Bác
mà thôi”.
Trong những câu chuyện của
mình về Bác Hồ, đồng chí Mỹ
Linh còn nhớ, dù đang là lãnh
đạo đứng đầu đất nước nhưng
nhiều lần Bác bỏ dép, xắn quần
để cùng làm ruộng với nông
dân. Chính hình ảnh ấy đã giúp
đồng chí Mỹ Linh cũng như cán
bộ công chức phường 15 quận
Bình Thạnh học tập, noi theo.
“Từ câu chuyện của Bác, tôi hiểu
rằng người lãnh đạo và công
chức cần đặt mình vào vị trí,
hoàn cảnh của người dân để có
thể hiểu tâm trạng thực tế, bức
xúc của dân từ đó có cách giải
quyết cho thật thấu tình đạt lý.
Còn việc nghe phản ánh của dân
thì cán bộ phải đi thực tế để tìm
hiểu đúng, sai và trong phạm vi
phải giải quyết ngay, đó là trách
nhiệm và nghĩa vụ của người
công bộc của dân. Nếu nghe bức
xúc của dân mà không tìm hiểu
để giải quyết thì làm sao xứng
với niềm tin yêu của dân đã
dành cho mình” - đồng chí Mỹ
Linh bày tỏ./.
Phương Thảo
_____________________________
Bài đăng Tạp chí Tuyên giáo số 2/2019