Thứ Tư, 4/12/2024
Nghiệp vụ công tác tuyên giáo
Thứ Tư, 29/12/2021 8:33'(GMT+7)

Hiệu quả công tác dư luận xã hội ở Gia Lai

Cử tri huyện Chư Prông tìm hiểu tiểu sử các ứng cử viên đại biểu Quốc hội tại đơn vị bầu cử số 1.

Cử tri huyện Chư Prông tìm hiểu tiểu sử các ứng cử viên đại biểu Quốc hội tại đơn vị bầu cử số 1.

ĐẨY MẠNH ĐIỀU TRA TRỰC TUYẾN QUA MẠNG XÃ HỘI

Trong thời gian qua, công tác điều tra, nắm bắt và định hướng dư luận xã hội của ngành Tuyên giáo Gia Lai đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận với nhiều điểm mới sáng tạo.

Định kỳ hằng khóa và năm, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Gia Lai báo cáo, tham mưu kiện toàn lực lượng làm công tác dư luận xã hội cấp tỉnh; đồng thời, hướng dẫn kiện toàn đội ngũ cộng tác viên dư luận xã hội cấp huyện cả về tổ chức và phương pháp hoạt động, xây dựng quy chế định rõ chức năng, nhiệm vụ, phẩm chất và năng lực của cộng tác viên. Nhờ đó, đội ngũ làm công tác dư luận xã hội của tỉnh thường xuyên được củng cố, kiện toàn, đảm bảo tiêu chuẩn về số lượng và chất lượng. Hiện nay, đội ngũ cộng tác viên dư luận xã hội cấp tỉnh có 34 đồng chí và trên 320 cộng tác viên dư luận xã hội cấp huyện. Hoạt động của đội ngũ cộng tác viên ngày càng đi vào nền nếp; hằng năm, được tập huấn, bồi dưỡng nâng cao kỹ năng, nghiệp vụ, đáp ứng yêu cầu thực tiễn đề ra. Có thể nói, mạng lưới cộng tác viên dư luận các cấp đã trở thành lực lượng quan trọng, là kênh nắm bắt, tập hợp, phản ánh và cung cấp thông tin góp phần tạo ra sự đồng thuận xã hội và định hướng các luồng dư luận xã hội tích cực. Từ đó, góp phần quan trọng trong việc tham mưu cho cấp ủy các cấp đề ra những biện pháp giải quyết, khắc phục kịp thời những vấn đề nảy sinh trong quá trình thực hiện những chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước; không để dư luận phát triển thành “điểm nóng”, từ đó góp phần ổn định tình hình tư tưởng, chính trị ở địa phương.

Công tác định hướng tư tưởng đối với cán bộ, đảng viên và nhân dân ngày càng được tăng cường. Hằng tháng, Ban đã kịp thời cung cấp các thông tin chính thống về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tình hình thời sự quốc tế, trong nước, trong tỉnh; những vấn đề dư luận quan tâm thông qua các hội nghị, bản tin nội bộ của Ban Tuyên giáo Trung ương; thông tin sinh hoạt chi bộ, thông tin sinh hoạt nhân dân, tài liệu tham khảo do Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy biên soạn, phát hành và đặc biệt là thông qua hoạt động của đội ngũ báo cáo viên, cộng tác viên dư luận xã hội các cấp. Qua đó, làm tốt công tác định hướng tư tưởng, góp phần tích cực vào việc bảo vệ nền tảng tư tưởng, quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; ngăn chặn, phản bác với các tin giả, thông tin xuyên tạc sự thật trên truyền thông, trên các trang mạng xã hội của các thế lực thù địch.

Với tinh thần không ngừng đổi mới nội dung, phương pháp để nâng cao chất lượng các cuộc điều tra, thăm dò dư luận xã hội, hng năm, bám sát hướng dẫn của Viện Dư luận xã hội, Ban Tuyên giáo Trung ương; sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, công tác dư luận xã hội đã được các cấp ủy Đảng trong toàn Đảng bộ triển khai đồng bộ, đạt kết quả quan trọng.

Riêng trong năm 2021, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã tổ chức 4 cuộc điều tra dư luận theo hai hình thức: Trực tuyến qua mạng xã hội (Zalo) và phát phiếu trực tiếp. Việc xác định hình thức điều tra dựa trên quy mô, phm vi, đối tượng và mục đích, yêu cầu của từng cuộc điều tra. Hai cuộc điều tra trực tuyến thực hiện trên mạng xã hội về cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân (HĐND) các cấp, nhiệm kỳ 2021 - 2026, thu hút 11.171 cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân tham gia trả lời phiếu; về công tác phòng, chống dịch COVID-19 và ảnh hưởng của dịch bệnh đến đời sống nhân dân trên địa bàn tỉnh, thu hút 17.358 cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân tham gia trả lời phiếu. Từ kết quả cuộc điều tra này, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã đề nghị các cấp ủy đảng, chính quyền, Ủy ban Bầu cử các cấp, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội, các ngành, cơ quan, đơn vị ngoài việc quan tâm, chú ý đến các đánh giá của người dân về quá trình chuẩn bị, triển khai cuộc bầu cử; có giải pháp lãnh đạo, chỉ đạo giải quyết các kiến nghị, mong muốn của cử tri phản ánh thông qua cuộc điều tra; đồng thời, đề xuất 6 nhóm giải pháp cần quan tâm thực hiện nhằm đảm bảo sự thành công của cuộc bầu cử.

Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Gia Lai phối hợp với các cơ quan, đơn vị triển khai 2 cuộc điều tra bằng hình thức trực tiếp phát phiếu đến từng đối tượng. Đó là, phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh điều tra về tình hình và kết quả sau 10 năm triển khai thực hiện Cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong đồng bào dân tộc thiểu số để từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững” (2011 - 2021), với 1.000 phiếu; phối hợp với Bảo hiểm xã hội tỉnh Gia Lai tổ chức điều tra về hiệu quả công tác truyền thông chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm y tế hộ gia đình trên địa bàn tỉnh, với 750 phiếu. Ngoài ra, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Gia Lai hỗ trợ Ban Tuyên giáo Huyện ủy Kbang tổ chức 3 cuộc điều tra dư luận xã hội về công tác khám chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe nhân dân; về công tác quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và về công tác bảo hiểm xã hội trên địa bàn huyện, thu hút 4.700 cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân tham gia trả lời phiếu.

Điểm mới ở các cuộc điều tra dư luận xã hội do Ban tổ chức trong năm 2021 so với trước đó là: Các cuộc điều tra trực tuyến qua mạng xã hội (Zalo) đã thực hiện được việc phân chia nhóm và báo cáo phân tích dữ liệu điều tra theo từng nhóm đối tượng; có so sánh sự tương đồng cũng như sự khác biệt về ý kiến giữa các nhóm đối tượng và giữa các nhóm với kết quả chung. Nhờ đó, các báo cáo điều tra đã phản ánh được một cách trung thực, khách quan ý kiến đánh giá cũng như đề xuất, mong muốn của từng nhóm đối tượng đối với những vấn đề cụ thể. Đây là kênh thông tin tham khảo quan trọng giúp cấp ủy, chính quyền, các đơn vị, địa phương đánh giá đúng tác động của các chủ trương, chính sách đối với từng nhóm đối tượng để có giải pháp điều chỉnh thích hợp.

Thông qua công tác dư luận xã hội, các cấp ủy đảng, chính quyền đã nắm bắt và chỉ đạo xử lý kịp thời những vấn đề dư luận quan tâm; qua đó góp phần ổn định chính trị, bảo đảm an ninh, trật tự, tạo sự đồng thuận trong xã hội, xây dựng khối đoàn kết toàn dân vững chắc, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Hoạt động của đội ngũ cộng tác viên dư luận xã hội đã phát huy được tính tích cực và chủ động trong việc nắm bắt, tổng hợp báo cáo, phản ánh kịp thời tình hình dư luận, tâm trạng của cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân, nhất là các vấn đề, các sự kiện có tính thời sự. Từ đó, góp phần tạo sự thống nhất v nhận thức và đồng thuận trong xã hội. Các cuộc điều tra dư luận xã hội trên địa bàn tỉnh đã bám sát các vấn đề, nội dung mang tính cấp thiết, cần quan tâm tại địa phương, huy động được sự tham gia đông đảo cán bộ, đảng viên và nhân dân, từng bước có sự đổi mới cả về nội dung và phương pháp, chú trọng lựa chọn chủ đề điều tra, đáp ứng yêu cầu phục vụ nhiệm vụ chính trị của cấp ủy, chính quyền địa phương giao.

Trung bình một năm, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Gia Lai tổ chức 4 cuộc điều tra dư luận xã hội nhằm thu thập thông tin, làm cơ sở tham mưu, đề xuất cấp ủy, chính quyền các giải pháp tăng cường công tác lãnh đạo, điều hành nhiệm vụ chính trị địa phương. Ngoài ra, còn triển khai tốt các cuộc điều tra theo yêu cầu của Viện Dư luận xã hội.

BÁM SÁT VÀO NHIỆM VỤ CHÍNH TRỊ

Từ thực tế hoạt động của đội ngũ công tác viên dư luận xã hội và kết quả thực hiện công tác điều tra, nắm bắt dư luận xã hội trên địa bàn tỉnh Gia Lai trong những năm qua, có thể rút ra một số kinh nghiệm sau:

Một là, tiếp tục nâng cao nhận thức của cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp về vai trò, vị trí và sự cần thiết phải nắm bắt dư luận xã hội; cấp ủy các cấp phải quan tâm chỉ đạo việc chủ động nắm, phân tích, đánh giá, dự báo tình hình để có biện pháp giải quyết kịp thời các vấn đề bức xúc nảy sinh, phục vụ tốt nhiệm vụ chính trị của địa phương; đồng thời, xem công tác điều tra, nắm bắt, định hướng dư luận xã hội là nhiệm vụ thường xuyên của từng cấp ủy và của mỗi cán bộ, đảng viên.

Thứ hai, nâng cao trách nhiệm của ban tuyên giáo các cấp và trong sự phối hợp với các ban, ngành có liên quan đến nắm bắt, định hướng dư luận xã hội, phải đảm bảo nguyên tắc: Ban Tuyên giáo cấp ủy chủ động tham mưu xây dựng chương trình, kế hoạch để tổ chức thực hiện; là đầu mối giúp cấp uỷ quản lý, điều hành hoạt động của đội ngũ cộng tác viên; chú trọng việc đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ làm công tác dư luận xã hội đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Chính quyền, Mặt trận tổ quốc, các đoàn thể, các sở, ngành phối hợp cung cấp thông tin, giải đáp, định hướng dư luận xã hội; nắm chắc diễn biến tình hình dư luận xã hội, kịp thời báo cáo cấp có thẩm quyền để xử lý, đặc biệt quan tâm đến những điểm nóng, những bức xúc, nổi cộm mới phát sinh trên địa bàn.

Một vấn đề cần chú ý là chú trọng làm tốt công tác phối hợp với các đơn vị trong khối tuyên truyền để triển khai các cuộc điều tra chuyên sâu, nhằm cụ thể hóa chương trình phối hợp tuyên truyền thành việc làm cụ thể, thiết thực và tranh thủ nguồn kinh phí phối hợp tuyên truyền để triển khai công tác dư luận xã hội. 

Thứ ba, không ngừng đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác dư luận xã hội: Công tác dư luận xã hội phải bám sát thực tiễn đời sống, hướng về cơ sở, hướng tới từng đối tượng cụ thể gắn với các sự kiện và nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị,... tiếp tục coi trọng công tác đối thoại trực tiếp và giải quyết những vấn đề bức xúc trong nhân dân, đặc biệt là chương trình “Dân hỏi, cơ quan nhà nước trả lời”. Chủ động dự báo trước những xu hướng, diễn biến tâm trạng, nguyện vọng của cán bộ, đảng viên và nhân dân. Đề xuất bổ sung hoàn thiện cơ chế, chính sách, giải quyết các vấn đề bức xúc, tạo sự đồng thuận trong Đảng và trong xã hội. Nắm bắt dư luận xã hội phải thường xuyên, nền nếp thông qua hội nghị giao ban định kỳ, qua điều tra, khảo sát và qua các phương tiện thông tin đại chúng,...

Thứ tư, xây dựng, củng cố đội ngũ làm công tác dư luận xã hội và đội ngũ cộng tác viên dư luận xã hội đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, chọn những cán bộ có năng lực, có trình độ chuyên môn nghiệp vụ vững vàng; đặc biệt chú trọng cán bộ có trình độ chuyên môn về xã hội học, tâm lý học, có trình độ lý luận chính trị, hiểu biết toàn diện về các lĩnh vực, có trách nhiệm và khả năng nắm bắt, xử lý thông tin, có khả năng đối thoại, thuyết phục, giải thích và định hướng thông tin, gắn với công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ làm công tác dư luận xã hội và cộng tác viên nhằm trang bị kiến thức, nghiệp vụ cơ bản và kỹ năng trong nắm bắt và định hướng dư luận xã hội. Thường xuyên hoặc đột xuất cung cấp thông tin theo chuyên đề,… nhằm giúp đội ngũ cộng tác viên kịp thời cập nhật thông tin, làm cơ sở cho quá trình hoạt động, tạo sự chuyển biến mạnh về khả năng, chất lượng công tác dự báo của đội ngũ làm công tác dư luận xã hội.

Thứ năm, việc tổ chức các cuộc điều tra dư luận xã hội cần bám sát vào nhiệm vụ chính trị của địa phương, những vấn đề lớn, nóng thu hút sự quan tâm của cán bộ đảng viên và nhân dân; đồng thời, đảm bảo sự kết hợp hoài hòa và vận dụng linh hoạt giữa hai hình thức trực tuyến và trực tiếp. Lựa chọn hình thức nào là phải căn cứ vào quy mô, tính chất, phạm vi, đối tượng và mục đích của cuộc điều tra. Tuy nhiên, điều tra theo hình thức nào cũng phải chú trọng việc phân nhóm đối tượng để tổng hợp, phân tích làm rõ sự chênh lệch, khác biệt về nhận định, đánh giá giữa các nhóm đối tượng trước những vấn đề, nội dung quan tâm đặt ra, có như vậy kết quả điều tra mới phản ánh trung thực, chính xác ý kiến chung cũng như ý kiến của từng nhóm đối tượng khác nhau.

Bên cạnh việc tổ chức các cuộc điều tra dư luận xã hội theo quy mô, phạm vi rộng, cần chú trọng công tác tổ chức các cuộc khảo sát nhanh, nội dung gói gọn trong 1 hoặc 2 vấn đề mang tính chất thời sự để tham vấn ý kiến hoặc đo phản hồi từ dư luận đối với một chủ trương, chính sách cụ thể của từng nhóm đối tượng cụ thể thông qua hình thức thăm dò ý kiến các nhóm Zalo, nhóm Facebook.

Thứ sáu, tham mưu tốt cho cấp ủy trong tăng cường đầu tư phương tiện, kinh phí hoạt động cho công tác dư luận xã hội như: kinh phí để tiến hành các cuộc điều tra; kinh phí chi bồi dưỡng cho hoạt động của cộng tác viên; kinh phí tập huấn, đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ; mua tài liệu và một số phương tiện kỹ thuật phục vụ công tác nghiên cứu, nắm bắt, định hướng dư luận xã hội...

Hoạt động của đội ngũ cộng tác viên dư luận xã hội tỉnh Gia Lai đã phát huy được tính tích cực và chủ động trong việc nắm bắt, tổng hợp báo cáo, phản ánh kịp thời tình hình dư luận, tâm trạng của cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân, nhất là các vấn đề, các sự kiện có tính thời sự. Từ đó, góp phần tạo sự thống nhất về nhận thức và đồng thuận trong xã hội.

Các cuộc điều tra dư luận xã hội trên địa bàn tỉnh đã bám sát các vấn đề, nội dung mang tính cấp thiết, cần quan tâm tại địa phương, huy động được sự tham gia đông đảo cán bộ, đảng viên và nhân dân, từng bước có sự đổi mới cả về nội dung và phương pháp, chú trọng lựa chọn chủ đề điều tra, đáp ứng yêu cầu phục vụ nhiệm vụ chính trị của cấp ủy, chính quyền địa phương giao.

 Huỳnh Thế Mạnh

Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Gia Lai

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất