Chủ Nhật, 15/9/2024
Nghiệp vụ công tác tuyên giáo
Thứ Hai, 7/6/2021 14:39'(GMT+7)

Thao tác lập dàn ý bài giới thiệu nghị quyết Đảng

Hội nghị trực tuyến toàn quốc nghiên cứu, học tập, quán triệt, tuyên truyền Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng

Hội nghị trực tuyến toàn quốc nghiên cứu, học tập, quán triệt, tuyên truyền Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng

NGHỊ QUYẾT ĐẢNG VÀ BÀI GIỚI THIỆU NGHỊ QUYẾT ĐẢNG

Nghị quyết là văn bản của một tổ chức, được thông qua trong đại hội hay hội nghị, sau khi thảo luận và quyết nghị về một hay nhiều vấn đề. Nội dung nghị quyết là xác định quan điểm, chủ trương, mục tiêu và các nhiệm vụ, giải pháp để giải quyết vấn đề đó trong thực tế.

Nghị quyết của Đảng bao gồm Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc, Nghị quyết của Hội nghị Trung ương, Nghị quyết của Bộ Chính trị; gắn với các nghị quyết đó là các nghị quyết của Đại hội hoặc của cấp uỷ các cấp.

Giới thiệu nghị quyết Đảng là một thể loại tuyên truyền miệng, thuộc phong cách chính luận, được viết ra để phổ biến nội dung và kết quả làm việc của một hội nghị trung ương nào đó của Đảng đến cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân.

Giới thiệu nghị quyết là bài trình bày nghị quyết nhằm giải thích, phân tích nội dung, cơ sở lý luận, thực tiễn của các quan điểm lớn trong các nghị quyết của các cấp ủy Đảng, những giải pháp thực hiện các nhiệm vụ mà nghị quyết đề ra. Căn cứ vào đối tượng được phổ biến nghị quyết, bài giới thiệu nghị quyết Đảng có thể chia thành các loại như sau: Bài giới thiệu nghị quyết dành cho cán bộ chủ chốt và báo cáo viên; Bài giới thiệu nghị quyết dành cho cán bộ, đảng viên cơ sở. Căn cứ vào cách thức tổ chức, việc giới thiệu nghị quyết của Đảng, nhất là các nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương Đảng có hai hình thức: Thông báo nhanh kết quả của đại hội hay hội nghị; Học tập, nghiên cứu nội dung nghị quyết (quán triệt sâu). Đặc biệt với những nghị quyết có tính nhạy cảm thì chỉ có một loại tài liệu lưu ở văn phòng Trung ương Đảng và không phổ biến. Ví dụ như Nghị quyết Trung ương 8 khóa IX về chiến lược bảo vệ Tổ quốc. Nghị quyết này không in để phát hành.

Để có được dàn ý tốt làm cơ sở vững chắc cho khâu trình bày, người giới thiệu nghị quyết cần tiến hành 5 thao tác: Nghiên cứu đặc điểm đối tượng; Xác định mục đích, nội dung; Sưu tầm, nghiên cứu, xử lý tài liệu; Lập dàn ý và Lựa chọn ngôn ngữ, văn phong.

CHUẨN BỊ DÀN Ý BÀI GIỚI THIỆU NGHỊ QUYẾT ĐẢNG

Thứ nhất, nghiên cứu đối tượng

Để công tác tuyên truyền miệng hoạt động hiệu quả, báo cáo viên phải căn cứ vào người nghe thực tế mà xác định nội dung, lựa chọn phương pháp, phương tiện tác động. Đối tượng khác nhau, nội dung, phương pháp, hình thức trình bày phải khác nhau. Do vậy, nghiên cứu đối tượng là công việc đầu tiên người nói phải tiến hành.

Nghiên cứu đối tượng gồm những nội dung: Nghiên cứu đặc điểm về mặt xã hội - nhân khẩu: các đặc điểm về thành phần xã hội, giai cấp, nghề nghiệp, học vấn, giới tính, tuổi tác,... của đối tượng; Nghiên cứu các đặc điểm về tư tưởng và tâm lý - xã hội: hệ thống các quan điểm, chính kiến, động cơ, khuôn mẫu tư duy, tâm trạng và trạng thái thể chất... của họ; Nghiên cứu về nhu cầu, thị hiếu thông tin; thái độ của người nghe đối với nguồn thông tin và nội dung thông tin; con đường, cách thức thỏa mãn nhu cầu thông tin của đối tượng.

Trên cơ sở nghiên cứu về các đặc điểm này mà xác định mục đích, nội dung, phương pháp nói phù hợp. Đối tượng học Nghị quyết Đảng gồm cán bộ chủ chốt, báo cáo viên, cán bộ, đảng viên, quần chúng nhân dân. Mỗi nhóm khác nhau sẽ có nhu cầu thông tin khác nhau.

Phải tìm hiểu kỹ để có căn cứ xây dựng dàn ý phù hợp. Nếu đối tượng học Nghị quyết là cán bộ chủ chốt thì đề cuơng cần xoáy sâu vào ‘quan điểm mục tiêu’, phân tích kỹ các căn cứ để xây dựng quan điểm. Nếu người nghe là báo cáo viên đòi hỏi dàn ý phải chi tiết các phần vì họ là những người nghe để đi truyền đạt lại, phổ biến sâu rộng Nghị quyết.

Thứ hai, xác định mục đích, nội dung bài nói

Hoạt động tuyên truyền có mục đích thông tin, cung cấp kiến thức mới, hình thành, củng cố niềm tin và cổ vũ tính tích cực xã hội của người nghe. Bài giới thiệu nghị quyết cũng đặt ra mục đích chung bao quát đó. Nhưng tùy theo đối tượng và nghị quyết cụ thể mà mức độ đạt mục đích chung cũng như từng mặt của mục đích đó có khác nhau. Căn cứ vào các nguồn lực thực tế như nguồn lực thời gian, nguồn nhân lực, nguồn lực vật chất kỹ thuật để đặt ra mục đích phù hợp. Xác định mục đích có ý nghĩa định hướng đối với nội dung của bài phát biểu.

Về nguyên tắc, nghị quyết có thể đề cập đến các lĩnh vực của đời sống xã hội: từ những vấn đề kinh tế, chính trị, văn hóa đến những vấn đề khoa học, kỹ thuật, an ninh, quốc phòng, đối ngoại; từ những vấn đề lý luận, quan điểm, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước đến các sự kiện đã và đang diễn ra trong đời sống xã hội... Nhưng để tạo khả năng thu hút sự chú ý của người nghe, đạt mục đích tuyên truyền đặt ra, nội dung bài giới thiệu nghị quyết, phải đạt tới các yêu cầu sau:

Một là, phải đảm bảo tính tư tưởng và tính chiến đấu.

Hai là, phải mang đến cho người nghe những thông tin mới.

Ba là, phải thiết thực, đáp ứng nhu cầu thông tin của một loại công chúng cụ thể.

Bốn là, phải mang tính thời sự, tính cấp thiết, phản ánh những vấn đề nóng bỏng của cuộc sống.

Bài nói có thể chỉ đạt một trong ba hoặc cả ba mục đích nhưng nhất thiết phải đảm bảo đủ bốn yêu cầu về nội dung.

Thứ ba, lựa chọn, nghiên cứu, sử dụng tài liệu

Lựa chọn, thu thập tài liệu là một nhiệm vụ quan trọng vì nó là căn cứ để lựa chọn nội dung bài phát biểu và là yếu tố tạo ra chất lượng cho một buổi nói chuyện.

Nguồn tài liệu quan trọng nhất mà báo cáo viên sử dụng để xây dựng dàn ý bài giới thiệu nghị quyết được lấy từ hội nghị báo cáo viên cấp trên, từ các tài liệu học tập nghị quyết do Ban Tuyên giáo Trung ương phát hành, từ phương tiện truyền thông đại chúng. Người làm công tác tuyên truyền miệng phải có kiến thức vững chắc và hệ thống về chủ nghĩa Mác- Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, chính sách của Đảng, để trên cơ sở đó đánh giá, phân tích các sự kiện, hiện tượng được đề cập đến trong bài nói.

Khi sử dụng các tài liệu mật, thông tin nội bộ cần xác định rõ vấn đề nào không được nói, hoặc chỉ được nói đến đối tượng nào. Trong điều kiện bùng nổ thông tin hiện nay, cần thiết phải định hướng thông tin theo quan điểm của Đảng. Sử dụng tài liệu là một nghệ thuật. Nghệ thuật đó phụ thuộc vào năng lực, bản lĩnh nghề nghiệp của báo cáo viên. Cùng một lượng tài liệu như nhau, ai có phương pháp làm việc khoa học, đầu tư công phu và sáng tạo hơn sẽ có bài nói chất lượng cao hơn.

Thứ tư, lập dàn ý bài giới thiệu nghị quyết

Dàn ý bài giới thiệu nghị quyết là văn bản mà dựa vào đó báo cáo viên tiến hành buổi truyền đạt nghị quyết đến người nghe.

Cần xây dựng nhiều phương án cho dàn ý, từ đó chọn phương án tối ưu. Phương án tối ưu là phương án phù hợp với một đối tượng công chúng cụ thể, xác định.

Quá trình lập dàn ý có thể thay đổi, bổ sung, hoàn thiện dần từ thấp lên cao, từ dàn ý sơ bộ đến dàn ý chi tiết. Đối với những nghị quyết quan trọng, có phạm vi tác động lớn, phát biểu trước những đối tượng có trình độ cao, dàn ý được chuẩn bị càng chi tiết càng tốt.

Dàn ý được kết cấu bởi ba phần: Phần mở đầu, phần chính và phần kết luận. Mỗi phần có chức năng riêng, yêu cầu riêng, phương pháp riêng.

Phần mở đầu

Phần mở đầu là phần nhập đề cho nghị quyết cần giới thiệu, là phương tiện giao tiếp ban đầu với người nghe, kích thích sự hứng thú của người nghe đối với nội dung bài nói. Phần này tuy ngắn, nhưng rất quan trọng đối với các nội dung trừu tượng, tưởng chừng như khô khan, đối với đối tượng mới tiếp xúc lần đầu, đối tượng là người có trình độ học vấn cao, thanh niên, sinh viên. Phần mở đầu phải tự nhiên và gắn với các phần khác trong bố cục toàn bài cả về nội dung và phong cách ngôn ngữ; Phải ngắn gọn, độc đáo và tạo hấp dẫn đối với người nghe.

Cách mở đầu rất đa dạng, phong phú nhưng có thể khái quát thành hai cách mở đầu chủ yếu: Mở đầu trực tiếp và mở đầu gián tiếp.

Mở đầu trực tiếp: Là cách mở đầu bằng việc giới thiệu thẳng nghị quyết sẽ trình bày để người nghe tiếp cận ngay. Mở đầu trực tiếp được cấu trúc bởi hai phần: nêu tên nghị quyết và các nội dung chính có trong nghị quyết.

Mở đầu gián tiếp: Là cách mở đầu không giới thiệu thẳng tên nghị quyết mà chỉ nêu vấn đề sau khi đã dẫn ra một ý kiến khác có liên quan, gần gũi với nghị quyết nhằm chuẩn bị bối cảnh, dọn đường cho nghị quyết xuất hiện. Cách mở đầu này dễ tạo cho bài nói sự sinh động, hấp dẫn đối với người nghe, có thể giúp người nghe thay đổi quan điểm vốn có, chấp nhận quan điểm của báo cáo viên.

Mở đầu gián tiếp được cấu trúc bởi ba phần: dẫn dắt vấn đề, nêu tên nghị quyết và các nội dung chính của nghị quyết.

Phần thân của bài giới thiệu nghị quyết

Phần thân là phần quan trọng nhất của bài giới thiệu nghị quyết. Nhiệm vụ trọng tâm nhất của phần này là người giới thiệu phải nêu bật được nội dung cốt lõi của nghị quyết.

Trên cơ sở những nội dung chính của nghị quyết, có hai phương án để các báo cáo viên lựa chọn cho dàn ý phần chính bài giới thiệu nghị quyết:

Phương án một: Sự cần thiết ban hành nghị quyết + Những nội dung căn bản của nghị quyết.

Phương án hai:  Sự cần thiết ban hành nghị quyết + Những nội dung căn bản và mới của nghị quyết.

Phương án hai chỉ có thể dùng cho những nghị quyết phát triển, bổ sung, đòi hỏi báo cáo viên đầu tư thời gian, công sức và trí tuệ cao hơn phương án một. Phương án một nên dùng đại trà, phương án hai nên dùng cho cán bộ chủ chốt, nhóm đối tượng có trình độ học vấn cao.

Phần kết luận

Kết luận là phần không thể thiếu trong cấu trúc một bài nói. Nó làm cho bố cục bài nói trở nên cân đối, lôgic, có tác dụng khái quát và nhấn mạnh điều đã nói. Phần kết luận có các chức năng đặc trưng sau: Tổng kết những nội dung chính của nghị quyết đã nói; Củng cố và làm tăng ấn tượng về nội dung nghị quyết; Đặt ra trước người nghe những nhiệm vụ nhất định và kêu gọi họ đi đến hành động. Kết luận phải ngắn gọn, giàu cảm xúc nhưng tự nhiên, không giả tạo và được sử dụng để kết thúc bài nói.

Kết cấu của phần kết luận:

Kết luận được cấu trúc bởi hai phần: Phần đầu gọi là phần tóm tắt, phần tiếp theo là phần mở rộng và mang đặc trưng của phương pháp.

Vào đề và kết luận cho bài giới thiệu nghị quyết là một công việc khó khăn, đòi hỏi sự đầu tư công phu ở báo cáo viên. Mở bài và kết luận hấp dẫn, lôi cuốn, gây ấn tượng đối với người nghe sẽ giúp họ ghi nhớ nội dung nghị quyết tốt hơn, cơ sở cho việc thực hiện nghị  quyết.

Thứ năm, lựa chọn ngôn ngữ, văn phong

Bài giới thiệu nghị quyết là một thể loại của phát biểu miệng, thuộc phong cách chính luận nên nó phải đảm bảo một số đặc điểm về mặt ngôn ngữ của thể loại như sau: tính chuẩn xác, tính thuật ngữ, tính bình giá công khai, tính phổ thông, tính biểu cảm.

Giới thiệu nghị quyết Đảng đến cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân là bước khởi đầu căn bản để đưa nghị quyết vào cuộc sống. Công việc này muốn thực hiện tốt, mang lại hiệu quả cao đòi hỏi báo cáo viên phải có các năng lực cần thiết như năng lực nói, năng lực giao tiếp, năng lực ngôn ngữ, năng lực làm việc với con người, năng lực xây dựng dàn ý bài phát biểu.  

TS. Vũ Hoài Phương

Học viện Báo chí và Tuyên truyền

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất