Thứ Sáu, 22/11/2024
Nghiệp vụ công tác tuyên giáo
Thứ Ba, 22/6/2021 8:5'(GMT+7)

Nắm bắt, định hướng dư luận xã hội, bảo đảm đồng thuận xã hội

Hình minh họa. Nguồn: Zoomer Radio

Hình minh họa. Nguồn: Zoomer Radio

1. Dư luận xã hội là ý kiến công khai của dân chúng, của đám đông; hiện tượng xã hội thuộc đời sống tinh thần thực tế của xã hội; phức thể các ý kiến đánh giá, biểu thị quan điểm, thái độ và định hướng hành động của các nhóm xã hội về những sự kiện xy ra trong xã hội có liên quan đến lợi ích của nhóm xã hội.

Chủ thể của dư luận xã hội là tất cả các thành phần trong cơ cấu xã hội, các nhóm xã hội; các tập hợp người theo giai tầng xã hội, khu vực địa lý, nghề nghiệp, giới tính, lứa tuổi, dân tộc (tộc người), tôn giáo,...

Chủ đề, nội dung của dư luận xã hội là những sự kiện xy ra trong đời sống xã hội, thường gắn với những dấu mốc, thời điểm quan trọng của đất nước, của địa phương; với việc ban hành, thực thi chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và các quy định của địa phương; với thái độ, hành vi của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ, đảng viên giữ cương vị chủ chốt các cấp. Các nhóm xã hội chỉ hình thành dư luận nếu sự kiện đó liên quan đến lợi ích của họ. Vấn đề lợi ích là “trục xuyên tâm” của dư luận xã hội.

Như vậy, có thể thấy rằng, đa dạng về chủ thể, phức tạp về chủ đề, nội dung và tính lợi ích là các đặc trưng cơ bản của dư luận xã hội. Thực hành nắm bắt dư luận xã hội phải trả lời cho được 3 câu hỏi: Dư luận xã hội của nhóm xã hội nào? Vấn đề, nội dung chủ đạo của dư luận xã hội đó là gì? Lợi ích bao trùm, theo đuổi của nhóm xã hội chủ thể của dư luận xã hội đó là gì?

Dư luận xã hội là một hiện tượng xã hội phổ biến trong đời sống xã hội, có vai trò thống nhất nhận thức, định hướng và điều chỉnh hành vi, giải tỏa tâm lý xã hội và tư vấn, giám sát.

2. Dư luận xã hội là ý kiến của đông đảo người dân, biểu thị sự đánh giá, thái độ và định hướng hành động của các nhóm xã hội về sự kiện xã hội liên quan đến lợi ích của họ. Theo đó, có thể hiểu rằng, dư luận xã hội phản ánh tâm tư, nguyện vọng của người dân về những vấn đề ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của họ. Nắm bắt dư luận xã hội là nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, thực hiện quan điểm “dân là gốc nước”.

Thời điểm hiện nay, việc nắm bắt, định hướng dư luận xã hội nên được xem là phong cách lãnh đạo, phương thức quản lý xã hội và là trách nhiệm của cán bộ, đảng viên. Cán bộ, đảng viên các cấp thực hành nắm bắt, định hướng dư luận xã hội là “người biết lãnh đạo”. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy, gom góp ý kiến của từng bộ phận thành ý kiến chung, đem ý kiến chung đó đúc thành chỉ thị, khéo tập trung ý kiến của quần chúng, hóa nó thành cái đường lối lãnh đạo quần chúng, làm như thế “mới thật là biết lãnh đạo”. Người chỉ rõ, người lãnh đạo phải: “…gom góp ý kiên rời rạc, lẻ tẻ của quần chúng, rồi phân tích nó, nghiên cứu nó, sắp đặt nó thành những ý kiến có hệ thống. Rồi đem nó tuyên truyền, giải thích cho quần chúng, và làm cho nó thành ý kiến quần chúng, và làm cho quần chúng giữ vững và thực hành ý kiến đó. Đồng thời nhân lúc quần chúng thực hành, ta xem xét lại, coi ý kiến đó có đúng hay không. Rồi lại tập trung ý kiến của quần chúng, phát triển những ưu điểm, sửa chữa những khuyết điểm, tuyên truyền, giải thích làm cho quần chúng giữ vững và thực hành. Cứ như thế mãi thì lần sau chắc đúng mực hơn, hoạt bát hơn, đầy đủ hơn trước. Đó là cách lãnh đạo cực kỳ tốt”(2).

Nắm bắt tốt dư luận xã hội sẽ phát huy được quyền làm chủ của nhân dân, tăng cường mối quan hệ giữa Đảng, chính quyền với nhân dân. (Ảnh minh họa - Báo Vĩnh Long)

Nắm bắt tốt dư luận xã hội sẽ phát huy được quyền làm chủ của nhân dân, tăng cường mối quan hệ giữa Đảng, chính quyền với nhân dân. (Ảnh minh họa - Báo Vĩnh Long)

Theo lời dạy của Hồ Chí Minh, việc nắm bắt, định hướng dư luận xã hội, trước hết phải “gom góp”, “phân tích”, “nghiên cứu” những ý kiến của quần chúng, sắp đặt nó thành “hệ thống”. Nghĩa là, việc nắm bắt dư luận xã hội phải tuân theo một quy trình, phân tích theo phương pháp khoa học, dựa trên cơ sở lý luận và tình hình thực tế, khung cảnh xã hội của từng dư luận xã hội, để sắp đặt nó thành “hệ thống” các ý kiến của quần chúng. Trên cơ sở phân tích dư luận xã hội mà “đúc thành chỉ thị”, xây dựng và ban hành các chủ trương, chính sách, quy định,… Tiếp theo, phải đem kết quả nghiên cứu đó tuyên truyền, giải thích cho quần chúng, để quần chúng hiểu đúng về vấn đề của dư luận xã hội, hiểu rõ chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, “làm cho quần chúng giữ vững và thực hành ý kiến của lãnh đạo”, trên cơ sở đó mà thống nhất nhận thức, tư tưởng, hành động, tạo sự đồng thuận cao trong xã hội. Như thế, cần nên chuyển hóa kết quả nắm bắt, phân tích, nghiên cứu dư luận xã hội thành nội dung của công tác tuyên giáo, công tác dân vận, nội dung tuyên truyền, vận động nhân dân của các tổ chức, đoàn thể chính trị - xã hội và cán bộ, đảng viên.

3. Dư luận xã hội được hình thành thông qua các bước (giai đoạn): Bàn luận và thống nhất nhận định; Thống nhất thái độ; Xác định phương thức hành động. Tiếp nhận, chứng kiến các sự kiện xã hội liên quan đến lợi ích, các nhóm xã hội sẽ tiến hành bàn thảo, đi đến thống nhất nhận định về sự kiện đó; sau đó là định hướng thái độ đồng tình hay phản đối và tiếp theo là xác định phương thức hành động đồng tình hay phản đổi.

Thực hành định hướng dư luận xã hội, trước hết là cung cấp thông tin đủ, đúng, kịp thời về sự kiện xã hội giúp cho người dân “có đủ thông tin chính thống” để bàn luận, thống nhất nhận thức và hình thành thái độ đúng với chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước. Khi các nhóm xã hội đã chuyển sang giai đoạn bàn thảo phương thức hành động thì tiếp tục thông tin, tập trung vào những thông tin về pháp luật, về quyền và nghĩa vụ công dân, về dân chủ và pháp luật, về hành vi được làm và không được làm, về các quy phạm pháp luật. Như thế, phương thức chủ yếu của hoạt động định hướng dư luận xã hội là “cung ứng thông tin đủ, đúng, kịp thời”, là hoạt động tuyên truyền, vận động nhân dân.

Trình độ dân trí là một yếu tố ảnh hưởng đến tính chất dư luận xã hội tích cực hay tiêu cực. Trình độ dân trí ở đây được hiểu theo nghĩa rộng, không chỉ là trình độ học vấn, mà là sự hiểu biết hay là tri thức của người dân liên quan đến các sự kiện xã hội, trong đó có hiểu biết về chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước, về tình hình kinh tế - xã hội của địa phương và các tri thức khoa học. Thực tế hiện nay cho thấy, sự hiểu biết của người dân liên quan đến các sự kiện xã hội chưa thật đầy đủ, chưa thật đúng, chưa cập nhật, vì thế trong nhiều trường hợp sự bàn luận đi đến thống nhất nhận thức và thái độ về các sự kiện xã hội dễ sai lệch theo chiều hướng tiêu cực. Thực tế đó càng đỏi hỏi phải “cung ứng thông tin đủ, đúng, kịp thời” cho người dân. Ở những thời điểm lịch sử quan trọng, trong quá trình chuẩn bị, ban hành và thực thi những quyết sách của Đảng, Nhà nước và địa phương,… cần chú trọng đẩy mạnh tuyên truyền để mọi người dân nắm được thông tin đầy đủ, chính xác, cập nhật. Dân có “biết” thì việc “bàn, làm, kiểm tra, giám sát, thụ hưởng” mới được phát huy tích cực. Những đòi hỏi đó càng cho thấy tầm quan trọng đặc biệt của hoạt động tuyên truyền, vận động nhân dân.

4. Cung ứng thông tin đủ, đúng, kịp thời, tuyên truyền cho người dân về đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước, về các vấn đề về kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh của đất nước,... trước hết là trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ, đảng viên ở cơ sở. Cán bộ, đảng viên phải “… tăng cường đối thoại, tiếp xúc với nhân dân, lắng nghe tâm sự của nhân dân, kịp thời giải quyết nguyện vọng hợp pháp, chính đáng của nhân dân”(3). Thực hiện trách nhiệm đó, và để đối thoại, giải quyết kịp thời nguyện vọng hợp pháp, chính đáng của nhân dân, đòi hỏi cán bộ, đảng viên phải có tinh thần trách nhiệm cao, bản lĩnh vững vàng và tri thức phong phú. Trách nhiệm - Bản lĩnh - Tri thức là ba yếu tố cần đủ, gắn kết với nhau trong hoạt động tuyền truyền, vận động, cung ứng thông tin cho người dân của cán bộ, đảng viên; thiếu một trong ba yếu tố đó, cán bộ, đảng viên khó có thể thực hiện đúng, tốt vai trò lãnh đạo “định hướng dư luận xã hội”. Hiện nay, cần phải chú trọng bồi đắp cả ba yếu tố đó cho đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ, đảng viên ở cơ sở, những người sống với dân hàng ngày. Trong đó, vấn đề nổi cộm nhất là bồi dưỡng tri thức cho cán bộ, đảng viên. Có thể dễ nhận thấy rằng, cán bộ, đảng viên ở cơ sở đang thiếu tri thức cần thiết, chưa được tiếp cận đủ, kịp thời với “thông tin chính thống”. Do vì không đủ tri thức nên họ bị động, lúng túng trong việc đối thoại với nhân dân, trong thực hành định hướng dư luận xã hội cho các nhóm xã hội nơi mình sinh sống. Có lẽ cần nên tích cực đổi mới cách thức bồi dưỡng tri thức cho cán bộ, đảng viên ở cơ sở và bằng cách nào đó kịp thời đưa được thông tin chính thống đến cho cán bộ, đảng viên ở cơ sở. Đồng thời có cách thức cụ thể, hiệu quả khuyến khích cán bộ, đảng viên tự học, ham đọc, ham nghiên cứu, sưu tầm tri thức. Căn bệnh lười học, ngại đọc, ngại nghiên cứu trong cán bộ, đảng viên chậm được khắc phục thì hoạt động đối thoại, kịp thời giải quyết nguyện vọng hợp pháp, chính đáng của nhân dân của cán bộ, đảng viên khó có hiệu quả, việc nắm bắt, định hướng dư luận xã hội từ cơ sở khó có thể được thực hiện tốt.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Đà Nẵng, Chủ tịch HĐND thành phố Lương Nguyễn Minh Triết trao tặng bằng khen cho 8 tập thể có thành tích xuất sắc trong công tác báo cáo viên và công tác dư luận xã hội nhiệm kỳ 2015 - 2020

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Đà Nẵng, Chủ tịch HĐND thành phố Lương Nguyễn Minh Triết trao tặng bằng khen cho 8 tập thể có thành tích xuất sắc trong công tác báo cáo viên và công tác dư luận xã hội nhiệm kỳ 2015 - 2020

5. Truyền thông có vai trò quan trọng trong việc cung ứng thông tin, định hướng dư luận xã hội. Vấn đề đặt ra mang tính cấp thiết hiện nay là, thực hành quản lý nhằm phát huy vai trò của truyền thông trong cung ứng thông tin, định hướng dư luận xã hội. Song hành với quản lý truyền thông đại chúng cần có những giải pháp quản lý thông tin xã hội, mạng xã hội. Thời gian vừa qua, ở một vài thời điểm, thông tin trên các trang mạng xã hội đã gây nhiễu loạn nhận thức, tạo dựng thái độ tiêu cực trong một vài nhóm xã hội đối với một số vấn đề xã hội ở nước ta. Ngăn chặn, đấu tranh với các thông tin không đúng, tin giả trên các trang mạng xã hội là một nội dung trọng điểm trong hoạt động định hướng dư luận xã hội.

Hiện nay, các thế lực thù địch tiếp tục tăng cường chống phá Đảng, Nhà nước và đất nước ta. Chúng đã và đang sử dụng truyền thông, mạng xã hội để tung tin giả, thông tin xuyên tạc sự thật,… làm nhiễu loạn thông tin về tình hình chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh của đất nước, gây nên sự rối loạn về nhận thức, lôi kéo người dân chuyển dần sang thái độ tiêu cực đối với đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước, qua đó mà nhen nhóm hình thành tư tưởng, hành vi chống đối.

Việc nắm bắt, ngăn chặn, đấu tranh với tin giả, các trang tin xuyên tạc sự thật của các thế lực thù địch là công việc cấp thiết hiện nay để định hướng dư luận xã hội theo chiều hướng tích cực, ngăn ngừa sự hình thành tư tưởng, hành vi chống đối.

Một hoạt động rất quan trọng khi xuất hiện dư luận xã hội bị thao túng bởi tin giả, thông tin xuyên tạc sự thật là “cung ứng thông tin đủ, đúng, kịp thời” cho người dân. Theo đó, với vai trò lãnh đạo của mình, cán bộ, đảng viên phải đi vào các điểm nóng dư luận xã hội để lắng nghe tâm sự của người dân, tiến hành đối thoại, tuyên truyền cho nhân dân hiểu đúng chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước, tình hình kinh tế - xã hội của địa phương và vạch trần âm mưu, thủ đoạn xuyên tạc, chống phá của các thế lực thù địch. Trong chiến tranh giải phóng, cán bộ, đảng viên bám dân để tuyên truyền, vận động, tổ chức nhân dân đấu tranh giành độc lập dân tộc, góp phần tạo dựng chiến tranh nhân dân. Ngày nay, cán bô, đảng viên hàng ngày sống cùng nhân dân phải có trách nhiệm, và nên xem là trách nhiệm hàng đầu, công việc hàng ngày là tuyên truyền, vận động nhân dân, tạo dựng “chiến tranh nhân dân” trong đấu tranh phản bác tin giả, thông tin xuyên tạc sự thật, đấu tranh với âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch trên truyền thông, trên các trang mạng xã hội.

Trước sự chống phá của các thế lực thù địch, không ai khác, cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ, đảng viên ở cơ sở phải đi đầu trong hoạt động tuyên truyền, vận động nhân dân, giảng giải cho dân hiểu về chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước, tình hình kinh tế - xã hội của địa phương; vạch trần âm mưu, thủ đoạn xuyên tạc, chống phá của các thế lực thù địch. Cán bộ, đảng viên ở cơ sở là “lãnh đạo tại chỗ”, “lực lượng tại chỗ” trong hoạt động nắm bắt, định hướng dư luận xã hội. Thực hiện được như vậy, hoạt động nắm bắt, định hướng dư luận xã hội mới kịp thời, chất lượng và hiệu quả.

Đẩy mạnh tuyên truyền thông tin chính thống; ngăn chặn, phản bác với các tin giả, thông tin xuyên tạc sự thật trên truyền thông, trên các trang mạng xã hội; đẩy mạnh đối thoại trực tiếp, tuyên truyền vận động nhân dân để định hướng dư luận xã hội tích cực, góp phần vào củng cố “thế trận lòng dân”, tạo dựng nền tảng vững chắc cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc./.

PGS. TS. Phạm Xuân Hảo

_______________________

(1) (3) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H, 2021, t.1, tr.181, 193.

(2) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H, 2000, t.5, tr 290-291.

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất