Thứ Sáu, 11/10/2024
Tuyên giáo các cấp
Thứ Tư, 9/7/2008 14:57'(GMT+7)

Hiệu quả công tác Tuyên giáo cơ sở ở Đảng bộ Thị xã Đông Hà

Tượng đài Thành cổ

Tượng đài Thành cổ

Trước những diễn biến phúc tạp của đời sống xã hội, Thị uỷ luôn xác định và tập trung lãnh đạo công tác tư tưởng, đẩy mạnh công tác kiện toàn bộ máy và đội ngũ những người làm công tác tư tưởng ở cơ sở theo hướng đảm bảo về số lượng và không ngừng nâng cao chất lượng, hiệu quả. Căn cứ vào tình hình thực tế của phường, tình hình cụ thể ở các Đảng bộ cơ sở, thực hiện sự chỉ đạo của Ban Thường vụ Thị uỷ, Ban Tuyên giáo Thị uỷ đã ban hành Hướng dẫn số 06- HD/TG ngày 18/2/2003 về ''Việc thành lập Ban Tuyên giáo các Đảng bộ trực thuộc Thị uỷ Đông Hà''. Sau khi tiếp nhận văn bản Hướng dẫn, Đảng uỷ các phường chỉ đạo thực hiện việc thành lập Ban Tuyên giáo Đảng uỷ phường.

Từ năm 2006 đến nay, thực hiện sự chỉ đạo và Hướng dẫn số 03- HD/TG ngày 16/5/2006 của Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ ''Về việc tổ chức và hoạt động của Ban Tuyên giáo cơ sở'', Thị ủy Đông Hà đã thành lập Ban Tuyên giáo cơ sở ở tất cả 9 phường với 42 cán bộ kiêm nhiệm. Do đặc điểm và yêu cầu nhiệm vụ ở từng phường khác nhau nên số lượng cán bộ trong Ban Tuyên giáo ở các phường cũng khác nhau. Phường có số lượng cán bộ Tuyên giáo đông nhất là 8 đồng chí và phường có số lượng cán bộ ít nhất là 3 đồng chí. Nhìn chung, đây là những cán bộ có phẩm chất đạo đức tốt, có trình độ và năng lực nói, viết và biết đối thoại với quần chúng nhân dân. Để có điều kiện thuận lợi trong hoạt động của công tác Tuyên giáo, có 7 Ban Tuyên giáo phường do đồng chí Bí thư hoặc Phó Bí thư làm trưởng ban, ngoài ra các thành viên của Ban Tuyên giáo là các đồng chí thường vụ Đảng uỷ, uỷ viên Ban Chấp hành phụ trách công tác khác kiêm nhiệm như Chủ tịch UBMTQ, cán bộ Văn hóa Thông tin, Hiệu trưởng các trường học... Có thể nói, về cơ bản, từ khi thành lập đến nay bộ máy Ban Tuyên giáo các phường ở Đông Hà đã đi vào hoạt động có nề nếp, khá ổn định và bước đầu đem lại kết quả đáng ghi nhận.

Qua quá trình chỉ đạo, theo dõi có thể thấy, hầu hết các Ban Tuyên giáo cơ sở đã xác định đúng chức năng, nhiệm vụ của mình và tập trung tuyên truyền về đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật Nhà nước, kịp thời tổ chức triển khai học tập, nghiên cứu, quán triệt các nghị quyết, chỉ thị của Đảng... đồng thời phối hợp với đội ngũ Báo cáo viên Thị uỷ, các ngành liên quan nắm bắt kịp thời diễn biến tư tưởng, tâm trạng, dư luận xã hội, đảm bảo được thông tin hai chiều từ cơ sở đến thị xã. Nhờ đó, hàng năm, Ban Tuyên giáo các phường đã kịp thời đề xuất với cấp uỷ cùng cấp về nội dung, hình thức tuyên truyền giáo dục, định hướng đúng cho nhân dân trên địa bàn phường thống nhất về nhận thức, tư tưởng, hành động theo nội dung các nghị quyết của TW và của Đảng bộ các cấp, góp phần thực hiện có hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ, giữ vững ổn định chính trị xã hội, an ninh - quốc phòng của địa phương.

Có thể khẳng định: thông qua hoạt động của Ban Tuyên giáo cơ sở đã giúp cho các cấp uỷ Đảng nắm bắt được thông tin ở cơ sở một cách kịp thời và có hướng giải quyết phù hợp những vấn đề nảy sinh, đồng thời cũng giúp cho việc tuyên truyền, tổ chức học tập, quán triệt các Nghị quyết, chỉ thị của Đảng và các chương trình hành động của cấp uỷ Đảng các cấp được tiến hành chủ động và sâu rộng trong cán bộ, đảng viên, nhân dân trên địa bàn.

Để tạo điều kiện cho hoạt động của Ban Tuyên giáo cơ sở ngày càng có hiệu quả hơn, ngoài việc thường xuyên chỉ đạo, hướng dẫn về công tác chuyên môn nghiệp vụ của Ban Tuyên giáo cấp trên, hàng tháng Ban Tuyên giáo cơ sở được mời tham dự Hội nghị Báo cáo viên Thị uỷ để nắm bắt thông tin, kế hoạch hoạt động và được Thị ủy cấp phát một số loại tài liệu phục vụ cho công tác này ở cơ sở.

Tuy vậy, cũng phải nhận thấy rằng, Ban Tuyên giáo cơ sở là một mô hình mới nên hoạt động còn nhiều hạn chế và lúng túng về phương thức. Việc lựa chọn cán bộ làm công tác tuyên giáo ở một số nơi vẫn chưa đạt chất lượng theo yêu cầu. Mặt khác, đội ngũ cán bộ Ban Tuyên giáo cơ sở ngoài chế độ phụ cấp cho đồng chí Trưởng ban, số còn lại chưa có chế độ và chưa có sự quan tâm đúng mức trong công tác bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ. Đội ngũ cán bộ Tuyên giáo cơ sở 100% là kiêm nhiệm nên ít có thời gian nghiên cứu, tìm hiểu sâu về lĩnh vực công tác Tuyên giáo... Những hạn chế ấy cũng chính là những khó khăn lớn trong hoạt động của Ban Tuyên giáo cơ sở trước những yêu cầu ngày càng cao của tình hình mới và trước những thách thức lớn của xu thế hội nhập hiện nay.

Thành lập Ban Tuyên giáo cơ sở là một chủ trương đúng đắn cần được chú trọng đẩy mạnh. Song, để đưa hoạt động của Ban Tuyên giáo cơ sở đi vào chiều sâu hơn, đáp ứng tốt hơn những yêu cầu, đòi hỏi thực tế đặt ra, cấp uỷ Đảng các cấp cần chú trọng hơn việc kiện toàn đội ngũ cán bộ Ban Tuyên giáo cơ sở, quan tâm, chú ý nhiều hơn đến việc đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ tuyên giáo cơ sở. Mặt khác, nhiệm vụ này cũng cần có sự quan tâm của Ban Tuyên giáo TW và các ban, ngành ở Trung ương có liên quan để có sự thống nhất về tổ chức bộ máy cho Ban Tuyên giáo xã, phường và phụ cấp thoả đáng cho đội ngũ cán bộ làm công tác tuyên giáo cơ sở nhằm động viên đội ngũ này hoạt động ngày càng đạt hiệu quả thiết thực. Đó là những việc làm vừa mang tính cấp bách vừa mang tính lâu dài để công tác Tuyên giáo cơ sở thực sự góp phần xứng đáng vào việc thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị ở địa phương cũng như vào sự phát triển chung của quê hương, đất nước./.

Hồ Văn Chính

Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Quảng Trị

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất