Thứ Sáu, 11/10/2024
Tuyên giáo các cấp
Thứ Tư, 9/7/2008 14:57'(GMT+7)

Về mô hình Ban Tuyên giáo cơ sở ở Bến tre

Ban Tuyên giáo cơ sở được xem là “cánh tay” nối dài của Ban Tuyên giáo tỉnh; là nơi trực tiếp tổ chức quán triệt, thực hiện mọi chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách của Nhà nước – nơi trực tiếp tiếp nhận, nắm bắt mọi thông tin, tâm tư, nguyện vọng của nhân dân để phản ánh đối với các cấp ủy Đảng. Từ nhận thức trên, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Bến Tre tiến hành xây dựng mô hình Ban Tuyên giáo xã và xây dựng đội ngũ cán bộ chuyên trách Tuyên giáo xã từ năm 1996, được các cấp ủy đồng tình ủng hộ. Đến nay 100% (160/160) xã, phường, thị trấn trong tỉnh đều có Ban Tuyên giáo và cán bộ chuyên trách tuyên giáo, luôn được tăng cường, củng cố qua mỗi kỳ Đại hội Đảng, vì sau mỗi kỳ đại hội phần lớn cán bộ tuyên giáo cơ sở đều có thay đổi. Trước đây, mô hình Ban Tuyên giáo xã, phường không thống nhất, có nơi chỉ có 6 thành viên, có nơi lên đến 24 thành viên. Năm 2006, thực hiện chủ trương của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban Tuyên giáo cùng Ban Tổ chức Tỉnh ủy xây dựng hướng dẫn Liên Ban về chức năng, nhiệm vụ của Ban Tuyên giáo Đảng ủy xã, phường, thị trấn có từ 7 đến 11 thành viên. Cơ cấu gồm: Trưởng ban chuyên trách là cấp ủy viên, phó trưởng ban (kiêm nhiệm) phụ trách khoa giáo là đồng chí Phó Chủ tịch Uỷ ban phụ trách văn xã; Phó ban (kiêm nhiệm) phụ trách tuyên truyền là cán bộ văn hoá thông tin; các thành viên gồm đại diện Y tế, Dân số, Mặt trận, đoàn thể xã, trường học, Bí thư chi bộ ấp, khu phố... (tùy từng địa phương có xem xét trình độ năng lực cán bộ mà có cơ cấu hợp lý). Những nơi Ban Thường vụ cấp ủy có từ 5 đồng chí trở lên thì cơ cấu đối với Trưởng Ban Tuyên giáo vào Thường vụ cấp ủy và đây cũng là hướng lâu dài cho cả nhiệm kỳ 2010 – 2015.

Năm 2007, Ban Tuyên giáo tỉnh phối hợp với Trường Chính trị tỉnh tổ chức 2 lớp bồi dưỡng nghiệp vụ công tác Tuyên giáo cho trên 400 đồng chí công tác tuyên giáo cơ sở. Hiện nay, Trường Chính trị tỉnh được sự hỗ trợ của Phân viện Báo chí tuyên truyền mở 2 lớp cử nhân chuyên ngành công tác tuyên giáo và xã hội học, phục vụ cho đối tượng đang công tác và dự kiến bố trí làm công tác tuyên giáo sắp tới. Năm 2008 sẽ phối hợp với báo Sài Gòn giải phóng mở 2 lớp bồi dưỡng viết tin và xây dựng bản tin tuyên giáo cơ sở; phần lớn đội ngũ chuyên trách tuyên giáo đều được đào tạo chính trị từ trung cấp đến cử nhân.

Hầu hết đội ngũ cán bộ chuyên trách đều được huấn luyện nghiệp vụ theo 2 yêu cầu: Thứ nhất là tham mưu xây dựng kế hoạch triển khai nghị quyết, xây dựng chương trình hành động, kế hoạch cụ thể hoá việc thực hiện nghị quyết; lãnh đạo công tác chính trị tư tưởng; xây dựng và biên tập bản tin phục vụ cho sinh hoạt tổ nhân dân tự quản; nắm và phản ánh dư luận xã hội; chỉ đạo nội dung tuyên truyền trên đài truyền thanh; công tác văn hoá – văn nghệ, khoa giáo ở cơ sở; cách thức soạn thảo, hình thức, thẩm quyền ban hành văn bản trong Đảng. Thứ hai là định hướng từng bước nâng cao kỹ năng thực hiện nhiệm vụ cho cán bộ chuyên trách và kiêm nhiệm như: Nâng cao năng lực tư duy, lý luận, năng lực tham mưu, kỹ năng nói và viết; nâng cao uy tín cá nhân thông qua hoạt động thực tiễn của mình cả về chuyên môn, đạo đức, lối sống, xây dựng khả năng ứng xử đối thoại với nhân dân. Từ thực tế trên, đánh giá hiệu quả hoạt động của Ban Tuyên giáo và đội ngũ cán bộ tuyên giáo cơ sở ( nhất là đồng chí chuyên trách) đều đảm đương được nhiệm vụ tham mưu cấp ủy tổ chức thực hiện nhiệm vụ công tác tuyên giáo ở cơ sở. Vai trò của đồng chí chuyên trách được phát huy đúng mức trong việc giúp cấp ủy triển khai thực hiện, sơ kết tổng kết các chủ trương, nghị quyết của đảng theo hướng dẫn của cấp trên và tham mưu cấp ủy chỉ đạo toàn bộ hoạt động tuyên giáo cơ sở.

Nhìn chung, đội ngũ cán bộ cơ sở đều nêu cao tinh thần trách nhiệm, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, qua mỗi nhiệm kỳ đại hội đều có bước trưởng thành và phát triển đi lên. Tuy nhiên, có vấn đề mà không chỉ cán bộ tuyên giáo cơ sở còn chưa hài lòng,đó là Đảng ta luôn xác định công tác tư tưởng là một bộ phận quan trọng hàng đầu trong toàn bộ hoạt động của Đảng, công tác tư tưởng là một mặt trận quan trọng trong tình hình hiện nay, nhưng Đảng, Nhà nước chưa quan tâm đúng mức về chế độ chính sách cho đội ngũ này. Trong thực tế, điều trớ trêu là theo Nghị định 121 của Chính phủ thì cán bộ tuyên giáo chỉ là bán chuyên trách và hầu hết không có chế độ bảo hiểm xã hội. Trong khi để trở thành cán bộ Tuyên giáo cơ sở phải có quá trình phấn đấu từ quần chúng trở thành đảng viên, và khi được vào cấp ủy lại phải xem xét trình độ, năng lực, đạo đức mới được chọn làm cán bộ tuyên giáo chuyên trách. Ngược lại, một cán bộ chuyên môn bình thường thuộc Uỷ ban nhân dân xã có thể chỉ là đảng viên lại là cán bộ chuyên trách, được chế độ lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế đầy đủ. Nhiều cán bộ tuyên giáo cho rằng, từ quần chúng phấn đấu vào Đảng, vào cấp ủy, được phân công làm công tác tuyên giáo của Đảng là việc thụt lùi, vì từ chuyên trách sang bán chuyên trách, từ có chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế chuyển sang không có gì cả. Chính vì vậy mà những người làm công tác tuyên giáo ở cơ sở chưa an tâm vì thấy rằng công tác xây dựng Đảng ở cơ sở chưa được quan tâm đúng mức thông qua các chế độ chính sách. Vì cán bộ công tác đảng ở cơ sở nói riêng, công tác xây dựng Đảng nói chung chưa được coi trọng và đặt đúng vị trí của nó.

Nhiều năm qua, có lẽ không riêng gì Bến Tre, mà các địa phương khác đều đề nghị với Ban Tuyên giáo Trung ương có kiến nghị với Đảng, Chính phủ cần xem xét điều chỉnh chế độ hưởng chính sách cho phù hợp, để động viên đội ngũ cán bộ làm công tác xây dựng Đảng ở cơ sở, nhưng chưa được giải quyết.

Từ thực tế trên, đề nghị Ban Tuyên giáo Trung ương nên kiến nghị với Trung ương, Chính phủ sớm điều chỉnh Nghị định 121/2003/NĐ-CP, bổ sung cho cán bộ chuyên trách tuyên giáo cũng như cán bộ chuyên trách tổ chức, kiểm tra, cán bộ văn phòng đảng ủy xã vào diện cán bộ chuyên trách để có các chế độ như cán bộ chuyên trách cấp xã, phường, thị trấn./.

Cao Dũng

Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Bến Tre

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất