Nghệ An hiện có hơn 4.300 phương tiện đánh bắt thủy hải sản, tập trung chủ yếu ở huyện Quỳnh Lưu, Diễn Châu và thị xã Cửa Lò, trong đó ở Quỳnh Lưu, Diễn Châu, một nửa tàu thuyền có công suất nhỏ chỉ có khả năng khai thác ven bờ. Sự bất cập này vừa khiến cho việc khai thác hải sản không đạt được năng suất, chất lượng cao mà còn tác động xấu đến môi trường.
Thêm vào đó, có những ngư dân sử dụng các phương tiện như thuốc nổ, xung điện... nên nguồn ngư lợi ngày càng giảm sút nghiêm trọng. Sản lượng khai thác thấp, chất lượng hải sản, quy trình bảo quản không đáp ứng được các tiêu chí của nhiều thị trường, nên ngư dân chỉ bán sản phẩm theo đường tiểu ngạch.
Trước thực trạng đó, yêu cầu về chuyển đổi nghề cho ngư dân từ vùng lộng ra vùng khơi, chuyển đổi một số nghề khai thác ngày càng bức thiết hơn. Quỳnh Lưu là địa phương chuyển đổi khá tốt của tỉnh Nghệ An, huyện chú trọng đầu tư vó khơi và nghề rê tầng đáy, nhằm giúp cho bà con ngư dân chuyển đổi theo 6 giải pháp: chuyển đổi nghề có nhiều sản phẩm xuất khẩu; đào tạo thuyền trưởng, thuyền viên để sử dụng khai thác xa bờ có hiệu quả; thành lập tổ đội trên biển vừa sản xuất, vừa bảo vệ chủ quyền, đồng thời giảm chi phí sản xuất; xây dựng tổ dịch vụ hải sản dưới nước và trên bờ (cung cấp đá lạnh, xăng dầu...); bố trí sản xuất hợp lý ở cả 3 vùng khơi - lộng - gần bờ và huy động nguồn vốn với phương châm Nhà nước và nhân dân cùng đầu tư. Nhờ vậy, đến nay Quỳnh Lưu đã có 80% thuyền trưởng, thuyền viên và máy trưởng được đào tạo chính quy; thành lập được 136 tổ, đội dịch vụ, giải quyết việc làm thường xuyên cho hơn 5.830 người, trong đó lao động tham gia đánh bắt hải sản trên 11.000 người.
Ở xã Diễn Ngọc ( huyện Diễn Châu), sau khi một số mô hình chuyển đổi nghề của ngư dân, sản lượng đánh bắt hải sản của xã được nâng lên. Ông Thái Bá Tranh ở xóm Ngọc Minh (Diễn Ngọc), trước đây có 1 chiếc tàu, công suất 24CV, chủ yếu đánh bắt vùng lộng bằng các nghề vây rút, vây xăm, trung bình mỗi chuyến ra khơi, tàu của ông chỉ đánh bắt được khoảng 3 tạ hải sản, trong đó chiếm đến 60% là cá tạp, có giá trị thấp. Đến tháng 6/2010, ông bắt đầu chuyển đổi nghề bằng việc mua tàu mới loại 115CV, trị giá trên 1 tỷ đồng để chuyển sang đánh bắt vùng khơi, sản lượng khai thác tăng gấp 7 lần so với tàu công suất nhỏ. Ông Tranh cho biết: “Từ khi chuyển đổi nghề, mỗi chuyến ra khơi khai thác bình quân đạt trên 1,2 tấn hải sản, tỷ lệ cá tạp giảm xuống chỉ còn 35%. Các loại hải sản có giá trị như mực, cá thu, cá ngừ …đánh bắt được nhiều hơn. Thu nhập bình quân của các thuyền viên đạt 4 triệu đồng/người/tháng, nên ai cũng hăng hái ra khơi”.
UBND xã Diễn Ngọc cho biết: Từ hàng chục năm qua, kinh tế biển chiếm tỉ trọng khoảng 60% GDP của xã. Chính quyền tiếp tục khuyến khích ngư dân phát triển các ngành nghề đánh bắt xa bờ. Đảng ủy xã, HĐND và UBND xã đều có những nghị quyết thúc đẩy kinh tế biển, đặc biệt là đánh bắt xa bờ phát triển, ngày càng nâng cao tỷ trọng trong nền kinh tế của xã. Nhờ đó, sản lượng khai thác 7 tháng đầu năm nay của toàn xã đạt hơn 7.000 tấn, đạt giá trị trên 105 tỷ đồng, tăng 20 tỷ đồng so với cùng kỳ năm ngoái, qua đó cũng thúc đẩy nhiều ngành nghề khác như cung cấp nhu yếu phẩm, hậu cần nghề cá, đóng mới và sửa chữa tàu thuyển phát triển rất mạnh.
Sau 3 năm chuyển đổi, đến nay ngư dân Nghệ An đã thành lập được gần 160 tổ, đội hợp tác khai thác thủy sản trên biển với gần 1.030 tàu đánh bắt xa bờ, với tổng công suất 236.640 CV, trong đó đóng mới 53 chiếc và cải hoán 67 chiếc, đã góp phần đưa sản lượng đánh bắt thuỷ sản trong 7 tháng đầu năm 2012 đạt hơn 63.000 tấn, gần bằng sản lượng cả năm 2011, giải quyết việc làm thường xuyên cho trên 20.000 người. Việc thành lập các tổ, đội khai thác các nghề chụp cá, mực, vây rút chì, lưới rê, lưới kéo, bà con còn giúp nhau tiêu thụ sản phẩm và hỗ trợ nhau kịp thời khi sóng to, gió lớn, vừa bảo vệ chủ quyền vùng biển…/.
Viết Hùng - TTXVN