Thứ Bảy, 28/9/2024
Kinh tế
Thứ Hai, 6/8/2012 20:38'(GMT+7)

30% doanh nghiệp đã rút khỏi thị trường là bình thường

Bối cảnh hiện nay, khó khăn nhất thuộc về doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Bối cảnh hiện nay, khó khăn nhất thuộc về doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Lĩnh vực kinh doanh không phải của mọi người

Theo ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), trong quá trình Đổi mới, Đảng và Nhà nước đã tạo điều kiện cho doanh nghiệp, doanh nhân phát triển. Trên 600.000 doanh nghiệp tư nhân đã được thành lập, cùng với doanh nghiệp nhà nước và trải qua quá trình phát triển 20 năm, cho đến thời điểm hiện nay, vẫn còn 70% số doanh nghiệp vẫn đang tồn tại, trụ vững và phát triển.

Với con số này, ông Lộc phân tích: “Có thể có người cho rằng 30% doanh nghiệp không còn nữa, đó là một sự thất bại, là một việc rất đau xót. Chúng ta cũng không muốn các doanh nghiệp đã tham gia vào thị trường lại phải rút khỏi thị trường, nhưng tỷ lệ đó, so với các nước trên thế giới là bình thường”.

Theo dẫn giải của ông Lộc, ngay cả ở các nước có trình độ cao như Mỹ, EU, trong khoảng 3 năm đầu tiên đã có khoảng 25% số doanh nghiệp rút khỏi thị trường. “Lĩnh vực kinh doanh không phải lĩnh vực của tất cả mọi người, không phải ai cũng có thể làm kinh doanh”- ông Lộc khẳng định.

Có những người làm kinh doanh đã thất bại và phải rút khỏi thị trường. Cho nên, 70% số doanh nghiệp vẫn còn trụ vững trong bối cảnh hiện nay, ông Lộc đánh giá đó là thể hiện một sức sống rất mãnh liệt của đội ngũ doanh nghiệp và doanh nhân Việt Nam và cũng thể hiện chính sách của Đảng, Nhà nước đã tạo điều kiện cho doanh nghiệp, doanh nhân phát triển.

Tuy nhiên, ông Lộc cũng thẳng thắn nhìn nhận: Hiện nay, chúng ta đang ở vào một thời điểm rất khó khăn. Đó là những yếu kém, khó khăn đã tích lũy từ lâu, cộng với ảnh hưởng suy thoái của nền kinh tế thế giới, rõ ràng doanh nghiệp, doanh nhân của chúng ta đang bước vào một giai đoạn phát triển mới, cần phải tái cấu trúc, định vị lại mình”.

Đặc biệt, Chủ tịch VCCI cho rằng, “các doanh nghiệp phải cao lên chứ không phải chỉ to ra, và phải xây dựng được Thương hiệu Việt”. Điều đáng mừng, theo Chủ tịch VCCI, các doanh nghiệp Việt Nam, nhất là các doanh nhân trẻ, đã cố gắng và bước đầu xây dựng được các thương hiệu và bắt đầu được thế giới chú ý đến.

Bối cảnh hiện nay, ông Lộc cho là “đang trong thời giông bão của doanh nhân, đó là cơn bão của thị trường mà doanh nhân phải chấp nhận”. Hiện nhiều doanh nghiệp đang phải ngừng sản xuất, cũng còn nhiều doanh nghiệp vẫn tiếp tục sản xuất kinh doanh. Nhưng nếu chỉ tính ở bài toàn lợi nhuận lỗ - lãi thông thường, thì nhiều doanh nghiệp sẽ đóng cửa sản xuất để bảo toàn vốn.

Song, dù lỗ nặng, nhiều doanh nghiệp vẫn tiếp tục sản xuất kinh doanh, bởi vì họ vẫn muốn đóng góp vào sự tăng trưởng kinh tế, muốn đảm bảo công ăn việc làm cho người lao động, vẫn thực hiện trách nhiệm xã hội của mình. “Đây là sự hy sinh lợi ích cá nhân vì sự phát triển của nền sản xuất kinh doanh, vì sự phát triển của xã hội. Đó là điều rất đáng trân trọng”- ông Lộc nhấn mạnh.

Vì thế, Chủ tịch VCCI cho rằng, trong giai đoạn phát triển sắp tới, các doanh nghiệp cần sự đồng lòng, góp sức của Đảng, Nhà nước và cả xã hội.

3 việc quan trọng doanh nhân phải làm ngay

Ông Đặng Lê Nguyên Vũ, Chủ tịch Tập đoàn Cà phê Trung Nguyên cho rằng, Việt Nam chưa có đội ngũ doanh nhân – doanh nghiệp thực sự hùng mạnh. Đất nước Việt Nam vẫn còn nghèo so với thế giới, mặc dù có nhiều lợi thế về địa chính trị, tài nguyên, nhân lực… Một trong những nguyên nhân quan trọng, theo ông Vũ, do nước ta chưa thực sự “trọng thương”.

Để gỡ khó cho nền kinh tế, đặc biệt là giúp đội ngũ doanh nhân- doanh nghiệp Việt vượt qua khó khăn hiện nay và tương lai vững mạnh hơn, ông Vũ cho rằng, cần có sự hội tụ các trụ cột: Các nhà chính trị - nhà doanh nhân – các nhà văn hóa – các nhà trí thức. Tất cả phải cùng nhìn về một hướng, trên một động lực chung.

Các doanh nghiệp cần hợp sức để cùng nhau tăng sức cạnh tranh 

Đối với cộng đồng doanh nhân, cần xác định mình là lực lượng mới, sẽ là trung tâm trong công cuộc kiến thiết đất nước trong bối cảnh mới. Xác lập điều này đồng nghĩa với xác lập tinh thần khởi nghiệp kiến quốc; xác lập tinh thần quốc gia dân tộc trong khát khao hoài bão đưa hình ảnh Việt Nam, sức mạnh Việt Nam, ảnh hưởng của Việt Nam thông qua hoạt động kinh tế ra thế giới.

Vì thế, theo ông Vũ, cộng đồng doanh nhân phải thực hiện ngay 3 nhiệm vụ:

Một là, nỗ lực cao độ trong hoạt động của chính mình và phải liên kết lại với nhau dưới những định chế mới. Trong những “mái nhà chung” này, doanh nhân sẽ có cơ hội chia sẻ những giải pháp thông minh, động lực, kỹ năng, nguồn lực manh mún nhỏ yếu thành lực lượng lớn… để có thể thắng tại đất nước của mình và lấy hậu phương này để vươn ra thế giới;

Hai là, doanh nhân phải là những người ở tuyến đầu, luôn tiếp cận cái mới, phải hệ thống hóa lại trở thành những đề xuất lên các nhà lãnh đạo chính trị để hoạch định những chính sách nhất quán phụng sự mục tiêu chung của đất nước;

Ba là, đội ngũ doanh nhân ngày nay phải có bổn phận, trách nhiệm đối với thanh niên. Phải nuôi dưỡng và chia sẻ với mấy chục triệu thanh niên cả nước về lý tưởng khởi nghiệp kiến quốc với một tinh thần đột phá, sáng tạo, và khát khao thi đua “dám tranh, biết tranh và biết thắng”.

Còn ông Nguyễn Liên Phương, Giám đốc Học viện Doanh nhân LP Việt Nam nhận định: Những khó khăn hiện nay của doanh nhân- doanh nghiệp Việt chỉ là một giai đoạn để chúng ta sắp xếp lại đội ngũ của mình. Trong khó khăn hiện nay, các doanh nghiệp vẫn gắng để vượt qua. Theo ông Phương, “khó khăn lớn nhất là chính sách nhiều khi chưa theo kịp sự phát triển của đội ngũ doanh nhân trong 20 năm Đổi mới vừa qua”.

Vì vậy, cũng quan điểm với ông Đặng Lê Nguyên Vũ về sự cần thiết phải hợp lực, chia sẻ của đội ngũ doanh nhân – doanh nghiệp, ông Phương cho rằng, trong giai đoạn hiện nay và tương lai, trong bối cảnh Việt Nam hội nhập ngày càng sâu rộng với thế giới, các doanh nhân – doanh nghiệp phải biết hợp sức lại để cùng “ra biển lớn”, tránh tình trạng đơn thương độc mã, tránh lối tư duy buôn bán nhỏ lẻ trên thị trường lớn mới có thể vượt qua giông bão và gặt hái thành công.

Và ông Phương đặt niềm tin rằng, nói doanh nghiệp Việt Nam yếu về nguồn lực vốn, công nghệ…. Song, “nguồn lực không ở đâu mà ở chính trong doanh nghiệp Việt. Có điều, chúng ta phải bàn tính rất cụ thể, tiêu những đồng tiền  của mình một cách khôn ngoan hơn, lựa chọn khôn ngoan hơn và những tiếp cận thông minh hơn”./.

(Xuân Thân/VOV

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất