Bắt mạch 2 điểm nghẽn lớn
Điểm nghẽn thứ nhất là tăng trưởng tín dụng. So với cuối năm trước, dư nợ tín dụng đến cuối tháng 6 vẫn còn giảm, đến 25/7 chỉ tăng rất thấp (0,57%). Việc dư nợ tính dụng giảm trong thời gian dài và tính chung 7 tháng tăng rất thấp là hiện tượng hiếm thấy của cùng kỳ trong nhiều năm qua. Đây cũng là tín hiệu cảnh báo khả năng cả năm nay tăng trưởng tín dụng sẽ thấp xa so với mục tiêu định hướng 15 - 17% từ đầu năm và thấp rất xa so với tốc độ tăng của nhiều năm trước đây (2011 tăng 12%, 2010 tăng 27,7%, 2009 tăng 37,7%, 2008 tăng 30,0%, 2007 tăng 51,4%...).
Đáng chú ý là tăng trưởng tín dụng thấp trong khi tăng trưởng tổng phương tiện thanh toán lại ở mức khá (tính đến 20/7 tăng 6,56%), chứng tỏ tiền tệ ra lưu thông ít, vẫn còn chạy loanh quanh ở hệ thống ngân hàng thương mại.
Các chuyên gia đã đưa ra hai nguyên nhân chủ yếu lý giải cho tình trạng trên. Thứ nhất là khách hàng hoạt động tốt không thực sự muốn vay với lãi suất mặc dù đã giảm xuống nhưng vẫn cao, có tâm lý chờ lãi suất giảm xuống nữa mới vay. Thứ hai, những khách hàng rủi ro không được vay do không đáp ứng được các điều kiện vay và ngân hàng lo ngại nợ xấu gia tăng; nợ xấu trở thành “cục máu đông” gây ách tắc dòng chảy tín dụng.
Điểm nghẽn thứ hai là tồn kho. Mặc dù tốc độ tăng tồn kho sản phẩm ở một số ngành đã giảm xuống (như tốc độ tăng so với thời điểm cùng kỳ năm trước của sản phẩm công nghiệp chế biến chẳng hạn, đã giảm liên tục qua các thời điểm: đến 1/3 tăng 34,9%,1/4 tăng 32,1%, 1/5 tăng 29,4%, 1/6 tăng 26%, 1/7 tăng 21%), nhưng vẫn còn khá cao. Tồn kho cao xảy ra ở hầu hết các sản phẩm, các ngành, từ lương thực, thực phẩm, đến sản phẩm công nghiệp, xây dựng, bất động sản, từ sản xuất đến thương mại, thậm chí cả vốn ở ngân hàng.
Tồn kho cao do nhiều nguyên nhân. Có nguyên nhân do đầu tư, sản xuất kinh doanh co lại, khiến cho nhu cầu đối với sản phẩm cũng co lại theo. Có nguyên nhân do thu nhập, sức mua có khả năng thanh toán của dân cư tăng thấp, thậm chí của một bộ phận dân cư bị sụt giảm do mất hoặc thiếu việc làm khi doanh nghiệp ngừng sản xuất, phá sản, giải thể. Có nguyên nhân do giá bán còn cao, bình quân 7 tháng năm nay vẫn còn tăng 11,2% so với cùng kỳ năm trước; nếu tốc độ tăng thu nhập thấp hơn con số đó thì chi tiêu sẽ thấp hơn. Đó là chưa kể còn có sự tác động của yếu tố tâm lý “tích cốc phòng cơ”, do tác động của lạm phát cao trong 2 năm trước, nay lại lo tăng trưởng kinh tế bị suy giảm, nên vẫn duy trì tâm lý này, thậm chí còn “thắt lưng buộc bụng” ở mức cao hơn, giảm lượng tiêu dùng, giảm chi tiêu.
Một số người trước đây có thể vay để đầu tư, chi tiêu, thì nay cũng sợ rủi ro nên không dám vay. Những người có thu nhập cũng có tâm lý chờ giảm giá nữa mới mua, mới chi tiêu. Ngân hàng cũng “co cụm” do lo ngại nợ xấu tăng; đòi hỏi người vay phải thế chấp, nhưng không phải tài sản nào cũng thế chấp được, nhất là sản phẩm, hàng hoá tồn kho; ngay cả bất động sản thế chấp cũng rất khó khăn khi thị trường này còn đang được dự đoán “đáy” đang ở phía trước, và nếu ngân hàng có “ôm” thì cũng rất khó xử lý.
Hai điểm nghẽn lớn trên đã tác động tiêu cực đến nhiều mặt kinh tế- xã hội, rõ nhất là ảnh hưởng tăng trưởng kinh tế. Mặc dù tăng trưởng kinh tế đã thoát đáy vào quý I, khi tốc độ đã cao lên trong quý II, nhưng tính chung 6 tháng vẫn thấp xa so với cùng kỳ 2 năm trước, thấp xa so với mục tiêu cả năm.
Trong 7 tháng đầu năm, đã có hơn 30 nghìn doanh nghiệp phải giải thể, tạm ngừng hoạt động ; nếu không có biện pháp cứu doanh nghiệp quyết liệt, kịp thời, thì năm nay con số này sẽ tăng, từ đó, kéo theo số người thất nghiệp, thiếu việc làm tăng, tác động tiêu cực đến việc thực hiện mục tiêu bảo đảm an sinh xã hội.
Tăng liều lượng "thuốc"
Để xử lý các điểm nghẽn trên, Nghị quyết 13/NQ-CP của Chính phủ đã đề ra các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường, bao gồm các giải pháp về tài khoá, về đầu tư và tín dụng. Việc đưa ra các giải pháp như trên, trong điều kiện nguồn lực có hạn (thu ngân sách khó khăn hơn, thanh khoản ngân hàng đã có sự cải thiện nhưng chưa thật bền vững, lạm phát đã được kiềm chế bước đầu nhưng chưa thật vững chắc…), lại phải đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, là đúng hướng, đồng bộ và phù hợp. Các Bộ, ngành, địa phương đã tích cực, khẩn trương thực hiện, một số biện pháp liều lượng còn mạnh hơn.
Về tài chính và đầu tư, đã hướng dẫn thực hiện việc gia hạn 6 tháng thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng; giảm 50% tiền thuế đất phải nộp; gia hạn 9 tháng thời hạn nộp đối với thuế thu nhập doanh nghiệp; miễn thuế môn bài năm 2012 đối với hộ đánh bắt hải sản và hộ sản xuất muối; gia hạn tối đa 12 tháng thời hạn nộp tiền sử dụng đất; giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp năm 2012; miễn thuế khoán giá trị gia tăng, thuế thu nhập cá nhân, thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2012 đối với một số đối tượng, đẩy mạnh tiến độ giải ngân các nguồn vốn đầu tư…
Ngoài ra, còn có một số giải pháp có liều lượng mạnh hơn, như nâng mức chịu thuế thu nhập cá nhân có liên quan đến 2/3 tổng số đối tượng nộp thuế cá nhân hiện nay; tạm ứng vốn đầu tư thuộc nguồn ngân sách năm 2013 với mức 30 nghìn tỷ đồng…
Về tiền tệ tín dụng, đã thực hiện ngay việc hạ trần lãi suất huy động về 9%/năm; đưa lãi suất cho vay ưu tiên về 12-13%/năm và vận động các ngân hàng thương mại đưa các khoản nợ cũ với lãi suất cao về dưới 15%, hỗ trợ tín dụng mua tạm trữ gạo xuất khẩu, hỗ trợ ngành nuôi cá tra…
Kết quả của việc thực hiện các giải pháp trên đã góp phần làm cho sản xuất kinh doanh và thị trường giảm bớt khó khăn, tăng trưởng kinh tế cho thấy tín hiệu thoát đáy vượt dốc đi lên.
Tuy nhiên, ngoài các giải pháp trên, người viết cho rằng cần triển khai tích cực các giải pháp như để xử lý điểm nghẽn thứ nhất, cần có đề án giải quyết nợ xấu một cách khẩn trương, với nguồn vốn chủ yếu từ sự đóng góp của các ngân hàng thương mại, sự tham gia của các tổ chức và nhà đầu tư nước ngoài…, đẩy nhanh quá trình tái cấu trúc ngân hàng, có thể áp dụng trở lại biện pháp cấp bù lãi suất như năm 2009 với liều lượng thấp hơn, sử dụng các công cụ tài chính khác để cứu doanh nghiệp.
Để xử lý điểm nghẽn thứ hai, cần áp dụng nhiều giải pháp như giảm thuế giá trị gia tăng trên mỗi hoá đơn bán lẻ, giảm thuế thu nhập cá nhân để tăng khả năng thanh toán của một bộ phận dân cư, áp dụng biện pháp tín dụng tiêu dùng với lãi suất tương đối hợp lý để người có nhu cầu tiêu dùng mua sắm, mở rộng mô hình liên kết tiêu thụ dưới dạng ứng vốn, ứng giống cho người nông dân rồi thu mua nông sản, đẩy mạnh hơn nữa cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; đưa hàng về nông thôn; hỗ trợ tìm thị trường xuất khẩu…
Bên cạnh đó, hỗ trợ đầu tư công trình theo chương trình xây dựng nông thôn mới, nhất là các công trình kiên cố hóa kênh mương, kiên cố hóa mặt đường, nước sạch… để vừa giảm tồn kho vật liệu xây dựng, vừa giải quyết việc làm, tăng thu nhập, sức mua có khả năng thanh toán của dân cư…
Minh Ngọc - Chinhphu.vn