Đường sá, vỉa hè hôm nay thế nào? Cái sự băn khoăn để ý ấy luôn thường trực trong tôi mỗi khi bước chân rời khỏi nhà. Có lẽ mọi người cũng vậy, hơn hai mươi ngày từ khi cuộc ra quân lập lại trật tự vỉa hè, lòng đường ai chẳng ít nhiều để ý, chẳng có cảm nhận, suy nghĩ này nọ.
Được tiến hành theo cách đồng loạt, kiên quyết, bài bản chưa từng thấy ở tất cả các thành phố, thị xã, cuộc ra quân dù mới bắt đầu, song đã đưa lại những hiệu ứng tích cực về nhiều mặt, đặc biệt là tạo đà thay đổi về kỷ cương trật tự xã hội, thay đổi về nhận thức, lối sống, lối ứng xử của nhiều người.
Tín hiệu lành, cái được nhãn tiền là đường thông, hè thoáng. Kèm theo đó cũng dễ thấy là tuyệt đại đa số mọi người đều nhận rõ lợi ích và ủng hộ. Người ta không thể chịu mãi, không thể thỏa hiệp và quen thuộc với cảnh hè phố, mặt tiền nhếch nhác, lộn xộn, bừa bãi, không thể nhẫn nhịn trước mối nguy hiểm thường trực đe dọa khi tham gia giao thông. Ngay những chủ nhà bày bán hàng, người bán hàng rong dù còn chút lăn tăn nhưng không còn thái độ bất hợp tác hay cự cãi như những lần dọn dẹp vỉa hè, lòng đường trước đây. Đơn giản là vì bất cứ ai và bất cứ ở đâu cũng phải thực hiện như nhau, không có ưu tiên cá biệt và không thể chạy chọt để chần chừ, tránh né.
Những cái được trên còn gây tác động trở lại, dẫn đến cái được cho mọi lực lượng chức năng, mọi cơ quan, đoàn thể. Hệ thống chính trị, các cấp chính quyền cùng nhìn thẳng một hướng, nhất loạt vào cuộc rõ ràng đã thể hiện được hiệu lực, hiệu quả. Ở phường tôi và ngay những chợ tạm, chợ cóc quanh nhà, những bóng áo công an, cảnh sát qua lại trở nên có uy hơn hẳn. Những thành viên dân phòng trong chiếc mũ và bộ trang phục màu vàng tự nhiên nghiêm ngắn, ăn nói đâu ra đấy được bà con phố xá hàng chợ tôn trọng. Bớt hẳn cảnh kỳ kèo, mặc cả, chẳng còn thấy chuyện người có quyền mè nheo. Mấy bác, mấy anh chị trong hội đồng nhân dân và ủy ban phường trực tiếp hoặc có người nhà, người thân quen mở cửa hàng cũng tự thân gương mẫu nghiêm chỉnh chấp hành trước hết...
Tự nhiên cảm giác về kỷ cương trở lại rõ ràng, phường ra phường, phố ra phố. Cuộc ra quân giành lại vỉa hè, lòng đường ở mức độ nhất định cũng chính là giành lại con người, chữ tín cho bộ máy công quyền.
Và nữa, không một ai ngoài cuộc. Ai chẳng phải ra đường, ai chẳng phải mua bán, giao dịch. Người đi bộ thấy vỉa hè có lối đi cũng bớt đi xuống lòng đường. Khách hàng, khách công sở cũng ý thức để ô tô, xe máy, xe đạp ngay ngắn. Những phụ huynh đi đón con cũng tuần tự xếp hàng xe trên lề đường quanh các cổng trường. Trong hiệu ứng của trật tự chung, đèn xanh, đèn đỏ cũng gần như trở lại với vai trò vốn có...
Lẽ dĩ nhiên, không phải một chốc mà mọi điều đều diễn ra theo như ý muốn. Có dấu hiệu chẳng lành là đường chính, phố chính được thông thoáng thì hàng họ chui vào những ngõ ngách. Nhà hàng, sạp hàng cố định thu gọn lại thì hàng rong vẫn hoạt động, thậm chí có những khu vực còn đông hơn. Người xách làn, giỏ quà bánh, người dắt xe đạp, đi xe máy chở hàng hay người đẩy xe hàng vẫn được đi lại bình thường. Họ không thuộc diện chiếm dụng lòng đường, vỉa hè nhưng rõ ràng họ có góp phần làm cản trở giao thông. Đã đành hàng rong là một nét văn hóa phố phường, đã đành hàng rong là kế mưu sinh vừa sức với nhiều người nghèo nhưng thử nghĩ nếu mức độ và mật độ hàng rong dày dặn lên đường phố sẽ ra sao? Nếu như mọi loại người đều phải thay đổi thì đối tượng này cũng cần thay đổi.
Thật mừng là, TP Hồ Chí Minh và TP Hà Nội đều đã tính toán đến việc thu xếp nơi chốn cho hàng rong và người buôn bán nhỏ. Cũng như vậy, vấn đề giao thông tĩnh, bến bãi, chỗ để xe chưa bao giờ được tập trung giải quyết như bây giờ. Giành lại đường thông, hè thoáng đã và phải được thực hiện kiên trì, đồng bộ với nhiều giải pháp cả trong giao thông, vệ sinh phố xá và vệ sinh, an toàn thực phẩm cũng như các giải pháp về kinh tế, công ăn việc làm cho những người buôn bán nhỏ. Và như vậy, không chỉ phố phường mà các làng quê ngoại thành, các tỉnh lân cận cũng cần vào cuộc tích cực và thiết thực hơn. Hiệu ứng lòng đường, vỉa hè sẽ càng lan tỏa./.
Nguyễn Mạnh (QĐND)