Thứ Bảy, 23/11/2024
Diễn đàn
Thứ Năm, 9/3/2017 21:19'(GMT+7)

Lúng túng trong xác định vị trí việc làm

Ảnh minh họa. (Nguồn: ITN)

Ảnh minh họa. (Nguồn: ITN)

Báo cáo ngắn gọn

Đề án vị trí việc làm là vấn đề khó. Ở các nước, khi muốn thành lập một tổ chức thì trước tiên phải phác thảo được chức năng, nhiệm vụ của tổ chức đó là gì? Từ chức năng, nhiệm vụ đó mới ra cần bao nhiêu người và xác định nhiệm vụ cụ thể mỗi người đó là gì. Lúc đó, họ mới thực hiện việc tuyển dụng. Nhưng ở nước ta, công việc này được thực hiện khi bộ máy, con người đã có sẵn.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Sỹ Cương

Trong hầu hết báo cáo mà các bộ, ngành gửi Đoàn giám sát của QH, nội dung về Đề án vị trí việc làm có phần ngắn gọn và khá mờ nhạt so với các nội dung khác. Với Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, nội dung này được đề cập chung chung như cải cách chế độ công vụ, công chức, xác định vị trí việc làm và cơ cấu công chức, viên chức của bộ, ngành được triển khai nghiêm túc theo quy định của Chính phủ. Tương tự, với Bộ Y tế là công tác xác định và xây dựng Đề án vị trí việc làm tại các đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ được đẩy mạnh; hầu hết các đơn vị đã xây dựng xong Đề án vị trí việc làm của đơn vị mình. “Bảo hiểm Xã hội (BHXH) Việt Nam đã thực hiện việc quản lý và sử dụng biên chế cũng như xây dựng Đề án vị trí việc làm của ngành BHXH bảo đảm đúng quy định” là nội dung nêu trong Báo cáo của cơ quan này. Trong báo cáo dài 17 trang của Bộ Giáo dục và Đào tạo gửi Đoàn giám sát, nội dung về Đề án vị trí việc làm được gói gọn trong 2 dòng: “Công tác xây dựng và phê duyệt Đề án vị trí việc làm đối với các đơn vị sự nghiệp trực thuộc Bộ còn chưa kịp thời, chưa thực hiện đúng kế hoạch được giao”.

Về thực tế này, Đoàn giám sát của QH đã yêu cầu các bộ, ngành làm rõ khó khăn, vướng mắc trong xây dựng cũng như triển khai Đề án này; cơ cấu công chức, viên chức của các Bộ đã gắn với vị trí việc làm chưa, hiệu quả ra sao?

Theo báo cáo của Bộ Y tế, việc thực hiện chính sách tinh giản biên chế và sắp xếp lại cơ cấu cán bộ phải dựa vào Đề án vị trí việc làm. Tuy nhiên, do ngành y tế có số lượng vị trí việc làm rất lớn, gồm nhiều bộ phận, nên việc xác định vị trí việc làm rất khó khăn và khó kiểm soát. Chỉ rõ đây không phải là vấn đề của riêng ngành y tế, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng, thành viên Đoàn giám sát, nêu thực tế, đang có vướng mắc trong xây dựng, phê duyệt và triển khai thực hiện Đề án vị trí việc làm, nhất là trong điều kiện biên chế hành chính bị khống chế. Vậy giữa yêu cầu phải xây dựng vị trí việc làm một cách khoa học và yêu cầu phải quy định “cứng” biên chế, thậm chí nhiều chỗ phải tinh giản có gì mâu thuẫn không? Trả lời từ các bộ, ngành sẽ là cơ sở để Đoàn giám sát đề xuất, kiến nghị với QH về những giải pháp hoàn thiện quy định pháp luật, gỡ vướng mắc này.

Tính khả thi không cao

Ghi nhận sự cần thiết của việc xây dựng Đề án vị trí trí việc làm - một trong những cơ sở quan trọng để tìm đúng người, đúng việc, tránh “phình” bộ máy, tăng biên chế, song từ thực tế xây dựng vị trí việc làm tại các bộ, ngành lại cho thấy, việc thống kê công việc của cán bộ, công chức, viên chức còn mang tính khái quát, định tính, thiếu thông tin về thời gian hoàn thành công việc, tổng thời gian thực hiện cũng như thiếu mô tả, phân tích chính xác, khách quan quy trình giải quyết công việc của từng cán bộ, công chức. Việc xác định số lượng người làm việc tương ứng với vị trí việc làm cũng rất khó khăn, mang tính định tính là chủ yếu, dẫn đến thiếu thuyết phục trong đề xuất số lượng người làm việc tương ứng với số lượng vị trí việc làm trong Đề án vị trí việc làm của cơ quan, đơn vị.

Từ thực tế triển khai, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến cho rằng, Bộ Nội vụ đưa ra những quy định như phải có sắp xếp, xây dựng xong vị trí việc làm, rồi mới được tuyển dụng. Điều này khiến các đơn vị đều bị lúng túng. Và lúng túng là đúng, bởi yêu cầu một nhân viên chỉ được vào một vị trí, nhưng thực tế người đó hoàn toàn có thể sắp xếp được 2 - 3 - 4 vị trí, Thứ trưởng Nguyễn Viết Tiến nói.

Cho rằng mô hình Đề án vị trí việc làm hiện có tính khả thi không cao, thực hiện rất mỏng manh và cần phải sơ kết lại, Thứ trưởng Nguyễn Viết Tiến nhấn mạnh, đối với ngành y tế, việc xây dựng Đề án vị trí việc làm ở các bệnh viện là không làm được. Đương nhiên, ngành y tế vẫn phải có định biên, kể cả đối với những bệnh viện tự chủ thì cũng cần xác định được những vấn đề như số giường bệnh, thuộc loại đa khoa hay chuyên khoa, số lượng bác sĩ, kỹ thuật viên…, còn cách sắp xếp vị trí việc làm có thể giao đơn vị tự chủ động với điều kiện không làm thay đổi tổng định biên. Đây là cách tổ chức, sắp xếp việc làm hợp lý, hiệu quả. Chung “nỗi niềm”, Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Doãn Mậu Diệp cũng cho biết, xác định vị trí việc làm là vấn đề khó, do vậy, Bộ căn cứ khối lượng công việc để tính biên chế.

Ghi nhận thực tế này, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Sỹ Cương, thành viên Đoàn giám sát, cho rằng, chúng ta cứ nói xây dựng vị trí việc làm, nhưng lẽ ra chính Bộ Nội vụ phải làm trước để các bộ, ngành, cơ quan khác “học tập”, nhưng Bộ Nội vụ cũng chưa làm được (?).

Xây dựng Đề án vị trí việc làm là cơ hội giúp các cơ quan, đơn vị rà soát lại tổ chức bộ máy, đội ngũ công chức, viên chức và xác định từng vị trí trong tổ chức gắn với việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị. Quan trọng hơn, đề án vị trí việc làm giúp đơn vị tránh tình trạng định sẵn nhân sự rồi mới tạo ra công việc và tránh sự chồng chéo khi phân công, giao việc. Mặt khác, xác định vị trí việc làm còn giúp công chức, viên chức thấy rõ vị trí, vai trò, trách nhiệm của mình trong tổ chức, và không thể đùn đẩy, thoái thác công việc.

Dẫu vậy, từ thực tế triển khai của các bộ, ngành lại cho thấy có khá nhiều vướng mắc cần được nghiên cứu, làm rõ và giải quyết. Một đề án có hay, có đúng và trúng đến mấy, nhưng nếu được triển khai một cách hình thức theo kiểu làm cho có, thì liệu rằng mục đích tốt đẹp đề ra có được thực hiện? Bộ máy có nhờ đó mà khắc phục được tình trạng “vì người đặt việc”, hay “vừa thừa, vừa thiếu” nhân lực? Đây là một trong những vấn đề cần được xem xét, giải quyết qua đợt giám sát chuyên đề này của QH. 

Hà An (Báo ĐBND)


Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất